Ngày 1 tháng 1 là năm mới, không phải là Tết Nguyên Đán



Tác giả: Nguyên Xuân

[ChanhKien.org]

Tên gọi Nguyên Đán này ở Trung Quốc đã có từ xa xưa, “Nguyên” tức là tháng Giêng, ngày mùng 1 chính là “Đán”, Nguyên Đán là chỉ thời điểm bắt đầu của một năm, là ngày đầu tiên của năm mới. Để tìm nguồn gốc, hãy quay về thời Chuyên Húc, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc. Chuyên Húc quy định rằng tháng Giêng, tháng đầu tiên trong năm là Nguyên, ngày mùng 1 là Đán. Trong quá trình diễn biến của hàng nghìn năm, ngày Nguyên Đán có chút thay đổi, nhưng cơ sở đều dựa trên lịch truyền thống của Trung Quốc.

Dưới thời Hán Vũ Đế, ngày 1 tháng 1 hoàng lịch (lịch âm) là Nguyên Đán, cho đến trước năm 1949, Trung Quốc đều lấy ngày 1 tháng 1 hoàng lịch làm Nguyên Đán. Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, bắt đầu áp dụng lịch dương (lịch Tây), ngày 1 tháng 1 được coi là năm mới, nhưng không hề gọi nó là Nguyên Đán.

Đến năm 1949, ĐCSTQ “hái đào thành công” (ám chỉ đến việc ĐCSTQ đạt được thành công quan trọng, xác lập chế độ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), tại “Hội nghị hiệp thương chính trị” năm đó, làm biến đổi hai ngày lễ quan trọng trong lịch truyền thống: một là Tết đổi thành Tết Xuân; hai là dời Nguyên Đán ngày 1 tháng 1 âm lịch sang ngày 1 tháng 1 dương lịch. Cũng chính là nói, hiện nay Trung Quốc gọi ngày 1 tháng 1 dương lịch thành Nguyên Đán, là kết quả của văn hoá đảng. Ngày 1 tháng 1 theo lịch Tây là năm mới nhưng không phải Tết Nguyên Đán, ngày mùng 1 tháng Giêng hoàng lịch mới là ngày Tết Nguyên Đán chính thống của chúng ta.

Tài liệu đọc tham khảo:

Cái nào mới là Tết Trung Quốc thực sự?

Bàng Chung – Trương Đức Dung

Dù có người nói đám cưới, đám tang, cưới vợ gã chồng là những việc trọng đại của đời người, nhưng thực thế, theo suốt cuộc đời một sinh mệnh, phân đoạn trong ký ức sâu đậm, ấm áp, và luôn hiện diện trong trái tim là cảnh tượng ngày Tết Trung Hoa kết nối với nụ cười, sự phồn thịnh, pháo hoa và những lời chúc phúc. Bởi vì ngày đó thật đặc biệt, cho nên nó cũng có thể mang lại cho người ta hạnh phúc và niềm hy vọng mà những ngày khác không có được. Cái Tết Trung Quốc chính là một ngày đặc biệt như vậy.

Nhưng Tết “Nguyên Đán” ở Trung Quốc đại lục ngày nay đã không phải là Tết truyền thống thực sự của Trung Quốc nữa. Tết “Nguyên Đán” được nhắc đến ngày nay bắt nguồn từ ngày 27 tháng 9 năm 1949, trước ngày ĐCSTQ thành lập chính quyền, toàn thể hội nghị thông qua nghị quyết tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của ĐCSTQ, sau ngày 1 tháng 10 năm 1949 đổi sang dùng lịch chung của thế giới (lịch Tây). Từ đó trở đi, ĐCSTQ chính thức gọi ngày 1 tháng 1 theo lịch Tây là “Nguyên Đán”, lấy ngày 1 tháng 1 âm lịch (Đại lục hiện nay gọi là nông lịch) là “Tết Xuân”. Mục đích của ĐCSTQ khi thay đổi hai ngày lễ này là nhằm làm mờ đi ý nghĩa của ngày lễ truyền thống, khiến đông đảo nhân dân Trung Quốc không biết được ý nghĩa thực sự Thiên Thượng định ra bốn mùa trong năm và các ngày lễ truyền thống, từ đó cải biên văn hoá truyền thống chân chính của Trung Quốc. Trên thực tế, ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch không phải là “Tết Xuân” mà ĐCSTQ nói tới, mà phải là “Tết hoàng lịch” hay “Tết” theo cách gọi truyền thống.

