Trưởng thành trong tu luyện
Tác giả: Giản Đơn
[ChanhKien.org]
Chủ đề “Tu luyện” này đã theo tôi trong suốt 30 năm cuộc đời. Bắt đầu từ thời tôi còn học trung học cơ sở cho đến lúc tôi 40 tuổi, có giai đoạn tôi tu luyện tinh tấn, cũng có lúc giải đãi, đôi khi chí khí ngút trời, thỉnh thoảng lại chùn bước hối hận, tôi từng ung dung nhìn thấu thế gian, không khỏi ngậm ngùi trước thế đời chìm nổi,… Con đường dưới chân vẫn còn dài, tôi cần chiểu theo yêu cầu của Pháp để tiến về phía trước.
Do căn cơ của bản thân, hoặc có lẽ do những điều tôi từng gặp phải trong đời này đã tạo thành thế giới nội tâm bi quan. Thực ra, từ thuở nhỏ tôi là một người vô cùng lạc quan, tính tình cởi mở, chỉ là do những đau khổ và bất ổn đã trải qua thời niên thiếu, làm cho tâm hồn vô ưu của tôi dần dần bị gậm nhấm. Thời gian dài sống trong hoàn cảnh căng thẳng không tự tại dễ khiến người ta trở nên mất hòa khí. Cứ thế trôi qua, mỗi lần gặp mâu thuẫn, mặc dù nhẫn nhịn được nhưng tôi không thể xả bỏ, để rồi nó tích tồn trong nội tâm. Thực ra là do không thể chính ngộ Pháp lý, do đó cảm thán đời người sao mà nghiệt ngã, coi tất cả những khổ sở trong cuộc sống là sự bất công đối với mình.
Không chìm đắm trong quá khứ
Mỗi lần không nhẫn được, bạn đừng nên mãi tiêu trầm, thậm chí không thể học Pháp lại từ đầu, luôn cho rằng bản thân luôn không vượt được quan, không được nữa rồi. Đầu tiên bạn nên chấp nhận chỗ thiếu sót của mình, chính bởi vì còn thiếu sót mới cần phải tiếp tục tinh tấn.
Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân rằng:
“Toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người”.
Vì thế, mỗi lần cần phải vượt quan đều là tôi luyện, đều là việc tốt. Vượt qua rồi, đương nhiên là chuyện tốt, vượt không qua cũng là việc tốt mà. Bởi vì nó có thể giúp bạn chú ý đến thiếu sót của bản thân, lắng đọng xuống, tĩnh tâm học Pháp. Tiếp tục tinh tấn học Pháp mới là quan trọng nhất, không thể bởi vì không vượt quan được mà bỏ cuộc, mà nản lòng, cần nhận thức rằng điều này là hiện tượng bình thường, chưa diệt mất nó, nó vẫn còn tác động thậm chí khống chế bạn, hễ buông lơi tư tưởng liền có thể bị nó dùi vào sơ hở, vì thế cần tiếp tục tu, tiếp tục học Pháp, ngẫm nghĩ lại những chuyện đã qua của bản thân. Chuyện ngày hôm qua là không thể thay đổi, chỉ có thể hướng nội tìm để tự mình thay đổi, tìm ra chỗ sai kém của bản thân so với Pháp lý, xoa dịu tâm tình, trừ bỏ quan niệm biến dị hậu thiên.
Không vướng vào cái tình của con người
Tình của con người có gốc là vị tư, đối tốt với người khác là vì bản thân, đối xử không tốt với người khác cũng là vì bản thân mình, lo sợ bản thân chịu tổn thương, sợ bản thân chịu mất mát, nói chung đều là lấy bản thân làm trung tâm. Đây là trạng thái sinh tồn của con người, không thể yêu cầu con người thoát ly khỏi tình, vì thế khi bạn chịu tổn hại, bị bắt nạt, bị công kích, đừng để nó trong tâm, những nỗi khổ này là lẽ đương nhiên khi sống trong xã hội người thường, là chuyện thường xảy ra. Trong mỗi một quần thể đều luôn có những kẻ hay bắt nạt người khác, cũng có người bị kẻ khác bắt nạt. Đây chính là thế gian con người, vì thế mới được gọi là ngục luyện (địa ngục để rèn luyện), người tu luyện và người không tu luyện đang bị các loại thống khổ đó bủa vây. Thiện lương của con người không được đền đáp một cách rõ ràng tại nơi đây, vậy nên mới gọi là vô minh.
