“Trung Mỹ tương kính” – bí mật mà tám năm sau khi Tưởng Trung Chính qua đời Tống Mỹ Linh mới biết
Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Ảnh: Tháng 6 năm 1960, tổng thống Hoa Kỳ Dwight David Eisenhower (trái) đến thăm Đài Bắc, gặp gỡ Tưởng Giới Thạch (phải) và Tống Mỹ Linh (giữa)
Nửa đêm ngày 5 tháng 4 năm 1975, nhà lãnh đạo của thời đại Tưởng Giới Thạch (Tưởng Trung Chính) qua đời, cả Đài Loan đều thương tiếc ông. Vài tháng sau, phu nhân Tống Mỹ Linh với thân tâm đã mỏi mệt quyết định sang Mỹ định cư, ngoài hành lý tùy thân bà còn mang theo chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng 14K mà Tưởng Giới Thạch tặng bà khi hai người kết hôn. Tám năm sau, một ngày chiếc đồng hồ bỗng nhiên bị trục trặc, nó đã hoạt động tốt gần 50 năm, Tống Mỹ Linh đem chiếc đồng hồ đi sửa, không ngờ lại phát hiện ra một bí mật mà Tưởng Trung Chính giấu kín.
“Trung Mỹ tương kính”
Người đầu tiên phát hiện ra bí mật này là tiên sinh Dương Văn Đạt, một thợ sửa chữa đồng hồ trứ danh, ông tốt nghiệp khóa 16 của Học viện Quân sự Hoàng Phố (học viện quân sự đào tạo sĩ quan lục quân của Trung Hoa Dân Quốc hoạt động từ năm 1924-1927). Bởi Dương tiên sinh có tay nghề tinh xảo nên đã nhận được sự tin cậy của nhiều quan chức chính phủ, và Tưởng Giới Thạch cũng là một trong những khách hàng của ông. Chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng 14K do bà Tống Mỹ Linh ủy thác để sửa chữa là sản phẩm của nhà máy đồng hồ Glenn ở Cincinnati, Hoa Kỳ. Khi đó nhà máy này đã đóng cửa, các linh kiện để sửa chữa của nhà sản xuất không còn trên thị trường Hoa Kỳ nữa, nên chiếc đồng hồ này đã được gửi từ Mỹ về Đài Loan để nhờ Dương tiên sinh sửa chữa.
Sau khi nhận được chiếc đồng hồ quả quýt này, Dương Văn Đạt đã cẩn thận tháo nó ra, sau khi tháo rời các bộ phận của vỏ để bảo dưỡng, ông phát hiện bên trong vỏ đồng hồ có khắc bốn chữ bằng tiếng Trung Quốc: “Trung Mỹ tương kính”. Khi việc sửa chữa hoàn tất, ông đã thông báo cho phu nhân việc này, Tống Mỹ Linh vô cùng kinh ngạc, hóa ra đây là bí mật mà Tưởng Trung Chính chưa từng nói với bà. Tống Mỹ Linh nhận lại chiếc đồng hồ đã sửa, nhìn dòng chữ “Trung Mỹ tương kính” được khắc ở bên trong, bên cạnh còn khắc “ngày 1 tháng 12 năm Dân quốc 16”, đây là ngày mà hai người kết hôn, dần dần hồi tưởng, bà nhớ lại hàm ý năm đó của bốn chữ này:
Hai chữ “Trung”, “Mỹ” là lấy ra từ hai từ Trung Chính và Mỹ Linh, biểu thị ý nghĩa vợ chồng tương kính như tân (vợ chồng tôn trọng nhau như hai vị khách).
Nhớ lại tình cảnh ban đầu khi hai người kết hôn, năm ấy cuộc hôn nhân giữa họ không được mọi người ủng hộ do khoảng cách chênh lệch 11 tuổi giữa hai người, Tưởng Trung Chính được tiếp thụ nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc và nền giáo dục quân sự của Nhật Bản, trong khi Tống Mỹ Linh hoàn toàn được giáo dục bởi nền giáo dục của phương Tây. Tuy nhiên, cả hai bên đều tin rằng cuộc hôn nhân này sẽ có lợi cho sự nghiệp cách mạng. Tại hôn lễ, Tưởng Trung Chính tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng từ hôm nay kết hôn với cô Tống trở về sau, sự nghiệp cách mạng của tôi ắt có tiến bộ; tôi có thể an tâm dành hết trách nhiệm cho cách mạng… Vì vậy, cuộc hôn nhân hôm nay của hai chúng tôi, thực sự là nền tảng cho sự nghiệp cách mạng của hai người”.
