Mạn đàm về ‘Quan Vũ xả thân vì nghĩa’ trong Tam Quốc diễn nghĩa
Tác giả: Ti Tưởng
[ChanhKien.org]
Nhớ lại hồi nhỏ khi xem truyện Tam quốc diễn nghĩa, đoạn mà tôi không thích xem nhất chính là ‘Quan Vân Trường thua chạy ra Mạch Thành’, mỗi khi xem đến đây tôi đều bỏ qua, chỉ xem đoạn kế tiếp. Nghĩ đến đoạn ‘Quan Vân Trường thua chạy ra Mạch Thành’ thì người ta liền cảm thấy chua xót, Quan Vũ anh hùng uy dũng như thế, cuối cùng lại rơi vào kết cục bi thảm như thế, làm sao không khiến người xem đau lòng chứ? Tôi chợt nhớ đến câu nói của tiên sinh Thẩm Tòng Văn rằng “tôi biết rằng mình không nên giở lịch sử ra xem, bởi vì khi đối diện với lịch sử, ai mà chẳng cảm thấy chua xót”. Dần theo năm tháng lớn lên, nỗi chua xót này cũng từ từ phai nhạt, cũng bởi vì tôi đã trải qua quá nhiều đau khổ, giống như Tân Khí Tật đã viết trong một bài thơ rằng:
Kim nhi thức tận sầu tư vị,
Dục thuyết hoàn hưu,
Dục thuyết hoàn hưu,
Khước đạo thiên lương hảo cá thu.
Dịch nghĩa:
Đến giờ mới hiểu hết mùi vị buồn,
Muốn nói lại thôi,
Muốn nói lại thôi,
Chỉ rằng: trời mùa thu đẹp mát mẻ [1]
Sau này nhìn lại câu chuyện về Quan Vũ, tôi phát hiện rằng dẫu là tình tiết do nhà văn La Quán Trung sắp đặt hay là do thiên thượng an bài cho vận mệnh của Quan Vũ thì đều là vô cùng khéo léo. Quan Vũ một đời trung nghĩa, hết thảy những gì ông làm đều thể hiện cho một chữ “nghĩa” của ông.
Ví dụ như đoạn ‘Đóng Thổ Sơn, Quan Công giao ước ba việc’, ông nói mình chỉ hàng Hán Hiến Đế chứ không hàng Tào Tháo, còn nói rằng hễ nghe tung tích Lưu Bị ở đâu thì không quản ngàn dặm xa xôi cũng sẽ đi tìm. Tào Tháo vốn nổi danh là gian hùng, nhưng vẫn chấp nhận điều kiện khắt khe như thế, đó là vì Tào Tháo nghe lời Trương Liêu: muốn dùng hậu ân để làm động lòng Quan Vũ, bởi Trương Liêu cho rằng sở dĩ Quan Vũ ra điều kiện như vậy là do Lưu Bị dùng ân đức đối đãi, nếu như Tào Tháo có thể đối đãi với Quan Vũ còn hậu hơn thì Quan Vũ sẽ bỏ Lưu Bị mà tận trung với Tào Tháo. Kỳ thực từ bên ngoài mà nhìn thì chúng ta thấy lời Trương Liêu nói quả thực có đạo lý.
Trên đường rút quân về Hứa Xương, buổi tối ở dịch quán Tào Tháo muốn để Quan Vũ và hai chị dâu ở cùng một nhà nhằm làm rối loạn lễ vua tôi, nhưng Quan Vũ “cầm đuốc đứng hầu ngoài cửa, tự tối đến sáng, sắc mặt không lúc nào có dáng mỏi mệt”. Điều ấy khiến Tào Tháo càng kính phục cái nghĩa của Quan Vũ hơn. Sau khi về đến Hứa Xương thì Quan Vũ “Cứ ba ngày một lần đứng cửa ngoài chắp tay kính cẩn, hỏi thăm sức khỏe hai chị… My phu nhân hỏi thăm về tin tức hoàng thúc, bao giờ hỏi xong cũng nói: ‘Chú cứ tùy ý’. Bấy giờ Quan Công mới dám lui về”. Tào Tháo nghe vậy cứ thán phục Quan Công mãi không ngớt. Có thể nói Tào Tháo đã nhiều phen nhìn thấu lòng người nhưng lại thán phục Quan Vũ như thế, ấy là do Tào Tháo đã chứng kiến phẩm đức của Quan Vũ.
