Tâm đắc tu luyện trong khi kết bạn nam nữ



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Từ trong Pháp, chúng ta biết rằng quan hệ nam nữ không chính đáng là có tội, nhưng nói đến việc người trẻ tuổi còn cần lập gia đình thì rốt cuộc thế nào mới là quan hệ nam nữ chính đáng? Vấn đề này cũng làm khó tôi rất lâu. Tôi thể ngộ rằng, xã hội nhân loại cần có gia đình mới có thể sinh sôi nảy nở, nhưng xã hội hiện đại chủ trương tự do, tự chủ, đặt sự thoải mái và lợi ích cá nhân lên hàng đầu, nên việc không kết hôn, không sinh con đã trở nên phổ biến.

Nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy, thì xã hội nhân loại sẽ tuyệt chủng và những bản sao con người do người ngoài hành tinh tạo ra sẽ thay thế nhân loại. Vì vậy, tôi cho rằng hôn nhân là con đường mà nhân loại nên đi và mối quan hệ giữa nam và nữ là chăm sóc lẫn nhau chứ không phải là mối quan hệ tình dục. Tôi đã có kế hoạch kết hôn, thêm nữa là bố mẹ và người nhà tôi cũng đều kỳ vọng như vậy, vì vậy sau 25 tuổi tôi bắt đầu để ý đến đối tượng mình chọn xem có phù hợp không. Tôi tình cờ tiếp xúc thường xuyên với một học viên nam, và bắt đầu suy nghĩ về việc có nên kết đôi hay không.

Cả hai đều là đồng tu nên chúng tôi cần phải nghiêm túc trong mối quan hệ này, bởi vì đó không chỉ là tình yêu nam nữ, mà chính là đối tượng sẽ kết hôn trong tương lai. Vì đều là đồng tu, nên mục đích của việc kết đôi không phải để vui vẻ hưởng lạc, mà là để giúp đỡ nhau chứng thực Pháp tốt hơn và hoàn thành sứ mệnh của mình. Cả hai chúng tôi đã trao đổi khá nhiều và sau khi xác định rõ những quan hệ này, chúng tôi mới quyết định bước trên con đường này.

Tôi đã gặp rất nhiều tình huống trên con đường này, đó đều là những chuyện chưa từng xảy ra khi tôi còn độc thân. Các đồng tu đã khích lệ tôi chia sẻ những kinh nghiệm này, bởi vì rất nhiều người trẻ tuổi có thể sẽ gặp phải những rắc rối tương tự. Do đó tôi đã viết ra bài chia sẻ này, nếu có chỗ chưa phù hợp mong được chỉ rõ.

1. Thể ngộ về tình

Từ trong Pháp chúng ta biết rằng cần buông bỏ tình, vì vậy lúc đầu, để tránh quá chấp trước, anh ấy đề nghị nên ít gặp nhau. Mỗi khi trải qua một hạng mục hoặc sau một buổi chia sẻ nào đó, anh ấy chợt nhận ra cần phải tu luyện tinh tấn và đột nhiên trở nên lạnh nhạt, không muốn gặp mặt, cũng không muốn nói chuyện.

Việc này khiến tôi vô cùng đau lòng, lập tức tôi có thể hiểu được cảm giác của những người thân không tu luyện của các đệ tử Đại Pháp, tôi thậm chí còn cảm thấy oán hận và tật đố với đồng tu hoặc hạng mục. Anh ấy còn nói: “Nếu phải lựa chọn giữa viên mãn và em, anh nhất định sẽ chọn viên mãn”. Về mặt lý trí, tôi cảm thấy người này thực sự có chính niệm, nhưng trên thực tế, tôi cảm thấy buồn không tả xiết, thấy rằng dù tôi đã có bạn trai, nhưng kỳ thực lại phải trải qua rất nhiều thống khổ giống như thất tình. Vào những thời khắc then chốt, chỉ khi nhận ra mình là một người tu luyện, liên tục học Pháp và coi đó như một khảo nghiệm để trừ bỏ nhân tâm, thì tôi mới có thể vượt qua được.

