Thiển ngộ về việc hướng nội tìm (Phần 1)



Tác giả: Trọng Nhiệm

[ChanhKien.org]

Hướng nội là Pháp bảo để các đệ tử Đại Pháp tu luyện và đề cao, nhưng việc hướng nội nói thì dễ, làm mới khó. Nhiều đồng tu biết rằng họ nên hướng nội và cũng muốn hướng nội, nhưng khổ nỗi là họ không biết cách hướng nội như thế nào, không hiểu hướng nội tìm rốt cuộc là tìm cái gì. Qua bài viết này, tôi tập trung bàn về một số thể hội của mình về phương diện hướng nội. Nếu có chỗ nào chưa thỏa đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ ra.

1. Tìm chấp trước

Sư phụ giảng:

“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người”. (Chuyển Pháp Luân)

Lý giải của tôi là, làm một đệ tử Đại Pháp đang trong tu luyện thì bất luận là trong thời kỳ tu luyện cá nhân hay thời kỳ tu luyện Chính Pháp, bạn đều phải không ngừng hướng nội tìm chấp trước của bản thân. Đây là việc cơ bản nhất, nền tảng nhất, thường được sử dụng nhất và phổ biến nhất của người tu luyện Đại Pháp. Kể từ khi tu luyện, thông qua việc không ngừng hướng nội tìm chấp trước và nhân tâm của bản thân, tôi liên tục được tịnh hóa tư tưởng, không ngừng đề cao cảnh giới, những mâu thuẫn, trở ngại và các vấn đề xuất hiện trên con đường tu luyện đều được hóa giải.

Trong thời kỳ tu luyện hòa bình (trước khi bị bức hại), có lần tôi bị đau răng dữ dội, cho rằng đó là để tiêu nghiệp nên tôi đã dùng chính niệm đối mặt với nó. Nhưng cơn đau này lại đến dữ dội, không nhường lấy một chút hòa hoãn nào cho tôi. Mỗi phút mỗi giây trôi qua đau đớn không thể tả, cuối cùng tôi nhớ tới Pháp bảo hướng nội tìm. Tôi đã viết ra tất cả các loại chấp trước tồn tại trong tư tưởng bản thân và tâm chấp trước biểu hiện trong mỗi sự việc vào một cuốn tập: Tâm tranh đấu, chấp trước vào danh, lợi, sắc, tình, tiền bạc, tâm tật đố, tâm oán hận, v.v. Khi viết đến tâm oán hận, răng của tôi đột nhiên ngừng đau. Sự việc này làm cho tôi thực sự trải nghiệm được uy lực mạnh mẽ của Pháp bảo hướng nội tìm.

Khi bước vào tu luyện Chính Pháp, ba việc học Pháp, giảng chân tướng và phát chính niệm, trên bề mặt vẫn đang làm, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng mình vẫn chưa hoàn toàn hòa tan vào Pháp, vẫn luôn cảm thấy có tâm nhưng chưa đủ lực, khiến bản thân chưa phát huy hết tác dụng trợ Sư Chính Pháp. Tôi vẫn chưa phủ định được việc bị tà ác bức hại kinh tế. Các đồng tu đã nhắc nhở tôi học lại kinh văn “Tiến đến viên mãn” để xem liệu tôi đã tìm ra được chấp trước căn bản của mình hay chưa.

Thế là tôi đã đào sâu vào bản thân mà không chút e dè, cuối cùng phát hiện ra rằng, sâu thẳm trong tư tưởng của mình khi mới đắc Pháp có tồn tại chấp trước căn bản là muốn lợi dụng Đại Pháp phù hộ cho bản thân đạt được quan to chức trọng nơi người thường, nhằm thỏa mãn các chấp trước về danh, tình, sắc, dục. Những tâm này ẩn giấu trong tư tưởng, ở nơi căn bản và sâu thẳm nhất của nội tâm. Chúng vẫn luôn bị các tâm chấp trước và nhân tâm khác trên bề mặt che lấp. Chỉ khi tìm ra nó, phơi bày nó, quy chính và giải thể nó, sinh mệnh này của tôi mới có thể hoàn toàn dung nhập vào trong Pháp.