Quan Vũ sau khi đến Hứa Đô được phong làm thiên tướng quân, được Tào Tháo cho sửa sang thừa phủ để ở, lại còn mở tiệc lớn lấy lễ khách đối đãi, mời đến ngồi trên, hội cả mưu thần võ sĩ đến dự, có thể nói là vinh diệu vô cùng to lớn. Tào Tháo lại tặng Quan Vũ gấm vóc vàng bạc, đưa cả mười mỹ nữ đến hầu, Quan Vũ đem hết thảy gấm vóc vàng bạc và mỹ nữ đến cho hai chị. Tào Tháo cứ ba ngày bày một tiệc nhỏ, năm ngày bày một tiệc lớn, lại còn tặng cả ngựa xích thố, nhưng cái nghĩa mà Quan Vũ dành cho Lưu Bị vẫn không thay đổi, ông lại nói với Tào Tháo rằng mình may mắn có được ngựa xích thố, nếu như biết tung tích huynh trưởng Lưu Bị ở đâu thì có thể đi một ngày nghìn dặm – trong vòng một ngày là gặp lại được huynh trưởng.
Tào Tháo đối với Quan Vũ có thể nói là ân cần chu đáo mọi bề, thường tặng những lễ vật để khiến Quan Vũ vui; lại còn rất chiều chuộng Quan Vũ, thấy Quan Vũ yêu quý chăm sóc chòm râu liền cho may túi gấm để Quan Vũ bọc râu; nhìn thấy cẩm bào của Quan Vũ đã cũ liền may một chiếc cẩm bào mới tặng Quan Vũ, nhưng Quan Vũ trước sau vẫn không quên ân tình của Lưu Bị, đã mặc cẩm bào mới vào trong rồi lại lấy áo cũ mặc phủ ra ngoài; lại còn nói với Tào Tháo rằng “tôi mặc ở ngoài như nhìn thấy mặt anh, dám đâu vì cái mới của thừa tướng vừa ban cho mà đã quên cái cũ của anh tôi đã cho từ trước, nên phải mặc áo cũ ra ngoài là thế”. Tào Tháo tuy ngoài miệng khen Quan Vũ “thực là nghĩa sĩ!” nhưng trong lòng thì có phần chua chát.
Sau đó Quan Vũ chém Nhan Lương, Văn Sú, báo ân xong treo ấn gói vàng rời Tào Tháo đi tìm Lưu Bị, một mình đi nghìn dặm. Quan Vũ đối với đại ân của Tào Tháo thì không thể không báo, do đó báo ân rồi mới rời đi, đó là cái nghĩa của ông. Tuy trong chính sử không có đề cập đến việc Quan Vũ chém Văn Sú, chỉ có nói đến chém Nhan Lương, nhưng cho dù là truyện diễn nghĩa hay là chính sử thì tình tiết trong đó cũng đều nêu bật được cái trung nghĩa của Quan Vũ.
