Thành tâm kính Phật gặp nạn hóa lành
Tác giả: Cam Lộ
[ChanhKien.org]
Trong nền văn hóa Thần truyền 5000 năm của Trung Hoa, người xưa kính Trời lễ Phật, hiếu đức hướng thiện, thiện niệm thiện hành có thể gặp may tránh họa, thậm chí tích phúc cho con cháu.
Cung kính cúng dường Phật biến nguy thành an
Trương Lượng là người đứng đầu phủ đô đốc U Châu và hết lòng tin vào Phật Pháp. Có một lần ông nhìn thấy một bức tượng Phật trong chùa cao ngang bằng thân người của mình, vì vậy đã cung phụng bức tượng này rất cung kính.
Một ngày nọ, trong lúc ông đang ngồi trước chính điện, có hai thị nữ đang hầu hạ bên cạnh bỗng nhiên nghe thấy tiếng sấm ầm ầm. Trương Lượng từ lúc sinh ra vốn sợ sấm sét cho nên trong lòng ông chỉ nghĩ về bức tượng Phật đó. Đột nhiên một tiếng sét vang lên đánh vào cây cột trước điện, một thị nữ chạy ra ngoài và chết trên bậc thềm. Mảnh vỡ của cột trụ vỡ tung ra bắn vào trán Trương Lượng nhưng không đau lắm, chỉ để lại một vết đỏ, cột trụ bị sét đánh tách thành hai đoạn rơi xuống đất như thể bị ai đó bẻ gãy.
Sau sự việc này, Trương Lượng vội chạy đến ngôi chùa kia và phát hiện trên trán tượng Phật ấy cũng có một vết tích lớn, giống như bị vật gì đó đập vào, kích thước vừa vặn lớn bằng vết thương trên trán Trương Lượng, khiến Trương Lượng và mọi người vô cùng kinh ngạc.
Giám sát ngự sử Lư Văn Lịch từng là quan giám ngục ở Vân Dương. Ông được lệnh đến Kinh Châu thi hành công vụ, khi đến Giang Nam thì mắc bệnh nặng, bụng căng chướng, cứng như hòn đá, cơm nuốt không trôi, mặc dù đã tìm thầy thuốc chữa trị nhưng không có hiệu quả. Văn Lịch nghĩ rằng mình đã hết hy vọng cứu chữa, không thể sống được nữa, bèn nhất tâm niệm thánh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát.
Vài ngày sau, trong giấc ngủ mơ màng, ông đột nhiên nhìn thấy một vị tăng nhân đi về phía mình tự xưng là Quan Thế Âm Bồ Tát, đồng thời nói với Văn Lịch: “Bởi vì ngươi có thể niệm thánh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát nên ta đặc biệt đến đây để cứu ngươi thoát khỏi bệnh tật, bây giờ ta sẽ trừ bỏ căn bệnh trong bụng ngươi”. Ngài cầm trong tay một chiếc gậy gỗ khoét vào bụng Lư Văn Lịch, moi ra hơn ba lít tạp chất có mùi hôi thối từ trong bụng ông. Làm xong Ngài lại nói với ông: “Bệnh của ngươi đã trị khỏi rồi”. Lúc này, Lư Văn Lịch bừng tỉnh từ trong mộng, thân thể và bụng cảm thấy rất thoải mái, lập tức có thể ăn uống và rời khỏi giường, căn bệnh khó chữa đã khỏi hẳn.
Nhân tâm sinh nhất niệm, cả trời đất đều biết. Trong tâm thành kính Phật hoặc niệm Phật hiệu thì trong lúc nguy nan sẽ có Thần Phật hóa giải tai ương và giải trừ bệnh tật.