Bởi vì tôi đã đọc một vài truyện tranh thiếu nữ trước khi tu luyện, nên trong tiềm thức vẫn ẩn chứa những ảo tưởng đẹp đẽ về tình yêu, cho rằng tình yêu là thứ hạnh phúc nhất trên thế giới này. Kỳ thực, một trong những lý do chính khiến tôi bước vào tu luyện Đại Pháp thời đầu cũng là vì thống khổ do tình cảm gây ra, khiến tôi muốn tìm kiếm nơi nương tựa. Sau khi đắc Pháp, mặc dù tôi đã minh bạch những mối quan hệ nhân duyên này nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn trừ bỏ nó từ gốc rễ.

Trong thống khổ lặp đi lặp lại, tôi dần dần nhận ra bạn trai không phải là người mang đến thống khổ cho tôi, mà là chính quan niệm “nhất định phải như vậy” của tôi tạo thành. Sư phụ giảng:

“Mang theo chấp trước mà học Pháp thì không phải chân tu. Nhưng có thể trong tu luyện dần dần nhận thức ra chấp trước căn bản của mình, vứt bỏ nó, từ đó đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện. Vậy chấp trước căn bản ấy là gì? Tại thế gian người ta hình thành rất nhiều quan niệm, đến mức bị quan niệm chi phối, truy cầu những điều [mình] theo đuổi. Nhưng người ta đến thế [gian] là do nhân duyên đã quyết định đường đời con người và những được-mất trong đời con người; lẽ nào quan niệm của con người lại có thể quyết định từng quá trình trong đời người được? Do vậy cái gọi là ‘những theo đuổi và nguyện vọng tốt đẹp’ ấy cũng đã trở thành những truy cầu chấp trước thật đau khổ mà vĩnh viễn không đạt được.” (Tiến đến viên mãn – Tinh tấn yếu chỉ II)

Từ Pháp lý, ngay cả khi tôi thực sự có được hạnh phúc mà mình mong muốn, thì bất quá cũng chỉ là mấy chục năm, khi duyên phận hết thì đường ai nấy đi. Người tu luyện cần siêu xuất khỏi thế gian mới có thể có được hạnh phúc chân chính vĩnh hằng, hai người chúng tôi chỉ là duyên phận một đời mà thôi, tu luyện cũng là ai tu người ấy đắc và không ai thay thế được ai. Khi có mâu thuẫn, tôi cần nghĩ xem bản thân mình đang dùng tiêu chuẩn của người thường hay dùng Pháp lý Đại Pháp để đánh giá bạn trai. Thuận theo việc cả hai dần dần hiểu ngầm và học được cách tu luyện trong một mối quan hệ, thì mâu thuẫn sẽ dần bớt gay gắt hơn.

2. Mối quan hệ “đồng tu” thân thiết

Lúc mới bắt đầu, vì là mối quan hệ đồng tu, nên chúng tôi không biết làm sao để vừa làm đồng tu, vừa làm bạn trai, bạn gái. Về sau mới dần dần nhận ra một số vấn đề cụ thể. Trong hạng mục việc phối hợp được tốt không nhất định là phải hiểu rõ hoàn cảnh riêng tư của nhau, hơn nữa mỗi người đều biểu hiện rất có chính niệm mỗi khi chứng thực Pháp, nhưng trên thực tế tu luyện được ra sao thì chỉ khi ở cạnh nhau trong cuộc sống hàng ngày mới dần dần bộc lộ ra. Mỗi người tu luyện đều có một mặt chính niệm và một mặt nhân tâm, điểm này cũng cần phải nhận thức một cách lý trí, bởi vì nếu hoàn toàn không có nhân tâm nữa thì chúng ta đã viên mãn rồi, sẽ không còn ở trên Trái Đất nữa. Hai người ai cũng đều có chính niệm, có nhân tâm. Đôi lúc chỉ có hai người nói chuyện, nhưng tôi lại phát hiện tổng cộng có hơn bốn giọng nói, nếu cả hai đều có thể đem tất cả các giọng nói của mình ra để thẳng thắn chia sẻ một cách lý tính thì mọi việc đều có thể giải quyết thỏa đáng. Theo thể ngộ cá nhân, điều này cũng là làm được “Chân”.