Đương nhiên Quan Vũ ngoài cái đức trung nghĩa ra ông còn có nhiều đức tính khác, chẳng hạn như sự dũng mãnh của ông, có thể một mình xông vào vạn quân mã chém Nhan Lương, cho đến những điển cố diễn nghĩa như rượu ấm trảm Hoa Hùng hay một mình mang đao đến hội…tất cả đều thể hiện sự dũng mãnh của ông. Quan Vũ là bậc đại dũng, nên mới có thể dũng mãnh vô địch thiên hạ, mới dám một mình mang đao tới hội, mới dám để Hoa Đà cạo xương trị độc mà vẫn cười nói như không. Ông lại là người có mưu lược nên mới làm được việc khơi dòng nước nhấn chìm bảy đạo quân, bắt sống hai đại tướng của Tào Tháo là Vu Cấm và Bàng Đức. Nhưng ông lại có một nhược điểm chí mệnh, đó chính là cao ngạo. Sau khi biết Mã Siêu quy hàng ông gửi thư cho Gia Cát Lượng, Gia Cát Lượng đáp thư rằng: “Cứ ý tôi thấy, thì Mạnh Khởi tuy hùng dũng hơn người, nhưng chẳng qua cũng vào một bọn Kình Bố, Bành Việt đó thôi, chỉ khả dĩ đua ganh với Dực Đức thì được, chớ sao sánh được với ông Râu dài tuyệt vời?” Ông thấy Gia Cát Lượng nói thế thì vui vẻ, vuốt râu cười, rồi đưa thư của Gia Cát Lượng cho mọi người xem, xem quân sư nói về mình như thế nào. Tôi nghĩ trong mắt ông, chỉ có Lưu Bị, Trương Phi và Gia Cát Lượng là ba người đáng để nể trọng, ngay cả Tôn Quyền ông cũng không coi ra gì. Khi Tôn Quyền phái người đến cầu thân ông đã đáp rằng “Con gái ta, ví như loài hổ, lại thèm gả cho con loài chó à!”, trong sử thư cũng có chép rằng Quan Vũ ‘nhục mạ sứ giả’, đây là căn nguyên dẫn đến tai họa khiến ông binh bại thân vong. Sau đó lại thêm việc My Phương và Phó Sĩ Nhân phản bội, cuối cùng dẫn đến việc sụp đổ của một vị tướng lừng danh một thời.
Nhìn lại giai đoạn lịch sử về Quan Vũ này, tôi nghĩ có lẽ binh bại thân vong là kết cục tốt nhất đối với ông, bởi chỉ có kết cục như thế mới thành tựu nên cái đức trung nghĩa của Quan Vũ. Liên quan đến sự xả thân vì nghĩa của Quan Vũ, một đoạn trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” viết như thế này:
Quyền hỏi:
– Tôi lâu nay vẫn mộ tiếng tướng quân, muốn kết hiếu Tần Tấn với nhau, sao tướng quân khinh tôi quá thế? Tướng quân xưa nay vẫn coi thiên hạ chẳng ai ra gì, hôm nay bị bắt, đã chịu Tôn Quyền này chưa?
Quan Công quát lên rằng:
– Thằng nhãi con mắt biếc, con chuột râu tía kia! Tao cùng với Lưu hoàng thúc kết nghĩa ở vườn đào, thề với nhau cùng giúp nhà Hán, lại thèm bầu bạn với quân giặc phản nhà Hán à! Tao nay mắc phải mẹo gian, chỉ có chết là cùng, can gì phải căn vặn tao cho lắm!
Quyền ngoảnh lại bảo với các tướng rằng:
– Vân Trường là bậc hào kiệt trên đời, ta lấy làm yêu mến lắm; nay muốn dùng cách tử tế để y theo hàng với ta, các ngươi nghĩ làm sao?
Chủ bộ là Tả Hàm thưa rằng:
– Không nên! Khi xưa Tào Tháo bắt được người ấy phong hầu cho tước, ba hôm thết một tiệc yến nhỏ, năm hôm thết một tiệc yến to, khi lên ngựa thưởng một nén vàng, khi xuống ngựa thưởng một nén bạc, ân lễ đến thế là cùng! Thế mà vẫn không sao lưu được người ấy ở lại, phải để mặc cho phá cửa ải, giết tướng mình mà đi. Để đến nỗi, ngày nay bị người ấy đánh lại, muốn dời đô lánh đi chỗ khác. Chúa công nay đã bắt được người ấy, nếu không trừ đi, e rằng để vạ về sau!
Quyền ngồi ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói rằng:
– Ngươi nói phải lắm!
Liền sai đem hai cha con Quan Công ra hành tội.
