Chuyển biến quan niệm giúp tôi thoát khỏi huyễn tượng



Tác giả: Úc Thanh

[ChanhKien.org]

Hồi bé khi đọc câu chuyện “Tái Ông thất mã” (Ông già mất ngựa), tôi tưởng rằng Tái Ông hẳn là một thầy bói như trong phim truyền hình, có khả năng đoán trước những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên mới có thể phán đoán chính xác kết quả của sự việc. Sau này tôi mới hiểu ra rằng, lý của thế gian và chân lý là phản đảo, Tái Ông có lẽ không có năng lực biết trước tương lai, nhưng ông lại không bị mê bởi quan niệm đo lường tốt xấu của người thường, điều mà người khác cho là việc tốt, ông cảm thấy không nhất định là tốt, điều người khác cho rằng là việc xấu, ông lại cho rằng không nhất định là xấu. Do đó, ông mới có thể nhìn thấu mọi huyễn tượng trên đời.

Một ngày nọ, khi tôi học đến đoạn Pháp:

“Tôi dẫn ví dụ này cho mọi người; trong Phật giáo giảng rằng hết thảy hiện tượng của xã hội nhân loại đều là huyễn tượng, không thật”. (Chuyển Pháp Luân)

Trong đầu tôi nảy sinh ra nhiều liên tưởng, những vật chất nhìn thấy được ở không gian nơi chúng ta đang sinh sống là huyễn tượng, những sự việc tôi gặp phải trong cuộc sống là huyễn tượng, biểu hiện của người khác mà tôi nhìn thấy được là huyễn tượng, ma nạn tôi gặp phải là huyễn tượng, thậm chí cảm giác của tôi cũng là huyễn tượng, vậy thì điều gì khiến tôi bị huyễn tượng này mê hoặc, bị huyễn tượng này dẫn động mà khó thoát ra được?

Suốt một thời gian dài, việc kiên trì dậy sớm luyện công mỗi ngày là điều tôi muốn làm nhưng không thể đột phá được. Kiên trì được một thời gian rồi lại ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới, sau đó lại kiên trì một đoạn thời gian, rồi lại không dậy được, cứ thế lặp đi lặp lại. Tôi đã thử nhiều cách khác nhau, cũng có lần tôi biết rằng có ma đang can nhiễu không để tôi thức dậy, nên tôi tập trung thanh trừ nó. Trong khoảng thời gian đó, việc dậy sớm trở nên dễ dàng hơn. Sau đó kiên trì được khoảng hơn một năm, tôi lại rơi vào trạng thái như trước đây.

Một ngày nọ, khi đồng hồ báo thức reo, gió Bắc bên ngoài cửa sổ đang kêu rít, tôi đưa tay ra khỏi chăn lập tức cảm thấy lạnh cóng, chiếc chăn ấm khiến tôi có chút lười biếng. Tôi chợt nhận ra, cảm giác của con người là một loại huyễn tượng. Nằm trong chăn ấm cảm thấy rất thoải mái dễ chịu phải không? Đó là hang động của ma đang nuôi dưỡng sự lười biếng an dật, nơi có thể làm bào mòn ý chí của người tu luyện, đó đâu phải là sự thoải mái. Thức dậy cảm thấy rất lạnh, ngồi song bàn rất đau, khi bão luân tay cảm thấy rất nặng, khiến người ta cảm thấy khó chịu phải vậy không? Thật ra, khi người tu luyện luyện công, bản thể đang chuyển hóa hướng đến thần thể, chịu khổ để chuyển hóa vật chất màu đen thành vật chất màu trắng, đó mới chính là thoải mái. Sau đó, tôi nhanh chóng đứng dậy.

Tôi suy xét bản thân, thấy rằng ngoài chủng quan niệm “luyện công rất khổ, ngủ rất thoải mái” cản trở tôi kiên trì luyện công mỗi buổi sáng, còn có một chủng quan niệm khác là “luyện công không quan trọng”. Loại quan niệm này xuất phát từ việc tìm cớ trong Pháp để bào chữa cho chấp trước của bản thân. So với việc học Pháp và tu tâm, luyện công được xếp sau, nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng, chỉ là trong những trường hợp đặc biệt, thật sự không có thời gian luyện công thì mới tìm thời gian khác để luyện bù, nhưng không thể coi trường hợp đặc thù này là trạng thái bình thường.