2. Tìm quan niệm

Sư phụ giảng:

“Một cá nhân trong [quá trình] tu luyện sẽ có rất nhiều quan cần phải vượt qua; nguyên nhân tạo ra [như vậy] là vì từ khi sinh ra làm người trở đi chính là đã liên tục sản sinh các loại các dạng quan niệm đối với nhận thức xã hội nhân loại, từ đó sản sinh những chấp trước”. (Càng về cuối càng tinh tấn, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Thông qua lời giảng trên, tôi ngộ được một chân lý, sự sản sinh ra các chủng chấp trước của con người là do các loại quan niệm khác nhau tại thế gian hình thành. Quan niệm hình thành trước, chấp trước sinh ra sau; chấp trước là ngọn, quan niệm là gốc; chấp trước là cây cỏ, quan niệm là gốc rễ. Diệt cỏ thì phải diệt tận gốc, muốn trừ bỏ chấp trước thì phải chuyển biến quan niệm.

Trong quá trình tu luyện, tôi có một quan khó vượt qua nhất đó là con cái. Đứa con của tôi rất không phù hợp với quan niệm của tôi. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh cực khổ và hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, hiểu được làm người cần phải cố gắng vươn lên, phó xuất chịu khổ. Tôi tự mình lo liệu mọi việc từ học tập, công việc, kết hôn, cho đến mua nhà,… gia đình không cần lo lắng gì cho tôi cả. Nhưng con tôi học tập kém. Nó chỉ thích hưởng thụ, đua đòi, không biết cảm ơn, đòi hỏi gia đình phải lo công việc, nhà cửa, xe hơi, tiền bạc, xem đó như là lẽ đương nhiên, không đạt được thì oán khí ngút trời. Từ cách biểu hiện của đứa trẻ, tôi tìm thấy được bản thân mình có tâm oán giận, chán ghét, hư vinh, tật đố, tình, cầu tiền tài, tâm cầu danh, v.v. Dù tôi đã tìm thấy những tâm này rồi, nhưng chúng không vì vậy mà được trừ bỏ đi. Tôi vẫn cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy cháu đi ngang qua trước mặt tôi mà không nói một lời nào.

Thông qua việc học Pháp, tôi nhận ra rằng để giải quyết được ngọn núi lớn đang chắn ngang con đường tu luyện của mình, tôi phải bắt đầu bằng việc thay đổi quan niệm của bản thân, vậy nên tư tưởng của tôi đã vượt ra khỏi tầng thứ con người. Tôi không còn xem đứa trẻ này là con của mình nữa, mà xem nó là một vị Thần đã hạ thế xuống thế gian để ký thác hy vọng được đắc cứu vào vị Thần trong lần Chính Pháp này. Trong khi chứng thực Pháp tại nhân gian, tôi đã gặp phải gian nan vất vả vô cùng to lớn và thử thách trùng trùng. Trong giai đoạn này, vị Thần ấy lại dám hạ thế chuyển sinh vào nhà tôi và đóng vai làm con trai tôi. Thử hỏi sinh mệnh này cần phải có căn cơ to lớn nhường nào? Vị Thần ấy cần bao nhiêu dũng khí và chính niệm mới dám làm điều như thế?

Nhìn lại hơn 20 năm kể khi từ đứa trẻ đến nhân gian này, cháu lớn lên trong hoàn cảnh tà ác can nhiễu và bức hại tôi. Cháu đã trải nghiệm việc tôi bị tà ác giam giữ, bắt cóc, bị tà ác sa thải phi pháp, bị bức hại phải nhập viện, bị tà ác xúi giục chủ nợ đến nhà đòi nợ. Khi còn đi học, cháu bị giáo viên và các bạn cùng lớp bôi nhọ và chế giễu. Khi đi làm, cháu đã phải chịu đựng sự quấy nhiễu từ cộng đồng. Tà ác còn không cho phép cháu tham gia quân đội, làm cảnh sát, thi công chức. Kỳ thực trải qua nhiều năm như thế, con tôi vẫn luôn bị tà ác bức hại; sự phó xuất và chịu đựng của cháu là vô cùng to lớn.