Khi đối diện với khuyết điểm của nhau, người ta có thể sẽ nghĩ đến việc dùng Pháp lý để yêu cầu đối phương: Bạn cái này chưa đạt tiêu chuẩn, cái kia chưa tu tốt, nhân tâm của bạn nặng quá, tâm chấp trước quá nhiều, bên bị uốn nắn nhiều lần sẽ vô cùng tổn thương (sẹo chi chít). Tôi từng là bên chỉ ra chỗ sai của người khác, và cũng là bên bị chỉ ra chỗ sai, khi bị động chạm vào chỗ đau của chấp trước, thật sự cảm thấy vô cùng tủi thân và muốn khóc, đôi khi vì không muốn thừa nhận mình sai mà thẹn quá hoá giận; khi nghiêm khắc chỉ ra chỗ sai của người khác thì lại cho rằng mình rất có chính niệm, thấy người khác không đạt chuẩn, có lúc sinh ra tâm coi thường đối phương. Tôi nhận thức được rằng, đây chính là đã giống với cách làm của cựu thế lực.

Sau đó tôi dần minh bạch, Đại Pháp yêu cầu chúng ta phải luôn nghĩ cho người khác, khi đối đãi với nhân tâm vẫn chưa tu bỏ được của người tu luyện, thực ra khi đó họ cũng giống như người thường, và cần được chia sẻ giao lưu một cách thiện tâm, hơn nữa bản thân mình cũng cần hướng nội tìm. Trên thực tế, trải qua nhiều lần kinh nghiệm tôi đều nhận thấy rằng, khi nhìn thấy những chỗ chưa phù hợp ở anh ấy, sau vài ngày hoặc vài tuần, tôi phát hiện bản thân cũng có vấn đề tương tự. Bản thân mình là đệ tử Đại Pháp, Sư phụ yêu cầu chúng ta hướng nội tìm, dùng Pháp đối chiếu bản thân chứ không phải đối chiếu người khác, người thân thiết nhất đương nhiên chính là tấm gương chân thực nhất, hơn nữa trạng thái của hai người sẽ ảnh hưởng lẫn nhau, nếu trạng thái của bản thân tốt thì đối phương cũng sẽ không biểu lộ ra mặt không tốt như vậy.

3. Thể ngộ về tiền bạc

Bởi vì kết hôn bao gồm tiệc cưới, nghi thức và trang trí sửa sang nhà cửa nên cần rất nhiều chi phí. Hai chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm tiền, mặc dù đã chi tiêu tiết kiệm, nhưng với đồng lương ít ỏi thì mỗi tháng cũng chỉ có thể dành ra được một chút. Do đó nhiều lần tôi đã muốn từ bỏ, nhưng cũng biết rằng một khi đã lựa chọn thì không thể thay đổi, nếu không sẽ là vô trách nhiệm với cả hai bên. Dù vậy tôi vẫn muốn kiếm tiền nhanh hơn và ngưỡng mộ những người bạn làm trong các công ty lớn. Tôi cũng nảy ra ý nghĩ liệu mình có nên đổi một công việc khác, hoặc suy nghĩ về việc kiếm thêm thu nhập từ làm việc bán thời gian, đầu tư ngoài, thay vì dành thời gian và sức lực vào việc giảng chân tướng cứu người.