Sư phụ giảng:

“Một bộ công pháp tính mệnh song tu hoàn chỉnh, nó yêu cầu cả tu, yêu cầu cả luyện”. (Chuyển Pháp Luân)

Vì vậy, chúng ta phải nghiêm khắc yêu cầu chính mình.

Những ngày sau đó, khi chuông báo thức reo lên, tôi lập tức tự nhủ rằng luyện công rất quan trọng, nằm trong chăn không thoải mái, thức dậy luyện công mới thoải mái. Mỗi ngày đều như thế, một tháng, hai tháng, tôi dần phát hiện quan niệm của bản thân đã chuyển biến. Ngay cả khi nhiệt độ trong phòng chỉ bằng 0 độ C, tôi vẫn có thể dậy luyện công mà không do dự. Dần dần, tôi thực sự cảm nhận được rằng, luyện công đã trở thành một việc thiết yếu mỗi ngày như ăn và ngủ, hơn nữa tôi cảm thấy luyện công mới là thực sự thoải mái.

Từ sự việc này, tôi phát hiện rằng quan niệm là nguyên nhân chính khiến tôi bị mê hoặc bởi những huyễn tượng.

Sư phụ giảng:

“Một cá nhân trong [quá trình] tu luyện sẽ có rất nhiều quan cần phải vượt qua; nguyên nhân tạo ra [như vậy] là vì từ khi sinh ra làm người trở đi chính là đã liên tục sản sinh các loại các dạng quan niệm đối với nhận thức xã hội nhân loại, từ đó sản sinh những chấp trước. Bởi vì xã hội nhân loại là một thế giới mà khổ nạn và hưởng thụ lợi ích cùng có, [nên] cuộc đời con người ta có rất nhiều khổ nạn, bất kể chư vị có nhiều tiền đến mấy, [thuộc về] giai tầng xã hội nào đi nữa. Vì thống khổ làm con người khó chịu, từ đó con người, dù tự nhận ra hay không tự nhận ra, đều sẽ đối kháng với khổ nạn; mục đích là mong muốn được sống hạnh phúc hơn một chút; vậy nên khi truy cầu hạnh phúc, con người sẽ hình thành [ý tưởng] làm sao cho bản thân không phải chịu thiệt thòi, sống tốt ra sao, thế nào mới có thể vươn lên hàng đầu ‘công thành danh toại’ trong xã hội này, làm sao để hưởng thụ được nhiều, làm sao để trở thành kẻ mạnh hơn, v.v. Vì thế, cùng với lúc có được một số kinh nghiệm, thì cũng hình thành những quan niệm nhân sinh; kinh nghiệm qua thực tế lại còn khiến quan niệm trở nên ngoan cố hơn”. (“Càng về cuối càng tinh tấn”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Từ đoạn Pháp này, tôi nhận ra rằng, quan niệm là nguyên nhân sinh ra chấp trước. Mà hết thảy chấp trước chỉ khiến con người sống thoải mái trong huyễn tượng nơi nhân loại, khiến con người càng khó siêu xuất khỏi tầng thứ nhân loại này. Làm một người tu luyện, thì cần phải siêu xuất khỏi người thường. Nếu muốn thoát khỏi các loại huyễn tượng của thế gian con người, trước tiên tôi cần chuyển biến quan niệm. Do đó, tôi cố gắng thay đổi quan niệm, nhìn nhận những sự việc gặp phải trong cuộc sống với tâm thái giống như nhìn nhận những huyễn tượng vậy.

Khi gặp mâu thuẫn trong cuộc sống, đầu tiên chúng ta thường sẽ cho rằng đó là điều xấu, tâm tình cảm thấy khó chịu, tức giận, bất bình, v.v. Sau đó, mới dùng Pháp lý để bình tâm lại. Bây giờ, niệm đầu tiên của tôi sẽ nghĩ mâu thuẫn này là huyễn tượng, nó diễn hóa ra để giúp tôi đề cao, bởi vì tôi vẫn còn tâm tranh đấu, tâm tật đố, tâm không để người khác nói, tâm lợi ích chưa buông bỏ, vậy nên đây là đại hảo sự. Sau một hồi, mâu thuẫn cũng tan biến như ảo ảnh.

