Khởi nguồn và sự loạn Pháp của Đạo gia (Phần 2)



Tác giả: Dan Dương chỉnh lý

[ChanhKien.org]

2. Trang Chu khơi mào cho sự loạn Pháp của Đạo gia

Căn cứ ghi chép trong Sử ký – Lão Tử Hàn Phi liệt truyện, Trang Chu là người huyện Mông, nước Tống thời Chiến Quốc. Ông là người cùng thời đại với Mạnh Kha (Mạnh Tử), nhưng về tuổi thì nhỏ hơn. Sử ký chép về Trang Tử như sau: “Học thuyết của ông không có việc gì là không xét đến, nhưng gốc là theo thuyết của Lão Tử”, nói rõ rằng những điều Trang Tử nói nguồn gốc là từ Lão Tử. Sử ký còn chép: “Lão Tử tu đạo đức, học thuyết của ông theo đuổi tự ẩn vô danh”, trong đó còn nói thêm “Đạo Lão Tử coi trọng hư vô, thuận ứng với sự biến hóa mà quay về vô vi, vì vậy sách của ông ngôn từ danh xưng vô cùng vi diệu khó hiểu. Trang Tử suy diễn đạo đức, phương ngôn cao luận, cái gốc của học thuyết đó cũng quy về tự nhiên”. Vì thế có thể thấy lý luận của Trang Tử bất đồng với Lão Tử, Trang Tử căn cứ vào lý giải với Đạo Đức Kinh của mình mà suy diễn ra, yếu lĩnh ở “tự nhiên”. Cách biệt một trời một vực về nội hàm giữa cái “Đạo” mà Lão Tử coi trọng với “tự nhiên” của Trang Tử, liếc mắt cũng có thể nhìn ra.

Sử ký có bình luận như sau về tác phẩm của Trang Chu: “Vì thế, tuy ông viết tới hơn 10 vạn chữ, nhưng lại nhiều chuyện tương tự như ngụ ngôn… Úy Lũy Hư, Cang Tang Tử đều là những lời nói vô căn cứ. Có thể chính vì “ngôn từ danh xưng vô cùng vi diệu khó hiểu” của Đạo Đức Kinh, nên không có ai có thể hiểu được nội hàm thực sự của Đạo Đức Kinh, khiến cho Trang Chu đã thử dùng hình thức ngụ ngôn để giảng thuật cái “Đạo” to lớn, vô hạn, dùng không ngôn ngữ bình thường khó có thể miêu tả được của Lão Tử. Vì Trang Tử không thể hoàn toàn giải thích được “Đạo” của Lão Tử, nên hành văn của ông đều là những lời nói vô căn cứ, phần nhiều là hư cấu, đã bó buộc “Đạo” của Lão Tử vào trong những lý giải của ông, đã gây trở ngại khiến con người không thể triệt để tham ngộ được Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Tư Mã Thiên đã cảm thán với điều này như sau: “Tư tưởng của những người này đều có nguồn gốc từ ý Đạo Đức, song học thuyết của Lão Tử sâu sắc hơn cả”.

Đạo Đức Kinh của Lão Tử được dùng để chỉ đạo cho tu luyện; dùng nó có thể tu luyện thành Tiên, có thể trị quốc hưng bang. Nhưng sách Trang Tử của Trang Chu “ngôn từ thấu triệt, dạt dào, nói theo những gì mình thích, vì thế vương công đại thần đều không muốn trọng dụng ông”. Nếu nói Đạo Đức Kinh là vũ trụ quan, Trang Tử chỉ đáng là nhân sinh quan mà thôi. Người đời Tấn cho rằng thuyết của Trang Tử là Đạo của Lão Tử, sau thời Hán Ngụy còn đặt Lão Tử và Trang Tử ngang hàng với nhau, người đời sau xem Trang Tử là một nhánh của Đạo Đức Kinh, đã khiến cho người ta không còn lãnh hội được đâu mới là Đạo của Lão Tử thật sự nữa. Vì vậy mới nói Trang Tử loạn Pháp của Lão Tử.

Tài liệu tham khảo:

Sử ký, Ngụy thư, Tấn thư

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/22619



Ngày đăng: 14-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.