“Cười vui vẻ” và “không vui vẻ”



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Có một đồng tu ở địa phương, cả ngày đều cười vui vẻ, khi giảng chân tướng cũng vui vẻ cười, khiến đối phương cảm thấy rất thân thiện. Đối với người không tiếp nhận chân tướng, cô ấy cũng vui vẻ cười chúc họ bình an, khiến họ không thấy một chút phản cảm nào. Vì bị bức hại, nên chồng đã ly hôn với cô, khi giảng chân tướng và trò chuyện với nhau, đối phương hỏi cô rằng chồng của cô làm nghề gì, cô nói tôi đã ly hôn. Đối phương nhất quyết không tin và nói không thể nào! Cô lừa người à? Cô ly hôn rồi mà ngày nào cũng cười vui như thế này sao? Ý họ là chưa bao giờ thấy ai có tâm thái tốt như vậy sau khi trải qua sự việc như thế.

Còn có rất nhiều đồng tu, một khi đắc Pháp, vô cùng vui mừng và xúc động, xúc động là vì “Tôi có Sư phụ rồi!”, “Từ đây tôi có Sư phụ quản rồi!”

Nhưng tôi lại không có kiểu cảm giác như vậy, dù đã tu luyện nhiều năm, cũng cảm nhận được thời thời khắc khắc có Sư phụ ở bên cạnh bảo hộ, nhưng không có được cảm giác xúc động và có nơi thuộc về như các đồng tu, tôi đổ lỗi cho ngộ tính của mình kém. Tu luyện nhiều năm như vậy cũng chưa tu được trạng thái cả ngày vui vẻ, mà còn thường xuyên có vẻ mặt nghiêm nghị, tâm tình không tốt. Nhưng đó không phải là loại cảm giác vui hay không vui biểu hiện bên ngoài khi bị tình cảm dẫn động, mà là một loại tâm lý ở trạng thái bình thường. (Kỳ thực qua tu luyện hơn 20 năm, đa phần đều là gặp vấn đề gì cũng không hề động tâm, tương đối bình hòa, đôi khi tôi cũng có thể có tâm hoan hỷ hoặc chán nản, nhưng rất nhanh chóng nhận ra và quy chính lại). Đó chính là luôn không vui vẻ lên được.

Tại sao lại không thể luôn cười vui vẻ? Tại sao lúc nào mặt cũng phải nghiêm nghị? Bởi vì việc khiến người ta vui không nhiều, việc không vui lúc nào cũng có. Ví như: con cái thi không tốt, con toàn xem điện thoại, không nghe lời, học tập không tiến bộ, chồng đối xử tệ với mình, trong nhà có nhiều người nên lo lắng hết việc này đến việc nọ… tóm lại có quá nhiều chuyện khiến người ta không vui. Vì vậy mới cảm thấy không như ý, không vừa lòng, không thỏa mãn, tóm lại là không thể đạt được kỳ vọng của bản thân, nên mới không vui.

Suy cho cùng, chính là đối với việc của con người vẫn còn có ham muốn, có đòi hỏi, vẫn còn để ý đến được mất, suy tính hơn thiệt trong người thường.

Những điều truy cầu là gì? Cầu cho việc gì cũng thuận lợi, tốt đẹp, con cái giỏi giang người người đều ngưỡng mộ, người nhà có công việc tốt kiếm được nhiều tiền, cha mẹ mạnh khỏe, bớt phiền phức cho bản thân, điều truy cầu là vật chất đầy đủ sung túc, không lo cơm ăn áo mặc, mong muốn không còn phiền phức gì nữa… tóm lại điều mong cầu là sống cuộc sống thoải mái trong người thường. Bởi vì không đạt được những kỳ vọng này trong cuộc sống, cho nên mới không vui.

Những điều suy tính hơn thiệt là gì? Sợ gặp phải việc không tốt, gặp phải việc không vừa ý, sợ chuyện phiền phức, lo lắng nhân sinh vô thường, thế sự khó lường… Bởi vì sợ bị mất, nên mới không vui. Dù có chuyện vui cũng không dám vui, sợ có được sẽ có mất. Mọi chuyện “không vui” đều là vì “không được” và “sợ bị mất”. Tóm lại những điều không vui này chính là xoay quanh được và mất nơi danh, lợi, tình.

Thì ra tu luyện đã hơn 20 năm, mà quan niệm của tôi vẫn chưa hề thay đổi! Tôi vẫn đang truy cầu được mất trong người thường! Hóa ra tu luyện hơn 20 năm rồi, tôi vẫn ôm giữ chết cứng mọi thứ của con người không chịu buông bỏ!

Cái lý của con người là phản đảo lại, Sư phụ dạy:

“Chư vị ở nơi người thường hàng ngày an nhàn thoải mái, thì chư vị tu làm sao? Nghiệp lực của chư vị chuyển hóa thế nào? Ở đâu có được hoàn cảnh để đề cao tâm tính chư vị và chuyển hóa nghiệp lực của chư vị?” (Chuyển Pháp Luân)

Kỳ thực, không thoải mái mới là đúng, là bình thường. Con người đời đời kiếp kiếp luân hồi chuyển sinh đã tạo vô số nghiệp lực, hỏi làm sao có thể thoải mái được? Không thoải mái mới có thể chịu khổ, mới có thể tiêu nghiệp, mới có thể đề cao. Một chút khó chịu chư vị cũng không có thì minh chứng rằng Sư phụ không quản chư vị. Hóa ra tôi vẫn chưa thay đổi triệt để được quan niệm này.

