“Khác không nhiều” và “khác quá nhiều”



Tác giả: Lạp Tử

[ChanhKien.org]

Người tu luyện chúng ta đều biết rằng học Pháp là việc rất khó. Ngay cả khi hàng ngày học thuộc Chuyển Pháp Luân, học có thuộc làu đến mấy, thì chỉ một thời gian sau cũng sẽ quên mất một ít, lúc đọc Pháp rất hay có hiện tượng thêm chữ, sót chữ. Gần đây trong lúc học Pháp tập thể có một đồng tu lúc học Pháp đã thêm một từ, khi các đồng tu khác chỉ ra, anh lập tức sửa lại cho đúng, nhưng lại thuận miệng nói một câu: “Thật ra cũng khác không nhiều”. Ý anh ấy là tuy thừa một chữ nhưng không hề làm thay đổi ý nghĩa của câu này. Đương nhiên, xét từ việc đặt câu trong tiếng Hán thì quả thực có tình huống này, ví dụ như nói “thật ra, việc này rất khó” và “thật ra, việc này rất khó nhỉ”, thì ý tứ khác nhau không nhiều, không gây hiểu nhầm nghĩa, nhưng mà, đây là tình huống trong người thường, liệu có thích hợp với người tu luyện hay không? Câu nói của đồng tu đã khiến tôi nghĩ đến bản thân mình. Cũng giống như đồng tu, trước đây lúc học Pháp tôi cũng chú trọng đọc không sai một chữ, không thêm chữ không bớt chữ, lỡ sai lập tức sửa lại cho đúng, nhưng đó chỉ là xuất phát từ sự tôn kính đối với Sư phụ. Tôi cũng giống như đồng tu, nhìn nhận rằng có lúc đọc thêm chữ hoặc mất chữ, chỉ cần không cải biến ý nghĩa của câu đó thì không có khác biệt gì quá lớn, sai khác không nhiều. Mãi đến khi đọc một số truyện cổ văn hóa truyền thống, tôi mới hiểu sâu sắc hơn việc “khác một từ” này không phải là khác không nhiều mà là khác quá nhiều.

Ấn tượng sâu sắc nhất là khi trang web Đại Kỷ Nguyên đăng bài viết “Trắc tự huyền cơ: Điềm báo Ngô Tam Quế tạo phản bị vạch trần như thế nào”, trong bài có một đoạn “Câu chuyện về ba người cùng đoán một chữ, nhưng kết quả lại khác nhau” .

Đoạn trích như sau:

“Năm Đinh Mão đời vua Càn Long (năm 1747), sau khi Phúc Châu tổ chức kỳ thi hương, có một thí sinh tên Tạ Đình Quang rất mong sớm biết kết quả, muốn tìm người hỏi một chút xem bản thân có danh đề bảng hổ hay không. Anh ta nghe nói tại cầu Hồng Sơn có một tiên sinh giỏi bói chữ, bèn cùng bạn bè đến thăm hỏi.

Tạ Đình Quang đến nơi, lấy ra chữ “Nhân” (因), hỏi xem lần ứng thí này có đề bảng hay không. Tiên sinh đoán chữ nói: “Quốc nội (chữ khẩu 口) nhất nhân (chữ đại 大 ), quân tướng trung kim khoa bảng thủ – giải nguyên”. (Ý tứ là trong nước có được một người, trong khoa thi lần này anh sẽ đứng đầu bảng – tức thủ khoa).

Người bạn đi cùng cũng vui mừng muốn thử, nói: “Tôi cũng muốn lấy chữ ‘Nhân’ này hỏi việc tương tự”. Tiên sinh đoán chữ nói: “E rằng trong khoa thi lần này anh không được đề bảng, trong Ân khoa (1) sau đó thì có hy vọng thoả chí”.

Người bạn này hỏi: “Vì sao cùng đoán một chữ mà kết quả lại không giống nhau?”

