Con người nên làm điều thiện hay làm điều ác?



Tác giả: Giác Tỉnh

[ChanhKien.org]

“Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, câu danh ngôn trên thật chí lý. Nó cảnh tỉnh con người trong chốn hồng trần rằng: Chớ xem nhẹ những điều thiện nhỏ cũng như những việc ác nhỏ. Việc thiện nhỏ cũng là thiện, việc ác nhỏ cũng là ác. Là việc thiện thì nên làm, là việc ác thì đừng làm. Sẽ có người cười nhạo rằng cổ nhân sao mà sống cẩn thận dè dặt đến vậy! Kỳ thực không phải, làm việc thiện sẽ tích được đức, làm việc ác sẽ tạo nghiệp, đó là chân lý. Bởi vì hai chủng vật chất đức và nghiệp mà mắt thịt không nhìn thấy được này vốn tồn tại song hành cùng nhau như hình với bóng, chỉ vì mắt thịt của người trần không thấy được mà thôi.

Thấy thì tin, không thấy thì không tin, đấy là nhận thức chung của đa số mọi người. Nhưng những thứ mà mắt thịt con người nhìn thấy được thì lại rất hạn chế. Ví như bạn có nhìn thấy được các nguyên tố hoá học trong không khí không? Bạn có thể nhìn thấy sóng âm và sóng từ không? Nhưng những thứ này đều là những thứ tồn tại chân thực. Chớ vội nghi ngờ, tuy hai chủng vật chất đức và nghiệp bạn không nhìn được bằng mắt thịt, nhưng chúng đồng thời tồn tại cùng với con người, là một bộ phận không thể tách rời của con người. Nhìn không thấy thì không tin là một nhận thức sai lầm, người thông qua tu luyện xuất ra được công năng có thể nhìn thấy, họ thấy được sự tồn tại chân thực của hai chủng vật chất đức và nghiệp ở không gian khác.

Thế thì con người nên lựa chọn điều thiện hay điều ác? Với con người mà nói thì đây là việc rất quan trọng.

Chuyện kể rằng vào triều Đường có một vị tể tướng nổi tiếng tên Bùi Độ, ông còn là một chính trị gia, văn học gia kiệt xuất. Người đời sau đánh giá rất cao về ông, rằng ông ‘đem thân mình gắn với an nguy của xã tắc, có ảnh hưởng hết sức quan trong đối với thời cuộc trong khoảng thời gian 20 năm’. Ông quyền cao chức trọng, giữ chức vị tể tướng vòng 20 năm. Nhưng bạn biết không, phúc đức của ông là nhờ tích được việc đại thiện mà có.

Bùi Độ thuở nhỏ gia cảnh bần hàn, nghèo khổ khốn khó. Một hôm nọ đi trên đường Bùi Độ gặp được một người tu hành. Sau khi xem tướng mặt, người tu hành ấy thấy khóe mép Bùi Độ có một đường gân chạy vào chỗ miệng, e rằng sau này phải chịu nạn chết đói nên khuyên ông cố gắng làm việc thiện.

Sau khi lớn lên, đường công danh nhiều trắc trở khiến Bùi Độ thấy rất thất vọng, lại nghĩ về vận mệnh của mình nên ông càng không khỏi buồn bực. Vào một hôm đến chùa Hương Sơn lễ Phật, ông vô tình nhìn thấy trên mặt đất có một cái túi, bên trong có hai chiếc đai ngọc đắt tiền. Trong lòng thầm nghĩ chủ nhân của món đồ bị mất ất hẳn đang rất lo lắng nên ông cứ đứng đó đợi chủ nhân của chiếc túi đến, nhưng mãi đến khi mặt trời lặn mà vẫn chẳng thấy ai cả.

Sáng hôm sau khi cổng chùa còn chưa mở, Bùi Độ đã đứng trước cổng chùa chờ đợi, nhìn xa xa thấy có một cô gái hốt hoảng chạy đến; hỏi thăm mới biết cô gái đứng trước mặt ông là chủ nhân của chiếc đai ngọc bị mất. Vốn là cha của cô gái bị kẻ gian hãm hại, quan binh tống cha cô vào ngục, cô định dùng hai chiếc đai ngọc này làm lễ vật để cứu cha. Nếu như đai ngọc bị mất thì đại họa sẽ giáng lên đầu cha cô mất. Bùi Độ nhìn cô gái với vẻ thương xót và trả lại túi cho cô, cô gái ấy khóc và bái tạ xin Bùi Độ hãy giữ lại một chiếc đai ngọc nhưng Bùi Độ khẽ cười từ chối.

Không lâu sau Bùi Độ gặp lại người tu hành dạo nọ, người ấy kinh ngạc thốt lên: “Hẳn cậu đã tích được đại âm đức nên tướng mặt giờ đây hóa thành phúc tướng, tiền đồ rộng mở vô hạn!” Sau này quả đúng như lời vị ấy nói, Bùi Độ quan lộ hanh thông, được triều đình trọng dụng, ông phò tá bốn đời vua Đường, từ đầu đến cuối đều dựa vào đức hạnh mà thăng tiến. Trong bộ Nghiêu Sơn đường ngoại kỷ, Bùi Độ có đoạn tự bình rằng: “Thân ta không cao lớn, tướng mạo cũng bình thường, mà sao lại có thể làm tướng quân? Sao lại có thể làm tể tướng? Chỉ là có một điểm tâm và thần mà nét đan thanh của họa sư không thể nào vẽ nên được!”. Ông dành cả đời mình để tu dưỡng đức hạnh, tuy dung mạo không nổi bật nhưng cái tâm luôn hướng đến tu dưỡng đạo đức.

Nghĩa cử thiện lương của Bùi Độ không chỉ là thiện đãi người khác mà còn là thiện đãi chính mình. Việc hành thiện đã giúp cải biến vận mệnh bi thảm của ông, ngoài ra còn đắc được đại phúc báo. Có thể thấy rằng giữa phúc phận của một người là có mối tương quan mật thiết với đức của người đó. Đức tích được càng nhiều thì phúc báo nhận được càng lớn. Nhờ thế tôi cũng minh bạch được vì sao cổ nhân xem trọng cả việc thiện nhỏ lẫn việc ác nhỏ. Càng tích nhiều việc thiện nhỏ thì vật chất đức sẽ càng nhiều, phúc báo cũng sẽ càng lớn. Ngược lại, nếu một người tích rất nhiều việc ác thì thiên tai nhân họa sẽ kéo đến, bởi vì nghiệp lực là ngọn nguồn của mọi khổ nạn.

Người sống trên đời ai cũng mong có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, khỏe mạnh, trường thọ. Nhưng bạn đã biết tầm quan trọng của việc tu thiện tích đức chưa? Nếu muốn thay đổi vận mệnh của mình thì phải thay đổi bản thân từ nội tâm, khởi đầu bằng việc kính sợ trời đất, thay đổi từ những việc thiện nhỏ. Xin hãy ghi nhớ câu nói này của cổ nhân: Nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui, nhà tích điều ác ắt có thừa tai ương.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/278601



Ngày đăng: 20-12-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.