Giới thiệu về văn hoá truyền thống: Quạt tròn



Tác giả: Vũ Liên

[ChanhKien.org]

Quạt tròn là loại quạt có hình tròn hoặc gần giống hình tròn, cán ngắn, lấy cán làm trục chính, đối xứng hai bên, viền ngoài giống như vầng trăng sáng. Những chiếc quạt được dán bằng lụa trơn, mỏng được gọi là “Hoàn Phiến” (quạt lụa), xuất hiện vào thời kỳ nhà Tần Hán, có nhiều kiểu dáng khác nhau như hình tròn, hình bầu dục, hình vuông và hình lục giác,… Bởi vì quạt tròn được sử dụng nhiều hơn trong hoàng cung, nên chúng được gọi là “Cung Phiến” (quạt trong cung). Vì hình dáng của nó hàm chứa ý nghĩa đoàn viên, sum vầy nên thời Tây Hán nó được gọi là “Hợp Hoan Phiến” (quạt đoàn viên).

Quạt tròn thịnh hành hơn một ngàn năm từ thời Tây Hán đến thời Tống, từ thời Tống về sau, cả quạt tròn và quạt xếp đều được các phi tần, cung nữ, văn nhân nhã sĩ vô cùng yêu thích. Quạt tròn từ thời Tần cho đến Tây Hán khá đơn giản, mặt quạt trơn, không có các chi tiết hội họa. Đến thời Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, tranh quạt tròn thịnh hành trong tầng lớp quý tộc. Tranh quạt trong hoàng cung nhà Đường trở thành trào lưu, khiến tranh quạt tròn của người thời Tống hưng thịnh. Tranh quạt tròn cũng dần được mở rộng từ cung đình tới dân gian, với các đề tài về hoa lá, chim muông, nước non, nhân vật,… Do chiếc quạt tròn có kích thước nhỏ nên kỹ xảo vẽ lên cũng hết sức tinh tế. Nó trở thành tiền thân của tranh quạt gấp, là một tác phẩm tuyệt vời của nghệ thuật hội họa Trung Quốc.

Vào thời kỳ Nara, quạt tròn du nhập vào Nhật Bản từ triều Đường. Tại Nhật Bản, quạt tròn lần đầu tiên được sử dụng bởi các quý tộc trong cung đình. Mãi cho đến cuối thời Heian, người dân thường mới được phép sử dụng nó.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/254603



Ngày đăng: 19-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.