Nhà sáng lập Pháp Luân Công: Trung Cộng che đậy dịch bệnh, số người tử vong ở Trung Quốc lên tới 400 triệu



Dịch bệnh ở Trung Quốc như một cơn sóng thần càn quét khắp đất nước, tử thi nằm ngổn ngang trong bệnh viện, hàng dài người xếp hàng tại lò hỏa táng. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đã tìm mọi cách để che đậy sự thật đó, nhưng dữ liệu dịch bệnh được công bố không thể biện minh cho việc này.

Một lượng lớn thông tin trực tiếp từ công chúng cho thấy số người ở Trung Quốc thiệt mạng vì dịch bệnh là rất lớn. Về việc này, ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), nói rằng Trung Cộng vẫn luôn che đậy tình hình dịch bệnh, trên thực tế số người tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc đã lên tới 400 triệu người.

Kể từ tháng Mười Một năm ngoái (2022), dịch COVID-19 đã đồng loạt bùng phát ở nhiều địa phương trên toàn Trung Quốc. Kể từ ngày 07/12/2022, khi chính quyền buộc phải từ bỏ chính sách “zero COVID”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Cộng đã thông báo rằng không có ca tử vong mới nào trong 11 ngày liên tiếp. Hôm 08/01/2023, trung tâm này thông báo rằng, chỉ có 37 người tử vong vì dịch bệnh trong khoảng thời gian từ ngày 07/12/2022 đến ngày 08/01/2023.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi bị ĐCSTQ kiểm duyệt gắt gao, mỗi ngày cư dân mạng đều đăng tải vô số bi kịch gia đình ly tán, vượt xa số liệu tử vong mà ĐCSTQ công bố. Truyền thông ngoại quốc cũng đã đặt câu hỏi về dữ liệu dịch bệnh của Trung Quốc, nhưng không ai có thể có được dữ liệu chính xác từ Trung Quốc, vì nhà cầm quyền nước này đã từ bỏ việc thống kê các dữ liệu liên quan, đồng thời cấm đề cập đến “COVID” như là nguyên nhân tử vong trên hồ sơ bệnh án.

Theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại New York chuyên ghi lại cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Cộng, ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công cho biết: ĐCSTQ vẫn luôn che giấu tình hình thực tế của đại dịch [vốn] xuất phát từ Vũ Hán và làm rung chuyển thế giới suốt ba năm qua. Con số tử vong ở Hoa Lục trên thực tế là 400 triệu, và sẽ lên 500 triệu khi đại dịch kết thúc ở quốc gia đã từng đông dân nhất thế giới này.

Ông Lý nói rằng, trước đây ĐCSTQ đã từng che giấu như vậy. Những năm dịch SARS (2003), trên thực tế có 200 triệu người Trung Quốc đã qua đời vì bệnh này. ĐCSTQ đột ngột thay đổi chính sách thai sản nhiều năm sau đó ở đại lục — kêu gọi thanh niên sớm lập gia đình và khuyến khích mỗi gia đình sinh ít nhất 2 hoặc 3 con — là vì họ phát hiện dân số sụt giảm bất ngờ.

Nhiều năm về trước, ông Lý đã cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ gây ra thảm họa ở Trung Quốc, đồng thời đưa ra lời khuyên giúp mọi người có thể thoát nạn. Trong các bài thơ của mình, ông đã đề cập đến việc “tránh xa ác đảng Trung Cộng” và “nhanh chóng tìm chân tướng.”

‘Thảm họa với quy mô tử vong lớn nhất kể từ sau Đại Nhảy Vọt’

Hôm 05/01/2023, nhà Hán học kiêm chiến lược gia quân sự Ben Lowsen đã đăng một bài báo trên tạp chí The Diplomat. Ông nói rằng, người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với một “thảm họa với quy mô tử vong lớn nhất kể từ sau Đại Nhảy Vọt.”

Ông nói, từ năm 1958-1961, các chính sách của Mao Trạch Đông đã khiến hơn 20 triệu người tử vong vì nạn đói, và chính quyền Trung Quốc đã quyết định không cung cấp số liệu thống kê về số người thiệt mạng này.

“Một điều tương tự là, chính quyền ông Tập Cận Bình ngày nay về căn bản cũng đã ngừng cung cấp số liệu thống kê về COVID-19,” ông Lowsen nói.

Trong những năm gần đây, dữ liệu điều tra dân số của Trung Quốc đã luôn bị người ngoài cuộc nghi ngờ. Ví dụ hồi tháng 12/2021, nhà nhân khẩu học nổi tiếng quốc tế Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian) đã ước tính dân số Trung Quốc năm 2021 là 1.28 tỷ người, chứ không phải là 1.41 tỷ như số liệu ‘điều tra dân số’ mà ĐCSTQ công bố chính thức.

