Kính viễn vọng James Webb phát hiện dấu vân tay trong vũ trụ



Tác giả: Lý Nhan

[ChanhKien.org]

Từ tháng 07/2022 đến nay, kính viễn vọng không gian James Webb của NASA đã cung cấp những hình ảnh đáng kinh ngạc về Trái Đất. Vào hôm thứ Tư (12/10/2022), kính viễn vọng James Webb lại khiến chúng tôi ngạc nhiên lần nữa.

Như đã được nêu trong một bài luận văn liên quan do NASA đăng trên tạp chí Nature Astronomy, lần này James Webb đã chụp được 17 vòng bụi đồng tâm, điều này thật đáng kinh ngạc.

Cơ quan này cho rằng quầng sáng mờ là kiệt tác của cả hai ngôi sao. Hai ngôi sao này cách Trái Đất hơn 5.000 năm ánh sáng. Những cơn gió sao (stellar wind) thỉnh thoảng gặp nhau và tương tác nhau. Mỗi khi các luồng khí loé sáng của hai ngôi sao đan xen vào nhau, chúng sẽ tạo thành một vòng bụi. Theo như NASA giải thích thì đây là nguồn gốc của “dấu vân tay”.

“Dấu vân tay” này đặc biệt thu hút người ta vì nó cho phép các nhà khoa học tính toán được thời gian trôi qua.

Về cơ bản, mỗi vòng trong số 17 vòng tượng trưng cho một lần gặp gỡ giữa các vì sao, giống như các vòng trong thân cây cho chúng ta biết tuổi của cây. Nhìn chung, từ những gì kính viễn vọng James Webb đã chụp được thì các nhà khoa học cho rằng những ngôi sao này khoảng 8 năm mới gặp nhau một lần.

Tác giả chính của nghiên cứu mới, ông Lưu Thuỵ An (tên tiếng Anh là Ryan Lau) cho biết: “Chúng tôi đang quan sát quá trình hình thành bụi trong hệ thống này hơn một thế kỷ vừa qua”.

Trước đây, các kính viễn vọng trên mặt đất hiện có của chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy được hai vòng bụi. Nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm NOIR của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ cho biết: “Bây giờ, chúng tôi thấy ít nhất 17 vòng bụi. Hình ảnh đó chứng minh rằng kính thiên văn này nhạy đến mức nào”.

Phát hiện này được thực hiện nhờ thiết bị trung hồng ngoại của James Webb, tức là MIRI. Trái ngược với truyền cảm khí cận hồng ngoại, MIRI tập trung vào ánh sáng trong vùng trung hồng ngoại của quang phổ điện từ phát ra từ các vật thể không gian.

Hình ảnh này cho thấy Mặt trời (ở phía trên bên trái), so với kích thước của hai ngôi sao trong một hệ thống có tên là Wolf-Rayet 140. Ngôi sao hình O (bên phải) có khối lượng gấp khoảng 30 lần Mặt Trời, trong khi ngôi sao WR (ở giữa) đồng hành cùng với nó có khối lượng gấp khoảng 10 lần Mặt Trời. (Hình ảnh từ NASA/JPL-Caltech cung cấp)

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngôi sao “Wolf-Rayet” (gọi tắt là sao WR) trong hệ sao này rất hiếm. Vì lý do này, cặp sao này được đặt tên là hệ sao Wolf-Rayet 140.

Patrick Morris, nhà vật lý thiên văn tại Caltech và là đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: “Trong thiên hà của chúng ta rất hiếm có hệ sao Wolf–Rayet bởi vì đối với các ngôi sao mà nói thì chúng tồn tại trong thời gian ngắn. Nhưng trong suốt lịch sử của dải Ngân Hà, chúng có thể đã tạo ra một lượng lớn bụi trước khi phát nổ và/hoặc hình thành lỗ đen”.

Ngôi sao còn lại là ngôi sao hình O, là một loại vật thể siêu nóng, cũng khó phát hiện hơn. Ngôi sao hình O này có khối lượng gấp khoảng 30 lần Mặt Trời, trong khi ngôi sao WR đồng hành cùng với nó chỉ có khối lượng gấp khoảng 10 lần Mặt Trời.

(Theo Epoch Times)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/278908



Ngày đăng: 14-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.