Tìm ra tự ngã thực sự



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đài Loan

[ChanhKien.org]

Kính chào Sư tôn từ bi vĩ đại!

Chào các bạn đồng tu!

Điểm hoá trước khi tu luyện: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”

Tháng 8 năm 1999, tôi nghỉ việc dạy học.

Trước đó, tôi bận phải dạy học, bận con cái, bận việc nhà, bận đến mức hoa mắt chóng mặt, toàn thân rệu rã. Sự nôn nóng luôn thường trực trong tâm, thể hiện ra là tôi hay nóng nảy, quát mắng con cái.

Hôm đó tôi đã khởi động xe, con gái tôi ngồi trong xe, và chúng tôi đợi anh trai con bé đang ở trong nhà vệ sinh rất lâu mà vẫn chưa ra, tôi liên tục hỏi xem thằng bé có sao không, nhưng nó không đáp lại. Thấy mình sắp bị muộn, tôi sốt ruột không chịu được, vội tắt máy, đùng đùng tức giận xông vào nhà xem có chuyện gì. Lúc này, đứa con trai năm tuổi mới chậm rãi đi ra, nói: “Con định đứng dậy, nhưng mẹ cứ quát mắng, nên con không muốn đứng dậy!” Tôi sững người, thấy thằng bé đang cầm cuốn truyện trên tay, tôi không nói được gì nữa. Câu này nghe quen quá, ngày xưa tôi cũng chống đối lại mẹ tôi như thế. Tức thì con trai chăm chú nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên: “Mẹ ơi sao mẹ lại không tức giận?”

Ngày hôm sau, kịch bản vẫn lặp lại như cũ, chỉ là vai chính đổi thành cô em gái ba tuổi, tận đến khi tôi phải hét lên! Rồi con bé chậm rãi đi ra, bắt chước giọng điệu của anh trai nó ngày hôm qua, bi bô nói: “Con định đứng dậy, nhưng mẹ cứ quát mãi, nên con không muốn dậy!” Sau khi lên xe hai anh em lại chơi với nhau.

Nhưng lời của bọn trẻ thì cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi mãi…

Kịch bản này cứ diễn ra hằng ngày. Tôi chật vật giữa dòng đời xoáy tít, cực khổ đến không nói nên lời. Tôi cũng vô cùng hối hận vì đã trút lên các con những cảm xúc không khống chế được của mình, mỗi khi chúng chỉ ra cái sai thì người mẹ như tôi lại nổi giận. Tôi thực sự không muốn như vậy, tôi khao khát được quay lại khoảng thời gian bốn năm đầu đời của chúng, tôi xin nghỉ phép không hưởng lương để được chăm sóc con cái, lúc ấy tôi chỉ là một người mẹ thuần túy, thời gian ở bên cạnh lũ trẻ thật vui vẻ, không phải vì bận rộn cuộc sống mà nổi giận và quát mắng thế này.

Trong lòng tôi bắt đầu có một giọng nói vang lên: “Xin thôi việc!”

Lúc đọc bài văn con trai viết, thằng bé dùng sự thay đổi của bốn mùa xuân hạ thu đông để mô tả cảm nhận về mẹ, điều này giống như một cú sốc đối với tôi, phải chăng tôi là một người mẹ có cảm xúc thất thường như vậy? Đã tự khi nào mà trạng thái quan hệ giữa mẹ tôi và tôi giờ lại lặp lại trong mối quan hệ giữa tôi và con trai?

Mẹ tôi kể rằng mẹ của mẹ tôi, tức bà ngoại tôi, luôn thẳng miệng trách móc mẹ tôi nặng nề, khiến mẹ tôi luôn nghi ngờ rằng mẹ tôi không phải là con ruột của bà ngoại, ngay cả hàng xóm cũng nghĩ thế, một đứa bé gái mới mấy tuổi đầu mà phải giặt ủi quần áo cho cả gia đình mười mấy người, còn phải nấu cơm, thậm chí xe đạp mẹ tôi đi cũng bị bôi mỡ lợn. Nhưng mẹ tôi rất cam chịu, bà nói bà rất vui khi làm mọi việc cho bố và các anh bà.

Mãi đến năm 20 tuổi mẹ tôi được gả cho bố tôi vốn mồ côi ở Đài Loan, bà ngoại mới hối hận nói: “Nếu sớm biết phải gả con cho người không có cha mẹ, mẹ đã không cần khắt khe với con như vậy, con không biết làm dâu khổ sở thế nào đâu, đánh con mắng con là để rèn luyện cho con, để con sau này có thể đảm đương mọi việc bên chồng!” Kết hôn rồi, hễ có món gì ngon mẹ tôi thường dâng lên bà ngoại nếm thử trước, mãi đến khi bà ngoại qua đời. Mẹ tôi nói bà rất an lòng vì cả đời bà đã tận tâm tận lực với bà ngoại rồi.

Nhưng mẹ tôi và bà ngoại là hai thái cực khác nhau, mẹ tôi không bao giờ bắt chúng tôi làm việc nhà, việc lớn việc nhỏ gì đều tự tay mẹ tôi làm hết, thời ấy hoàn toàn chưa có máy móc, mẹ tôi phải giặt quần áo đến tận chiều mới có thể đem phơi. Mẹ tôi không hay đánh chúng tôi, nhưng hay thích nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện, có rất nhiều chuyện được mẹ tôi tích lũy lại trong một thời gian lâu và đến một ngày nào đó nó sẽ bộc phát, như được kết sổ vậy, chúng tôi từ trước giờ vẫn mơ hồ về những lỗi lầm mà mình mắc phải, nên thông thường khi bị đánh mắng sẽ thấy không cam tâm, không phục. May thay chu kỳ bùng phát cảm xúc của mẹ tôi rất dài, còn bố tôi thì bận rộn với công việc và ít khi ở nhà, ông cũng không trách phạt chúng tôi, nên cuối cùng vẫn có được chút cân bằng.