Tôi càng chấp trước như vậy thì càng cảm thấy thống khổ, căm phẫn bất bình, cho rằng lẽ ra mình phải nhận được một mức lương cao hơn, lẽ ra mình đã có thể leo lên vị trí hàng đầu trong xã hội, chứ không phải làm việc vất vả như thế này. Trong vô thức, tư tưởng của tôi đã biến thành người thường, tôi cũng ngưỡng mộ những cặp đôi người thường có thể đi du lịch khắp nơi, ăn đồ ngon, chụp những bức ảnh đẹp. Tôi cũng bắt đầu muốn giành lấy cuộc sống hạnh phúc của người thường với anh ấy, tuy nhiên càng truy cầu càng không đắc được, bởi vì anh ấy vốn đã rất bận rộn với các việc Đại Pháp, nên chỉ có thể đồng ý hai tháng đi chơi một lần. Tuy nhiên đến ngày đó thì anh lại luôn bận việc hạng mục, do đó tôi có tâm tật đố với hạng mục, thậm chí hy vọng anh không bận việc Đại Pháp để có thể dành nhiều thời gian hơn cho tôi.

Có một lần, anh ấy đồng ý tặng tôi một chiếc máy ảnh mà tôi luôn mong muốn làm quà sinh nhật, kết quả là vào ngày lĩnh thưởng tiền cuối năm 60.000 tệ (không rõ tiền tệ của nước nào), anh lại làm mất chiếc ví. Lúc đó, tôi chợt nhận thức được đoạn Pháp:

“Mọi người thử nghĩ xem, [người] chịu khổ một cách minh bạch chẳng đúng là chư vị, [người] phó xuất chẳng đúng là chủ nguyên thần của chư vị, khi mất đi những thứ tại người thường, chẳng phải chư vị chịu mất một cách minh bạch đúng không? Công ấy nên để chư vị được, ai mất thì được” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt nhận ra đây là khảo nghiệm trên con đường tu luyện, xét xem tôi có thể thực sự buông bỏ được chấp trước hay không, do đó tôi đã bình tĩnh và nói với anh rằng không sao cả, những gì nên có thì sẽ có, nếu mất rồi thì có thể nó vốn dĩ không thuộc về chúng ta.

Vài phút sau điện thoại reo lên, có người đã nhặt được chiếc ví và đem đến đồn cảnh sát. Khi chúng tôi đến nhận ví thì thấy 60.000 tệ tiền mặt không thiếu một tờ nào. Thật sự giống như Sư phụ giảng:

“Con người chính là không buông được cái tâm đó, khi cái tâm đó của chư vị thực sự có thể buông xuống, chư vị sẽ phát hiện chư vị không hề mất đi thứ gì. Việc học Đại Pháp bản thân đã là có phúc phận, làm sao có thể mất đi được? Trên thực tế những gì chư vị thực sự mất đi đó chỉ bất quá là những gì cái tâm kia của chư vị không buông bỏ tạo nên, mãi cứ dày vò cái tâm kia của chư vị, khiến chư vị từ bỏ cái tâm đó”.

“Ngược lại, chư vị buông được rồi, nghèo một chút cũng rất thản nhiên, thực chất cũng sẽ không vì học Đại Pháp mà nghèo đi, sống một cách vui vẻ, tôi thấy vẫn còn hơn là chấp trước như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Đồng tu bạn trai cũng chia sẻ với tôi rằng, tiền của chúng ta đều là tài nguyên của Đại Pháp. Sau này tôi mới dần dần hiểu ra hàm ý của câu nói này, sau đó tôi quyết định không mua máy ảnh nữa và chuyển số tiền này thành chi phí đi Hồng Kông giảng chân tướng. Cứu được nhiều người mới là điều thực sự quan trọng và có thể cứu được nhiều người mới là hạnh phúc thực sự của sinh mệnh.