Trên thực tế, vào thời xa xưa, Nguyên Đán và Tết âm là cùng một ngày.

Tết Nguyên Đán của Trung Quốc được cho là có khởi nguồn từ Chuyên Húc, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế, đến nay đã có lịch sử hơn 5000 năm. Thuật ngữ “Nguyên Đán” xuất hiện lần đầu tiên trong bộ “Tấn Thư”: “Chuyên Đế lấy tháng đầu mùa xuân làm Nguyên, lấy ngày đầu tiên của tháng đó là Nguyên Đán”.

Ngày Tết Nguyên Đán Trung Quốc vốn là chỉ ngày 1 tháng Giêng theo âm lịch (lịch Hạ). Nguyên Đán, là ngày đầu tiên của mỗi một năm mới. “Nguyên” có nghĩa là khởi đầu, “Đán” chỉ thời điểm bình minh, cũng thường chỉ ban ngày. Nguyên Đán, là ngày đầu tiên khởi đầu của một năm. Các nhà khảo cổ khi khai quật di tích văn hóa Đại Vấn Khẩu, phát hiện một bức tranh vẽ mặt trời mọc từ đỉnh núi, mây khói lượn quanh. Qua khảo cứu, người ta thấy rằng đây là cách viết chữ “Đán” cổ xưa nhất ở Trung Quốc. Sau này, trên chữ khắc trên đồ đúc đồng thời nhà Ân (còn gọi là nhà Thương) lại xuất hiện chữ “旦” bị giản hoá. Chữ “旦” là lấy mặt trời tròn tròn biểu thị. Chữ 一 (nhất) phía dưới chữ “日” (nhật) tượng trưng cho đường chân trời, nghĩa là mặt trời từ từ mọc lên từ đường chân trời.

Do đó, hiện nay ngày 1 tháng 1 dương lịch không phải là “Nguyên Đán” thực sự ở Trung Quốc. Nguyên Đán trong sách cổ chính là tên thường gọi của Tết âm lịch ngày nay, điều này bắt nguồn từ năm 1912, do việc đổi sang dùng lịch hiện hành (dương lịch, còn gọi là lịch Gregorian), lấy Tết dương lịch gọi thành “Tết Nguyên Đán”. Việc gọi ngày Tết Nguyên Đán truyền thống thành “Tết Xuân” là một loại phương thức xảo trá, rất dễ khiến những người không biết chân tướng hiểu lầm, cho rằng Tết Nguyên Đán trong sách cổ chính là “Nguyên Đán” dương lịch ngày nay. Điều này không chính xác, cho nên nhất định phải nắm rõ những dữ kiện lịch sử này để không hiểu sai. “Nguyên Đán” này không phải là “Nguyên Đán” đó, ngày Tết cổ truyền tức là ngày Tết truyền thống ở nước ta ngày nay, mà tết dương lịch (dân gian thường gọi là dương lịch) là đến từ phương Tây, không phải là ngày Tết truyền thống của chúng ta, nó chỉ là một ngày tết mang tính chính trị (điểm kết thúc một năm tài chính và bắt đầu một năm mới trong quản lý và thống kê tài chính.)

Dưới đây là một số thông tin về Tết Nguyên Đán và Tết hoàng lịch:

Tiêu Tử Vân – văn sử gia ở Nam Triều có ghi lại trong bài thơ “Giới Nhã” của mình rằng “tứ khí tân nguyên đán, vạn thọ sơ kim triều” (tạm dịch: bốn mùa mới bắt đầu từ nguyên đán, vạn thọ cũng bắt đầu từ hôm nay). Dường như từ thời đó Đán đã được xem là bắt đầu của một ngày, mở rộng ra là ngày đầu tiên của một năm. Mục “Tháng Giêng” trong Tập 1 cuốn “Mộng Lương Lục” của Ngô Tử Mộc thời nhà Tống viết: “Ngày mồng 1 tháng Giêng gọi là Tết Nguyên Đán, người ta thường gọi là Tết”. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm, là khởi đầu của một chuỗi các lễ hội. Về cách gọi “Nguyên Đán”, “Thuấn Điển” (một chương trong cuốn sách cổ Thượng Thư) gọi là Nguyên Nhật; sách Tam Tử Thoa Minh của Thôi Viện đời Hán trong gọi là Nguyên Chính; sách Dương Đô Phú của Canh Xiển triều Tấn gọi là Nguyên Thần; và bài “Nguyên hội đại hưởng ca hoàng hạ từ” thời Bắc Tề gọi là “Nguyên Xuân”; Đường Đức Tông Lý Thích trong thơ “Nguyên nhật thoái triều quan quân trượng quy doanh” gọi nó là “Nguyên Sóc”. Thế nhưng, Tết Nguyên Đán mà cổ nhân nhắc đến không phải là ngày 1 tháng 1 dương lịch, mà là ngày 1 tháng Giêng âm lịch, còn gọi là mùng 1 Tết. Niên hiệu của lịch sử Trung Quốc không phải là hệ thống ghi chép năm theo công nguyên, mà mỗi vị hoàng đế mỗi triều đại đều có một cách ghi chép năm độc lập dựa trên lịch âm. Lịch dương hiện nay là hiện thân của hệ thống lịch phương Tây. Là lấy thời điểm Chúa Jesus được sinh ra là năm 1 công nguyên. Ở Trung Quốc từ thời Trung Hoa Dân Quốc trở về sau mới dần đổi sang lịch dương. Do đó, ngày 1 tháng giêng của Trung Quốc hoàng lịch (đại lục hiện nay gọi là nông lịch/âm lịch) tức “Tết Trung Quốc” có không khí ngày lễ hơn so với Tết dương. Trong các vùng địa phương nói tiếng Hoa có cách gọi khác nhau, có nơi gọi là “mùng 1 đầu năm”, một số gọi là “mùng 1 đại thiên”, có nơi gọi là “mùng 1 Tết”, thông thường đều gọi là “Ngày đầu năm mới”.

Dân ca:

Các con đừng ham ăn

Sau lễ Lạp Bát là năm mới,

Cháo Lạp Bát, uống vài ngày,

hối hối hả hả ngày hai ba

Hai ba ăn kẹo dưa đường (1)

Hai tư quét dọn nhà cửa

Hai lăm ăn đậu hủ chiên (2)

Hai sáu ăn thịt cừu hầm

Hai bảy thịt con gà trống

Hai mươi tám làm bánh bao

Ngày hai chín hấp màn thầu

Tối Ba mươi thức suốt đêm

Mồng 1 đầu năm bái lạy người lớn tuổi (đi chúc Tết)

Chú thích:

(1) : Một loại kẹo mạch nha, đường qua là một loại đường rất sền sệt được làm từ gạo vàng và mạch nha, loại có hình dài phủ hạt mè gọi là “kẹo Quảng Đông”, khi rút thành hình hình bầu dục thì gọi là “kẹo dưa đường”, thơm và giòn, ngọt ngọt, bên trong có vài bọt li ti.

(2) Từ đồng âm của “Đậu hủ” trong tiếng Trung là “Đều” và “Phúc” , phong tục xưa tin rằng sau khi “Ông Táo” lên trời, Ngọc Hoàng đích thân hạ giới vào ngày 25 tháng 12 âm lịch để xem xét điều thiện và điều ác trên thế gian và quyết định vận mệnh, vận rủi trong năm tới, nên gia đình nào cũng cúng để cầu phúc nên gọi là “đón Ngọc Hoàng”. Một số người ăn Tết như thường lệ bắt đầu chiên chả và đậu hũ.

Tết (quá niên)

Tết thường nói đến giao thừa và ngày mồng 1 tháng Giêng (mồng 1 Tết âm lịch). Trong dân gian, Tết hoàng lịch theo ý nghĩa truyền thống dùng để chỉ lễ hội bắt đầu từ mùng 8 tháng Chạp (Lạp Bát) hoặc cúng ông Táo ngày 23,24 tháng Chạp cho đến 15 tháng Giêng, với đêm giao thừa và mồng 1 tháng Giêng là điểm trung tâm. Ngày cuối cùng trong năm theo âm lịch (tháng đủ là 30 ngày, tháng thiếu là 29 ngày), chính là “30 Tết”, buổi tối giao thừa cả gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm đoàn viên (bữa cơm cuối năm theo Hoàng lịch), sau bữa cơm tối, có tục lệ thức suốt đêm (thủ niên tuế) và tặng tiền mừng tuổi, biểu thị việc thức đêm coi giữ (thủ) từ ngày cuối của năm cũ đến ngày đầu tiên của năm mới theo hoàng lịch, do đó, đối với ngày lễ này còn được gọi là lễ đón năm mới.