Mẹ rất yêu thương tôi và tôi cũng rất yêu mẹ, nhất là khi mẹ nấu cho tôi những món ăn ngon, may cho tôi những bộ quần áo đẹp, ai bị bệnh thì mẹ cũng đối đãi rất tốt. Tuy vậy sau khi lớn lên, tôi đã cảm thấy hết sức phiền chán với những lời cằn nhằn của mẹ, tôi đáp trả mạnh mẽ và sau đó một cuộc tranh cãi dữ dội đã nổ ra. Có lần mẹ tôi thậm chí còn kêu tôi đừng về nhà nữa, về nhà lại sẽ cãi nhau với bà, bố tôi tình cờ chứng kiến cảnh ấy, sáng hôm sau khi đưa tôi đi nhờ xe người ta, ông nói: “Mẹ con không có tâm như vậy, mẹ chỉ nói ngoài miệng vậy thôi, bà đã hối hận lắm rồi, con đừng để trong lòng”. Bố dúi vào tay tôi hộp cơm nặng trĩu mà mẹ tôi đã làm, bởi vì tôi muốn dạy ở một trường học bên bờ biển được lựa chọn đặc biệt, tôi phải ngồi xe buýt và xe lửa suốt mười mấy tiếng đồng hồ, cả đi lẫn về là vừa bằng một chuyến đi quanh Đài Loan. Tôi thích những chuyến hành trình dài như vậy, được ngồi trên xe lửa nhìn ra biển Thái Bình Dương, đi khỏi nhà tôi rất xa rất xa…

Thỉnh thoảng khi tôi trở về, nỗi nhớ nhà vẫn không ngăn được những trận cãi vã giữa chúng tôi (rốt cuộc cãi nhau về điều gì, đến bây giờ tôi cũng chẳng nhớ ra nổi nữa). Rõ ràng là bà ngoại yêu thương con gái của bà ngoại, mẹ tôi yêu thương tôi và tôi cũng yêu các con của mình, nhưng tình yêu thương của chúng tôi dường như bị những cảm xúc khác nhau khống chế, bị nguyền rủa bởi những quan niệm không thể rũ bỏ từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình yêu và cả sự hối hận đã đan xen nhau thông qua một cái miệng không thể kiểm soát.

Có lần, tôi đang ốm mệt nằm trên ghế sô pha, hai đứa trẻ bò lên mình tôi và dụi vào người tôi kêu lên: “Mẹ ơi, con đói”, “Mẹ ơi, con đói quá”, nhưng tôi không dậy được, hai đứa trẻ ngả ra nằm trên người tôi rồi ngủ thiếp đi. Nước mắt lưng tròng, lúc ấy tôi nghĩ giá như có mẹ ở bên thì tốt biết mấy.

Bọn trẻ chỉ đi mẫu giáo nửa ngày, nửa ngày còn lại đều ở nhà, có lần tôi phải đi dạy thay cho một lớp, tôi bèn ra bảo chúng nằm trên giường không được ngồi dậy, tốt nhất là nên đánh một giấc thật ngon. Chúng rất vui vẻ dạ ran đồng ý. Tôi đi xuống nhà, vừa bước ra khỏi cửa thì nghe một tiếng “đùng” khiến tôi sợ hãi vội chạy trở lại. Dưới sự xúi giục của anh trai, cô em gái đã trèo qua từng tầng từng tầng một của cái tủ sách, đặt con búp bê lên tầng gần trần nhà nhất rồi cho nó rơi xuống nghe một tiếng “rầm”. Tôi lại mắng lại đánh chúng, và hai đứa trẻ khóc lóc quay trở lại giường nằm. Tôi lập tức phóng xe máy đến trường, lòng đầy hối hận và chán nản, suốt buổi dạy hôm ấy tâm trí tôi cũng chẳng yên tĩnh được.

Ba năm trì trệ, ngu ngơ như vậy đã trôi qua.

Một hôm khi con trai tôi học lớp 2 ở trường tiểu học phạm lỗi (giờ thì tôi cũng không nhớ nổi thằng bé đã làm sai điều gì), tôi bảo thằng bé đem một cái bót đi giày lại (khi lũ trẻ phạm lỗi tôi dùng cái này để vỗ vào lòng bàn tay chúng), nhưng thằng bé lại mang một quyển tiểu thuyết của Kim Dung đến, nó mở một trang sách ra rồi chỉ vào một câu trong đó: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Lúc này tôi như tỉnh mộng, vội ôm lấy con trai và khóc.

Câu này tôi cũng nghe quen lắm, nhưng chưa bao giờ tôi minh bạch được ý nghĩa của nó như lúc này, minh bạch từ trong sâu thẳm của sinh mệnh. Cũng từ đó tôi không bao giờ đánh bọn trẻ nữa, tôi thực sự đã buông con dao đồ tể trong lòng, thứ chuyên làm tổn thương người và tổn thương mình xuống.

Trước đó tôi đã mượn một cuốn tiểu thuyết Kim Dung từ một người họ hàng, và con trai tôi đã đọc say sưa, vì thế tôi đã mua cho thằng bé cả bộ tiểu thuyết bằng bản in khổ lớn để đọc thoả thích. Con trai tôi thực sự đã đọc đi đọc lại bộ tiểu thuyết không dưới 10 lần, trong tiểu thuyết của Kim Dung có rất nhiều giáo lý nhà Phật, tôi cũng không nhớ thằng bé đã lấy ra quyển nào trong bộ ấy để chỉ tôi xem.