Dữ liệu dịch bệnh bất thường

Ngay từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19, dữ liệu về dịch bệnh do Trung Cộng công bố đã vấp phải nhiều hoài nghi của các chuyên gia ngoại quốc.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Forbes hồi tháng Một năm ngoái, ông George Calhoun, Giám đốc Dự án Tài chính Định lượng tại Viện Công nghệ Stevens ở Hoa Kỳ đã nghi vấn về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong trong báo cáo chính thức của ĐCSTQ.

Ông suy tính, tỷ lệ tử vong do COVID-19 mà chính quyền Trung Cộng đã báo cáo là 0.321 ca trên 100,000 người, còn tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ là 248 ca trên 100,000 người, cao gấp 800 lần so với tỷ lệ tử vong trung bình ở Trung Quốc. Con số này rõ ràng có vấn đề.

Bài báo đăng trên Forbes hôm 02/01/2022 đó viết rằng, phân tích dữ liệu chính thức của ĐCSTQ cho thấy trong vòng 90 ngày Vũ Hán bị phong tỏa, tỷ lệ tử vong trung bình do COVID-19 cao gấp 376 lần tỷ lệ tử vong chính thức trên toàn quốc mà ĐCSTQ đã công bố. Như vậy trong hai năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán vào đầu năm 2020, nếu không tính tỉnh Hồ Bắc, thì trong số 1.3 tỷ người Trung Quốc còn lại trong dân số sẽ chỉ có 200 đến 300 người thiệt mạng vì COVID-19, và tỷ lệ tử vong trung bình sẽ là 0.002 trên 100,000 người, thấp hơn đến 124,000 lần so với tỷ lệ tử vong ở Hoa Kỳ.


Bệnh nhân nằm chật kín trong một bệnh viện ở Thượng Hải, hôm 03/01/2023. (Ảnh: Ray Young/Feature China/Future Publishing qua Getty Images)

Hệ thống tang lễ quá tải

Hiện tại, hệ thống tang lễ và hỏa táng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đang trong tình trạng quá tải. The Washington Post trích dẫn các bức ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies chụp vào ngày 10/01 cho thấy, từ Bắc Kinh đến Nam Kinh, từ Thành Đô đến Côn Minh, nhà tang lễ ở các địa phương khắp Trung Quốc đều rất tất bật.

Theo đoạn phim vệ tinh do Maxar Technologies ghi lại vào ngày 24/12/2022, một nhà tang lễ ở Thông Châu, Bắc Kinh dường như đã xây dựng một bãi đậu xe mới. The Washington Post đã xác nhận việc cơi nới này là xảy ra vào hoặc sau ngày 22/12/2022. Sau chưa đầy hai ngày, đã có hơn 100 xe hơi đậu ở đó.

Một tài xế lái xe vận chuyển thi thể ở Nam Kinh nói với The Washington Post rằng, ông đã lái xe tang mấy chục năm rồi mà chưa từng thấy cảnh tượng như thế này.

Những cảnh tượng tương tự cũng đang diễn ra tại các nhà tang lễ trên khắp Trung Quốc. Một nhân viên trực điện thoại tại nhà hỏa táng Thượng Hải gần đây đã nói với Bloomberg rằng: “Toàn bộ hệ thống (tang lễ) đang rơi vào trạng thái tê liệt.” “Ở đây bận đến nỗi ứng phó không nổi.”

Một nhân viên của Nhà tang lễ Bảo Hưng tại Thượng Hải nói với The Epoch Times hôm 28/12/2022 rằng: “Chúng tôi bắt đầu phát số lúc 8 giờ sáng. Giờ mỗi ngày đều có một đoàn người xếp hàng từ 4 đến 5 tiếng, ai không lấy được (tro cốt thân nhân) thì chỉ có thể quay lại sau. Hiện mỗi ngày chúng tôi có 400 đến 500 (thi thể cần hỏa táng), vốn dĩ mỗi ngày đủ 90 thi thể là đã không nhận thêm nữa rồi. Các nhân viên đều đang làm thêm nhiều giờ.” Theo các tài liệu công khai, ở Thượng Hải có tổng cộng 15 nhà tang lễ.

Hôm 19/12/2022, chủ một dịch vụ tang lễ ở Thẩm Dương nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, nhiều bệnh viện tại Thẩm Dương đã có những trường hợp tử vong tại khoa cấp cứu, nhưng họ không có khả năng vận chuyển thi thể đi, “Tôi đã đến đó để đưa về đây.”

Ông tiết lộ rằng không có xe để vận chuyển thi thể, vì vậy thi thể không có nơi nào để chứa.