Trước đây, khi cảnh sát đến nhà, tôi thường bị cản trở bởi quan niệm “cảnh sát đến nhà là để bức hại tôi”, sau đó tôi trốn khắp nơi và sinh ra tâm lý sợ hãi, bất lực, tức giận, v.v., không thể bình tĩnh trong một thời gian dài. Bây giờ, tôi đã chuyển biến quan niệm, việc cảnh sát đến quấy nhiễu là huyễn tượng, thực chất là họ đến để cầu cứu, cầu tôi thanh trừ tà ác đằng sau họ. Vì vậy, tôi phát chính niệm thanh trừ tà ác thao túng cảnh sát hành ác, và chúng ta sẽ chủ động sử dụng các phương thức khác nhau để cảnh sát minh bạch chân tướng, ngăn chặn họ phạm tội với Đại Pháp dưới sự thao túng của tà ác. Không lâu sau huyễn tượng biến mất, tình thế đảo ngược từ việc chúng ta trốn tránh khi cảnh sát đến nhà, nay đã diễn biến thành việc chúng ta tìm cảnh sát thì họ lại trốn tránh.

Trước đây, khi thấy đồng tu mê đắm vào điện thoại di động không thể tự thoát ra, tôi sẽ oán trách, coi thường họ, sau đó tôi như người thường chỉ trích họ, áp đặt lên người khác, kết quả là phản tác dụng. Bây giờ, tôi luôn tự nhủ bản thân, biểu hiện của đồng tu là huyễn tượng, một mặt là vì bản thân tôi cũng có những nhân tâm tương tự nên mới diễn hóa ra huyễn tượng này cho tôi thấy, mặt khác là do tà ác đã ức chế chính niệm của đồng tu. Tôi không thể bị mê hoặc bởi huyễn tượng bề mặt, cũng không nên áp đặt lên người khác. Chúng tôi đều là đệ tử của Sư phụ, Sư phụ đều đang quản, việc tôi cần làm là giúp đồng tu phát chính niệm, cùng nhau học Pháp nhiều hơn, luyện công nhiều hơn, phát chính niệm nhiều hơn. Không lâu sau, đồng tu đã quy chính hành vi của mình và ngày càng tinh tấn hơn, bản thân tôi cũng được đề cao.

Trước đây, khi cơ thể không khỏe, tôi thường nghĩ rằng mình bị bệnh ở chỗ nào đó. Sau một thời gian tu luyện, tôi nghĩ rằng mình có lậu ở phương diện nào đó nên bị cựu thế lực bức hại rồi. Bị giới hạn bởi quan niệm “có lậu sẽ bị bức hại”, khiến cho trạng thái của bản thân lúc tốt lúc xấu. Bây giờ, tôi coi tất cả những điều đó là huyễn tượng. Thân thể của chúng ta đã được Sư phụ tịnh hóa rồi, đã được Sư phụ đặt vào hàng nghìn hàng vạn cơ chế, sẽ không có bệnh và không ai có thể động đến được. Vậy thì nguyên nhân của hiện tượng khó chịu này là gì? Là do tôi cần đề cao tầng thứ, mà muốn đề cao tầng thứ thì phải đề cao tâm tính, vậy hãy tìm xem bản thân có những tâm chấp trước nào cần loại bỏ không.

Sư phụ giảng:

“Điều con người khó bỏ được nhất là quan niệm, có người thậm chí vì giả lý mà hy sinh sinh mệnh chứ không cải biến, ấy thế mà quan niệm là hậu thiên hình thành”. (“Tồn tại vì ai”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Những quan niệm hình thành hậu thiên giống như tầng tầng lớp lớp sương mù, khiến huyễn tượng này của thế nhân càng thêm mê hoặc, khiến con người càng khó thoát ra khỏi nó. Tôi ngộ được rằng, muốn nhảy thoát khỏi huyễn tượng cần phải chuyển biến quan niệm, mà muốn chuyển biến quan niệm thì cần học Pháp nhiều, học Pháp nhập tâm.

Trên đây là thể ngộ cá nhân của tôi, vì tầng thứ có hạn, nếu có chỗ nào không phù hợp với Pháp, kính mong các đồng tu từ bi chỉ ra.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/287304



Ngày đăng: 19-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.