Vào năm nay, năm 1999, đến cuối học kỳ, cuối cùng tôi cũng nộp đơn xin thôi việc, sự lựa chọn này đã thay đổi cuộc đời tôi và nó có ý nghĩa rất to lớn. Tôi bắt đầu có thời gian trò chuyện với các con và chờ đợi chúng thay vì bắt chúng phải nghe lời tôi. Không còn sốt ruột như trước, cũng không cần dùng cách nổi giận để giải quyết vấn đề nữa, tôi có đủ thời gian để cân bằng rất nhiều việc cũng như để điều chỉnh cảm xúc của mình.

Tôi vốn là người chậm chạp, một khi đặt mình vào guồng quay của máy quay nhanh, tôi liền bị bấn loạn. Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã không trang bị cho mình một loại năng lực ứng phó, vì vậy tôi chỉ có thể đưa ra lựa chọn ưu tiên cái nào trước cái nào sau, cái nào nặng cái nào nhẹ mà thôi.

Nhưng mà mẹ tôi thì không có cơ hội như vậy, bà là một người phụ nữ truyền thống, cả đời bà sống một cách bị động và chưa bao giờ được là chính mình. Bà luôn bận rộn, bận rộn với năm đứa con, bận rộn với các cháu, bà đã vô tư tiếp nhận sự đòi hỏi tình cảm quá nhiều từ con cái, rồi lại bận rộn với người bạn đời đang dần lãng quên mọi sự trên thế gian, cho đến phút cuối cùng bà ngã xuống.

Năm mẹ tôi 72 tuổi, một ngày nọ, bà bị ngã khỏi ghế và được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Tôi vừa hoảng hốt vừa đau lòng, nhưng cũng được an ủi đôi chút là tôi có thời gian chăm sóc bà trong bệnh viện. Khi mẹ tôi ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, ý thức của bà vẫn chưa rõ ràng lắm, nhưng bà đã tự nói với mình rằng: “Cả một đời bận rộn rồi”. Cuối cùng thì mẹ tôi cũng tỉnh lại, nhưng bà không còn là người mẹ quen thuộc trước đây của tôi.

Bà không còn bận rộn nữa, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn mọi thứ, trông bà rất hiền hòa, đôi khi rất nghiêm trang, bà còn muốn yêu thương những đứa con của mình, nhưng rốt cuộc thì bà cũng không thể làm chủ chính mình, phải buông bỏ cái tâm đã bám theo bà cả đời kia xuống. Khi tôi quay lại, tôi ngồi trên băng ghế nhỏ nói chuyện với mẹ tôi, hỏi bà đang nghĩ gì, bà nói rằng bà đang nghĩ về cuộc đời này. Đêm đến nằm bên cạnh mẹ tôi, tôi lặng nhìn bà ngon giấc ngáy o o, bà ngủ rất nhiều, có lẽ bà đang bù lại những ngày thiếu ngủ trong đời, và chúng tôi cũng đang bù đắp tất cả những gì chúng tôi đã nợ bà.

Cha tôi đã ra đi nhiều năm rồi, đã 20 năm kể từ khi ông được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ cho đến khi qua đời. Kế hoạch của cha tôi sau khi nghỉ hưu là sẽ viết lách và trồng hoa. Nhưng sau khi trút được gánh nặng cuộc đời xuống thì ông lại không muốn làm gì, sau đó thì không thể làm gì được, ngay cả tiền lương hưu của chính mình cũng không thể dùng. Ông dần mất đi chủ ý thức, không còn nhận ra chúng tôi, xem mẹ tôi như mẹ người khác, cuối cùng thì ngay cả chức năng sinh lý căn bản cũng bị mất đi hoàn toàn và phải phó mặc bản thân cho người khác.

Trước khi tu luyện, tôi xếp những bức ảnh của cha và mẹ tôi từ thuở trẻ đến lúc già mà tôi tìm thấy bên dưới chiếc bàn và thường tự hỏi mình, ai mới là người mẹ thật sự của tôi? Ai mới là người cha thật sự của tôi?

Có lẽ tôi đã cảm thụ được một cách rất mạnh mẽ rằng cha mẹ đã dùng hình thức sinh mệnh như vậy để gợi mở cho tôi, dùng quá trình sinh mệnh dài như vậy để diễn dịch cho tôi về kết cục của đời người và khích lệ tôi đi tìm một sinh mệnh chân chính, mở ra một con đường chân lý rộng lớn.

Khi con trai tôi mới lên cấp 2, một ngày trước khi đi học, tôi hỏi cháu: “Là đứa con trai lúc nhỏ rất đáng yêu hay là đứa con trai hôm qua đã nổi giận với mẹ?” Cháu suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Là con, nhưng cũng không phải là con!” Thằng bé vẫy vẫy tay chào tôi rồi bắt xe buýt đi mất. Cả ngày hôm ấy tôi đã suy nghĩ về câu nói của nó. Đúng! Trong dòng chảy của thời gian, mỗi khoảnh khắc đều sẽ thành quá khứ, vậy khi nào mới là chính mình thực sự? Thời điểm nào mới là thằng bé thực sự? Tôi đang hoài niệm về cháu như là một đứa trẻ và không muốn chấp nhận hiện thực rằng thằng bé đã bước vào tuổi thanh thiếu niên. Nhưng nếu tôi cứ mãi chấp trước vào những hiện tượng này thì cuối cùng sẽ bị chúng quấy nhiễu, ràng buộc, thậm chí là đắm mình vào đó, và rồi cũng tiến nhập vào một mô thức như bao người khác, thăng trầm trong bao cảm xúc bi hoan ly hợp, hay sinh lão bệnh tử của đời người.