Khi nhìn con mình như vậy, tôi chợt nhận ra trước mặt mình là một con người hoàn toàn mới, những khuyết điểm của con dường như không đáng kể và các chủng tâm trước đây của tôi đối với con bỗng nhiên biến mất. Tôi thực sự thể nghiệm được câu Pháp của Sư phụ:

“Quan niệm chuyển
Bại vật diệt
Quang minh hiển”
(Tân Sinh – Hồng Ngâm)

3. Tìm tà linh

Ngoài những chấp trước và quan niệm trong tư tưởng của đệ tử Đại Pháp ra, còn có một thứ đặc biệt bất hảo, đó là tà linh cộng sản. Thứ này mặc dù cũng tồn tại trong tư tưởng các đệ tử Đại Pháp, lẫn lộn trong các chấp trước và nhân tâm của đệ tử Đại Pháp, nhưng nó không thuộc về chấp trước, dục vọng, hay nhân tâm, mà nó là một chủng độc tố mà cựu thế lực đã cố tình ép nhập vào tư tưởng các đệ tử Đại Pháp. Những biểu hiện của nó tại thế gian là: Tà ác, lừa dối, xúi bẩy, lưu manh, gián điệp, trấn lột, đấu tranh, diệt chủng, khống chế (Trích Chín nhân tố di truyền – Cửu bình). Chừng nào chủng độc tố này còn tồn tại trong tư tưởng, các sinh mệnh tà ác sẽ dễ dàng khống chế các đệ tử Đại Pháp, điều này sẽ cản trở các đệ tử Đại Pháp chứng thực Pháp. Vì vậy, khi đệ tử Đại Pháp rà soát lại tư tưởng của mình, không chỉ cần tìm chấp trước và quan niệm, mà còn phải tìm những nhân tố tà linh này. Một khi phát hiện ra chúng thì phải ngay lập tức kiên quyết dùng chính niệm để diệt trừ.

Tôi làm việc trong cơ quan nhà nước nhiều năm và là người chính trực, thiện lương. Tuy nhiên, khi gặp chuyện không vừa ý hoặc mâu thuẫn lớn, tôi thường hay bất giác chửi mắng, đôi khi mắng người khác rất gay gắt. Các đồng tu xung quanh nhìn thấy rất ngạc nhiên, một đệ tử Đại Pháp hào hoa phong nhã như tôi, làm sao có thể mắng người khác tàn nhẫn như vậy? Khi hướng nội tìm trên phương diện này, tôi phát hiện ra đằng sau việc quát mắng này không phải là chấp trước, dục vọng hay nhân tâm, mà là nhân tố “lưu manh”, là một trong chín nhân tố của tà linh. Chính là loại nhân tố này đang làm mưa làm gió.

Bởi vì bản thân đảng cộng sản xuất thân là người vô sản lưu manh, trong chế độ quan trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là ở một số đơn vị cơ quan trọng yếu, muốn có quyền thế, muốn lời nói có sức nặng thì phải có “khí chất thổ phỉ”, chỉ bằng cách này mới có thể trụ vững trong đơn vị, được cấp trên xem trọng và tránh bị cấp dưới coi thường. Vì vậy, quan chức các cấp của ĐCSTQ đều sẽ cố ý hoặc vô thức để mình thấm đẫm “khí chất thổ phỉ” này. Tôi đã từng làm việc bên cạnh các nhà lãnh đạo và hàng ngày phải giao thiệp với nhiều loại quan chức của ĐCSTQ, nên đã tiêm nhiễm loại nhân tố này trong vô thức. Sau khi tìm thấy nhân tố “lưu manh” này, tôi lập tức phát chính niệm để tập trung thanh trừ nó, làm cho trường không gian của tôi trở nên hoàn toàn sạch sẽ.

