Hướng nội và vứt bỏ những thứ dơ bẩn
Tác giả: Phất Trần, đệ tử Đại Pháp tại Trường Xuân
[ChanhKien.org]
Vài ngày trước, tại nhóm học Pháp, khi học thuộc Chuyển Pháp Luân đến câu: “chư vị nhất định phải vứt bỏ những tư tưởng không tốt và đổ đi những thứ dơ bẩn”, tôi đọc thiếu từ “dơ bẩn”. Khi được đồng tu nhắc nhở, tôi đã giật mình nhận ra và học thuộc câu Pháp này lại một lần nữa.
Sau khi học Pháp xong, các đồng tu rời đi. Tôi bắt đầu hướng nội xem tại sao mình lại bỏ qua từ “dơ bẩn”. Bình thường tôi rất thuộc câu này và không bỏ sót từ nào. Không có điều gì là ngẫu nhiên trong tu luyện. Nhờ Sư phụ điểm hóa, tôi có thể tìm xem mình đã làm điều gì chưa phù hợp với Pháp.
1. Tống khứ tâm hiển thị ẩn sâu
Thời gian không lâu trước đây, tôi có tham gia một nhóm học Pháp mà bình thường không mấy khi tôi đến. Lúc học Pháp, chỉ mình tôi có thể đọc thuộc, còn các đồng tu khác thì không. Trong khi học tôi cũng không có suy nghĩ gì. Sau khi học xong, mọi người bắt đầu giao lưu chia sẻ. Các đồng tu thấy tôi học thuộc Pháp thì vô cùng ngưỡng mộ, khiến tôi nảy sinh tâm tự mãn, dù ngoài miệng không nói lời nào, nhưng trong lòng xuất hiện tâm lý tự cao tự đại, cho rằng mình trội hơn người khác: hãy nhìn xem, mình thật giỏi, mình có thể học thuộc Pháp tốt như vậy, còn người khác đều không làm được. Tâm hiển thị đã nổi lên bề mặt.
Sư phụ giảng:
“Bản thân [tâm] hiển thị là một loại tâm chấp trước rất mạnh, tâm hết sức không tốt, là tâm [chấp trước] mà người tu luyện phải bỏ.” (“Bài giảng thứ hai”, Chuyển Pháp Luân)
Tôi phát hiện rằng tâm hiển thị đó không phải là chân ngã của mình, vì vậy lập tức bài xích nó: “Tâm hiển thị không phải là ta, ta không cần ngươi, diệt!” Sau đó, tâm tôi bình tĩnh trở lại.
2. Tu khứ tâm tham và chấp trước vào lợi ích
Có lần, một đồng tu nói rằng cô ấy có một số quần áo không dùng đến nữa, và hỏi tôi có muốn lấy chúng không. Bề ngoài tôi thể hiện là không cần và nói đồng tu hãy để cho người khác, nhưng trong tâm lại rất muốn. Đồng tu có lẽ cũng nhìn ra tâm tư của tôi, nên nói tôi hãy về nhà cùng cô, nhìn thấy cái nào ưng thì lấy, không thì thôi. Vì vậy tôi liền đi theo cô ấy. Nhìn thấy tất cả chỗ quần áo ấy đều còn khá tốt, tôi đã gói ghém một túi lớn mang về nhà. Sau đó tôi mặc thử từng chiếc một, nhưng chỉ có một chiếc duy nhất vừa với tôi. Tôi đành đưa chỗ còn lại cho người khác. Tình huống tương tự không chỉ xảy ra một lần. Trong lòng tôi biết rõ làm như vậy là không đúng, không phù hợp với Pháp, đó là tâm tham. Tôi cũng tự nhắc nhở bản thân rằng đây là lần cuối cùng mình làm vậy, lần sau sẽ không thế nữa, nhưng đến lúc then chốt thì tôi vẫn không làm được.
Sư phụ giảng:
“Người tu luyện [nào] giữ mình không vững thì rất khó hoá độ, và dễ tự hủy [hoại] bản thân mình.” (“Bài giảng thứ sáu”, Chuyển Pháp Luân)
Trong trường hợp này, tôi chính là đã giữ mình không vững, bị ma can nhiễu. Điều này thật đáng sợ làm sao! Đối chiếu với Pháp của Sư phụ, tôi thấy thật xấu hổ, tu luyện đã nhiều năm như vậy rồi mà tôi vẫn còn muốn có những lợi ích nhỏ nhoi của người thường, đây chẳng phải là tâm tham sao? Không chỉ là tâm tham, nó thực sự là ham muốn vị tư, dục vọng chiếm hữu mạnh mẽ. Liệu tôi có thể mang theo tư tâm dơ bẩn như vậy mà lên Thiên Thượng không, mà thành Phật không? Không lạ gì khi tôi đọc sót chữ “dơ bẩn” khi học Pháp. Nguyên lai là ở vấn đề này, tôi căn bản đã không tu chính mình. Người ta muốn gì thì người khác không can thiệp, tâm dơ bẩn ấy chẳng phải càng che đậy thì càng ngày càng gia tăng sao? Chỉ khi có thể đổ hết những thứ dơ bẩn, tôi mới có thể thật sự thăng hoa. Sự tình này xem ra không phải là chuyện lớn, nhưng tu luyện vốn nghiêm túc, sao có thể coi là chuyện nhỏ được.