Những băn khoăn trong tu luyện

Giấc mơ lớn của cuộc đời tôi về cơ bản là đã kết thúc khi tôi nhìn người mẹ đang hôn mê của mình bị cạo trọc đầu và được đưa vào phòng phẫu thuật, nơi có lằn ranh phân chia sự sống và cái chết. Tôi thực sự ngừng tranh cãi với mẹ, và dường như mọi tranh chấp trên thế gian này cũng đã lắng xuống.

Chăm sóc bà được hơn một tháng thì tôi quay về nhà, khoảng thời gian này trong lòng tôi chỉ có mẹ tôi, thỉnh thoảng con gái tôi gọi và khóc trong điện thoại, hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ về?” Con trai tôi hỏi: “Bà có sớm khỏe lại không hở mẹ?” Ba cha con ở nhà đã vất vả rồi, nhưng tôi không có thời gian chăm sóc họ.

Một năm sau thì tôi đắc Pháp, và tôi đã xem xét cẩn thận các Pháp lý của Sư phụ từng chữ từng nét một.

Tôi dần xem nhẹ những việc của người thường, và nếu các đồng tu nói về những vấn đề vặt vãnh không đâu vào đâu thì tôi sẽ tránh xa họ. Có lúc các đồng tu nói với tôi về mâu thuẫn giữa các đồng tu, tôi yên lặng lắng nghe, nếu lúc ấy trong đầu tôi hiện ra Pháp của Sư phụ thì tôi sẽ nói với họ, hoặc sau này học đến chỗ Pháp lý đấy thì tôi sẽ đọc cho họ nghe. Với những việc xảy ra với tôi, tôi đa phần là giữ im lặng.

Khi tôi đọc đến bài thơ “Thiểu biện” trong Hồng Ngâm III của Sư phụ:

Như ngộ cường biện vật tranh ngôn

Hướng nội trảo nhân thị tu luyện

Việt tưởng giải thích tâm việt trọng

Thản đãng vô chấp xuất minh kiến

Tạm dịch:

Gặp thời xảo biện hãy lặng im

Tu luyện ắt phải hướng nội tìm

Càng giải thích nhiều tâm càng nặng

Cởi chấp mở lòng sáng trong tim

Tôi giật mình tỉnh ngộ, mỗi lần cãi nhau với mẹ thì tôi luôn biện giải, chỉ muốn nói cho rõ ràng, hai người càng nói càng giận, cuối cùng thì nói mà chẳng cần suy xét gì nữa. Mẹ tôi luôn bảo: “Sao con không giống như lúc nhỏ, mẹ nói gì là nghe đó?” Bà còn nói: “Cho con đi học rồi là thành vậy sao? Đi học về để đấu khẩu với mẹ hả?” Mẹ tôi lại nói: “Trước giờ mẹ chưa trả lời lại bà ngoại câu nào, cho tới ngày bà ra đi. Hiếu đạo là gì con biết không, vâng lời chính là hiếu đó”. Tôi trả lời bà: “Thời đại đã khác rồi mẹ ạ”. Những gì tôi cho là nói có đạo lý, đối với mẹ tôi lại là bất hiếu, còn sự việc thật sự thì trước giờ vẫn chưa nói được rõ ràng.

Trong bài giảng thứ tư trong sách Chuyển Pháp Luân Sư phụ giảng:

“Khi gặp mâu thuẫn kiểu này, chư vị đầu tiên nên phải bình tĩnh, không nên đối xử giống như hắn. Tất nhiên chúng ta có thể giải thích một cách có thiện ý; nói rõ sự việc thì không hề gì; tuy nhiên chư vị chấp trước quá thì không được. Khi chúng ta gặp phải những chuyện phiền phức như thế, thì [chúng ta] không được giống như người ta mà tranh mà đấu”

Tôi đã không bình tĩnh, không có thiện ý, cứ một mực cố chấp. Tôi chỉ muốn tẩy sạch những gì tôi cho là quan niệm đã cũ của mẹ, thậm chí còn muốn phủ nhận tất cả nỗ lực của bà, nên mới khiến mẹ tôi cảm thấy tức giận và đau lòng như thế. Sư phụ giảng:

“Tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể!” (“Thanh tỉnh”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi ý thức được rằng, nếu không làm được như hai vế đầu Sư phụ giảng thì những đạo lý kia sẽ chẳng là gì cả. Tôi thực sự biết rằng mình đã sai, sai hoàn toàn, mẹ tôi đã nói đúng, mẹ đã cho tôi đi học, học đến thành tự cho mình là đúng. Đại Pháp đã soi sáng trái tim bị vẩn đục của tôi, tôi thực sự đã tranh đã đấu với người mẹ đã vô tư cống hiến cả cuộc đời cho gia đình và con cái, lẽ nào tôi đã đè bẹp mẹ tôi? Tôi xấu hổ đến mức chỉ muốn độn thổ cho xong.

Vì những lỗi lầm trong quá khứ, mỗi khi tôi và các đồng tu phát sinh mâu thuẫn thì tôi nhất định sẽ chọn cách im lặng, bất kể các đồng tu nói gì, tôi sẽ không bao giờ nói lại. Khi có cơ hội thì tôi sẽ chia sẻ, giao lưu với họ, nếu không có thì tôi cũng sẽ để sự việc trôi qua. Tôi cũng không thảo luận điều này với các đồng tu khác, bởi vì chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ toàn bộ câu chuyện, khi kể lại, có thể tôi sẽ cố ý hoặc vô ý thêm một câu hay bớt một câu không đúng với sự thật.