4. Tìm văn hóa đảng

Quan niệm có thể sản sinh chấp trước, tương tự như vậy, văn hóa đảng cũng là nơi ươm mầm cho những nhân tố tà linh tồn tại lâu dài trong cơ thể con người. Muốn diệt trừ triệt để những nhân tố của tà linh thì chúng ta phải giải thể toàn diện văn hóa đảng mang trên thân thể, thay vào đó là văn hóa truyền thống, các giá trị phổ quát và Đại Pháp. Văn hóa đảng là tập hợp các học thuyết tà ác phản Thần do tà ma cộng sản trong nhân gian tạo ra.

Sư phụ giảng:

“Về vấn đề Đảng cộng sản bức hại Pháp Luân Công, mấy năm vừa qua vẫn luôn có rất nhiều người Trung Quốc do không biết rõ chân tướng, nên mới cho rằng cuộc bức hại ấy là cần thiết; nguyên nhân là do Đảng qua nửa thế kỷ thống trị Trung Quốc đã rót đầy một bộ ‘văn hoá Đảng’ của cái Đảng ấy vào người dân Trung Quốc nên mới thành ra như thế; làm cho người Trung Quốc khi nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ vấn đề cũng như hành vi của người ta, đều là đứng tại tư duy trong văn hoá Đảng vốn đã được hình thành một cách có ý đồ [từ trước]. Người Trung Quốc nào sau khi bị thứ tư tưởng ấy cải tạo rồi, đã hoàn toàn không [theo] phương thức của nhân loại bình thường mà nhìn nhận vấn đề, suy nghĩ vấn đề cũng như hành vi nữa”. (Không phải là làm chính trị, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Văn hóa đảng tuyên dương: Vũ trụ được hình thành một cách tự nhiên, con người tiến hóa từ khỉ, đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất cho sự phát triển xã hội; công việc, giáo dục, y tế, hôn nhân, gia đình, sự nghiệp và dưỡng lão của người Trung Quốc đều do đảng cấp cho. Mọi sự nghiệp trong xã hội Trung Quốc đều đạt được nhờ sự lãnh đạo của đảng, đảng là mẹ, yêu mẹ thì phải yêu đảng, yêu đảng chính là yêu nước, yêu nước cần phải yêu đảng, phản đảng chính là phản quốc, phản đảng chính là làm chính trị, v.v. Tôi lớn lên trong môi trường tà ác của văn hóa đảng, mặc dù thông qua việc học Pháp liên tục đã thanh trừ một bộ phận văn hóa đảng, nhưng tư duy văn hóa đảng thỉnh thoảng vẫn ảnh hưởng đến tôi, do đó cản trở tôi đồng hóa Đại Pháp.

Tôi nhớ rằng sau khi cuốn “Cửu Bình” được đăng tải, đặc biệt là khi tiến trình Chính Pháp tại thế gian tiến tới giai đoạn truyền bá “Cửu Bình”, khuyên “tam thoái” đã làm tôi rất chấn động. Ban đầu khi giảng chân tướng Đại Pháp bị ĐCSTQ bức hại, tôi chưa gặp phải trở ngại gì. Nhưng khi trực tiếp thuyết phục mọi người thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, giải thể toàn diện ĐCSTQ, đã có lần tôi bị đình trệ. Ngoài nỗi lo sợ bị ĐCSTQ đả kích, trả thù, ở sâu thẳm trong tư tưởng tôi chính là loại tư duy văn hóa đảng “phản đảng chính là phản quốc gia, phản đảng chính là làm chính trị, phản đảng chính là phạm pháp, khuyên tam thoái chính là phản đảng” đang tác oai tác quái.

Về sau, thông qua việc đọc đi đọc lại các kinh văn của Sư phụ như “Không phải là làm chính trị” và “Chuyển Luân hướng thế gian”, v.v, đọc các sách, tài liệu như “Cửu Bình” và “Giải thể văn hóa đảng”, tôi mới hoàn toàn loại bỏ được bộ phận văn hóa đảng này và tập trung toàn lực vào trào lưu khuyên “tam thoái” cứu độ chúng sinh.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/289751



Ngày đăng: 08-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.