Lạp Bát

Lạp Bát là để chỉ ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch hàng năm, tức là Lễ Laba; Lễ hội Lạp Bát tại Trung Quốc có truyền thống và lịch sử rất lâu đời, cháo Lạp Bát được ăn vào ngày này. Có rất nhiều loại cháo Lạp Bát ở nhiều vùng miền khác nhau của Trung Quốc. Trong số đó, miền Bắc là đặc biệt nhất, trộn trong gạo trắng có táo đỏ, hạt sen, quả óc chó, hạt dẻ, hạnh nhân .v.v không dưới 20 loại nguyên liệu.

Vào tối mùng 7 tháng Chạp, người dân bắt đầu bận rộn, vo gạo, ngâm trái cây, gọt vỏ, tách hạt, chọn lọc phân loại rồi đến nửa đêm bắt đầu nấu, sau đó hầm trên lửa nhỏ cho đến sáng sớm hôm sau cháo Lạp Bát mới tính là nấu chín. Hơn nữa người trong gia đình có gu thẩm mỹ và tinh tế, trước tiên còn phải đem hoa quả chạm khắc thành hình người, động vật, hoa văn, sau đó cho vào nồi nấu. Cháo Lạp Bát sau khi nấu xong, trước tiên phải cúng thần linh và tổ tiên, sau muốn biếu tặng người thân, bạn bè nhất định phải mang đi trước buổi trưa, cuối cùng mới là cả gia đình cùng ăn.

Cháo Lạp Bát còn lại để ăn mấy ngày mà chưa hết thì là điềm tốt, có nghĩa là “năm nào cũng có dư dả”. Nếu bạn mang cháo cho người nghèo, thì đó cũng là tích đức cho chính mình.

Cúng ông Táo

Ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp, còn gọi là ngày Tiểu Niên, tục ngữ có câu: “Ngày 23, cúng ông Táo”. Theo phong tục xưa, ngày 23 tháng 12 nông lịch là ngày cúng Táo quân. Người ta nói rằng vào ngày này, ông Táo đều phải lên trời báo cáo những việc thiện, ác của gia chủ với Ngọc Hoàng, để Ngọc Hoàng thưởng phạt. Căn cứ vào báo cáo của Táo quân, Ngọc Hoàng lại đem vận mệnh cát hung họa phúc nên có của gia chủ trong năm mới giao phó cho Táo quân.

Dọn dẹp nhà cửa (Tảo Trần)

Sau khi cúng ông Táo, thì các hoạt động chuẩn bị cho năm mới chính thức bắt đầu. Hàng năm từ ngày 23 tháng Chạp hoàng lịch cho đến đêm giao thừa, trong dân gian Trung Quốc, khoảng thời gian này được gọi là “ngày đón Xuân”, cũng được gọi là “Tảo Trần”. Tảo trần nghĩa là dọn dẹp nhà cửa cuối năm, ở miền Bắc gọi là “Tảo phòng”, miền Nam gọi là “Đàn Trần”. “Quét bụi” trước Tết là một tập quán truyền thống vốn có của nhân dân Trung Quốc. Theo cách nói dân gian: Vì “bụi” và “trần” đồng âm, nên việc quét bụi vào dịp Tết có ý nghĩa “loại bỏ cái cũ, đón cái mới”, dụng ý của nó là quét sạch hết mọi “vận đen”, “xui xẻo” ra khỏi cửa. Phong tục này gửi gắm ý nguyện của mọi người vào việc vứt bỏ cái cũ và xây dựng cái mới, cùng với lời cầu nguyện chào đón năm mới và từ biệt năm cũ.

Trong dịp Tết, việc đầu tiên chính là đem câu đối đã chuẩn bị sẵn dán lên cửa, ai ai cũng mỉm cười vui vẻ, không nói lời xui xẻo, bất kể giàu hay nghèo, cả trẻ em cho đến người già đều sẽ mặc đồ mới và trang điểm đẹp đẽ một cách chỉnh tề, nhà nhà giăng đèn kết hoa, tạo nên một bầu không khí năm mới thật náo nhiệt.