Tiên sinh đoán chữ nói: “Chữ ‘Nhân’ của anh ta xuất phát từ vô tâm; chữ ‘Nhân’ của anh thì xuất phát từ hữu tâm”. Vậy thì chữ “Nhân” (因) có thêm chữ “Tâm” (心), tức là “Ân” (恩), vậy nên tiên sinh đoán chữ nói anh này khi ứng thí Ân khoa có hy vọng thỏa chí. Chữ “Chí” (志) cũng là biểu hiện của tâm vậy.

Khi ấy, trong phòng còn có một thanh niên nghe thấy thú vị, tay cầm chiếc quạt gấp lại chỉ vào chữ “Nhân” nói: “Tại hạ cũng muốn lấy chữ này để hỏi tiền đồ”.

Ngờ đâu tiên sinh đoán chữ nghe anh ta hỏi, nhíu mày nói: “Trong tay anh cầm chiếc quạt gấp lại thêm đúng vào trong chữ ‘Nhân’ (因), thành giống như chữ ‘Khốn’ (困 – khốn cùng, gian nan), thân thanh câm của anh tương lai sẽ kết thúc thôi”. (Thanh câm – cổ áo xanh, dùng để chỉ trang phục của học sinh học giả thời xưa).

Sau này tương lai của ba người quả thật đều bị tiên sinh đoán chữ kia đoán trúng cả”.

Đọc xong câu chuyện cổ này, tôi nghĩ, vì sao mà ba lần đoán cùng một chữ, tiên sinh đoán chữ có thể đoán ra những kết quả khác nhau?

Thực chất, đời người đã được sắp đặt hết rồi, Sư phụ dạy chúng ta:

“Chúng tôi còn thấy một tình huống: vào lúc một cá nhân giáng sinh, thì ở trong một không gian đặc định đều có hình thức tồn tại của một đời của cá nhân ấy; nghĩa là, sinh mệnh của cá nhân này [khi] đến một [lúc] nào đó, [sẽ] cần phải làm gì đó, thì ở đấy đã có hết rồi.” (“Bài giảng thứ bảy”, Chuyển Pháp Luân)

Từ khi một cá nhân được sinh ra thì những tín tức sinh lão bệnh tử đã mang theo bên người rồi, trong mỗi lời nói hành vi, nhất cử nhất động của người ấy đều hiển lộ những tín tức này, chỉ bất quá là người thường dùng mắt nhìn không thấy, còn tiên sinh đoán chữ được văn hóa Thần truyền bồi dưỡng, nên có được kỹ năng nắm bắt giải mã chúng ra. Những người khác nhau mang theo các dạng tín tức khác nhau, vậy nên dù đoán cùng một chữ mà kết quả không giống nhau, đây chính là nguyên nhân căn bản.

Nếu như là một người có bản lĩnh lớn hơn nữa, chẳng hạn như người tu luyện có công năng, thì có thể phân tích giải mã tốt hơn nữa, khi người khác nói hoặc viết một từ cũng có thể nhìn thấy được nghiệp lực của anh ta lớn ngần nào, thấy được tình huống đời đời kiếp kiếp của anh ta. Một chữ là đủ rồi.

Cho nên lúc đọc Pháp, nếu như thêm một chữ, vậy thì chữ đó không phải là Sư phụ nói mà là bản thân nói, vậy phía sau chữ đó là gì đây? Chính là toàn bộ tín tức của bản thân, bao gồm cả nghiệp lực chưa tiêu trừ. Còn phía sau mỗi từ của Sư phụ là tầng tầng lớp lớp Phật Đạo Thần, là Pháp thân của Sư phụ, là triển hiện của chân lý vũ trụ. Lấy chữ của mình thêm vào trong Pháp chính là loạn Pháp. Tất nhiên chúng ta không cố ý loạn Pháp, vậy nên chỉ cần sửa lại cho đúng là được. Nhưng nếu như cho rằng việc này không có gì đáng kể lắm, không coi trọng, thậm chí phóng túng thì đã không còn là vấn đề nhỏ nữa rồi.