Tôi đã từng bị các đồng tu la mắng, xua đuổi ở nơi công cộng vì đã không phối hợp, lý do là tôi đã đứng ở một nơi không thể đứng được. Sự việc xảy đến quá đột ngột, khiến tôi vô cùng kinh ngạc, nhưng tôi đã sớm cảm nhận thấy điều đó vì tôi đã nghe được Pháp lý của Sư phụ khi trên đường đến cuộc diễu hành:

“Do vậy sau này khi luyện công, chư vị sẽ gặp các dạng các loại ma nạn. Không có những ma nạn ấy hỏi chư vị tu ra sao? Mọi người ai với ai cũng tốt, không có xung đột về lợi ích, không có can nhiễu nhân tâm, chư vị ngồi nơi kia [hỏi] tâm tính đề lên cao là sao? Như thế không thể được. Con người phải qua thực tế mà thật sự ‘ma luyện’ bản thân mới có thể đề cao lên. Có người nói: ‘Chúng ta luyện công vậy sao vẫn cứ gặp những chuyện phiền phức thế này?”

“[Tất cả] đều [phải] là trạng thái nơi người thường: hôm nay có ai đó sinh chuyện với chư vị, ai đó làm chư vị bực mình, ai đó xử tệ với chư vị, đột nhiên nói lời bất kính với chư vị; chính là để xem chư vị đối đãi với vấn đề này như thế nào” (“Bài giảng thứ tư”, Chuyển Pháp Luân)

Tôi bình tĩnh nói với đồng tu: “Bạn không biết đây là đâu sao? Tất cả chúng sinh đang nhìn chúng ta đấy!” Đồng tu đã ý thức được điều đó, và ngữ điệu của anh ấy lập tức trầm xuống: “Được rồi, tôi xin lỗi chị, nhưng chị không thể đứng ở đây được”. Tôi gật gật đầu và đi theo vị trí anh ấy chỉ dẫn, lặng lẽ bước tới.

Loại mô thức này rất quen thuộc trong xã hội Đài Loan, không có gì là kỳ lạ khi các đồng tu xuất hiện trong gia đình, khu phố, trường học, chỗ các học sinh, ở những nơi công cộng hay trước các nhân vật của công chúng. Thời gian đã rất khẩn bách rồi, khi có sự cố xảy ra, luôn có người sốt sắng, nói những lời trách móc, bàn tán, nói linh tinh, lời nào cũng có. Tình cảm thường rất mạnh mẽ, còn sự tôn trọng theo lý trí lại tương đối yếu ớt, cho nên quan hệ giữa người với người cũng không ổn định, mà hay lay động, dễ bị tổn thương theo sự thăng trầm của tình cảm.

Sau khi tiệc trà kết thúc và mọi người đang dọn dẹp chỗ ấy thì đồng tu đứng đầu và đồng tu Z vẫn còn đang trao đổi các việc với nhau, đồng tu C đã đến và tức giận hét lên: “Tại sao các bạn không dọn dẹp? Vẫn đang trò chuyện à?” Đồng tu đứng đầu muốn giải thích, nhưng đồng tu C xua tay nói: “Mau dọn thôi!” Cũng may là thực khách đã ra về hết, nếu không quang cảnh chủ khách cùng vui vẻ ban nãy đã tan biến trong chốc lát.

Một hoạt động quy mô lớn sắp bắt đầu và có một vị đồng tu đứng ra chủ trì, đồng tu A và đồng tu B từ các nơi khác nhau đến giúp đỡ, họ vừa gặp mặt đã chào hỏi nhau nồng nhiệt, đồng tu chủ trì bước đến đùng đùng tức giận hét lên: “Các bạn không biết là sắp bắt đầu ngay hay sao? Vẫn còn tán gẫu à?”

Tôi đã chứng kiến những cảnh này với hàng trăm cảm xúc đan xen. Chúng ta vừa là nạn nhân của những hành động sai lầm, vừa là người tạo ra những hành động sai lầm đó, lại không ngừng sử dụng và tạo ra các hành động, thậm chí còn làm cho mọi thứ trở nên tệ hại hơn.

Đây chẳng phải cũng là một mạng lưới của cựu thế lực sao? Gần đây chiến dịch thanh linh cực đoan của Trung Cộng dường như càng trở nên điên rồ, nhiều người ở các khu vực tự do đã để lại bình luận ở cuối video, rằng người ta không dám chống lại sự nô dịch đối với người dân Trung Quốc, còn có đủ kiểu chế giễu, lăng mạ.

Tôi tự hỏi mình rằng: “Nếu sống dưới một chế độ như vậy, tôi có dám đứng lên không?” Mỗi một quần thể xã hội đều có ý thức tập thể của nhóm quần thể dân tộc đó, ý thức đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong quần thể đó, từ khi sinh ra đã bị ý thức đó khống chế rồi, và mạng lưới các mối quan hệ giữa con người với nhau cũng rất là phức tạp.

Từ bi và chính niệm giúp thoát khỏi mạng lưới của cựu thế lực

Trước và khi mới bắt đầu tu luyện, từng lời nói từng hành động của tôi đều bị những quan niệm và thói quen cũ khống chế một cách vô thức! Tôi thì lại nhút nhát, chỉ dám đóng cửa ở trong nhà diễu võ dương oai! May thay mẹ tôi bản tính đôn hậu, chỉ là với con cái trong nhà thì đôi lúc cũng nổi nóng, chứ xưa nay chưa từng tranh giành với người khác, việc gì cũng nhường nhịn, với những phụ nữ bất lương trong xóm cũng chưa từng bàn luận sau lưng họ. Mẹ tôi luôn nói “để người ta lợi dụng chút thì lại ăn ngon ngủ ngon”, “lợi dụng người khác thì lương tâm cũng bứt rứt”.

