Động chạm



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp đại lục

[ChanhKien.org]

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006]”, Sư phụ giảng:

“Thôi không giảng thêm nữa; mong rằng mọi người cuối cùng càng ngày càng tốt hơn, quyết không được giải đãi, quyết không được phóng túng, nhất quyết không thờ ơ. Lại nữa, tôi vừa giảng rồi, một khâu khiếm khuyết của đệ tử Đại Pháp, một thứ còn thiếu sót, chính là vấn đề nghe không lọt những phê bình giữa [mọi người] với nhau. Không được không tiếp thu ý kiến chính diện, thậm chí ý kiến phản diện của người khác, không được không cho động chạm đến, cái tâm ấy bắt đầu từ bây giờ là phải trừ bỏ.”

Pháp của Sư phụ khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ, bởi vì bản thân tôi chính là loại người không muốn để người khác động chạm đến. Trong mấy ngày đó, do một số nguyên nhân khách quan mà trong tâm náo động, lúc này tôi chỉ muốn làm cho hoàn cảnh gia đình mình thanh tĩnh hơn một chút, tuy nhiên luôn xuất hiện các sự việc khiến bản thân rất phiền muộn, biết là hiện tượng này không đúng, tôi cũng liên tục khắc chế nó, nhưng tôi không để ý rằng niệm đầu bất hảo này đang từ từ khởi dậy. Ngay tại hôm nay, chỉ vì một số vấn đề nhỏ nhặt không quá quan trọng mà đã gây ra một trận phong ba, làm cho không khí trong gia đình trở nên rất căng thẳng, tôi cũng bị đối phương làm cho tức giận đến nỗi chân tay tê dại, trong tâm chất chứa đầy phiền muộn bực bội. Bởi vì tâm tính không giữ được vững, dẫn đến hoàn cảnh giống như dòng nước lũ phá vỡ con đê, trong chốc lát đã xông phá đến ranh giới cuối cùng, bản thân không kìm chế được cảm xúc, vì vậy những thứ phụ diện như ủy khuất, oán hận, bất mãn,… chất chứa trong lòng, toàn bộ đều bị phơi bày ra.

Sau sự việc đó, tôi ngẫm lại vì sao mình lại như vậy nhỉ? Tu luyện đã hơn 20 năm rồi, làm sao tôi có thể chẳng bằng một người thường, cần phải đối chiếu với Pháp để tìm thiếu sót của bản thân. Khi đọc bài giảng Pháp của Sư phụ, tôi cảm thấy nguyên nhân là do bản thân sợ bị động chạm, nhưng tại sao tôi lại sợ bị động chạm nhỉ? Ngẫm lại từng mâu thuẫn đã xảy ra, tôi phát hiện có một điểm tương đồng, đó chính là lấy tự ngã làm trung tâm, dùng quan niệm của bản thân đã hình thành từ xưa tới nay để áp đặt các loại khuôn mẫu khác nhau, những thứ sản phẩm được tạo nên bằng quan niệm này lấy cá nhân làm trung tâm, lấy tự ngã làm trục chính, lúc này những người bên cạnh chính là đối tượng thử nghiệm của cái khuôn mẫu này. Khi bạn cảm thấy rất phản cảm với những lời nói, cử chỉ của người bên cạnh, khi bạn đặt mình ở trên cao mà coi thường người khác, khi bạn đưa ra lựa chọn giữa được và mất về lợi ích, nếu bạn không dựa trên Pháp, niệm đầu tiên không phải là suy nghĩ cho người khác, thì lúc này cái khuôn mẫu sẽ có thị trường rồi, giả ngã sẽ khống chế bạn, biến cái khuôn mẫu này trở thành tiêu chuẩn để đo lường, phù hợp với nó thì là đúng, không phù hợp thì là sai.

Bởi vì cái khuôn mẫu này lấy tự ngã làm trung tâm, là có nhân tố biến dị của cựu vũ trụ, vậy nên bạn càng rớt xuống dưới thì càng tiến vào cái bẫy của nó, cuối cùng bị hủy diệt.