Nhất tâm hướng Phật gặp dữ hóa lành
Trung thư lệnh Sầm Văn Bản, là người Giang Lăng, từ lúc nhỏ vốn đã tín phụng Phật và thường đọc tụng “Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phổ Môn”. Trong một lần ngồi thuyền ở Ngô Giang, khi thuyền đi đến giữa sông thì bị chìm, tất cả người trên thuyền đều chết đuối. Sầm Văn Bản chìm xuống nước nghe có người nói: “Chỉ cần niệm Phật thì nhất định sẽ không chết”. Ông niệm ba lần liên tiếp, cơ thể ông lập tức theo sóng trôi dạt đến bờ Bắc mà thoát chết.
Sau đó, ông bày tiệc chay ở Giang Lăng, chúng tăng tập trung tại nhà ông. Một vị tăng nhân cuối cùng rời đi nói với Sầm Văn Bản rằng: “Thiên hạ bắt đầu đại loạn, ông sẽ may mắn thoát nạn, bước sang thời thái bình thịnh thế, đồng thời có được phú quý”. Nói xong tăng nhân liền rời đi. Sau đó, khi Sầm Văn Bản đang ăn cơm chay thì nhận được hai viên xá lợi từ trong bát. Về sau, lời nói của tăng nhân quả nhiên đã ứng nghiệm.
Vào thời Vũ Đức, sứ thần quản lý thủy lợi của nhà Đường là Tô Trường, được bổ nhiệm làm thứ sử Ba Châu. Tô Trường đưa cả gia đình đi nhậm chức, khi đang ngồi thuyền đến giữa sông Gia Lăng thì gặp phải gió lớn làm thuyền bị chìm, hơn 60 người trên thuyền chết đuối. Duy chỉ có một tiểu thiếp của Tô Trường sống sót, cô ấy thường đọc Kinh Pháp Hoa, khi thuyền bị chìm xuống sông, trên đầu cô đội một chiếc hộp đựng Kinh Pháp Hoa và thề rằng sẽ sống chết cùng cuốn kinh.
Sau khi thuyền chìm, chỉ có cô là người duy nhất không bị nước sông cuốn đi, một lát sau đã vào được bờ. Cô lấy chiếc hộp đựng kinh ở trên đầu xuống, mở ra xem thì thấy kinh sách bên trong không hề bị ướt hay tổn hại gì.
Từ đó trở đi, cô càng thêm tin tưởng vào Phật Pháp. Quả báo thiện ác theo nhau như hình với bóng, Trời phù hộ người lương thiện là có thật.
Tảng đá lớn lấp cửa hang, một lòng niệm Phật
Vào những năm cuối thời Đông Ngụy, người dân vùng Nghiệp Hạ đến các mỏ khoáng sản ở Tây Sơn để khai thác bạc và đồng. Khi họ khai thác xong và ra khỏi đó thì hầm bất ngờ bị sập. Một người cuối cùng không thoát ra ngoài được do cửa hang bị đá lấp kín, rất may là người này không bị thương. Tảng đá chặn ngay cửa hầm chỉ chừa lại một khe hở nhỏ có thể nhìn thấy ánh mặt trời le lói. Người này biết mình không thể ra ngoài được nên đành chuyên tâm niệm Phật.
Cha của người này nghe tin con trai bị tảng đá lớn đè và thi thể không cách nào đưa ra ngoài. Nghĩ đến gia cảnh nghèo khó, ông không thể làm pháp sự siêu độ cho con trai, thế là ông bưng một bát cơm thô vào chùa, chuẩn bị cơm chay để thỉnh chư tăng. Thật buồn khi những tăng nhân này đều muốn nhận sự cúng dường hậu hĩnh, không ai muốn ăn bát cơm thô của ông. Người cha bưng bát cơm khóc lớn, có một vị tăng đã tiếp nhận cúng dường của ông. Sau khi ăn xong, tăng nhân này đã tụng kinh và cầu nguyện giúp người cha.
