Tác phẩm mỹ thuật: Hoàng Hạc hồi Thiên



Tác giả: Nguyễn Minh Nam (Việt Nam)

[ChanhKien.org]

Xem tranh có độ phân giải cao tại đây.

Xin chào các bạn!

Tôi là họa sĩ Minh Nam, một họa sĩ tự do và chuyên vẽ tranh lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống.

Hôm nay, tôi xin được giới thiệu với độc giả của Chánh Kiến Net một tác phẩm mới được tôi hoàn thành cách đây vài tháng, có tên là “Hoàng Hạc hồi Thiên”. Tranh được vẽ với chất liệu sơn dầu, chất liệu mà tôi thường hay sử dụng nhất cho các tác phẩm của mình.

Nhìn vào bức tranh này các bạn có thể thấy, nhân vật chính được tôi phác họa lên là một cô gái với trang phục truyền thống kín đáo, màu sắc nhã nhặn, phần cổ được thêu hoa văn tinh tế, cũng là điểm nhấn trong các trang phục truyền thống của người xưa. Cô gái đang vẽ một bức tranh có tên là “Hoàng Hạc hồi Thiên” – chính là dựa vào câu chuyện truyền thuyết cùng tên có từ xa xưa. Câu chuyện kể về chín con chim Hoàng Hạc xuống trần gian chơi nhưng con chim Hoàng Hạc nhỏ tuổi nhất vì quá mải mê với những vẻ đẹp chốn nhân gian nên đã không quay trở về Thiên đình…

Ngoài ra, cô gái đặt trên bàn một cuốn sách bìa màu vàng có tên là Chuyển Pháp Luân – một cuốn Thiên cổ kỳ thư. Đây là cuốn sách quý giá mà cô gái đọc hàng ngày để luôn nhắc nhở bản thân mình sống có đạo đức, thiện lương, tu dưỡng bản thân và buông bỏ những “danh – lợi – tình” nơi trần thế với mong muốn được “phản bổn quy chân” để quay trở về nơi mà cô được sinh ra, đó không phải nơi đây – chốn nhân gian, mà chính là thế giới Thiên quốc, rất có thể cũng là nơi ở của các chú chim Hoàng Hạc trong câu chuyện trên.

Bạn cũng có thể thấy cô được đặt trong một bối cảnh không gian mang màu sắc truyền thống, cột trụ được chạm khắc tinh xảo của một ngôi nhà cổ, một cây cầu bắc qua hồ ở phía xa xa và những cây liễu rủ bóng xuống mặt hồ… cảnh trí thiên nhiên thật thơ mộng, bình yên đã làm nền cho cô gái – nhân vật chính trong bức tranh.

Cô gái ấy tỏa ra ánh hào quang quanh mình, làm sáng bừng cả không gian xung quanh. Mọi thứ dường như lắng đọng, tĩnh lặng, ngay cả nét vẽ của cô cũng dần ngưng lại, nhường sự chuyển động cho những vệt sáng xung quanh người cô. Đó là ánh sáng được phát ra từ gương mặt, thần thái của một người có hàm dưỡng và ánh sáng của chiếc trâm cài đầu có bông hoa sen thuần khiết được khắc ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” – chính là đặc tính của vũ trụ và được nhắc thường xuyên trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân– cuốn sách là “kim chỉ nam” giúp cô gái sống tốt hơn mỗi ngày.

Và vẻ đẹp của cô gái đã được tôi minh họa theo bút pháp trong tranh truyền thống. Những kỹ nghệ như “cầm, kỳ, thi, họa” của một cô gái thời xưa được tôi lột tả phần nào trong bức tranh trên. Kết hợp với sự tu dưỡng của cô gái ấy đã giúp cô trở nên đẹp hơn bao giờ hết – vẻ đẹp của sự Thiện lương, Chân thành và Nhẫn nại. Đó chính là vẻ đẹp mà tôi muốn truyền tải tới các bạn thông qua bức tranh này.

Cuốn sách vàng “Chuyển Pháp Luân thực sự đã giúp khai mở trí huệ của cô gái, khiến cô hiển lộ được tài năng hội họa cũng như cho người xem một cảm giác ở cô có một thần thái đặc biệt: đẹp dịu dàng và không phô trương, đẹp thuần khiết và toát lên vẻ tĩnh tại của một người con gái trẻ có sự tu dưỡng.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng vẻ đẹp này trong xã hội ngày xưa, một xã hội mà văn hóa truyền thống được giữ gìn, đạo đức con người còn tốt và ai cũng quan tâm, đối xử tử tế với những người xung quanh bất kể là ai… thì những người như cô gái trong tranh đều toát lên thần thái như vậy và đó cũng không phải là điều “hiếm có, khó tìm”.

Cuối cùng, tôi xin được cảm ơn trang Chánh Kiến Net đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với các bạn độc giả của kênh đôi điều về ý nghĩa của bức tranh cũng như những điều mà tôi muốn mượn cây bút vẽ của mình để truyền tải tới mọi người. Xin cảm ơn các bạn độc giả!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/288815



Ngày đăng: 11-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.