4. Khảo nghiệm gia đình

Trong gia đình, cả hai chúng tôi đều là những đứa con tương đối thích làm theo ý mình, mặc dù biết rằng sau khi tu luyện cần phải nghĩ cho người khác, nhưng đối với bố mẹ của mình thì tôi vẫn rất khó làm được. Sau khi tính đến chuyện kết hôn, chúng tôi cần nói chuyện với gia đình hai bên, vì vậy chúng tôi mới bắt đầu coi trọng trách nhiệm của người con trong gia đình. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, làm việc nhà nhiều hơn, lễ tết nhớ tặng quà là được rồi. Bố mẹ anh ấy và bố tôi đều khuyến khích chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị hôn lễ ngay khi cả hai đồng ý, nhưng mẹ tôi lại giữ thái độ và luôn đưa ra các loại điều kiện, nguyên nhân không phù hợp như trình độ học vấn, khả năng tài chính, tuổi tác của đối phương, v.v, cho rằng không nên kết hôn sớm như vậy. Do đó chúng tôi đã rất đau đầu vì chuyện này, tôi cũng luôn cố gắng thuyết phục bà từ nhiều góc độ và lý do khác nhau, nhưng mọi chuyện vẫn không được cải thiện.

Sau khoảng thời gian nửa năm như vậy, một hôm bà nói với chúng tôi rằng: “Hai con đều quá giống trẻ con, nói chuyện quá thẳng, chưa làm được nghĩ cho người khác, làm việc cũng không nghĩ đến cảm xúc của những người xung quanh và chưa thể đạt được tiêu chuẩn trưởng thành để có thể kết hôn, đây cũng là vấn đề các con chưa tu luyện tốt”. Đột nhiên chúng tôi cảm thấy như một gậy cảnh tỉnh và thấy như vừa được đánh thức. Tôi luôn nghĩ rằng đó là do điều kiện vật chất không đủ tốt, nhưng không ngờ đó thực sự là vấn đề trong tu luyện và tôi cảm thấy rất xấu hổ vì đã ngộ ra muộn như vậy.

Sư phụ giảng:

“Mọi người nghĩ xem, bản thân hoàn cảnh đó, phải chăng xã hội nhân loại chính là một trường tu luyện được cung cấp cho đệ tử Đại Pháp? Nó có thể cung cấp cho chư vị hoàn cảnh và nhân tố mà biểu hiện ra các loại tâm chấp trước của chư vị, nó có thể cung cấp cho chư vị bất kỳ cơ hội đề cao nào.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

5. Đào gốc rễ, trừ bỏ tâm sắc dục

Trên thực tế tôi rất ngưỡng mộ dáng vẻ biểu hiện tinh tấn và có tâm ngưỡng mộ anh ấy, vì vậy lúc mới bắt đầu tôi gần như hoàn toàn tiếp nhận những gì anh nói. Một hôm anh nói, anh nghĩ rằng việc nam nữ không nắm tay trước khi kết đôi là điều không thể. Ban đầu, tôi cảm thấy chấn động với suy nghĩ của anh, cho rằng đây không phải là lời mà người tu luyện nên nói, nhưng tôi luôn cảm thấy anh tu được khá tốt, và lời anh nói có thể mới là đúng, có thể tôi đã quá cực đoan rồi (sau này tôi mới ngộ ra mỗi người đều có những chỗ tu được tốt và tu chưa tốt), không ai là tuyệt đối đúng đắn, không thể học theo người khác mà không học theo Pháp).