Cùng ngày hôm đó, người con trai đang ở trong hầm mỏ bỗng nhiên nhìn thấy một vị sa môn ở cửa hang. Sa môn bưng bát cơm mời cậu ăn, ăn xong thì bụng không thấy đói nữa, từ đó cậu luôn ngồi ngay ngắn định tu. Cứ như thế mười mấy năm trôi qua.
Về sau, khi Hoàng đế Tề Văn lên ngôi và muốn xây dựng cung điện nghỉ mát ở Tây Sơn. Thợ đá đi đến nơi hang động bị sập để lấy tảng đá lớn này ra, sau khi tảng đá được dời đi thì phát hiện trong hang có người. Thế là người thợ đá đưa cậu về nhà, cha cậu vui mừng khôn xiết, từ đó cả gia đình đều tu hành.
Tù binh ngồi trên áo cà sa lập tức trở về nhà
Vào thời Bắc Tề, có một người ở vùng Ký Châu sau khi đi lính tấn công nước Lương, bị bại trận và bị bắt làm nô lệ. Cha mẹ anh ở nhà đã lâu không nhận được tin tức gì từ con trai, tưởng rằng con mình đã tử trận nên họ xây một tòa tháp bằng gạch trong nhà để cầu nguyện cho con trai. Vào ngày tòa tháp hoàn thành, gia đình đã tổ chức tiệc chay với sự có mặt của hàng trăm tăng nhân và họ hàng.
Trong lúc mọi người đang ngồi ăn uống thì có một vị tăng nhân trông rất nho nhã gõ cửa. Vị tăng này đã xin chủ nhà cơm chay và nhận được bát cháo kê cùng một đôi giày được bọc trong một túi vải. Chủ nhà muốn giữ vị tăng lại dùng cơm nhưng tăng nhân nói ông phải gấp rút lên đường.
Vào ngày đãi tiệc chay, con trai chủ nhà đang chăn bò cho chủ nhân ở vùng đầm lầy Giang Nam. Đột nhiên nhìn thấy một tăng nhân đang cầm một túi vải bọc cháo kê và một đôi giày mới. Tăng nhân hỏi người đầy tớ có muốn quay về thăm cha mẹ không. Người đầy tớ khóc và nói rằng anh rất nhớ cha mẹ nhưng lại không dám hy vọng.
Tăng nhân bảo anh ngồi xuống ăn cháo và cho anh đi đôi giày mới. Sau đó, vị tăng trải chiếc áo cà sa xuống đất và bảo anh ngồi lên chiếc áo. Tiếp đó, nhà sư nắm lấy bốn góc của chiếc áo cà sa, nhấc lên cao khoảng hơn hai trượng và vung tay.
Sau khi tiếp đất, người đầy tớ mở mắt nhìn quanh, tăng nhân và áo cà sa đã biến mất, chỉ thấy mình đã ở trước cửa nhà. Sau khi anh bước vào cửa, nhìn thấy mọi người vẫn đang ăn cơm. Cha mẹ anh nhìn thấy anh thì vui mừng khôn xiết, vội hỏi duyên cớ thì anh kể lại sự việc đã trải qua. Sau đó họ nhìn thấy phần cháo còn lại trong túi vải và đôi giày anh mang ở chân chính là đôi giày người cha đã tặng cho vị tăng.
Người dân trong làng vô cùng kinh hãi trước sự việc này, do đó mọi người đều tin vào Phật Pháp. Ngày hôm đó là ngày mùng sáu âm lịch nên mọi người gọi tòa tháp mới xây là tháp Lục Nhật. Tòa tháp đó vẫn tồn tại đến ngày nay và người dân trong làng vẫn còn lưu truyền câu chuyện này.
Người xưa có câu: Phật tính nhất xuất chấn động thập phương thế giới. Khi con người có tâm nguyện kính Phật, tín Phật thì chính là Phật tính của người đó đã xuất lai rồi, lúc gặp phải nguy nan thì Phật sẽ giúp đỡ người đó.
Ngày đăng: 21-04-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.