Vốn dĩ đây là một vấn đề rất nghiêm túc, tại sao tôi lại không để ý, nhìn nhận là khác không nhiều đây? Hướng nội tìm, tôi phát hiện là bản thân đã quen làm người rồi, việc gì cũng chỉ nhìn bề mặt, trên biểu hiện mà thấy không khác nhau lắm thì bèn kết luận là “khác không nhiều”. Kỳ thực là không nhảy ra khỏi sự trói buộc của quan niệm “nhìn thấy là thực”, chính là dùng tư duy của con người, quan niệm của con người để nhìn nhận hết thảy, thay vì coi bản thân là một vị Thần, một Giác Giả mà dùng phương thức tư duy của Thần để suy xét.

Sư phụ đã nói về việc Thần nhìn nhận đối đãi với sự việc hiện tượng như thế nào trong nhiều lần giảng Pháp, xử lý vấn đề như thế nào, sự khác biệt giữa Thần và người, các đồng tu khai thiên mục cũng đã miêu tả chi tiết các chủng tình huống tại không gian khác, bao gồm chính niệm trừ ác, vạn vật có linh, luân hồi chuyển sinh v.v.. Những điều đó kỳ thực đã đủ để khiến những đệ tử Đại Pháp tu luyện với thiên mục đóng như tôi thoát khỏi thói quen ỷ lại vào đôi mắt thịt, học tập cách dùng quang nhãn của Thần để nhìn nhận, đối đãi vấn đề. Ví như nhìn mọi vật thể đều sẽ “nhìn” thấy chúng là linh thể, là sinh mệnh, có thể câu thông, cần phải yêu mến quý tiếc; nhìn thấy một người, cho dù là có hành vi bất hảo, cũng sẽ “nhìn” thấy họ đến từ những nơi xa xôi của đại khung vũ trụ, kinh qua ngàn vạn năm trắc trở, là sinh mệnh đáng được quý tiếc và tôn kính, ngôn hành bất hảo là do ô nhiễm của tầng thứ thấp chứ không phải bản chất của họ; nhìn thấy trò chơi trên mạng, thì sẽ “nhìn” thấy đám ma quỷ nhảy loạn phía đằng sau; nhìn thấy tiểu thuyết hay chương trình tivi trong người thường, thì sẽ “thấy” được tín tức của tác giả phía sau chúng, thậm chí nhìn thấy toàn bộ tín tức của các linh thể thao túng tác giả, là những thứ dơ bẩn màu đen…

Đừng nhìn bề mặt mà nhìn không gian khác, nhìn bản chất, nhìn lịch sử, nhìn từ thâm sâu, nhìn toàn diện thì sẽ không bị mê trong người thường. Bề mặt của con người khá phức tạp, những thứ tưởng thật mà giả; tưởng đúng mà sai có quá nhiều, không khác gì mê cung, bị hãm vào rồi thì rất khó thoát ra. Nếu nhảy thoát ra mà nhìn sự vật thì thật ra rất đơn giản, bởi vì đã nắm được bản chất rồi, càng bản chất thì càng đơn giản. Nói thẳng ra, cần coi bản thân như một vị Thần, thời thời khắc khắc, nhất tư nhất niệm đều yêu cầu bản thân như vậy, “Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ” (Chuyển Pháp Luân), có nguyện vọng và nỗ lực thành Thần như vậy, thì Sư phụ sẽ giúp đỡ đệ tử bỏ đi tầng vỏ con người này, mọi thứ đều là Sư phụ làm, mọi thứ đều là Sư phụ và Đại Pháp ban cho.

Sở ngộ cá nhân, nếu như có chỗ không đúng, xin đồng tu từ bi chỉ chính. Hợp thập.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/277314

Chú thích của người dịch:

(1) Ân khoa: Kỳ thi mở làm ơn, tức kỳ thi bất thường, được tổ chức ngoài kỳ hạn thường lệ, để đánh dấu việc vui mừng nào của quốc gia, triều đình hoặc hoàng tộc (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng).



Ngày đăng: 31-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.