Lan Lăng Công chúa Dương A Ngũ
Tác giả: Cổ Vận
[ChanhKien.org]
Dương A Ngũ là con gái thứ năm của Tùy Văn Đế và Độc Cô Hoàng hậu. A Ngũ tính tình dịu dàng nhu thuận, có học thức và biết lễ nghi, lại xinh đẹp hơn người nên được Dương Kiên rất mực yêu quý.
Vương Nghị, một trọng thần của triều Bắc Chu đã lập được đại công khi giúp Dương Kiên dẹp yên cuộc nổi loạn của Tư Mã Tiêu Nan, đồng thời cũng là bạn cũ của Dương Kiên. Vì để biểu thị sự tín nhiệm và lòng biết ơn, Dương Kiên quyết định kết thông gia với Vương Nghị. Vậy nên Công chúa A Ngũ vừa tuổi thiếu niên đã được gả cho con trai của Vương Nghị là Vương Phụng Hiếu. Sau khi Dương Kiên lập ra triều Tùy thay thế triều Bắc Chu thì Dương A Ngũ cũng được phong làm Lan Lăng Công chúa. Vợ chồng Tùy Văn Đế đích thân đến ban tặng danh hiệu để thể hiện sự ân sủng của mình.
Nhưng ngày vui chóng tàn, phò mã Vương Phụng Hiếu lâm bệnh chết trẻ, Dương A Ngũ theo lễ phải chịu tang ba năm. Một năm sau đó, bố chồng Vương Nghị của A Ngũ dâng thư lên Văn Đế, xin cho Công chúa được đoạn tang. Không may việc này lại bị ngự sử đại phu Dương Tố luận tội, làm Tùy Văn Đế rất khó xử. Vương Nghị tuy không bị trách phạt nhưng ông cảm thấy lòng tốt của mình không được đền đáp, khó tránh cảm giác oán hận. Sau đó do có người tố cáo, Tùy Văn Đế đã ban cái chết cho Vương Nghị.
Vợ chồng Tùy Văn Đế hết sức áy náy trước tình cảnh A Ngũ hôn nhân không trọn vẹn và bố chồng bị ban chết, họ quyết định gả cô con gái yêu thương của mình vào một nơi tốt khác. Lúc bấy giờ có hai ứng viên sáng giá: một là Tiêu Sướng em vợ của Tấn vương Dương Quảng nhị ca của A Ngũ, hai là Liễu Thuật con trai của Liễu Cơ – một đại thần mà Tùy Văn Đế sủng ái. Tùy Văn Đế không biết nên chọn ai bèn nhờ thầy tướng số nổi danh khi đó là Vi Đỉnh định đoạt giúp.
Vi Đỉnh là một bậc kỳ tài! Ông thông hiểu Âm dương Bát quái, lại rất giỏi xem tướng. Vi Đỉnh đã từng dự ngôn rằng “Trần Bá Tiên sẽ xưng đế lập ra triều Trần; Dương Kiên sẽ xưng đế thay thế triều Bắc Chu; triều Trần sẽ diệt vong dưới tay Trần hậu chủ”, v.v.. tất cả những dự ngôn ấy đều đã ứng nghiệm hoàn toàn.
Vi Đỉnh sau khi suy xét kỹ lưỡng về hai ứng cử viên, đã nói với Tùy Văn Đế rằng: “Tiêu Sướng sẽ được phong hầu, nhưng lại không có tướng giúp thê tử được tôn quý; Liễu Thuật thì sau này cũng sẽ đỗ đạt vinh hiển, nhưng cuối cùng vẫn không thể giữ được chức quan của mình”. Tùy Văn Đế thầm nghĩ: “Ta thân là Hoàng đế nắm quyền sinh sát trong tay, việc định đoạt chức quan của một người thật là chuyện quá nhỏ”. Văn Đế trả lời Vi Đỉnh một cách đầy tự tin: “Chức quan là do trẫm quyết định”. Thế là Liễu Thuật được chọn làm phò mã. Tùy Văn Đế đối với Liễu Thuật có thể nói là ân điển như bát nước đầy, còn ra sức bồi đắp tài năng cho Liễu Thuật.
Hiềm nỗi Liễu Thuật lại kết oán với trọng thần Dương Tố, lại bị cuốn vào chuyện sóng gió ở cung Nhân Thọ. Tùy Dạng Đế Dương Quảng sau khi đăng cơ đã đày em rể đến Lĩnh Nam. Dạng Đế còn ra lệnh cho Lan Lăng Công chúa phải cải giá lấy người khác. A Ngũ bình sinh tính cách kiên cường đã lấy cái chết ra cự tuyệt lệnh vua, đồng thời dâng thư xin được bãi bỏ danh hiệu công chúa và được chịu tội cùng chồng. Tùy Dạng Đế giận dữ không phê chuẩn. Việc phụ mẫu qua đời, huynh đệ vì tranh ngôi vị mà cốt nhục tương tàn, hai cuộc hôn nhân không hạnh phúc, những bi kịch liên tiếp ập đến đã làm A Ngũ kiệt sức, thân thể cô suy kiệt nhanh chóng. Trước khi chết A Ngũ đã dâng tấu lên hoàng huynh rằng: “Lúc còn sống đã không thể theo chồng, khi chết xin được chôn ở nhà họ Liễu”. Chẳng bao lâu sau Lan Lăng Công chúa đã chết vì đau buồn, khi ấy cô mới 32 tuổi.
Việc Lan Lăng Công chúa một mực gìn giữ lòng kiên trinh đã được ghi chép lại trong sách Tùy thư liệt nữ truyện, cô được ngợi khen là “chất mại hàn tùng” (phẩm chất vượt trên loài thông sống nơi giá lạnh).
Câu chuyện cuộc đời Lan Lăng Công chúa đã làm cảm động lòng người qua biết bao thế hệ, ngày nay có rất nhiều tác phẩm điện ảnh tái hiện lại câu chuyện này. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất chính là bậc thầy tướng số Vi Đỉnh, tại sao lời tiên đoán của ông lại thần kỳ và chính xác đến vậy? Nếu dưới cửu tuyền Tùy Văn Đế biết được cảnh ngộ của cô con gái A Ngũ yêu quý thì trong lòng ông sẽ cảm thấy thế nào? Đau xót hay bất lực? Có lẽ trước mặt Thần vận mệnh thì ngay cả hoàng đế cũng chỉ là một con tốt mà thôi.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247537
Ngày đăng: 08-02-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.