Sư phụ giảng:

“Trong Chính Pháp bị động chạm đến là những linh thể thấp và lạn quỷ loạn bát nháo thấp nhất ở trong hoàn cảnh tầng thấp; chính là những thứ ấy đang làm cái việc phá hoại đệ tử Đại Pháp, hơn nữa là do nhân tố tà ác trực tiếp khống chế; nhân tố cũ và bất hảo ở chỗ cao hơn là đang khởi tác dụng tầng tầng lớp lớp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009, Giảng Pháp tại các nơi IX)

Pháp của Sư phụ đã khai thị cho đệ tử. Bản thân dường như nhìn thấy nhân tố biến dị đằng sau sự kích động, cảm thấy phản ứng của bản thân sau khi bị động chạm có ma tính rất lớn, nhìn thấy đồ vật là muốn quăng vứt đi, dường như những gì nhìn thấy trước mắt đều phiền phức, trong tâm giống như ôm giữ một bao thuốc nổ, muốn tìm cơ hội nổ tung bất cứ lúc nào. Trạng thái thể hiện ra chính là luôn nhìn thấy chỗ không đúng của đối phương, bới móc khuyết điểm của đối phương, trong lời nói mang theo oán hận, còn cảm thấy đối phương chướng tai gai mắt, những thứ này chính là mồi lửa châm ngòi cho bao thuốc nổ nổ tung.

Lực nhẫn nại của con người là có giới hạn, khi hành động vô lý này vượt qua giới hạn mà đối phương có thể chịu đựng được, thì sẽ xuất hiện mâu thuẫn. Lúc này giống như khẩu súng đã được lên đạn, cũng giống như bao thuốc nổ bị làm cho nổ tung. Toàn bộ hoàn cảnh chung quanh bị nhân tố phụ diện bao trùm, muốn tỉnh táo lại cũng rất khó, lúc này bạn sẽ bị ma tính chiếm cứ và trở nên không lý trí.

Cho dù trong lòng rất khó chịu nhưng vẫn nghĩ đến bản thân là người tu luyện, nên nghe lời Sư phụ, hướng nội tìm bản thân. Tôi phát hiện thứ mà có thể động chạm đến tôi đều là những việc tôi cho rằng nó là quan trọng nhất, cố thủ nhất, những thứ khó buông bỏ nhất. Như vậy tôi đã nhìn ra rồi, đằng sau việc bị động chạm là có nguyên nhân. Một là một số nhân tố vật chất bại hoại đang quấy nhiễu, hai là do sinh mệnh biến dị ở không gian cao tầng khống chế, mục đích của chúng là can nhiễu chính Pháp, ngăn cản việc cứu độ thế nhân. Xem ra, bản thân mình đã bị cựu thế lực lừa, coi cái khuôn mẫu được tạo ra từ quan niệm thành tiêu chuẩn để đo lường, coi giả ngã là bản thân, bản thân hoàn toàn không biết mình đang bị khống chế.

Hướng nội sâu hơn, tôi tìm xem căn nguyên dẫn đến hiện tượng này là gì. Tôi cảm thấy căn nguyên này là gặp phải sự việc liền dùng cái lý của con người để đo lường, đối đãi, không hề dựa trên Pháp để đối đãi, vì vậy sẽ xuất hiện hiện tượng bị tà ác can nhiễu. Vậy tại sao tôi không dựa trên Pháp để đo lường? Thể ngộ của tôi là khi trường không gian của chúng ta có nhân tố vật chất bại hoại, lúc này trường không gian sẽ không thuần tịnh nữa. Tu luyện chính không ngừng đồng hóa trong Đại Pháp, không ngừng được Đại Pháp thanh tẩy, khi những vật chất bại hoại của chúng ta cần được thanh lý, biểu hiện xuất ra chính là có một thứ nào đó trong cơ thể đang không ngừng thách thức ranh giới cuối cùng của chúng ta. Khi bạn đứng tại cơ điểm của tự ngã để đối đãi, thì không thể giải thể được sự công kích của những vật chất biến dị loạn bát nháo này, vì vậy bạn sẽ liên tục gặp thất bại, cho đến khi bạn mất khống chế, ma tính đại phát. Bởi vì những bại vật linh thể tầng thấp can nhiễu bạn là vật chất trong không gian khác, trong khi bạn lại bày binh bố trận trong cõi người thường, vậy thì bạn không thể nào giành chiến thắng.