Điểm nổi bật của ngày 30 Tết là bữa cơm đêm giao thừa, trước bữa ăn cả gia đình già trẻ lớn bé tập trung đông đủ, trước tiên bái Thần Phật, sau bái tổ tiên, cử hành đại lễ ba quỳ chín lạy, cảm tạ sự bảo hộ của thần linh và tổ tiên trong suốt một năm qua, sau nữa là lần lượt hành lễ vấn an các bậc trưởng bối.

Bữa tối đêm giao thừa hay còn gọi là bữa cơm đoàn viên, là khoảng thời gian náo nhiệt và hạnh phúc nhất của mỗi gia đình trong dịp Tết hoàng lịch. Nguyên liệu, món ăn trong bữa cơm đêm giao thừa hầu hết đều hàm ý sự may mắn, món ăn làm ra cần phải bắt mắt, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn. Ví dụ, trong bữa cơm tối đêm giao thừa phải có cá, vì “cá” và “dư” là đồng âm (yú), dùng tượng trưng biểu thị cho sự dư dả và may mắn “năm nào cũng có dư”, “may mắn đủ đầy”, “bát đại uyển cửu đại khấu” tại rất nhiều vùng miền đều có những giá trị và tập tục khác nhau, người dân vùng Giang Hoài thường sẽ ăn “thang viên” (bánh trôi nước) tượng trưng cho sự toàn vẹn, sum vầy đoàn tụ (trong khi phong tục dân gian vùng Tây Nam là ăn bánh trôi nước vào ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán), người phương Bắc ăn sủi cảo tượng trưng cho những thỏi vàng. Nói chung, vào ngày cuối năm người ta đã chuẩn bị đồ ăn nhiều gấp mấy lần ngày thường, không thể ăn hết đồ ăn trong đêm giao thừa mà nhất định phải để lại phần dư dật, nhằm mục đích mang lại điềm lành dư dả quanh năm.

Thời khắc giao thừa (đồng hồ điểm 12h đêm) chính là thời khắc “tam nguyên”, nguyên tức là bắt đầu, tam là chỉ “năm” “tháng” “ngày”, tam nguyên là thời điểm bắt đầu của ngày, tháng, năm. Mọi người đốt pháo hoa, pháo nổ, ngọn lửa thịnh vượng (người ta dùng những tảng than lớn xếp chồng lên nhau thành một tòa tháp, đốt vào các lễ và đi vòng quanh chúng), thắp sáng rực rỡ những ngọn đèn, thể hiện vận khí thông thiên, thịnh vượng, đẩy không khí sôi động của đêm giao thừa lên đến đỉnh điểm.

Chúc Tết

Chúc Tết là một phong tục truyền thống của người dân Trung Quốc, là cách tạm biệt năm cũ chào đón năm mới, và để bày tỏ những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau. Điều mà chúng ta thường biết là vào ngày mùng 1 Tết, cha mẹ dẫn những đứa trẻ đi gặp họ hàng, bạn bè, người lớn tuổi và chúc nhau những lời chúc Tết tốt lành, người có vai vế thấp và những đứa trẻ đều cần khấu đầu thi lễ (thể hiện sự kính trọng và tôn trọng) gọi là “chúc Tết”. Chủ nhà sau đó sẽ tiếp đãi nồng hậu với bánh ngọt, kẹo và tiền lì xì (tiền mừng tuổi).