Mẹ tôi rất rộng lượng và nhân từ với người khác, khi tôi còn nhỏ, điều kiện kinh tế của gia đình không tốt, đồ ăn thường bị thiếu hụt, chị cả của tôi sau giờ học luôn dẫn những người bạn học giỏi (cả thảy bốn người) đến nhà chúng tôi, mà nhà tôi cũng có năm anh chị em, mẹ tôi đã lấy thức ăn phân thành 10 phần, lúc ấy tôi mới bảy tám tuổi, tôi không muốn họ đến nên đã giận mẹ một lúc, mẹ tôi nói: “Các con mỗi người ăn bớt đi một chút thì ai cũng có thể ăn được”.

Sự lễ độ của mẹ tôi dành cho mọi người lại càng đầy đủ, dù là vừa mới đánh chúng tôi nhưng hễ có khách đến, mẹ lập tức điều chỉnh lại tâm trạng và tiếp đãi khách một cách chân thành, lịch sự. Một hôm gần trưa, ba người bạn đồng hương của cha tôi từ xa đi ô tô đến, thời ấy chưa có điện thoại, cha tôi cũng không có ở nhà, họ định cáo từ, mẹ tôi đã giữ họ lại ăn cơm. Mẹ tôi nói: “Các bác từ xa đến mà lại đi như thế này, ông Ngô về lại trách tôi”. Bà để khách ngồi một lát, ra ngoài chuẩn bị các thứ, chỉ lát sau một mâm cơm ngon đã sẵn sàng, các vị khách được một bữa no nê, khi cha tôi về cả chủ lẫn khách đều vui vẻ. Tuy nhiên, tiền đong gạo của gia đình chúng tôi thường phải nợ đến sau nửa tháng mới có thể trả cho cửa hàng tạp hóa.

Vào thời ấy tiền lương công chức rất ít ỏi, với gia cảnh chật vật như thế, một người phụ nữ Đài Loan truyền thống đã dành cả đời chăm chỉ tằn tiện để chăm lo cho các thành viên trong gia đình. Từ nhỏ chúng tôi đã nghe quen tai những lời của mẹ, thừa hưởng cả ưu lẫn khuyết của bà.

Nghe nói vào thời Mã Anh Cửu làm tổng thống, các điểm du lịch ở Đài Loan có rất nhiều du khách Trung Quốc đại lục, tà ác can nhiễu rất nhiều, chỉ cần có người khiếu nại với Cục quản lý du lịch quốc gia thì họ sẽ cử người đến nói rằng chúng tôi quấy rối du khách, rồi chỉ tức khắc các bảng triển lãm sẽ bị tịch thu và chúng tôi cũng tức khắc buộc phải di tản, họ không cho phép chúng tôi giảng chân tướng. Người phụ trách mỗi lần đến đây đều giận dữ khiển trách chúng tôi, nói rằng cô ấy đã vất vả như thế nào nhưng chúng tôi lại không hiểu được cô ấy duy hộ điểm giảng chân tướng này chẳng dễ dàng gì, nói xong cô ấy luôn kèm thêm một câu: “Nếu không thì đổi lại các bạn hãy làm người điều phối thử xem”. Có một lần tôi nói với cô ấy: “Cô đừng mãi như vậy được không? Chúng tôi không phải là nhân viên của cô, cũng không phải là học sinh của cô, càng không phải là con của cô, chúng tôi là đồng tu của cô!” Cô ấy xúc động nói: “Tôi không cách nào bình tĩnh được như chị!”

Đúng lúc này, một nhóm lớn du khách Đại Lục đi tới, người điều phối quay sang cười chào hỏi, nhiệt tình chào gọi họ, các đồng tu thảy đều há hốc mồm ngạc nhiên, họ vẫn chưa kịp hồi phục cảm xúc sau khi bị mắng, bèn xì xầm nói với nhau: “Cô ấy hễ nhìn thấy du khách Đại Lục lại cười hi hi như vậy, vì sao với chúng ta lại hung dữ như thế?” Tôi vừa nói với các đồng tu rằng chớ nên bàn luận sau lưng đồng tu, nên giao lưu thẳng thắn với cô ấy, vừa nhớ đến mẹ tôi, tôi chẳng nhịn được lại bật cười.

Sư phụ giảng:

“Chỗ khác biệt ấy giữa người tu luyện và người thường, từ bề mặt nhìn không có khác biệt gì. [Tôi] không nói rằng đã tu Đại Pháp, thì hôm nay chư vị chính là như Thần rồi. Về hình dáng là không có thay đổi. Chư vị đi trên con đường [thành] Thần, thì thay đổi duy nhất chính là giữa chư vị và người thường là khác nhau về phương thức suy xét các vấn đề”

“người thường họ sẽ không suy xét vấn đề kiểu như thế, đụng phải mâu thuẫn thì đều chỉ trích đối phương, cuối cùng càng ngày càng gay gắt. Đã là đệ tử Đại Pháp thì không thế” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Một ngày nọ, tôi thiện ý giao lưu với người điều phối về việc này, cô ấy vui vẻ cười đáp: “Thật sao? Tôi thực sự đã như thế sao? Tôi thậm chí còn không nhận ra điều đó!” Cô ấy rất biết ơn tôi vì đã nói với cô ấy những điều này, còn nói rằng cô ấy nhất định sẽ sửa, chỉ là có lúc cô ấy không chú ý lại phạm lỗi, tôi lại phải nhắc nhở cô ấy lần nữa.