Cứ như vậy, chúng tôi dần dần bắt đầu có tiếp xúc về thân thể, và sau đó thực sự biến thành người thường khi chỉ có hai người. Mặc dù sau đó cả hai nhận ra như vậy là không đúng, nhiều lần nói rằng muốn cải chính, nhưng vẫn rơi rớt hết lần này đến lần khác. Ban ngày thì trông giống như người tu luyện, bận một mạch tới đêm, có thể trên bề mặt cũng đang làm ba việc, nhưng khi chỉ có hai người, thì chúng tôi hoàn toàn biến thành người thường. Chúng tôi biết rằng, trong Pháp quy định rõ ràng rằng không được có hành vi tình dục, vì vậy cũng không làm gì đến bước đó. Nhưng đối với những gì trong Pháp không đề cập đến, thì chúng tôi cố ý dùi vào kẽ hở của Pháp, tự lừa dối bản thân rằng mình vẫn phù hợp với Pháp, nhưng nội tâm thì càng ngày càng bất ổn. Chúng tôi cũng biết rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng, nên càng không dám đem ra chia sẻ với các đồng tu khác, cũng không còn mặt mũi nào nhìn Pháp tượng Sư phụ và luôn cảm thấy ngày càng xa rời Pháp.

Từ trên Pháp, tôi minh bạch đây là an bài của cựu thế lực muốn huỷ hoại chúng tôi theo cách này, nhưng khi khảo nghiệm đến, chúng tôi vẫn không thể vượt qua nó. Một hôm, tôi đột nhiên có những triệu chứng mà người thường gọi làm cảm mạo, sốt, ho, kéo dài trong gần một tháng, còn bị tai nạn xe cộ. Khi đầu xe máy của tôi đi qua cửa cuốn sắt, đột nhiên cửa cuốn bất ngờ ép chặt từ trên xuống dưới, đầu tôi bị đập trúng vào cánh cửa, khi đó tôi thực sự cảm thấy mình chết rồi, có thể sẽ chết thảm dưới chiếc cửa cuốn. Nhưng có lẽ trong tâm tôi vẫn còn một chính niệm mong manh muốn tu luyện Đại Pháp, Sư phụ đã không từ bỏ tôi. Sau cú va chạm, tôi bình an vô sự từ dưới cánh cửa sắt phi ra ngoài và chỉ bị thương nhẹ.

Sau đó, Sư phụ công bố Kinh văn mới, trong đó viết:

“Còn nữa, rất nhiều người mà hành vi bản thân có phần cẩu thả, tự mình không nghiêm túc đối đãi tu luyện của chính mình, đều sẽ gây ra cho chư vị những phiền toái, khó khăn, thậm chí thống khổ, hơn nữa thậm chí còn mất đi sinh mệnh [của chư vị]. Có những đệ tử Đại Pháp về bề mặt thì hoạt động Đại Pháp nào cũng đều tham gia, rất là tốt, mọi người nhìn thì thấy tu luyện vẫn được lắm, nhìn bề mặt thì thấy tinh tấn lắm, nhưng ai cũng không biết trong tâm của người ta có chấp trước gì [và] những khúc mắc trong tâm không vượt qua được ấy thậm chí lớn ngần nào, ai cũng không biết trong tâm người ta có những gì cố chấp mãi mà không buông, có bao nhiêu bất hạnh trong quá khứ, chưa từng biểu hiện ra. Nhưng mà vì nguyên nhân nhiều loại khác nhau, các đệ tử Đại Pháp là một quần thể tu luyện nghiêm túc, cựu thế lực sẽ lợi dụng các loại cơ hội, gây phiền toái cho đệ tử Đại Pháp, cũng sẽ lợi dụng các loại cơ hội khiến một số đệ tử Đại Pháp đó mất đi sinh mệnh. Có những người là cứ thích nhìn xem người khác làm sao họ sẽ làm vậy, đó không phải tự mình tu luyện mà là đi theo người khác, nhưng người tu luyện là phải đi [thành] con đường viên mãn của mình.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