Tiền mừng tuổi

Khi chúc Tết, người lớn tuổi đem tiền lì xì đã chuẩn bị trước phát cho người trẻ, người ta nói rằng tiền lì xì có thể trấn áp tà ma, bởi vì từ tuổi (岁) và ma (祟) là đồng âm (suì) trong tiếng trung, nên thế hệ trẻ nhận tiền lì xì thì có thể trải qua một năm bình an. Tiền lì xì có hai loại: một là sử dùng dây thừng màu để thắt dây tạo hình con rồng và đặt dưới chân giường; cách thứ hai là phổ biến nhất, đó là tiền được cha mẹ gói trong giấy đỏ để phát cho con cái. Tiền lì xì có thể được trao cho người trẻ ở trước mặt mọi người sau khi chúc Tết, hoặc cha mẹ có thể lặng lẽ đặt dưới gối của con cái khi chúng đang ngủ trong đêm giao thừa. Dân gian cho rằng phát tiền lì xì cho trẻ, khi có yêu ma quỷ quái hoặc giả “Niên” (3) làm hại trẻ em, trẻ em có thể dùng số tiền này để trấn áp nó mà hoá hung thành cát. Ngoài ra, còn một loại tiền lì xì thật sự đúng nghĩa, được các thế hệ sau tặng cho người già. Do trong tiếng trung tiền lì xì là “áp tuế tiền” (压岁钱), 岁 (Tuế) ở đây có nghĩa là tuổi tác, số tuổi, ‘压岁’ (áp Tuế: áp chế tuổi) mang ý nghĩa mong rằng người già sống lâu.

Ngày 30 Tết là ngày cả gia đình người Trung Quốc sum họp, tương tự như ngày lễ truyền thống Lễ Tạ Ơn của người Mỹ, vào ngày này, hầu hết người Mỹ dù cho cách xa đều kịp trở về đoàn tụ với gia đình, nói cách khác ngày Lễ Tạ Ơn cũng lớn như Tết Nguyên Đán.

Vào ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, người ta có tục đi thăm hội chợ chùa, là nơi sôi động để mua những món đồ nhỏ và nếm thử đồ ăn nhẹ, là một cách giải trí và giao lưu xã hội truyền thống. Sau một năm bận rộn, đó là thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.

Chú thích:

(3) : Dân gian truyền miệng rằng ngày xưa xuất hiện 1 con quái vật gọi là Niên. Quái vật này có sừng và sống quanh năm dưới đáy biển sâu, nó chỉ mò lên bờ đúng vào đêm Giao thừa để quấy phá dân lành, sáng sớm lại lẩn vào rừng. Dân làng cứ đến đúng ngày đó là không ai dám ngủ, cả nhà phải quây quần lại bên nhau đề phòng quái vật nên mới có tục thức đêm lúc Giao thừa. Sau này, người ta phát hiện ra Niên rất sợ màu đỏ và tiếng động lớn, nên cứ tới ngày nó trồi lên là dân làng lại mặc quần áo đỏ, treo lồng đèn đỏ, dán câu đối đỏ và đốt pháo. Từ đó Niên không dám quấy phá dân làng nữa. Phong tục đó vẫn được người Trung Quốc duy trì đến ngày nay và được gọi là Quá niên.

Phong tục ngày mùng 5 Tết:

Các cửa hàng nghỉ lễ từ mùng 1 đến ngày mùng 4 Tết, mở cửa trở lại vào ngày mùng 5. Tuy nhiên, cũng có những cửa hàng mở cửa vào ngày mùng 2; trên cột cửa của các cửa hàng thường sẽ dán câu đối: những từ ngữ mang ý nghĩa may mắn và thuận lợi như “mở hàng đại cát, vạn sự hanh thông”, thông thường chữ được viết trên giấy đỏ với chữ vàng; vị khách đầu tiên vào cửa hàng trước tiên vui mừng hớn hở hô to: ông thần tài đến rồi đây!

Dù là chủ cửa hàng hay nhân viên, họ đều sẽ chào đón khách hàng với gương mặt tươi cười, biểu hiện ra dáng vẻ vui mừng hân hoan, cũng chính là mong muốn có được sự may mắn thuận lợi, việc này hết sức được chú trọng.

Tết Nguyên Tiêu (hay còn gọi là Lễ hội đèn lồng) là ngày 15 Tết hay còn gọi là ngày rằm tháng Giêng âm lịch.

Những ngày vui luôn trôi nhanh như “bóng câu qua khe cửa”, bất tri bất giác đã là Tết Nguyên Tiêu. Tết hoàng lịch Trung Quốc chính là như vậy, từ “cháo Lạp Bát” làm khúc nhạc dạo đầu, mong chờ từng ngày, từng chút một kích thích sự hứng thú của người ta, rồi từ từ trở nên sôi động và vui vẻ, cho đến “ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán” đạt đến cao trào của mùa xuân, sau đó là làn sóng nồng nhiệt của niềm vui tràn ngập tiếp diễn, dần dần trở nên bình dị, cuối cùng là với một tâm trạng xa xăm kết thúc bằng Lễ hội đèn lồng của ngày rằm trăng tròn, khiến người ta đọng lại những dư vị và cảm thán vô hạn trong lòng trào dâng.

