Phụ nữ nên nhu mì



Tác giả: Cao Viễn

[ChanhKien.org]

Phụ nữ nên nhu mì, đó tuyệt không phải “yếu đuối dễ bắt nạt” hay “phụ nữ có thể gánh vác nửa bầu trời” cùng nhiều cách nói khác mà ngày nay được giải thích trong văn hóa Đảng, đây là bóp méo chữ “Nhu”, bên trong còn thêm vào các nhân tố tà ác giả, ác, đấu.

Ở Trung Quốc ngày nay gọi những người phụ nữ đã kết hôn là “Thái thái”, là một cách xưng hô, nhưng đối với phụ nữ hiện nay nó chỉ có vẻ bề ngoài mà không còn mang nội hàm của nó nữa. Theo những ghi chép tư liệu lịch sử, từ này có nguồn gốc từ ba người mẹ thời Chu (Chu Thất Tam Mẫu): Thái Khương (mẹ của Cơ Quý Lịch – cha của Chu Văn Vương), Thái Nhậm (mẹ của Chu Văn Vương), Thái Tự (mẹ của Chu Vũ Vương, vợ của Chu Văn Vương) được gọi là “Tam Thái”, đây là ba vị mẫu hậu rất có tiếng hiền đức của nhà Chu, là bậc mẫu nghi thiên hạ nữ tính nhu mì, phò tá và dạy dỗ nên mấy đời quân vương hiền minh, là phúc của quốc gia, phúc của vạn dân, đồng thời đặt định lễ nghi đạo đức phù hợp với thiên lý và nhân tính, tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đối với hậu thế. Hậu nhân hy vọng thê tử của mình cũng có thể giống “Tam Thái” mang lại phúc khí và phúc phận cho gia đình nên gọi thê tử mình là “Thái thái”.

Đức “Nhu” của nữ tính thời cổ biểu hiện ở sự giữ vững và thuận theo lẽ tự nhiên, không thay đổi vì cái xấu ác của hoàn cảnh hay sự biến dị của văn hóa. Ai có thể làm được, người đó sẽ mang lại may mắn cho đất nước hay gia đình. Đức “Nhu” của “Tam Thái” chính là phúc khí của triều đình, cũng là phúc của bách tính thiên hạ.

Lý Hồng Chương là một trọng thần cuối triều Thanh, mẫu thân của ông từng bị bỏ rơi, bà được ông nội của Lý Hồng Chương nhận nuôi và trị khỏi bệnh đậu mùa, để báo ân, sau này lớn lên bà đã ở lại nhà họ Lý để giúp đỡ các việc nhà, dùng sự làm lụng vất vả để báo ơn dưỡng dục. Vì trên mặt bà có tàn nhang, cộng với việc không bó chân, nên bà bị người trong thôn đem ra làm trò cười chế nhạo. Nhưng bà vì báo ân, nên sau khi kết hôn với cha của Lý Hồng Chương là ông Lý Văn An, bà vẫn luôn không quản nhọc nhằn, lại tháo vát biết việc. Bà sinh cho Lý gia sáu người con trai và hai người con gái, dạy dỗ các con vô cùng tốt. Bà không chỉ giỏi tề gia, mà còn có trí huệ cao khiến Lý gia ngày càng phát đạt. Vì thế dù nửa đời trước khổ cực, nhưng nửa đời sau lại được đại phú đại quý, sống đến 83 tuổi, thọ hơn chồng Lý Văn An 28 năm. Vào những năm cuối đời, bà được hưởng phúc của Thái phu nhân.

Đây cũng là biểu hiện “Nhu” của người phụ nữ, đây hoàn toàn không phải kiểu biểu hiện rằng “phụ nữ có thể gánh vác nửa bầu trời” như Trung Cộng tuyên truyền. Chữ “Nhu” này thể hiện ra là sự chân thành, thiện lương và khoan dung, thế nên mới có thể đem lại phúc phận cho con cái và gia đình.

