Ngộ được càng nên làm được



Tác giả: Trọng Sinh

[ChanhKien.org]

Tôi đắc Pháp vào năm 1998, bước trên con đường tu luyện Đại Pháp đã được hơn 20 năm. Về phương diện làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu, bản thân tôi cũng cảm thấy mình tinh tấn. Thế nhưng trong quá trình tu luyện hơn 20 năm, trong khi tu bỏ các loại nhân tâm và chấp trước, tôi cảm thấy có rất nhiều tâm chấp trước thật khó để trừ bỏ chúng. Có một số nhân tâm thường xuyên biểu hiện ra bề mặt, một số chấp trước cứ xuất hiện lặp đi lặp lại; tôi thường xuyên bị những nhân tâm và chấp trước này làm cho rối bời quay cuồng không biết phải làm thế nào.

Suy xét lại bản thân mình, rõ ràng có rất nhiều tâm chấp trước dù đã hướng nội tìm nhiều lần, cũng đã tìm ra được rồi và cũng ngộ đến rồi, tuy nhiên, qua một quãng thời gian nó lại xuất hiện. Có rất nhiều nhân tâm và chấp trước phát sinh với cùng một người hoặc phát sinh trong cùng một hoàn cảnh. Bao nhiêu năm qua, chính vì điều này khiến tôi rất khổ não, không biết rốt cuộc bản thân mình sai ở đâu.

Từ năm 2019, tôi bắt đầu quay trở lại học thuộc Pháp, dần dần tôi ngộ ra rằng, nguyên nhân thực sự khiến những nhân tâm và chấp trước của bản thân xuất hiện lặp đi lặp lại chính là vì: Đối với những tâm chấp trước đó, tôi chỉ hướng nội tìm, ngộ ra và tìm được chúng, nhưng sau đó không trừ bỏ chúng từ gốc rễ. Nói cách khác, chính là giống như cắt rau hẹ vậy, chỉ cắt bỏ những phần lá trên mặt đất chứ không nhổ bỏ tận gốc, do đó về sau chúng sẽ phát triển trở lại. Đối với một số chấp trước, hướng nội tìm chỉ tìm đến được tầng nông của chấp trước, chứ không đào sâu tìm hiểu căn nguyên của chúng nằm ở đâu. Ví dụ: Tìm thấy tâm hiển thị, tôi tự hỏi tại sao lại tồn tại tâm hiển thị này? Gốc rễ của nó là gì? Đối với tâm tật đố, tôi tự hỏi tại sao chúng có thể tồn tại? Ngoài ra còn có tâm muốn lấy lòng người khác, tâm thích nghe những lời dễ nghe, tâm lợi ích; những nhân tâm này thường xuất hiện lặp đi lặp lại, kỳ thực thông qua việc học thuộc Pháp, tôi nhận thức ra rằng nguyên nhân thực sự khiến những nhân tâm này tái diễn nhiều lần, chính là do bản thân vẫn còn tồn tại “tư” tâm. Chính là cái “tư” tâm này đã khiến những nhân tâm kia xuất hiện lặp đi lặp lại. Nếu như đào bỏ được cái gốc rễ này đi, thì tất cả mọi nhân tâm liền không còn gốc để tồn tại nữa, không có gốc rễ nữa thì trừ bỏ chúng đi sẽ dễ dàng.

Sau khi tìm ra gốc rễ của vấn đề, tôi chú ý đến từng suy nghĩ từng ý niệm, cẩn thận xét xem những hành động của mình có quan hệ với “tư” hay không, nếu có liền lập tức quy chính lại từng niệm từng hành vi của mình để lời nói và việc làm của bản thân tách rời khỏi cái “tư” ấy. Chẳng hạn, trước đây mỗi khi thấy con gái mình lãng phí gì đó, trong tâm tôi đều cảm thấy tức giận bất bình; khi thấy con rể không chú ý đến vệ sinh, tôi cũng lẩm bẩm cằn nhằn; khi nhìn thấy những tật xấu của đứa cháu nhỏ, trong tâm tôi cũng cảm thấy rất khó chịu, không quở mắng vài câu thì trong tâm khó chịu bực bội. Nhìn bề ngoài, tất cả những biểu hiện hành vi này tưởng chừng như là nhỏ nhặt, nhưng khi truy tìm đến căn nguyên của nó thì tất cả đều là vì bản thân, muốn mình được thoải mái, muốn bản thân cảm thấy dễ chịu, chứ không chiểu theo những gì Sư phụ đã giảng mà làm.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta rằng:

“Người tu luyện không quản việc của nhân gian”. (“Tu luyện không phải là chính trị”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Từ lời giảng Pháp của Sư phụ, tôi ngộ ra rằng bản thân vốn dĩ đã không nghe lời Sư phụ, đi quản việc của người thường, vì vậy làm cho hoàn cảnh xung quanh không được hài hòa. Sư phụ đã dạy chúng ta:

“Đệ tử Đại Pháp các vị chỉ cần hành xử thật ngay chính, thì chư vị sẽ cải biến được hoàn cảnh xung quanh, chư vị sẽ cải biến được người ta”. (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)

Sau đó, tôi bắt đầu quy chính lại bản thân, thay đổi chính mình để giống như một người tu luyện ở mọi phương diện, làm gương cho người thường, không bị lẫn lộn với người thường. Khi nhìn thấy những thứ mà con gái lãng phí, tôi sẽ nhặt chúng lên, cái gì dùng được thì tiếp tục dùng, cái gì ăn được thì ăn; sau đó tôi nhắc nhở con gái, nói cho con biết, tiết kiệm là mỹ đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Đối với việc con rể không chú ý đến vệ sinh, tôi giúp con lấy quần áo bẩn mang đi giặt rồi sau đó cất lại chỗ cũ. Về một số tật xấu của cháu trai, tôi dùng văn hóa truyền thống để dạy dỗ cháu, kể cho cháu nghe những câu chuyện ngắn ngày xưa về văn hóa truyền thống, giúp cháu thay đổi tốt hơn. Khi tôi quy chính bản thân, ước thúc tốt bản thân và hành xử ngay chính, hoàn cảnh sinh hoạt của tôi ngay lập tức cải biến. Con gái cũng không còn tùy tiện lãng phí nữa, con rể cũng chú ý đến vệ sinh cá nhân, ngay cả cháu ngoại cũng trở nên biết nghe lời hơn. Thực tế đã minh chứng rằng Pháp của Sư phụ là hoàn toàn đúng.

Từ những ví dụ trên, tôi ngộ ra được rằng về vấn đề trừ bỏ nhân tâm, không thể chỉ đơn giản là ngộ ra, mà càng nên cần phải làm được, thực hiện được. Không thể chỉ dừng lại ở việc nhận thức và tìm ra nó, mà cần phải tìm ra được gốc rễ của nó, đào tới gốc rễ của chúng, kiên trì bền bỉ trừ bỏ chúng thì mới đạt được mục đích trừ bỏ tận gốc nhân tâm.

Trên đây là một chút nhận thức cá nhân của tôi ở giai đoạn hiện tại, có chỗ nào không đúng kính mong các đồng tu từ bi chỉ ra.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/288650



Ngày đăng: 20-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.