Bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trang Chánh Kiến – Hương vị Tết
Tác giả: Trương Đông
[ChanhKien.org]
Rất nhiều người nói, Tết bây giờ chẳng còn thấy ý nghĩa gì, cũng không thấy có hương vị gì. Là chuyện gì đang xảy ra vậy? Là bởi vì hiện giờ muốn ăn gì hay mặc gì, lúc nào cũng có sẵn cả rồi, không cần phải mong chờ tới Tết mới có được như xưa nữa.
Có thật là như vậy không? Không hẳn vậy. Câu trả lời này chưa thực sự sâu sắc, chưa đào sâu được vào bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, nếu không đi vào thảo luận chuyên sâu, thì quả thật cũng khó để phủ định đáp án này.
Đúng vậy, thời đại ngày xưa rất nghèo. Những người có tuổi đều biết, thời đó đấu tranh giai cấp, càng nghèo càng vinh quang. Cuộc sống mà quá coi trọng vào tiểu tiết, sống sao cho đẹp đẽ lịch thiệp thì được coi là tư tưởng của giai cấp tư sản, muốn trở thành người giàu có, không thể thoát khỏi kết cục bị phê bình, đấu tố; muốn xem gia phả của tổ tiên, cũng không có cửa. Thời đấu tranh cách mạng đã bị đốt cháy tiêu huỷ cả rồi. Tâm tư, sức lực của người dân trên toàn Trung Quốc đều tập trung cho việc đấu tranh giai cấp, đương nhiên xã hội lúc đó rất nghèo, ăn cơm có thịt, mặc quần áo mới đều là những việc cực kỳ khó khăn, vì vậy, mong đến Tết cũng là mong có được bữa ăn no nê đủ đầy, được sống sung túc thoải mái một lần trong năm. Vô hình trung, tất cả niềm vui, hạnh phúc, sự hân hoan khi đón chờ ngày Tết đều quy về việc mong được cải thiện một chút về cuộc sống vật chất.
Thật vậy, nếu đặt bạn vào một môi trường cực kỳ khan hiếm về vật chất, thì dục vọng ham muốn vật chất sẽ ngày càng lớn hơn, chỉ cần đạt được một chút thoả mãn về dục vọng vật chất ấy, sẽ thấy vô cùng phấn khích. Mà loại thoả mãn này có được vào lúc năm mới đến, như vậy, dần dần sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, biến niềm vui hân hoan trong ngày Tết, đều quy về việc cải thiện cuộc sống vật chất.
Tất nhiên rồi, niềm vui chào đón năm mới vốn là một việc vui mừng phấn khởi. Ăn ngon mặc đẹp cũng là lý do để con người vui mừng hân hoan. Hai niềm vui kết hợp làm một, đến cùng một lúc, khiến niềm vui được nhân đôi. Tuy nhiên, niềm vui đón năm mới, hương vị ngọt ngào của đêm giao thừa không chỉ dừng ở đó. Nó không chỉ đơn thuần là một chút cảm giác vui mừng nhất thời! Đó chính là cảm giác tận hưởng, cảm giác thoải mái về tinh thần vốn ẩn sâu trong sâu thẳm tâm hồn. Đó là bữa tiệc lớn trong cảm nhận của sinh mệnh, là trạm dừng, là cột mốc và điểm khởi đầu mới của sinh mệnh.
Thiên nhân hợp nhất là gì? Chỉ bằng cách trở về với bản chất thực của con người, trở về với sự thuần lương chất phác, trở về với sự đôn hậu vốn có thì mới có thể đạt đến cảnh giới thiên nhân hợp nhất. Chỉ có trong trạng thái thiên nhân hợp nhất, thì cảm nhận cuộc sống, cảm giác của sinh mệnh mới càng phong phú, đủ đầy, để lại dư vị dài lâu bất tận. Con người hiện đại tiên tiến đang đi tìm kiếm những mỹ vị đã bị mất từ lâu. Có ai còn nhớ hương vị thật của lợn, gà, chó, vịt… sinh trưởng ở vùng núi, nơi hoang dã tự nhiên, không có hoá chất, không có phân bón hóa học… có cảm giác như thế nào không? Không cần nói về cảm giác của những loại vật chất này, ngày nay cho dù kĩ thuật công nghệ phát triển đến đâu, con người có tìm kiếm và theo đuổi thế nào, dù trồng trọt và chăn nuôi bằng cách nào, cũng không thể tìm lại được hương vị xưa kia, thứ hương vị đã dần bị biến mất. Bởi vì hạt giống đã thay đổi, chủng loại đã thay đổi, toàn bộ môi trường tự nhiên đã thay đổi, điều kiện, phương thức trồng trọt chăn nuôi cũng đều đã thay đổi rồi.