Thanh ngọc án – Nguyên tịch (Thanh ngọc án – Đêm nguyên tiêu)

Tác giả: Tân Khí Tật (thời Nhà Tống)

Đông phong dạ phóng hoa thiên thụ,

Cánh xuy lạc, tinh như vũ.

Bảo Mã điêu xa hương mãn lộ,

Phụng tiêu thanh động,

Hồ quang chuyển,

Nhất dạ ngư long vũ.

Nga nhi tuyết liễu hoàng kim lũ,

Tiếu ngữ doanh doanh ám hương khứ.

Chúng lí tầm tha thiên,

Mạch nhiên hồi thủ,

Na nhân khước tại,

Đăng hoả lan san xứ.

Tạm dịch:

Gió xuân đêm thổi ngàn hoa bay (pháo hoa)

Càng thổi mạnh rơi như mưa sao

Ngựa quý, xe chạm, hương đưa khắp

Tiếng Phụng tiêu uyển chuyển,

Ánh trăng sáng lay động,

Suốt đêm cá, rồng vui múa.

Mũ ngài, liễu tuyết, tơ vàng rủ, (đồ trang sức của các cô gái đội, cài trên đầu)

Cười nói yêu kiều, hương thoảng bay

Giữa đám đông tìm chàng trăm ngàn lượt,

Chợt ngoảnh đầu,

Người ấy vẫn đây,

Nơi ánh đèn tàn.

Nguyên tịch vu thông cù kiến đăng dạ thăng nam lâu (Nguyên Tiêu dựng đèn nơi đường cái, đêm lên lầu Nam) – Tùy Dượng Đế (Nhà Tuỳ)

Pháp Luân thiên thượng chuyển, phạn thanh thiên thượng lai;

Đăng thụ thiên quang chiếu, hoa diễm thất chi khai.

Nguyệt ảnh nghi lưu thủy, xuân phong hàm dạ mai;

Phần động hoàng kim địa, chung phát lưu ly đài.

Tạm dịch:

Pháp Luân trên trời chuyển, Lời Phật trên trời truyền;

Dựng ngàn đèn chiếu sáng, Hoa lửa bảy nhánh khai;

Bóng trăng tựa nước chảy, Gió xuân ngậm hương mai;

Hoàng kim địa rực cháy, Chuông vọng đài lưu ly.

Phong tục dân gian của Lễ Tết Nguyên tiêu:

Phong tục vào ngày này ở mỗi nơi mỗi khác, người miền Nam sẽ kết thúc ngày Tết Nguyên tiêu bằng một bữa tối cuối cùng với bánh thang viên, người miền Bắc ăn bánh nguyên tiêu (giống bánh trôi nước, đều được làm bằng gạo nếp, bánh thang viên mềm hơn, có nhiều lựa chọn mặn, ngọt, thịt và rau, trong khi nhân nguyên tiêu cứng hơn và chủ yếu là ngọt); cuối cùng, với tiếng chiêng trống vang trời, múa rồng và múa sư tử vẽ lên một kết thúc viên mãn, đầu tiên là múa rồng, sau là kết thúc sự kiện với các hoạt động như sư tử thức giấc “thái thanh” (hái rau xà lách, cỏ, lá xanh – khi sư tử thức dậy sẽ “ăn” xà lách, “nhai” xà lách thành từng miếng và trả lại sự may mắn cho chủ nhà), đây cũng là một ngày mà trẻ con yêu thích nhất, xem ai nhận được nhiều tiền lì xì nhất, cũng chính là nói đứa trẻ này ngoan ngoãn nhất và sẽ được nhiều người yêu quý nhất suốt cả năm.

Văn hóa Trung Quốc có nguồn gốc lịch sử lâu đời, Trung Quốc được mệnh danh là đất nước Thần Châu, tất cả các ngày lễ và tiết khí đều là một phần của văn hóa Thần truyền. Chúng ta nên hiểu rõ nguồn gốc thực sự của Tết Nguyên Đán và ý nghĩa sâu xa đối với người Trung Quốc.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/140420



Ngày đăng: 11-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.