Trong bài Thế nào là đệ tử Đại Pháp, Sư phụ giảng:

“Lúc chư vị phối hợp với nhau là vì nhân tâm mới sản sinh ma sát với nhau, đấy là trạng thái và quá trình của người tu luyện, quyết không phải ai đó trong chư vị thật sự không tốt. Phía mặt tốt đã không nhìn thấy, đã cách ra rồi, những gì chư vị nhìn thấy vĩnh viễn là phía mặt chưa tu xong, nhưng chư vị không được không ôm giữ tâm từ bi, không được nhìn người một cách cố định. Tôi nhắc lại, phía mặt tốt thì chư vị nhìn không thấy, bên đó đã phi thường tốt rồi, đạt tiêu chuẩn rồi. Đạt tiêu chuẩn là sao? Tiêu chuẩn của Thần. Còn phía chưa tu xong kia của họ, càng hướng ra bề mặt thì càng hiển ra không tốt, tuy nhiên, họ đã tu được rất tốt. Hy vọng mọi người trân quý chính mình, trân quý người khác, trân quý hoàn cảnh này của chư vị. Trân quý con đường mà chư vị đi, đó chính là trân quý bản thân chư vị”

Pháp lý này rất quan trọng đối với tôi trong thời gian 10 năm giảng chân tướng tại điểm du lịch. Pháp lý này đã giúp tôi thoát ra được cái hiện thực thông thường, không cường điệu hóa mọi việc, không chìm đắm trong những cảm xúc phụ diện mà thay vào đó là dùng một loại nhận thức lý tính để liễu giải tất cả những người mẹ cũng như những người phụ nữ đã lớn lên trong bối cảnh xã hội của thời đại này, thậm chí là liễu giải cả một dân tộc, hết thảy mọi sự phát triển của bất kỳ hình thái sinh mệnh nào đều có tồn tại những mối quan hệ nhân duyên không thể phủ định, và dùng lý tính để liễu giải được rằng mỗi đồng tu là một lạp tử trong đó, để tôn trọng họ, và để bản thân mình có thể biết tiến, lùi. Tu luyện Đại Pháp đã giúp tôi phân biệt rõ ràng rằng cần đãi cát tìm vàng, trong tư tưởng truyền thống có những điều phù hợp với Pháp lý, việc truyền lửa lại cho thế hệ sau là trách nhiệm của chúng ta; còn đi ngược lại với Pháp lý, thì sẽ đi đến kết thúc.

Do vậy, mỗi khi những người xung quanh tôi thể hiện ra những cảm xúc phụ diện, thì với tôi đó là một sự cảnh tỉnh mạnh mẽ, tôi sẽ tự hỏi mình rằng: “Nếu là tôi, tôi sẽ làm như thế nào?”, “Tôi nói điều này nhằm mục đích gì? Việc gào thét lên hay nói lảm nhảm không ngừng là vì để biểu lộ sự phẫn nộ, hay để làm người khác phải chịu khuất nhục? Hay để có được một sự phản hồi tốt hơn, và có thể giải quyết vấn đề?”, “Tôi muốn trở thành kiểu người tu luyện nào? Là chính tôi làm chủ hay người khác làm chủ? Hay là để hoàn cảnh làm chủ mình?” Tôi ý thức được rất rõ rằng trong tâm mình đang mô phỏng, diễn luyện, đang biểu đạt một cách rất minh xác về những gì tôi muốn đạt được. Cách luyện tập này cho phép tôi có thể giữ vững tâm tính và không phải làm bừa khi đối diện với các tình huống xảy đến bất ngờ. Sư phụ giảng:

“Chúng tôi ở đây giảng về chủ nguyên thần, chính là tư duy của bản thân mình, tự mình nếu biết rõ mình đang suy nghĩ gì, thực hiện gì, đó chính là bản thân mình thực sự” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ đã từ bi như thế, các Pháp lý đã được giảng thấu đáo đến thế, thực sự đã giải khai được những ân oán sâu xa của mỗi từng đệ tử Đại Pháp tích lại qua bao đời bao kiếp.

Trong kinh văn Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003 Sư phụ giảng rằng:

“Thói quen của từng người là khác nhau, tập quán từng dân tộc là khác nhau, trong khu vực sinh sống khác nhau, nhân loại có bối cảnh văn hoá khác nhau, sẽ tạo thành tập quán khác nhau, phía phụ diện trong văn hoá khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng tới mỗi từng học viên của dân tộc khác nhau, tuy nhiên điều này không thành vấn đề, Sư phụ không nhìn vào những điều ấy. Chư vị chỉ cần tu thì chư vị có thể nhận thức tới được, dần dần thì điều gì cũng sẽ làm tốt, lập tức mà điều gì cũng làm được thì không thực tế. Cùng với việc chư vị học Pháp không ngừng thâm sâu, khi mà nhận thức càng ngày càng tốt thì chư vị sẽ làm được tốt”

Trong kinh văn Giảng Pháp tại Manhattan [2006] Sư phụ còn giảng:

“Bất kể thói quen được sự việc gì dưỡng thành đều là sự sinh thành của vật chất. Tại không gian khác là có chủng vật chất ấy, thì ở không gian này mới xuất hiện trạng thái ấy”

“Gỡ những thứ thực [tại] [vật] chất đó xuống, nhưng cái thói quen được dưỡng thành kia thì chư vị phải tự mình tống khứ. Thói quen được dưỡng thành dần dần qua thời gian, loại thói quen ấy có nguyên lai từ những chấp trước khác nhau”

Chỉ khi chiểu theo Đại Pháp mà làm thì mới có thể khai mở được cục diện. Tôi đã dần không còn bị những quan niệm cũ và thế lực cũ kia thao túng nữa, đối với người điều phối thì trạng thái của tôi là lúc mới bắt đầu thì chỉ chấp thuận ở bề mặt, rồi sau đó là phối hợp một cách bị động, rồi đến phối hợp có chọn lọc, cuối cùng là phối hợp mà không cần phải suy nghĩ, trong 10 năm ròng ấy, những góc cạnh trong tôi lần lượt được mài mòn từng cái một, đây là những ngày tháng vàng kim trong quá trình chuyển từ người thường thành một người tu luyện của tôi.