Vậy cảm giác tận hưởng về tinh thần thì sao? Đừng nói rằng có rất nhiều người đã coi nhẹ thứ cảm giác này, đã bỏ cuộc rồi, thật sự đến một ngày đột nhiên thức tỉnh, bạn sẽ thấy cảm giác tinh thần ấy đã đi rất xa mà không thể tìm lại được nữa. Thậm chí, bản thân tự nhận ra rằng mình đã hoàn toàn quên hết rồi.
Năm mới đến, một đại gia đình với nhiều thế hệ chung sống trên thuận dưới hoà, kính trên nhường dưới, chiểu theo đạo lý cương thường (tam cương ngũ thường) mà xử sự mới tuyệt vời làm sao. Không khí yêu thương, cung kính, thân thiện, vui mừng gặp lại nhau sau thời gian xa cách, mọi người cùng nhau tụ tập tận hưởng sự ấm áp của đêm giao thừa, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp, cùng hướng đến những niềm vui hân hoan. Trong tâm không có tạp niệm, biểu hiện trong ngoài như một, tấm lòng cởi mở, đối xử chân thành với nhau, cả đại gia đình vui vẻ hoà hợp không gì vui hơn. Khi ấy cùng nhau thưởng thức cao lương mỹ vị, cùng nâng chén rượu thơm, cùng tận hưởng những món ăn ngon, là cảm giác gì vậy? Cô dì chú bác, anh chị em họ hàng, kẻ tuổi rồng, người tuổi ngựa, kẻ trời Nam, người trời Bắc cùng nhau sum vầy chúc tụng, không náo nhiệt sao? Không vui được sao? Cảnh tượng này giờ chẳng thấy đâu, những niềm vui này nay đã không còn nữa rồi. Số lượng thành viên trong gia đình ngày càng giảm, gia đình thu về phạm vi rất hẹp, điều quan trọng hơn là mọi người không thể quây quần với nhau như trước. Người bây giờ chẳng còn biết tôn ti trật tự, chẳng còn biết kính trên nhường dưới, càng không biết khiêm nhường lễ độ và nhường nhịn lẫn nhau nữa rồi. Người bây giờ ngưỡng mộ sự đố kỵ, hận thù; ai ai cũng muốn khẳng định bản thân, tôi đúng anh sai, oán trách lẫn nhau; anh nhiều tôi ít, đấu tranh với nhau đến mệt mỏi. Khắp nơi đều là những thứ này. Niềm vui ở đâu? Có thể vui nổi không? Có thể quây quần vui vẻ được không? Ví dụ như trước đây, khi có người thân đến chơi, cả nhà chen nhau nằm ngủ trên một chiếc giường đất lớn (một loại giường của người phương Bắc Trung Quốc) cảm giác thật đầm ấm, bây giờ có được như thế không? Giờ đây nếu có ai nói đến việc cùng nhau ngủ trong một căn phòng chắc người ta sẽ cảm thấy khó chịu, kỳ cục. Người bây giờ nhấn mạnh những thứ như là riêng tư, dường như người xưa không biết đến riêng tư là gì vậy? Ngày nay những thứ cần riêng tư thì lại không riêng tư, những thứ không cần riêng tư thì lại lấy ra như một cái cớ để được riêng tư.
Lòng người ngày càng giảo hoạt, nhân tâm biến thành ngày càng phức tạp, ngày càng thích soi mói, bới móc. Không ai muốn kém cạnh người khác, anh ăn tôm hùm, tôi ăn cua bể, chẳng cần biết đồ ăn có độc hại hay không, đón Tết tiệc tùng liên miên, món ngon mỹ vị đi qua đường ruột một lượt, như vậy là xong cái Tết. Nhà nào có chút điều kiện thì đốt ít pháo, trấn tà khí, hoá giải nghi tâm, mang chút náo nhiệt xua đi không khí ảm đạm, cũng chỉ một chút khuấy động đấy là hết, chẳng có hoạt động gì vui hơn.