Có lần, một đồng tu trong nhóm học Pháp nhờ tôi mua giúp một chiếc máy tính đã qua sử dụng. Tình cờ, tôi đã có sẵn một chiếc mà tôi vừa mua từ một đồng tu khác với giá 1.300 tệ. Tôi nói sẽ mang cho cô ấy trong lần học Pháp tới, và cô ấy cũng đồng ý. Vào hôm đó, tôi đến muộn vì có việc phát sinh. Vì lo rằng đồng tu có thể cần nó gấp, nên tôi đã bắt tắc-xi mang đến cho cô. Khi nhìn thấy chiếc máy tính, cô ấy đổi ý và nói: “Tôi đã dự tính mua một chiếc máy mới”. Nghe vậy, mặt tôi sa sầm lại, trong tâm cảm thấy khó chịu, bực mình nghĩ: “Tại sao chị không cho tôi biết điều đó ngay từ đầu? Tôi phải đi một quãng đường dài như vậy, tốn hơn 30 tệ tiền tắc-xi để mang đến cho chị, vừa vội vừa mệt, nhưng chị lại không giữ lời. Từ giờ trở đi, tôi không muốn quản việc của chị nữa. Thêm một việc không bằng bớt một việc”.
Đồng tu thấy tôi không vui, nhưng cũng không nói gì cả, chỉ lặng lẽ lấy vài tấm dán chân tướng. Sau đó, tôi nhận ra đó là lỗi của mình và nhanh chóng hướng nội. Tôi phát hiện ra mình chấp trước rất mạnh vào lợi ích cá nhân, tranh đấu, oán hận, tức giận bất bình trước những việc không phù hợp với quan niệm bản thân. Nhân tâm ấy quả là mạnh mẽ. Bình thường khi chưa đụng đến thì tôi cũng chưa phát hiện ra. Hôm nay, thông qua sự việc này, chấp trước của tôi đã được bộc lộ, tôi nên lấy đó làm cơ hội tốt để loại bỏ nó. Tôi nên cảm ơn đồng tu mới phải, sao lại có thể suy nghĩ hẹp hòi như thế được chứ! Nghĩ đến đây, trong tâm liền phát ra một niệm: “Lập tức giải thể tâm tranh đấu, tâm oán hận, tâm lợi ích, ta không cần chúng, chúng đều không phải là ta, diệt!” Sau khi chính niệm cường đại này phát xuất ra, ngay lập tức tình huống phát sinh biến hóa. Một đồng tu khác muốn nhận chiếc máy tính đó. Tôi kinh ngạc, tâm tình đột nhiên trở nên rộng mở thông suốt. Hướng nội quả là Pháp bảo trong tu luyện. Tôi cảm nhận được sự từ bi vô hạn của Sư phụ và uy đức vĩ đại của Đại Pháp.
Sư phụ giảng:
“Chư vị biết chăng? Để độ chư vị, Phật đã đi xin ăn nơi người thường, hôm nay tôi lại mở rộng cửa truyền Đại Pháp độ chư vị, tôi không hề vì vô số nạn gặp phải mà cảm thấy khổ, vậy chư vị còn gì chưa buông bỏ được? Chư vị có thể mang theo những thứ chưa buông bỏ trong tâm ấy tiến vào thiên quốc chăng?” (“Chân tu”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Pháp của Sư phụ như chiếc chùy nặng gõ mạnh vào tâm tôi, tôi cảm thấy rất xấu hổ, hối hận, nước mắt đầm đìa. Tôi thầm nói với Sư phụ: “Sư phụ ơi, con xin lỗi Ngài, đệ tử biết sai rồi, xin Ngài tha lỗi cho đệ tử không biết tinh tấn, sau này con nhất định học Pháp thật nhiều, mở rộng tâm mình, bao dung nhẫn nhịn đối với đồng tu, đồng hóa Chân-Thiện-Nhẫn, làm cho bản thân trở nên thuần tịnh trong sáng hơn, tống khứ các chủng nhân tâm bất hảo, trên con đường tu luyện không ngừng tinh tấn, chân tu, thực tu, làm tốt ba việc để Sư tôn thêm phần vui mừng, bớt phần vất vả”.
Xin vui lòng chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp với Pháp.
Cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại!
Cảm ơn các bạn đồng tu!
Dịch từ:
https://www.zhengjian.org/node/274876
https://www.pureinsight.org/node/7716
Ngày đăng: 10-09-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.