Trang Nam Thôn là một viên quan triều Ung Chính thời nhà Thanh, mẹ của ông là vợ kế, gọi là Đổng phu nhân. Khi Trang Nam Thôn vừa đầy tháng, con của người vợ trước lên mụn nhọt, Đổng phu nhân dỗ Trang Nam Thôn bằng các loại mứt trái cây quà bánh, còn dùng sữa của mình nuôi dưỡng đứa con người vợ cũ, việc đó khiến gia nhân hết sức kinh ngạc.

Đổng phu nhân nói: “Ta vẫn còn trẻ, con mất rồi còn có thể sinh tiếp được. Nhưng chị ấy mất rồi, chỉ có đứa con này thôi!” Khi đứa trẻ khỏi bệnh mụn, vì nhà nghèo, không có tiền mua thuốc bổ bồi dưỡng cơ thể, Đổng phu nhân lại dành dụm sữa chia cho cậu, mong đứa trẻ có thể sớm ngày bình phục.

Đổng phu nhân về sau có năm người con, đều đỗ cao trung Tiến sĩ, người thời đó gọi là “Ngũ tử đăng khoa”! Trong đó Trang Nam Thôn thi Đình đỗ đệ nhị giáp, thiếu chút nữa là cao trung Trạng nguyên. Hai người con của Trang Nam Thôn sau này cũng có một người làm cao trung Trạng nguyên, một người đỗ cao trung Bảng nhãn, lịch sử thật hiếm có! Đổng phu nhân lại tận mắt chứng kiến sự thịnh vượng của gia đình “bảy người con cháu khi đỗ cao trung tiến sĩ”.

Trung Quốc hôm nay còn có thể thấy những hiện tượng như vậy nữa không? Rất khó gặp được. Tôi lúc nhỏ ở bên ông bà nội thấy ông bà thường hay nói nhất chính là: “Đối xử tốt với người khác chính là tích phúc tích đức cho con cháu mình”. Người Trung Quốc hiện nay yêu con cái mình hơn cả người khác, bị văn hóa đảng đầu độc đến mức một chút lẽ tự nhiên cũng không nhận ra nổi, không thấy dù chỉ một chút “Nhu” của phụ nữ thời xưa.

Nhưng không hẳn đều là như thế, cũng có người làm chuyện theo lương tri, phù hợp với “Nhu” của phụ nữ cổ đại, mang lại kỳ tích cho con gái mình.

Đây là một câu chuyện có thật trên chuyên mục “Câu chuyện truyền kỳ” của Đài truyền hình Giang Tây: Có một giáo viên mầm non, cô là mẹ đơn thân, cô và con gái nhỏ sống cùng với ông bà ngoại. Con gái lên năm tuổi chẳng may mắc bệnh bạch cầu, chỉ có thể cấy ghép tủy xương mới có thể cứu được, nếu không thì dù có bán sạch cửa nhà cũng chỉ uống phí. Người mẹ muốn cho con gái tủy xương của mình, liền đến trung tâm hiến tủy xét nghiệm, như thế có thể tiết kiệm 800 nhân dân tệ. Kết quả là tủy của cô ấy với người con không hợp nhau, mà lại hợp với một cậu bé bảy tuổi bị bệnh bạch cầu ở thành phố này, thế là trung tâm hiến tủy động viên cô ấy hiến tủy cho cậu bé kia. Bố mẹ cậu bé biết tin liền đưa cậu tìm đến nhà cô giáo mầm non ấy, quỳ xuống cầu mong cô cứu mạng.