Không tin sao? Vậy hãy thử xem xem, ngày nay còn có mấy gia đình tam đại đồng đường chung sống với nhau không? Đều là gia đình càng nhỏ thì càng tốt.
Năm mới đến, người xưa thường làm lễ đón Thần cúng tổ tiên, ôn lại kỷ niệm xưa, thành kính lễ bái, nhớ lại lời răn dạy của tổ tiên. Tìm về với tình thân, tìm về với nguồn cội gốc rễ, tìm lại cảm giác thuộc về mình, tìm lại niềm tự hào về cội nguồn lâu đời của gia tộc, tìm về với cảm giác hạnh phúc khi thuận theo lẽ trời, thuận theo đạo làm người. Lặng nhìn bài vị của tổ tiên dưới ánh nến lấp lánh lúc mờ lúc tỏ, đắm mình trong làn hương thơm mà tự mình hãy suy nghĩ lại, quy chính lại bản thân mình xem. Những hoạt động tinh thần truyền thống như trung, hiếu, lễ, nghĩa, cha mẹ nhân từ mà tôn nghiêm, anh em hiếu đễ (kính trên nhường dưới), phép tắc gia phong, vận mệnh quốc gia, lịch sử tương lai giờ có còn không, giờ có còn ai quan tâm không?
Năm mới đến, trời đất quỷ Thần, con người nhân gian cùng chung vui. Toàn thế giới đều ở trong một bầu không khí vui vẻ hoan ca mà người ta vẫn thường nhắc đến mỗi dịp xuân về. Thứ không khí này không hề mơ hồ, không phải là những thứ vô hình nhìn không thấy, sờ không được. Đó chính là cảm giác hết sức thực tại, bởi vì cấu thành thứ không khí này chính là một chủng vật chất. Đó là một trường cảm giác, một loại tần số, một loại hơi thở, một thứ mùi vị rất riêng.
Hiện nay mọi người đều biết, tư duy của con người là một chủng vật chất. Thế còn biết bao nhiêu tư duy và tâm tình khác thì sao? Nó sẽ cấu thành nên trường vật chất to lớn đến như thế nào đây? Khi chào đón năm mới, rất nhiều hoạt động thờ cúng tổ tiên, Thần linh, cùng các chuẩn mực phép tắc, tập quán khác nhau được diễn ra, phải chăng đó là sự an ủi cho tâm hồn và duy trì tiếp nối truyền thống? Đó là một hoạt động lễ hội lớn mà trong đó có rất nhiều các vị Thần tham gia. Những hoạt động tương hỗ giữa các sinh mệnh này sẽ sản sinh ra trường vật chất to lớn đến nhường nào.
Hơn nữa, đây là một điểm thời gian đặc định, đánh dấu một cột mốc, một điểm nút trong sự vận hành của vũ trụ và trời đất. Trong lịch sử lâu dài đằng đẵng, tại thời điểm then chốt này, không biết đã tích lũy được bao nhiêu loại tín tức. Chỉ vậy thôi đã có thể sản sinh ra một bầu không khí, một làn sinh khí mới.
Trong không khí của ngày lễ Tết truyền thống trọng đại đặc biệt đó, khắp nơi đều bao trùm bầu không khí phấn khởi vui mừng, bạn chưa từng có cảm giác như vậy bao giờ sao?
Năm mới đến, những cảm giác này, những cảm nhận này nay có còn không? Đón năm mới, lẽ nào chỉ là biểu hiện ăn ăn uống uống, vui vui vẻ vẻ trên bề mặt thôi sao?
Trong thời kỳ cực kỳ nghèo khó đó, mà phá huỷ văn hoá truyền thống, phá huỷ mọi thứ bề mặt của tinh thần, thì sẽ mang đến cảm giác đón chào năm mới như ngày nay – một cảm giác thật vô vị!
Ngày đăng: 25-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.