Câu chuyện tu luyện Đạo gia: Vương Liệt



Tác giả: Chu Nguyệt Minh chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Nguồn hình: Chánh Kiến

Vương Liệt, tự là Trường Hưu, là người Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ông sống đến 330 tuổi mà dung mạo trông vẫn như thời niên thiếu. Núi cao đèo dốc đối với ông cũng giống như đất bằng, ông đi lại trên núi như bay. Thời trẻ Vương Liệt là thư sinh trường Thái Học, kiến thức uyên bác lại đa tài, không có sách nào ông chưa từng đọc qua, thường cùng mọi người đàm luận về Tứ thư Ngũ kinh hay triết lý bách gia chư tử. Thúc Dạ (tức Kê Khang, một trong bảy vị Trúc lâm thất hiền), người từng nhậm chức Trung tán đại phu của Tiêu quốc, vô cùng kính trọng Vương Liệt, thường thỉnh giáo ông. Thúc Dạ còn thường cùng ông du ngoạn lên núi hái thuốc.

Sau đó, Vương Liệt tự mình đi vào núi Thái Hành Sơn. Một hôm, ông nghe thấy bên sườn Đông của ngọn núi có vụ sạt lở, tiếng đất lở ầm ầm như sấm dậy. Vương Liệt không biết chuyện gì đã xảy ra, bèn vội đến đó xem. Chỉ thấy ngọn núi lớn nứt ra một khe sâu mấy trăm trượng, hai bên khe nứt toàn là đá xanh, có một hang đá rộng mấy thước, bên trong động không ngừng chảy ra một loại bùn xanh như tuỷ xương. Vương Liệt thử nặn bùn thành viên tròn, trong chốc lát nó liền biến thành cục đá, giống như nặn sáp nóng thành viên, lập tức nó đông cứng lại. Loại bùn này toả ra mùi thơm như cơm gạo, khi cho vào miệng nhai cũng có vị như cơm gạo. Vương Liệt nặn bùn thành vài viên tròn to cỡ quả đào rồi mang về, nói với Kê Khang: “Ta đã có được những thứ không hề tầm thường chút nào”. Kê Khang nghe vậy rất cao hứng, lấy chúng ra xem thử thì thấy những viên bùn đã biến thành những viên đá xanh, gõ vào thì thấy phát ra âm thanh như đồng. Kê Khang bèn bảo Vương Liệt đưa đến chỗ núi lở xem thử, nhưng ngọn núi đã khôi phục lại trạng thái ban đầu tự lúc nào, không còn chút vết tích gì của một vụ lở núi nữa.

Sau này, Vương Liệt lại đi vào trong núi Bão Độc ở Hà Đông, nhìn thấy một ngôi nhà bằng đá, trong nhà có một cái giá làm bằng đá trắng, trên giá có hai quyển sách. Vương Liệt giở ra xem thử, nhưng không đọc được chữ trong đó, ông không dám mang sách đi, chỉ đành đặt chúng lên kệ đá trắng như cũ. Nhưng ông đã thầm ghi nhớ được mấy chục chữ trong sách, mang về viết ra cho Kê Khang xem. Những chữ ấy Kê Khang đều đọc được cả. Vương Liệt vô cùng mừng rỡ, định cùng Kê Khang vào ngôi nhà đá trong núi cùng đọc kinh sách. Ông vốn đã nhớ rất rõ đường đi vào núi, nhưng khi đến chỗ có ngôi nhà bằng đá thì lại không tìm thấy ngôi nhà ấy đâu nữa. Sau đó, Vương Liệt đã bí mật nói với đệ tử của mình rằng: “Bởi Kê Khang không phải là người đắc Đạo, nên không để anh ta nhìn thấy ngôi nhà đá”. Theo cách nói của Thần Tiên, cứ 500 năm một lần, núi Thần sẽ nứt ra, từ trong khe nứt có thạch tuỷ chảy ra, nếu như lấy được thạch tuỷ này, dùng để uống thì có thể sống lâu như thiên trường địa cửu. Những viên đá mà Vương Liệt lấy được trước đây, chúng khẳng định là thạch tuỷ. Hầu hết mọi người ở Văn Hỷ, Hà Đông đều đời đời kính phụng Vương Liệt.

Những năm Vĩnh Ninh đời nhà Tấn, Vương Liệt đến vùng núi Lạc Xuyên huyện Lạc Nam tỉnh Thiểm Tây du ngoạn. Có một ông lão 90 tuổi tên là Trương Tử Đạo cung kính hướng về phía Vương Liệt thi lễ, Vương Liệt ngồi nhận một lạy của ông lão. Những khách ngồi cùng trách Vương Liệt không hiểu lễ nghi, Trương Tử Đạo nói: “Lúc 7, 8 tuổi ta đã gặp ông ấy, bây giờ ông ấy vẫn trẻ như vậy, năm nay ta đã 90 tuổi rồi, mà dung mạo của ông ấy vẫn như thời niên thiếu”. Sau này không ai biết Vương Liệt đã đi đâu.

(Theo Thái Bình quảng ký)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/19694



Ngày đăng: 10-05-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.