Một hôm, khi tôi đang ngồi một mình ở một vị trí tương đối cao tại điểm du lịch và đang chuẩn bị phát chính niệm thì người điều phối đến, cô ấy ngồi ở hàng ghế đầu, khoảng cách giữa hai chúng tôi là hai hàng ghế, cô ấy quay đầu lại vẫy tay với tôi, chỉ vào hàng ghế phía sau lưng cô và nói: “Chỉ có hai chúng ta thôi, đừng ngồi xa nhau quá”, tôi liền đến và ngồi xuống cạnh cô ấy mà không nói một lời nào, lúc ấy bầu không khí bỗng trở nên hòa ái, năng lượng cũng rất mạnh mẽ. Đột nhiên một tiếng nổ “đoàng” thật lớn từ phía sau tôi vang đến, khiến cả khu vực chỗ chúng tôi ai cũng phải giật mình. Tôi vẫn không mở mắt cho đến khi phát chính niệm xong, và khi nhìn lại, hoá ra một cành cây to khổng lồ phía trên chỗ tôi đang ngồi bị đổ và cắm thẳng xuống chỗ tôi, ngoài vị trí chỗ tôi và người điều phối ra thì những chỗ khác đều đã bị cành cây rậm rạp ấy che phủ.

Chỉ có Đại Pháp mới có thể phá trừ đi những thiên kiến của người thường và phá trừ chướng ngại giữa các đồng tu với nhau.

Có lẽ Sư phụ thấy rằng tôi đã triệt để loại bỏ những quan niệm bất hảo đối với người điều phối nên đã tiêu bỏ ma nạn ấy cho tôi. Con xin khấu tạ Sư tôn, xin cảm ơn các đồng tu.

Đêm đó, tôi có một giấc mơ rất rõ ràng, tôi đang từ trên bầu trời rất cao bay hạ xuống, bay đến chỗ một nhóm người ở quảng trường, họ đang nắm tay nhau và tạo thành một vòng tròn lớn, tôi cắt ngang vòng tròn của họ rồi nắm tay hai người hai bên tôi bay lên một cách vui sướng, toàn bộ những người tạo ra vòng tròn ấy cũng được cất lên và bay lên không trung. Tôi thể ngộ được Sư phụ đã khiến tôi minh bạch ra rằng nếu tôi buông bỏ mọi chấp trước thì lực độ cứu người sẽ lớn.

Sư phụ đã giảng rằng:

“Bởi vì người tu luyện sẽ không dễ dàng hình thành quan niệm tại nơi người thường, họ đặt Pháp lên trên hết thảy, dùng Pháp phá mê, phá trừ quan niệm người thường, và hết thảy đều lấy Pháp đo lường. Ngoại trừ việc kiên định chính niệm duy hộ Pháp, đối với việc của người thường thì làm mà vô cầu, làm hay không làm đều không có chấp trước, lại càng không có quan niệm cố định” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])

Lời kết

Sau khi tu bỏ những cảm giác yêu, ghét của người thường, tôi bắt đầu minh bạch được rằng khi trút bỏ tầng vỏ dày được cấu thành bởi những quan niệm và thói quen xong thì cái tôi thực sự đang thoát ra, giống như đang phá kén chui ra. Mỗi một cá nhân mỗi một sự việc mà tôi gặp phải trong quá trình tu luyện đều là đang giúp tôi biến đổi, mà quá trình đổi này vừa vất vả cũng vừa thống khổ.

Sư phụ giảng:

“Khổ khó ấy là một phần của tu luyện của chư vị” (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp)

“Trong tu luyện cần tiêu nghiệp, tiêu nghiệp sẽ thống khổ; làm sao có thể tăng công một cách nhẹ nhàng thoải mái kia chứ! Nếu không thì tâm chấp trước của chư vị làm sao bỏ được đây?” (“Bài giảng thứ sáu”, Chuyển Pháp Luân)

Nếu như thời gian 10 năm giảng chân tướng tại điểm du lịch là những tháng ngày vàng kim của tôi, thì hai năm rưỡi giảng chân tướng trên nền tảng RTC đã giúp ma luyện ý chí như kim cương bất phá của tôi, nếu để tôi viết, tôi sẽ gắng sức viết thật hay, nếu để tôi giảng tôi sẽ tận lực giảng thật tốt, sẽ vui vẻ phục tùng trong khi phối hợp, tôi xin cảm tạ các đồng tu đã khai sáng ra một hoàn cảnh tu luyện như nền tảng RTC này, kiên trì qua thời gian lâu ngần ấy, đã tập hợp được nhiều đồng tu đến vậy, nền tảng không chỉ là để cứu độ chúng sinh mà còn đang giúp các đồng tu thăng hoa.

Trên con đường tu luyện, tôi xin cảm ơn các đồng tu đã đồng hành, nhắc nhở và nghiêm khắc thúc giục tôi. Tôi rất trân quý hoàn cảnh tu luyện này, trân quý mỗi từng vị đồng tu.

Trên đây là một chút giao lưu tâm đắc về những nhận thức mang tính phiến diện của cá nhân tôi. Nếu có điều chi không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ chính.

Con xin cảm ơn Sư phụ.

Cảm ơn các đồng tu.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/278677



Ngày đăng: 28-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.