Khởi nguồn và sự loạn Pháp của Đạo gia (Phần 1)



Tác giả: Dan Dương chỉnh lý

[ChanhKien.org]

1. Nguồn gốc của Đạo gia

Nguồn gốc của Đạo gia là từ Lão Tử, nhưng từ thời Xuân Thu sớm đã có Đạo thuật. Lão Tử sinh ra vào những năm cuối của thời Xuân Thu, nhưng từ trước đó ông đã đến nhân gian. Trong thời kỳ đầu của văn minh lần này, hai vị hoàng đế là Hiên Viên Hoàng Đế và Cao Tân Đế Khốc trong tam hoàng ngũ đế lần lượt đắc đạo từ Lão Tử ở Nga Mi và Mục Đức, sau đó lại có Đại Vũ sau này và cuối cùng là Doãn Hỉ. Từ đầu thời tam hoàng ngũ đế của Hoàng Đế, đã khởi xướng thần dân tôn trọng đạo đức, chăm chỉ tu luyện. “Tự thiên tử dĩ chí thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn” (Trích Đại học – Lễ ký) (Tạm dịch: Từ bậc thiên tử cho đến thường dân, tất cả đều lấy tu thân làm gốc).

Trước thời kỳ Xuân Thu của Lão Tử, có tu luyện Đạo gia nhưng không hề có sư phụ ở thế gian, mọi người đều là truyền miệng, tự mình thanh tu, không có kinh điển một cách hệ thống chỉ đạo mọi người tu luyện. Mặc dù có Dịch Kinh, nhưng chiểu theo Dịch Kinh thì chủ yếu là phù hợp với tiêu chuẩn người tu luyện về ngôn hành. Nhưng người thời đó thuần chân chất phác, thanh tâm quả dục, tự đã ở trong đạo. Có lời nói rằng, con người thượng cổ, cạnh tranh nhau về mặt đạo đức.

Theo ghi chép trong sử sách, vì đạo đức cao thượng và chăm chỉ tu luyện, người thời đó đều rất trường thọ. Ví dụ, đại đa số các vị trong tam hoàng ngũ đế đều tại vị khoảng trăm năm, ai cũng đều thọ hơn trăm tuổi. Thời tam hoàng ngũ đế kéo dài một nghìn năm.

Theo tài liệu được ghi chép, Đạo thuật bắt đầu từ Hoàng Đế, vì vậy từ thời Tần Hán đã gọi Đạo gia là Hoàng Lão chi thuật. Đạo của Lão Tử là tu luyện thuần túy, còn thuật của Hoàng Đế thì bao gồm hái thuốc luyện đan, thi triển thần thông pháp thuật, binh pháp, y dược, bùa chú, bói toán. Một cái là đại đạo, một cái là đạo của trung sỹ, tiểu đạo. Hai đạo này đều cùng lưu truyền không can nhiễu đến nhau, cách gọi chung là Hoàng Lão chi thuật thực sự có chút gây hiểu nhầm. Chỉ là sau này vào những năm cuối thời Đông Hán, sau khi Đạo giáo ra đời, mới có rất nhiều người tu luyện đại đạo chân chính đi khắp nơi thi triển những thứ thần thông thuật loại.

Khổng Tử viết rằng: “Dữ kỳ bất đắc trung dung, tất dã cuồng quyến hô!” Dung, thường dã. Trung dung chi đạo tựu thị trung hòa khả thường hành chi đạo. (Trích Lương Thư – Xử Sỹ) (Tạm dịch: “Không phải là người trung chính thì tất là hạng người cuồng – quyến vậy”. Dung tức là thường. Đạo trung dung chính là trung hòa mà lại thường hành). Người quân tử ngay thẳng, đường đường chính chính, âm thầm lặng lẽ mà làm việc vì người khác, mà tu thân dưỡng tính mới là chính đạo. Bậc thượng sĩ xuất thế gian coi danh là thứ ô uế, coi lợi là thứ nhục nhã, vì vậy họ xa lánh hồng trần, ẩn cư nơi núi rừng, người thường hiếm ai có thể biết và thấy được họ. Bậc thượng sĩ tại thế gian thì ẩn nhẫn, lấy lối sống đơn giản để cầu giữ được chí của mình, ở nơi ô tạp mà không bị nhuốm màu, người thường rất ít người có thể biết được họ. Những thứ thuật loại như binh pháp, y dược, kỳ môn độn giáp cũng chỉ có người tu luyện mới có thể nắm vững được. Do những điều này của họ được truyền thừa rất bí mật, âm thầm lặng lẽ, những người bình thường không hề biết họ là người tu đạo, chỉ biết rằng họ trước khi làm những việc như dẫn binh, bói quẻ đều phải làm pháp sự, cử hành một số nghi thức. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, họ không chỉ tu đạo, có rất nhiều người còn làm những công thần khanh tướng, khởi tác dụng to lớn trong lịch sử. Hầu như tất cả các câu chuyện Thần Tiên, câu chuyện điển tích trong lịch sử đều do họ diễn.

Khổng Tử cũng nói rằng: “Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã” (Luận ngữ – Tử Lộ). Tự do phóng đãng tinh thần thất thường gọi là cuồng, thờ ơ lãnh đạm không hành động gọi là quyến, đây là hai điều cực đoan đối lập nhau. Những kẻ loạn pháp hoại đạo trong lịch sử chẳng phải là những kẻ cuồng – quyến, những kẻ hạ sĩ đó sao. Những người hạ sĩ hoặc sẽ ẩn cư để cầu danh, hoặc tiêu tai diệt họa nhằm đoạt lợi, hoặc giả điên giả cuồng để gây náo loạn nơi trần thế, sợ người khác không biết rằng mình là người siêu phàm thoát tục. Nhưng vì họ thường lặp đi lặp lại, nên người thường biết đến nhiều nhất là những người này. Kết quả Đạo chân chính vì thế mà càng ngày càng ít người biết. Thêm vào đó những kẻ hạ sĩ trong những kẻ hạ sĩ, tục sĩ, không biết được cái Đạo gốc, làm ra những sự việc kỳ quái họa loạn thế gian, khiến cho rất nhiều người thường chỉ trích, làm tổn hại thanh danh của Đạo gia.

Mà điều bại hoại thực sự với Đạo gia lại đến từ chính những đệ tử tu luyện, hoặc là những nhân sĩ tự xưng là đệ tử hoặc truyền nhân, họ càng có tính mê hoặc hơn so với những người khác. Ở đây người có tính đại biểu nhất là Trang Chu, đồng bối của Mạnh Kha thời kỳ Chiến Quốc.

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

Luận ngữ, Lễ ký, Sử ký, Ngụy thư, Tấn thư, Lương thư, Tùy thư, Tân Đường thư

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/22618



Ngày đăng: 09-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.