Tôi cảm thấy từng câu từng chữ trong Kinh văn mới đều nhắm vào tôi, tu luyện vô cùng nghiêm túc, nếu không cải chính sai lầm thì có lẽ đến mệnh cũng chẳng còn. Sau đó tôi và bạn trai đã chia sẻ sâu sắc và đào sâu chấp trước căn bản của nhau. Hoá ra tôi dựa dẫm vào anh trong vấn đề này là để bảo vệ bản thân mình, xuất phát từ vị tư, biết rằng chuyện này là không đúng, nhưng vẫn muốn lấy lý do không phải mình chủ động để đùn đẩy trách nhiệm, muốn đợi đến ngày đại thẩm phán và nói rằng tất cả đều là lỗi của anh ấy, hoặc giống như cựu thế lực nghĩ rằng, dù sao có chết thì cũng có người chết cùng họ. Chúng tôi cùng nhau đào sâu và phát hiện những suy nghĩ này đều rất đáng sợ, rất bại hoại. Trên thực tế, không ai có thể trốn tránh được trách nhiệm, bởi vì chỉ cần một người trong chúng tôi có chính niệm kiên định, thì đã không thể xảy ra sự việc này.

Tôi còn phát hiện, về căn bản tôi không đồng tình với quan điểm rằng nam nữ quan hệ trước hôn nhân là sai, mà chỉ thấy cần phải chung thuỷ với nhau là đủ rồi. Đây cũng là do nhận thức Pháp lý chưa rõ ràng, những việc mà Thần quy định là không thể bớt đi chút nào, càng không thể dùng cách nghĩ của con người để đo lường.

Sư phụ cũng nhiều lần nhắc lại trong Pháp rằng:

“Khi Thần tạo con người, họ quy định hành vi của con người, [và] phương thức sinh hoạt cho con người, con người mà ra khỏi phạm vi này thì không gọi là người. Nhưng chư vị lại có ngoại hình của người, vậy nên Thần không thể dung nhẫn cho họ tồn tại, sẽ tiêu hủy đi”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

“Con người ấy, tại sao lại gọi là người? Bởi vì con người sống trên đời phải có tiêu chuẩn đạo đức của người, có quy phạm của người, chư vị mới là người được, nếu không sẽ không gọi là người. Không phải nói chư vị có một cái đầu và tứ chi thì là người. Con khỉ ấy cũng có tứ chi vậy, những sinh vật tương tự như con người trong các không gian khác cũng có rất nhiều, chúng cũng không thể được gọi là người. Bởi vì con người có hành vi và tiêu chuẩn đạo đức của người, có quy phạm đạo đức của người thì mới là người. Nếu con người vứt bỏ quy phạm đạo đức của người, không còn tiêu chuẩn đạo đức của người nữa, giống như động vật, vậy thì thiên thượng sẽ không coi con người là người nữa, cho rằng đó là thú. Đến lúc đó nhân loại mới [lâm vào tình cảnh] đáng sợ.” (Giảng Pháp lần thứ nhất tại Mỹ quốc [1996])

Cám dỗ về vấn đề này rất lớn, trước những ảnh hưởng xấu của xã hội hiện tại thì lại càng dễ rơi rớt, thậm chí còn không bằng người thường.

Sư phụ cũng giảng rằng:

“Là một người tu luyện, chư vị nên đường đường chính chính mà đầu tiên làm một con người, sau đó lại bước vào trong người tu luyện mà làm một người tu luyện, cuối cùng thăng hoa lên mà làm một người thuần khiết hơn, cao thượng hơn, đạt đến loại người như Thần trong cảnh giới của Thần.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

“Chấp trước vào sắc, ắt không khác chi kẻ ác, miệng niệm kinh văn mà tặc nhãn đảo quanh, quá xa rời Đạo, ấy là người thường tà ác.” (Người tu cần tránh – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Nếu chấp trước vào sắc dục thì về căn bản không thể coi đó là người tu luyện. Sau lần chia sẻ sâu sắc đó, tôi mới cảm thấy cuối cùng tôi đã trở lại làm người tu luyện. Tôi cũng nhắc nhở những đồng tu đang trong tình trạng tương tự, hãy trân quý thời gian cuối cùng vẫn chưa kết thúc này và nhanh chóng quay đầu là bờ.