Trong Tinh tấn yếu chỉ bài “Chân tu” Sư phụ đã giảng:

“Chư vị từ thế giới thánh khiết và tốt đẹp không gì sánh nổi rơi rớt tới đây, là vì chư vị tại tầng thứ đó mà có tâm chấp trước. Khi rơi rớt xuống thế giới bên dưới và, nếu so sánh, là dơ bẩn nhất này, chư vị không nhanh chóng tu trở về, lại còn bám cứng những thứ dơ bẩn trong thế giới dơ bẩn ấy mà không buông bỏ, thậm chí thiệt hại một chút đã thống khổ không chịu nổi. Chư vị biết chăng? Để độ chư vị, Phật đã đi xin ăn nơi người thường, hôm nay tôi lại mở rộng cửa truyền Đại Pháp độ chư vị, tôi không hề vì vô số nạn gặp phải mà cảm thấy khổ, vậy chư vị còn gì chưa buông bỏ được? Chư vị có thể mang theo những thứ chưa buông bỏ trong tâm ấy tiến vào thiên quốc chăng?”

Tu luyện nhiều năm như vậy, tôi cứ tưởng rằng trước những khảo nghiệm về lợi ích to lớn trước mắt bản thân đã có thể buông bỏ, thản nhiên mà xả bỏ, đã buông bỏ được danh lợi tình rồi. Kỳ thực những thứ mà thản nhiên xả bỏ chính là những thứ mà bản thân cho rằng không thuộc về mình, còn những thứ được gọi là thuộc về mình, mình mới có thể giữ thật chặt! Bằng không tại sao lại không vui? Tại sao còn vẫn suy tính thiệt hơn? Chẳng phải là “lợi” bị mất, hoặc là “danh” bị mất, hoặc là “tình” bị tổn thương mới không vui hay sao? Còn không nhanh chóng buông bỏ tận gốc những thứ này, lẽ nào còn muốn đem theo danh, lợi, tình những thứ hám lợi đen lòng này lên Thiên Thượng sao?

Trong Tinh tấn yếu chỉ bài “Chân tu” Sư phụ giảng:

“Có thể buông bỏ tâm người thường hay không, đó là ‘tử quan’ dẫn tới người siêu thường chân chính. Đệ tử chân tu ai ai cũng phải vượt qua, đó là giới tuyến giữa người tu luyện và người thường”.

Trong bài Nhổ tận gốc Sư phụ giảng:

“Chư vị không thể cứ mãi để tôi dắt chư vị đi lên, chứ tự bản thân chư vị không bước đi, Pháp giảng rõ ra rồi thì chư vị mới động, còn chưa giảng rõ ra thì chư vị bất động hoặc động theo hướng ngược lại, tôi không thể thừa nhận loại hành vi đó là tu luyện được đâu. Vào thời then chốt khi mà tôi yêu cầu chư vị quyết cắt đứt con người, chư vị lại không có theo tôi rời đi, mỗi một lần cơ hội đều sẽ không trở lại nữa”.

Pháp lý mà Sư phụ giảng cho chúng ta, tôi lý giải là: Tu luyện là loại bỏ những tâm chấp trước của con người, bao gồm tất cả những tâm của người thường, chính là buông bỏ phần “con người”, đoạn tuyệt phần “con người”. Tu luyện chính là quá trình từng bước từng bước buông bỏ phần “con người”, hướng tới Thần. Mỗi lần khảo nghiệm đều là thử thách xem có thể buông bỏ được phần “con người” hay không, mỗi lần qua được quan, đều là cơ hội để đoạn tuyệt phần “con người”. Chỉ có buông bỏ hết tất cả chấp trước của con người, mới có thể thật sự tiến đến thành Thần, nếu còn một chút gì đó của con người, thì đều không cách nào tiến nhập lên tầng thứ cao, cảnh giới cao, bởi vì những thứ của con người là viên lạp hạt vật chất rất thô, dơ bẩn, cách quá xa so với cảnh giới của thế giới thiên quốc, hoàn toàn không thể lên đó được.

Kỳ thực, tất cả những thứ “không vui vẻ”, “không vừa ý”, “không hài lòng” đều là cơ hội được Sư phụ an bài cho tôi để tôi đoạn tuyệt những thứ của con người, đều là hảo sự! Là để cho tôi từ trong danh, lợi, tình của người thường mà nhảy xuất ra, hướng đến Thần. Sư phụ dạy:

“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện”. (Tinh tấn yếu chỉ III – “Gửi Pháp hội Chicago”)

Tự mình biết rõ ràng như thế, nhưng vẫn cứ chấp mê không buông bỏ, chính là quan niệm của con người quá mạnh, một phần do bản tính mê quá sâu, và ngộ tính quá kém, thật là vong ân bội nghĩa đối với sự từ bi khổ độ của Sư phụ!

Tại sao đồng tu có thể vui vẻ hàng ngày như vậy? Đó chính là đã buông bỏ được những thứ của con người, không còn toan tính những được mất của con người, không còn có sự ràng buộc của danh, lợi, tình của con người, thì tự nhiên cũng sẽ không còn không vui vẻ nữa. Hàng ngày được đắm mình trong Pháp quang, đi theo con đường tu luyện mà Sư phụ đã dày công an bài, không ham muốn, không truy cầu, không chấp trước, làm ba việc mà Sư phụ an bài, thì những điều đắc được đều là những thứ tốt mà “người thường có muốn cũng không thể được” (Chuyển Pháp Luân), vậy tại sao lại không vui vẻ mỗi ngày chứ?

Một chút thể ngộ ở giai đoạn này, có chỗ nào chưa phù hợp, xin từ bi chỉ chính.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284956



Ngày đăng: 14-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.