“Đã có quá nhiều người ra đi, không làm cách nào khác được, quá nhiều rồi,” ông cho biết. “Bệnh viện nào cũng vậy, có bệnh viện chất đống mấy chục cái, bảy-tám cái thi thể, chỉ có thể để ở nơi đó, không có cách nào, vận chuyển không được, căn bản là không có biện pháp.”

Hôm 12/01/2023, The Economist đưa tin, một nhân viên tang lễ tại một lò hỏa táng ở thành phố Đằng Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, cho biết bình thường nơi này hỏa táng hơn 100 thi thể mỗi ngày, nhưng những tuần gần đây thì số lượng thi thể đã lên tới 160. Trước khi dịch bệnh bùng phát, cơ sở này chỉ hỏa táng 30 đến 40 thi thể mỗi ngày. Nhân viên này cho biết anh bị bận rộn hơn gấp ba lần bình thường.

Hôm 13/01/2023, cô Bảo Giản (Bao Jian), con gái nguyên thư ký Bảo Đồng của cố Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, đã đăng trên Twitter rằng: “Trong vòng một tháng mà ở Bắc Kinh đã có hàng trăm ngàn người thiệt mạng, vậy mà chính quyền thành phố thậm chí còn khua chiêng gióng trống để tổ chức một cuộc họp tuyên dương. Thật vô liêm sỉ! Trong vòng chưa đầy một tháng, 17 người bạn và người thân của tôi đã qua đời, đây là điều chưa từng xảy ra trong cuộc đời tôi, lẽ nào đây lại là sự kiện ngàn năm có một? Các ông giải thích thế nào với người dân ở Bắc Kinh về tốc độ kinh khủng của việc 90% dân số bị nhiễm virus trong vòng một tháng? Lúc đầu là 90% ca nhiễm không có triệu chứng, đến nay là 90% ca nhiễm có triệu chứng, thế 10% còn lại là các ca bệnh nặng à?”

Một cư dân mạng khác trả lời: “Tôi đang ở Bắc Kinh. Con số hàng trăm ngàn mà cô nói có thể hơi dè dặt, tôi ước tính là đến hàng triệu.”

Cô Bảo Giản trả lời rằng: “Tôi không có số liệu chính xác, nhưng dựa trên thực tế là các nhà tang lễ đã chật kín, (hỏa thiêu) nhiều thi thể trong cùng một lò, thời gian chờ đợi để hỏa táng lâu hơn bình thường gấp mấy lần, thậm chí gấp mười lần, hệ thống cấp cứu tê liệt, hàng dài người xếp hàng chờ trước khoa cấp cứu, nhà xác bệnh viện không còn chỗ chứa, nguồn cung cấp quan tài, hộp tro cốt, lăng mộ nghĩa trang đều thiếu… rồi dựa trên dữ liệu được công bố tại địa phương về các ca bệnh nặng và chứng phổi trắng… điều quan trọng nhất là dựa trên thái độ không nói một lời của chính quyền mà tôi đưa ra được phán đoán chủ quan này.”


Những chiếc xe tang xếp hàng dài bên ngoài một nhà tang lễ ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh, hôm 19/12/2022. (Ảnh: Bloomberg/Getty Images)

Bên cạnh những thành phố lớn, các khu vực nông thôn cũng không mấy lạc quan. Ông Vương, một người trong chính quyền yêu cầu ẩn danh vì lo ngại về an toàn, nói với phóng viên của The Epoch Times rằng ở quê nhà An Huy của ông, tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến rất phức tạp.

“Ở chỗ chúng tôi, một nhóm người cao tuổi đã qua đời trước, hai người hàng xóm của tôi cũng đã qua đời. Bây giờ những người trẻ tuổi đang bắt đầu (tử vong). Vùng nông thôn thậm chí còn tệ hơn. Mỗi ngày có rất nhiều người qua đời ở các thị trấn nhỏ, tang lễ được tổ chức hàng ngày,” ông nói. “Bệnh viện địa phương cũng có thông báo rằng không cho phép ghi nguyên nhân tử vong là COVID-19. Tất cả các trường hợp tử vong đều do các bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường, và bệnh tim gây ra.”

Bloomberg cho biết, tại một ngôi làng ở huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam, hầu như nhà nào cũng có người nhiễm bệnh. Cảm giác cam chịu tràn ngập ngôi làng, rất nhiều gia đình quyết định để người thân đang trong tình trạng nguy kịch của mình ở nhà. Và có lẽ tên của họ sẽ có khả năng cao là không được xuất hiện trong danh sách tử vong do COVID của chính quyền ĐCSTQ.


Ngày đăng: 16-01-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.