Sau khi quyết tâm trừ bỏ tâm sắc dục, mối quan hệ giữa chúng tôi hoà ái hơn rất nhiều, khiến tôi nhớ đến câu nói của cổ nhân: “Vạn ác dâm vi thủ”, “Thân nật sinh hiệp vũ” (Thân mật quá mức sẽ sinh ra tâm coi thường). Tôi vốn rất dễ nổi nóng với anh ấy, còn hay mắng anh, đánh anh, nhưng lúc đó tôi không cảm thấy mình sai. Sau khi trừ bỏ những hành vi không chính đáng, thì những suy nghĩ này đã càng ngày càng ít đi.

Trong mối quan hệ nam nữ gần một năm, tôi đã trải qua vài lần sóng gió, thực sự không dễ dàng chút nào. Gần đây tôi thể hội được rằng, sự “phối hợp” cần thiết trong việc hình thành chỉnh thể và dựa dẫm là khác nhau. Dựa dẫm là vị tư, hy vọng thông qua đối phương khiến bản thân đắc được điều gì đó, còn phối hợp là vị tha, có thể vứt bỏ tự ngã để thành tựu một chỉnh thể. Xã hội hiện đại cổ xuý phụ nữ tự chủ độc lập. Trước khi tu luyện, tôi cũng lấy người phụ nữ mạnh mẽ làm mục tiêu, xem thường đàn ông, sống rất khổ sở và không thể tìm được người cùng chung sống cả đời. Hiện tại có Đại Pháp chỉ dẫn, tôi biết rằng một gia đình hoà thuận thì phụ nữ phải nhu hoà. Khi chung sống cùng nhau cần phải buông bỏ nhiều hơn, không chỉ là biểu hiện bề ngoài cho đối phương thấy, mà cần hết sức phối hợp và ủng hộ đối phương.

Tuy nhiên, trong khi nghĩ cho đối phương cũng cần chú ý không vì điều này mà lại sinh ra một chấp trước khác. Quãng thời gian này chậm rãi và tu luyện lặp lại nhiều lần, chỉ có kiên định trong Pháp mới có thể đi cho chính. Một hôm, tôi đột nhiên ngộ được rằng điều tôi cần buông bỏ chính là chấp trước vào “anh ấy” và cần phải sống tốt hơn vì bản thân và vì chúng sinh. Cuối cùng tôi xin trích bài thơ trong Hồng Ngâm III, để cùng các đồng tu cố gắng, hy vọng cùng nhau tinh tấn.

Bả Pháp đẳng

Sinh sinh thế thế luân hồi trung

Hoa lạc hoa khai nhất sinh sinh

Chuyển nhãn thanh ty hựu kiến bạch

Bính bính bác bác lưỡng tụ phong

Danh lợi tình ái đô thị không

Cổ vãng kim lai nhân nhân tranh

Nhân sinh như đồng hý nhất trường

Giả hý chân tố xoạ dữ phong

Nhĩ ngã đô thị thiên thượng chúng

Hạ thế tố nhân bả Pháp đẳng

Đại Pháp đệ tử truyền chân tướng

Chân tướng năng bả Thần lộ thông

Tạm dịch:

Đợi chờ Pháp

Đời nối tiếp đời luân hồi mãi

Hoa tàn rồi nở sinh lại sinh

Nháy mắt tóc đen nay điểm bạc

Đấu đá tranh giành vẫn là không

Danh lợi tình ái đều hư ảo

Ấy vậy xưa nay ai cũng tranh

Đời người tựa như một vở kịch

Kịch giả diễn thật ngốc cuồng điên

Chúng ta đều là từ thiên thượng

Hạ thế làm người để đợi Pháp

Đệ tử Đại Pháp truyền chân tướng

Chân tướng có thể thông Thần lộ

Con xin cảm tạ Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/134363



Ngày đăng: 07-04-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.