Ngày 1 tháng 12 năm 1927, hôn lễ giữa Tưởng Trung Chính và Tống Mỹ Linh đã được cử hành (ảnh: phạm vi công cộng)
Không đầy vài tháng sau khi kết hôn, Tưởng Trung Chính bắt đầu lãnh đạo quân đội Bắc phạt và thống nhất đất nước một năm sau đó. Tưởng Trung Chính không chỉ thực hiện lời hứa đối với cách mạng trong ngày hôn lễ, mà còn lặng lẽ thực hiện lời hứa “Trung Mỹ tương kính” được khắc bên trong chiếc đồng hồ.
Cuộc sống tương kính như tân sau ngày cưới
Bởi vì Tưởng, Tống hai người có lịch trình khác biệt nên họ thường “chia phòng mà ngủ”, Tống Mỹ Linh là “cú đêm”, ngủ muộn và dậy muộn, trong khi Tưởng Trung Chính luôn đi ngủ sớm và dậy sớm, ông dậy lúc năm giờ sáng, rửa tay cẩn thận tỉ mỉ, sợ rằng sẽ đánh thức Tống Mỹ Linh vẫn còn đang say giấc.
Thói quen ăn uống của hai người cũng khác nhau một trời một vực, Tưởng Trung Chính chỉ ăn các món theo kiểu Trung Quốc ở quê hương Ninh Ba, còn chế độ ăn uống của Tống Mỹ Linh gần như hoàn toàn là của phương Tây, thích ăn salad rau diếp, tuy vậy hai người vẫn luôn kiên trì ngồi ăn cùng một bàn, trò chuyện về việc nhà.
Tưởng Giới Thạch cùng phu nhân đi dã ngoại trên núi Giác Bản thành phố Đào Viên, có thể thấy đây là một ví dụ cho sự thường dân hoá cuộc sống của họ
Một lần trong bữa ăn, Tưởng Trung Chính nói đùa với vợ: “Kiếp trước em thật sự là con dê đầu thai, nếu không sao lại thích ăn cỏ đến vậy?” Tống Mỹ Linh cũng không chịu kém cạnh đáp lại: “Anh mà ăn măng chấm với nước sốt mè đen thì còn gì ngon bằng?”
Tuy là đệ nhất phu nhân nhưng Tống Mỹ Linh vẫn thường tự mang đồ ngọt tráng miệng và đồ uống đến thư phòng của Tưởng Giới Thạch; khi hai người đi du lịch, họ cũng thường chuẩn bị đồ ăn cho nhau.
Về phương diện giải trí và thư giãn, Tống Mỹ Linh thích xem phim, bà có thể xem thâu đêm suốt sáng. Nhưng Tưởng Giới Thạch chỉ xem cùng vợ và đi ngủ khi thời gian nghỉ ngơi đến, ông không bao giờ muốn trì hoãn công việc và thời gian nghỉ ngơi của mình. Ngoài ra, Tống Mỹ Linh có thói quen hút thuốc, nhưng bà sẽ không bao giờ hút thuốc trước mặt Tưởng Trung Chính.
Văn hoá truyền thống Trung Hoa có thể được xem là điểm chung duy nhất giữa hai người, Tưởng Trung Chính rất thích âm nhạc Trung Quốc, mỗi lần quốc yến đều mời đoàn nhạc Trung Quốc đến diễn tấu. Tống Mỹ Linh thì yêu thích hội hoạ, cả đời bà không ngừng theo học hội hoạ và là đệ tử thân truyền của danh họa Trương Đại Thiên.
Hai người thỉnh thoảng cũng có xảy ra tranh cãi và Tống Mỹ Linh đã từng bỏ nhà đi trong cơn tức giận, nhưng Tưởng Trung Chính vẫn cố gắng hết sức để thuyết phục bà quay lại, đôi khi ông còn nhờ Tống Ái Linh, chị cả của ba chị em họ Tống giúp thuyết phục bà làm hòa, và cuối cùng Tống Mỹ Linh cũng ngoan ngoãn về nhà. Sau một thời gian dài, những người phục vụ xung quanh đều đã quen thuộc và hiểu rằng cặp đôi này sẽ không thực sự cãi nhau, và Tưởng Trung Chính thường là người đầu tiên “đầu hàng” đối phương.