Đây thật sự là một sự lựa chọn khó khăn: Cô mà phẫu thuật xảy ra chuyện bất trắc gì, con gái cô phải làm sao? Cả nhà già trẻ biết làm sao? Cô nhìn thấy sắc mặt nhợt nhạt của đứa bé trai mà ứa nước mắt, lập tức nhận lời. Phẫu thuật rất thuận lợi, cha mẹ của cậu bé vì muốn cảm ơn ân cứu mạng, đã tặng cô ấy năm vạn nhân dân tệ. Cô giáo lại nói dù thế nào cũng không thể lấy, yêu cầu họ giữ tiền trị bệnh cho con trai. Cha mẹ cậu cảm kích đến rơi lệ, đến đơn vị đưa tin tức phản ánh về vị nữ giáo viên có phẩm cách cao thượng này. Bản tin vừa ra đã gây nên tiếng vang lớn, một vài người dân thành phố tự phát muốn quyên tiền tặng người mẹ trẻ thiện lương này.

Một nông dân trẻ tuổi đến nội thành làm công, cũng quyên góp 300 nhân dân tệ mà anh vất vả làm lụng tiết kiệm được để biểu thị tấm lòng. Không ngờ được rằng vài ngày sau, chàng dân công trẻ này tìm đến tận cửa nhà, không chỉ muốn lấy lại 300 nhân dân tệ, mà còn muốn mượn của cô giáo 2000 nhân dân tệ. Chàng trai giải thích nói, bố cậu ở dưới quê đột nhiên bị chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, giờ đang nằm viện, vẫn còn thiếu hơn 2000 nhân dân tệ phí phẫu thuật.

Mọi người đều cho rằng chàng trai lừa đảo, nhưng cô không nghĩ như vậy, liền đến bệnh viện mà cậu nói ngầm dò la, phát hiện cha cậu đúng là đang nằm viện, quả thực vừa xét nghiệm ra ung thư dạ dày, cũng đúng thật thiếu 2000 nhân dân tệ tiền phẫu thuật. Cô ngay lập tức về nhà lấy tiền đưa cho chàng trai, để cha cậu được phẫu thuật kịp thời.

Thời gian trôi qua từng ngày, dù đã được bệnh viện, người nhà, bạn bè tứ phương tìm trợ giúp, nhưng vẫn không tìm được người phù hợp hiến tủy cho con gái. Tiền dùng hết cả rồi, bác sĩ cũng lắc đầu chịu bó tay, cô ấy chỉ đành đón con về nhà, ngày ngày ôm con vào lòng, khóc thầm lặng lẽ. Khi viễn cảnh đen tối vừa mất người vừa mất của đang dần dần ập tới, thì bệnh tình của bé gái lại ngày một chuyển biến tốt hơn, cuối cùng hoàn toàn bình phục! Sự việc này lại khiến ở địa phương đó cuộn dâng lên một làn sóng lớn, các chuyên gia y tế Huyết học cũng lũ lượt kéo đến, muốn làm rõ sự khỏi bệnh thần kỳ không trị mà khỏi của bệnh nhân ung thư máu, nhưng từ đầu đến cuối vẫn không tra ra nguyên nhân. Chuyên gia y tế không thể không thừa nhận đây là một phép màu! Bởi vì bé gái mắc loại bệnh bạch cầu như vậy, dù là cấy ghép tủy xương thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ có 50%.

Đây chính là biểu hiện “Nhu” của thân trong nghịch cảnh: Có thể thuận với Thiên lý, dùng trái tim thuần thiện của cô, vô tư hiến tặng máu thịt với tiền tài của mình cứu giúp người khác mà mang lại phúc báo. Trong lúc Trung Cộng phá hủy văn hóa truyền thống thì cũng phá hoại hoàn cảnh và bầu không khí văn hóa cho sự tồn tại “Nhu” của phụ nữ, thay vào đó là bầu không khí văn hóa tà ác ngập tràn thuyết vô thần, ngập tràn giả, ác, đấu. Trong môi trường văn hóa đảng này mà nói đến “Nhu” của người phụ nữ thì không thể có được đáp án chính xác. Chỉ có giải thể ác đảng Trung Cộng, diệt tận gốc văn hóa đảng, hồi quy về văn hóa truyền thống thì mới có được “Nhu” chân chính của phụ nữ, đó mới là phúc của gia đình, nhân dân và đất nước.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/287294



Ngày đăng: 05-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.