Trong chính sử tuy rằng không có đề cập đến việc Tôn Quyền khuyên Quan Vũ nên hàng một cách minh xác, nhưng với một vấn đề hệ trọng như thế liệu Tôn Quyền có phải suy xét không? Giới học thuật hiện nay vẫn tranh luận việc có hay không chuyện Tôn Quyền khuyên Quan Vũ nên hàng, nhưng đã là Tôn Quyền thì không thể không suy xét vấn đề trên. Còn truyện Tam Quốc diễn nghĩa thì mượn lời của mưu sĩ Đông Ngô để nói lên rằng ngày xưa Tào Tháo hậu đãi Quan Vũ thế nào mà cuối cùng vì trung nghĩa Quan Vũ vẫn rời bỏ Tào Tháo. Quan Vũ xả thân vì nghĩa, nhưng rốt cuộc vẫn thất bại, tuy vậy cái tinh thần trung nghĩa của ông lại nhờ đó mà càng mạnh mẽ tỏa sáng. Với tiên sinh La Quán Trung thì kết cục như vậy càng thể hiện ra đức tính trung nghĩa của Quan Vũ hơn, kỳ thực đối với Thần đã an bài lịch sử nhân loại mà nói thì về đạo lý cũng tương tự như vậy, bố cục lịch sử như vậy mới hoàn thiện được cái “nghĩa” của Quan Vũ, lưu lại cho nhân loại sự phong phú về văn hóa, vậy nên Quan Vũ chỉ có thể có kết cục như thế mà thôi.
Sau khi Quan Vũ mất, để tưởng niệm ông người dân Trung Quốc đã dần dần hình thành lễ cúng tế, sau đó còn dựng cả miếu thờ ông, ví như trước thời Đại cách mạng Văn hoá có cả miếu Vũ Đế, tức là miếu thờ Quan Vũ, về số lượng thì miếu Vũ Đế còn nhiều hơn cả văn miếu; nhưng trong Đại Cách mạng Văn hóa đã bị Trung Cộng phá hoại, hiện tại không còn mấy, nên miếu Vũ Đế đã trở thành văn vật cổ hiếm có. Tuy thế chúng ta khi xem phim ảnh Hồng Kông thường thấy bên trong đồn cảnh sát có thờ Quan Vũ, người Hồng Kông ngày nay vẫn rất tôn kính ông. Nếu so sánh thì Hồng Kông, nơi mà giới văn hóa gọi là sa mạc văn hóa vẫn còn giữ được một chút văn hóa hơn Trung Quốc đại lục. Theo hiểu biết của tác giả, giới xã hội đen vẫn thờ Quan Công, ấy cũng là vì giới xã hội đen vẫn còn tôn sùng chữ “nghĩa”. Kỳ thực vào thời xưa ngay cả trộm cướp cũng nói ‘kẻ trộm cũng có đạo’, nhưng ở Trung Quốc đại lục ngày nay thì đạo và nghĩa là một cái gì đó hết sức hiếm.
Nói đến việc thờ Quan Công trong đồn cảnh sát, điều này không có ở Trung Quốc đại lục, kỳ thực đó không chỉ đơn giản ở vấn đề hình thức mà nó liên quan đến trạng thái tinh thần của người dân. Việc người ta thờ cúng Quan Công nói lên rằng trong tâm họ có trung nghĩa, ít nhất thì họ cũng ngưỡng mộ cái nghĩa khí của Quan Vũ. Đồn cảnh sát của Trung Quốc đại lục không thờ Quan Công, theo một cách tự nhiên thì họ cũng thiếu mất tinh thần trung nghĩa của Quan Vũ, do đó những người ‘cảnh sát nhân dân’ của chúng ta mới có thể làm ra những thủ đoạn tàn ác không bằng cầm thú như tra tấn tàn khốc, sát hại các học viên Pháp Luân Công, cưỡng gian các nữ học viên, v.v… tinh thần trung nghĩa của Quan Vũ đã hoàn toàn biến mất ở vùng đất Đại Lục rộng lớn. Kỳ thực tôi nghĩ người Đại Lục cũng không dám thờ Quan Công, vì lỡ như Quan Công hiển linh chẳng phải sẽ vung Thanh long yển nguyệt đao chém chết con cháu xấu xa của họ sao?
[1] Trích từ bài thơ “Thái tang tử” của Tân Khí Tật
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/49855
Ngày đăng: 21-02-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.