Vợ chồng tương kính như tân là một mỹ đức trong văn hoá truyền thống, cách hành xử giữa vợ chồng với nhau lại là một trong “ngũ luân” truyền thống, sách Thuyết văn giải tự nói rằng chữ “kính” ( 敬 ) có hàm nghĩa là cung kính, tận tâm, ngoài thể hiện ý nghĩa vợ tôn kính chồng, chồng trân quý vợ ra thì hai người còn có mối quan hệ bổ khuyết cho nhau trong sự nghiệp và cuộc sống, cùng nhau trưởng thành.
Kế thừa di chí của Tưởng Trung Chính: “Tôi sẽ trở lại”
Mặc dù được tiếp thụ nền giáo dục phương Tây nhưng bà Tống Mỹ Linh lại có những đức tính của người phụ nữ truyền thống Trung Quốc, bà luôn âm thầm hỗ trợ chồng và giúp chồng hoàn thiện mọi việc cho sự nghiệp cách mạng.
Trong thời gian kháng Nhật, Trương Học Lương do bị Trung Cộng xúi giục đã phát động biến cố Tây An, Tống Mỹ Linh khi này đang bị bạo bệnh vẫn thâm nhập vào doanh trại, cùng với Trương Học Lương, Chu Ân Lai và những người khác đàm phán, cuối cùng bà đã thành công và đạt được cách giải quyết hòa bình.
Khi Tưởng Trung Chính lãnh đạo quân dân toàn diện đánh quân Nhật, bà đã tổ chức các xí nghiệp nữ và trường học thời chiến ở hậu phương, đồng thời tự tay may quần áo cho binh lính tiền tuyến để động viên họ chiến đấu. Trong giai đoạn này, bà đã đích thân viết thư mời Chennault, một phi công Mỹ, đến Trung Quốc với tư cách là cố vấn không quân, và cuối cùng thành lập Đội Hổ bay để hỗ trợ quân đội quốc gia trong cuộc kháng chiến, vì thế bà được mệnh danh là “mẹ của Không quân Trung Quốc”.
Cuối năm 1941, khi Hoa Kỳ tham chiến, Tống Mỹ Linh đã đến Quốc hội Hoa Kỳ để đọc diễn văn, kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ, phong thái tao nhã cao quý và cách nói chuyện chừng mực ôn hoà của bà đã được mọi tầng lớp xã hội ở Mỹ kính trọng, và dư luận Mỹ cũng đã dấy lên “cơn sốt Tống Mỹ Linh”.
Chương trình phát sóng đặc biệt của Tống Mỹ Linh để cảm ơn người dân Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc trong Cuộc kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược (1937–1945) (ảnh: phạm vi công cộng)
Sau năm 1949, chính quyền trung ương chuyển đến Đài Loan, và bà cũng đến Đài Loan cùng với Tưởng Trung Chính. Vào thời kỳ chồng bà gắng sức nỗ lực để xây dựng cơ sở phục hưng chống cộng ở Đài Loan thì bà cũng thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ chống Cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, bà còn chú ý đến công tác giảng dạy cho giới trẻ, bà đã thành lập trường Mẫu giáo Hoa Hưng, trường Trung học thực nghiệm Tiến Đức (trường Đại học sư phạm Chương Hóa sau này) và từng làm hiệu trưởng trường Đại học công giáo Phụ Nhân.
Trong thời gian ở Đài Loan, bà đã nhiều lần đến Mỹ để tiến hành ngoại giao phu nhân, đồng thời cũng xúc tiến các vấn đề Hoa kiều. Bà đã tham dự Tiệc chào mừng của Hoa kiều, nơi bà liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Hoa Dân Quốc. Trong bài phát biểu của mình, bà nói:
“Chừng nào Trung Hoa Dân Quốc còn tồn tại, chủ nghĩa cộng sản sẽ không thể chiếm được châu Á…”
Năm 1975, sau khi Tưởng Trung Chính qua đời, bà sống ở góa tại Mỹ, khi này Tống Mỹ Linh đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn nhất quyết kế thừa di chí của chồng và ở hải ngoại đoàn kết Hoa kiều. Trong bất kỳ cuộc họp công khai nào, bà luôn kiên trì nhấn mạnh: “Đài Loan là niềm hy vọng tự do của người dân Trung Quốc đại lục, và cũng là ngọn hải đăng của tự do ở châu Á”.