Thời mạt Pháp mạt thế, bản tính con người hầu như không còn nữa, con người thế gian vô cùng độc ác, coi nhau như kẻ địch, những thứ con người nghe được thấy được đều không chính diện. Vậy nên, những kỳ vọng và yêu cầu đối với những người xung quanh cũng hạ xuống mức cực thấp, không cần phải cảm thán vì sao không thể sống yên ổn, vì sao phải thận trọng từng bước, vì sao việc này chưa xong việc khác đã ập tới…. Không thể để tình chi phối, nhất thời tâm tình khởi lên muốn làm việc tốt cho người khác là tình; mặt khác, bi quan lười biếng ê chề cũng là tình. Bạn nên giữ tâm bất động, làm việc bản thân cần làm, làm sai rồi thì tu chỉnh, kịp thời tu tâm tiến về phía trước.
Có khả năng nhận biết quan niệm biến dị
Trong các mâu thuẫn xuất hiện gần đây, đột nhiên tôi lại ý thức được một số tư tưởng thực ra không phải bản thân mình, mà chúng là quan niệm hậu thiên. Ví dụ quan niệm yêu thích danh tiếng, quan niệm mong muốn có được sự ấm áp của gia đình, quan niệm mong muốn một cuộc sống bình yên… Có một số quan niệm mà trước đây tôi rất khó nhận thức đến được. Ví dụ: Bản thân tu tốt thì gia đình tôi sẽ hòa thuận yên vui, tôi nhẫn nhịn người nhà rồi thì họ sẽ đối xử tốt với tôi, kỳ thực đều là tâm hữu cầu, là quan niệm tự tư biến dị! Đó không phải xuất phát tự nội tâm muốn đồng hóa Đại Pháp, mà là tư tưởng muốn đắc được những thứ ở xã hội người thường biến tướng, vậy nên hoàn toàn ngược lại.
Sau sự việc đó, tôi tĩnh tâm suy xét (kiến giải cá nhân): Tôi cần thuần tịnh đồng hóa với Pháp một cách vô điều kiện, bất kỳ thứ biến dị nào, cho dù là những thứ khó hiểu đều không phải tôi, tôi đều không cần. Chân tu Đại Pháp là quan trọng nhất, còn như điều đó có mang đến sự thay đổi hoàn cảnh hay không, có thể cảm hóa người khác được hay không, điều đó không cần thiết, không nhất thiết phải xuất hiện. Tâm chuyển thuận theo cảnh, có lẽ một số người chưa có sự thay đổi, những thứ này không quan trọng, điều quan trọng là tự thân có thể thật sự đề cao được hay không, có thể chân tu hay không. Vì vậy cần học Pháp, học Pháp.
Trong công việc dạo gần đây, xuất hiện nút thắt rất khó gỡ, tôi cảm giác như bị nó quấn chặt rất lâu rồi, đã nghĩ rất nhiều biện pháp, cũng điều chỉnh tâm thái của bản thân trong thời gian dài. Thời gian đó, tôi liên tục nhắc nhở bản thân cần phải nhìn mặt tốt của người khác, cần hướng nội tìm phải chăng bản thân có chấp trước, có tư tâm, v.v… Thế nhưng trạng thái ấy mãi vẫn không có biến chuyển, thêm vào áp lực trong công việc khiến tôi gần như muốn tắt thở… Sau đó tôi nghĩ nếu tôi không thể vượt qua quan này thì mặc kệ nó thôi… Vứt bỏ cái tâm nhất định cần vượt quan này, vứt bỏ cái tâm nhất định phải giải quyết khó khăn, vứt bỏ cái tâm nhất định cần làm tốt sự việc này, dù tôi chưa làm được tốt, tôi vẫn cần tiếp tục tu luyện, tiếp tục học Pháp… Thế là tôi quyết định từ chức.
Lúc đó, áp lực lên tâm lý không ngừng quấy nhiễu tôi bỗng dưng tan biến, bấy lâu nay không có được cảm giác nhẹ nhõm như thế, bản thân sự việc cũng xuất hiện chuyển biến giống như câu “liễu ám hoa minh” (Nghĩa là khi đến bước đường cùng thì bỗng nhiên tìm được lối thoát). Cảm ngộ của tôi là: Thế gian con người là trường tu luyện, những sự việc nơi đây vốn dĩ không quan trọng, những trải nghiệm nơi đây là vì đồng hóa Đại Pháp mà trải qua, trải qua vì sự đề cao của bản thân, trải qua vì để cứu độ chúng sinh, còn vấn đề thành hay bại của bản thân sự việc thế gian, thế nhân đánh giá tốt hay xấu, kỳ thực chẳng có ý nghĩa gì, không đáng ghi tâm. Học Pháp tốt mới là căn bản, đó là con đường quay trở lại bản tính tiên thiên của sinh mệnh, đó mới là bản thân mình thật sự.
Một chút cảm ngộ của tôi xin chia sẻ cùng các đồng tu, nếu có chỗ nào còn thiếu sót, kính mong các đồng tu từ bi chỉ ra.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/289643
Ngày đăng: 22-05-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.