Sư phụ đã giảng trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008”:

“Nhất là những năm bức hại trở đi, trong những việc chứng thực Pháp mà chư vị làm, bất kể gặp sự việc cụ thể như thế nào, tôi từng bảo chư vị rằng, đó đều là việc tốt; vì chư vị tu luyện rồi mới xuất hiện [nó]”

Từ trong lời giảng Pháp của Sư phụ, tôi ngộ được rằng, khi bị động chạm, trạng thái tâm tính có thể phản ánh ra cảnh giới của người tu luyện. Lấy tôi làm ví dụ, niệm đầu “không coi những mâu thuẫn xảy ra là hảo sự” đã là sai rồi. Sự sai lầm này dẫn đến kết quả tiếp theo chính là sự việc không được như ý muốn, nếu không thể kịp thời dùng Pháp quy chính tư duy phụ diện của bản thân thì sẽ bị giả ngã không lý trí thao túng, thậm chí sẽ dẫn động nhân tố phụ diện của bạn, khiến bạn bộc phát ma tính.

Kỳ thực, cũng là do bản thân không hiểu rõ Pháp lý tại phương diện này, có lúc xem bài viết giao lưu của đồng tu viết rằng từ trong tâm cảm ơn người đã tạo ra mâu thuẫn cho anh ấy. Tôi dường như có sự cách biệt rất lớn với cảnh giới của đồng tu, cảm thấy đồng tu làm rất tốt, bản thân sao lại làm không được nhỉ? Khi đối diện mâu thuẫn, chính là không nghĩ rằng đây là nấc thang cho mình đề cao, là hảo sự, có vẻ minh bạch trên Pháp lý, nhưng chính là trong tâm không muốn tiếp thụ, vì sao? Kế tiếp, tôi sẽ nói căn nguyên vì sao không muốn tiếp thụ? Vì sao không nguyện ý tiếp thụ?

1. Không nắm rõ Pháp lý, Sư phụ giảng:

“Ban đầu khi Tam giới được tạo thành, là tạo ra [một cách] ‘phản [đảo]’ lại, ở đây không có ‘Chính Lý’. [Nếu] đã có Chính Lý thì Thích Ca Mâu Ni cũng đã không cần đến đây, Jesus cũng đã không cần tới đây, đã không có sự kiện truyền Pháp này, càng không tồn tại việc Chính lại Pháp nơi đây. Nó là ‘Phản Lý’; hành vi, hình thức đều là ‘phản [đảo]’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008)

Sư phụ nói cho chúng ta biết rằng lý trong tam giới là phản lý, vậy mà chúng ta lại còn coi cái lý của tam giới là chính lý, đây là sai từ căn bản.

2. Tâm an dật, tâm tự bảo vệ bản thân sinh ra từ “tư” sẽ dẫn đến việc bản thân không muốn tiếp nhận mâu thuẫn trước mặt, bởi vì nếu tiếp nhận thì tư duy phụ diện sẽ nói với bản thân rằng đó là việc rất đau khổ, vì vậy đây chính là lý do tại sao không làm được, mặc dù trên Pháp lý dường như minh bạch rồi. Nhưng làm không được thì không phải là tu, không tu bản thân thì không thể đề cao, không đề cao được thì sẽ rớt tầng thứ, thời gian lâu ở trong trạng thái như vậy sao có thể được chứ?

Những trải nghiệm khi bị động chạm lần này là để cho tôi nhìn thấy lớp vỏ con người ngoan cố như thế, cố chấp vào quan niệm của bản thân mãnh liệt đến thế, đây chính là biểu hiện sâu sắc của “tư”. Vậy nên đối với người tu luyện mà nói, chuyển biến quan niệm thật sự là điều then chốt trên con đường từ người hướng tới Thần.

Tôi thể ngộ được biện pháp tốt nhất chính là nghe lời Sư phụ, không bị giả ngã dẫn động, ức chế ma tính, luôn luôn nghĩ rằng bản tính của con người là thiện lương. Hết thảy các nhân tố mang theo ma tính đều không phải bản thân mình, người tu luyện là dĩ Pháp vi sư (lấy Pháp làm thầy), gặp sự việc thì chiểu theo Đại Pháp để đo lường, không thể dựa theo cảm thụ của bản thân mà phán xét. Kỳ thực, cái gọi là tư tưởng, cảm thụ, kinh nghiệm của bản thân không nhất định là phù hợp với Pháp. Vậy nên đệ tử Đại Pháp cần quy chính bản thân, đồng hóa bản thân trong Pháp, mới có thể làm tốt hơn nữa việc trợ sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh.

Trên đây là một chút thể hội tu luyện nông cạn, có gì chưa phù hợp với Pháp mong đồng tu từ bi chỉ rõ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/277187



Ngày đăng: 15-10-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.