Cuối tháng 5 năm 1981, chị gái của bà là Tống Khánh Linh qua đời tại Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã gửi cáo phó cho Tống Mỹ Linh, đề nghị bà đến Bắc Kinh để cúng viếng nhưng bà đã kiên quyết từ chối. Vào tháng 7 năm sau, Liêu Thừa Chí, bộ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gửi một bức thư cho tổng thống Đài Loan khi đó là Tưởng Kinh Quốc, kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình xuyên eo biển. Vào thời điểm này, Tống Mỹ Linh đã công khai “Bức thư ngỏ gửi Liêu Thừa Chí” ủng hộ chính sách ba không của Tưởng Kinh Quốc, tuyên bố thanh minh “không tiếp xúc, không đàm phán, không thỏa hiệp” trong phần mở đầu của lá thư là biểu hiện của hạo nhiên chính khí của Trung Hoa Dân Quốc, dân tộc Trung Hoa và Quốc Dân Đảng Trung Quốc; đồng thời cũng kêu gọi Liêu Thừa Chí kế thừa di sản của cha ông là Liêu Trọng Khải và thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Năm 1986, Tống Mỹ Linh gần 90 tuổi đã trở về Đài Loan để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tưởng Giới Thạch. Trước hàng chục nghìn người có mặt, bà đã đọc bài diễn văn cuối cùng trong cuộc đời mình: “Tôi sẽ trở lại”, hy vọng các thành viên của Quốc Dân Đảng và những người có mặt ở đây sẽ làm cho ánh quang huy của chủ nghĩa tam dân chiếu sáng ở Đại Lục. Bà đã trích dẫn di nguyện của chồng mình Tưởng Trung Chính rằng:
“Chúng ta kiến thiết Đài Loan, là để Đài Loan trở thành một căn cứ chống cộng và một pháo đài trung tâm chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Viễn Đông. Mục đích của việc kiến thiết Đài Loan là cho cả nước, cho châu Á và cho nhân loại trên toàn thế giới. Phạm vi không gian của nó không chỉ giới hạn ở Đài Loan, và phạm vi thời gian cũng không giới hạn ở hiện tại. Mọi người phải hiểu sâu sắc mục đích to lớn và ý nghĩa vĩnh cửu của việc kiến thiết Đài Loan, và chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể khắc phục được mọi khó khăn và thất bại.
Cả Tưởng Giới Thạch và Mỹ Linh đều tin tưởng sâu sắc rằng dân tộc Trung Hoa nhất định có thể sinh tồn và phục hưng sức mạnh, Tưởng Giới Thạch gọi đó là “sức mạnh để thực hiện sứ mệnh lịch sử”, Mỹ Linh thì tin rằng tiềm năng to lớn này đủ để khôi phục nguyên khí của dân tộc đất nước Trung Hoa sau bao nhiêu đau thương. Mà sức mạnh này được tạo nên từ nền văn hoá ưu việt lâu dài 5000 năm và sự tu dưỡng đạo đức của con người, nó mạnh mẽ như sóng cuộn và sẽ không bao giờ bị diệt mất”.
Tống Mỹ Linh qua đời vào ngày 23 tháng 10 năm 2003 tại căn hộ ở Manhattan, New York ở tuổi 105. Bà là đệ nhất phu nhân sống lâu nhất trong số các nguyên thủ quốc gia của các nước tham chiến trong Thế chiến thứ hai. Câu chuyện về cuộc đời bà và giai thoại cùng người chồng Tưởng Giới Thạch “Trung Mỹ tương kính” sẽ là những câu chuyện đẹp mãi mãi trường tồn cùng lịch sử.
Tư liệu tham khảo:
“Những ngày tôi ở bên cạnh cha con Tưởng Giới Thạch”, Vương Phong kể, Ông Nguyên viết lại, thời báo xuất bản vào 12/2015
“Cựu tổng thống Tưởng Trung Chính vĩ đại”, Đỗ Anh Mục, NXB Danh Vọng đăng vào 9/1987
“Tuyển tập các bài phát biểu của Tống Mỹ Linh”, Tổ giáo dục Trung Chính
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258199
Ngày đăng: 27-12-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.