Tu tâm trọng đức, gia hòa vạn sự hưng



Tác giả: Liên Nhi

[ChanhKien.org]

Theo ghi chép trong cuốn “Duyệt Vi Thảo Đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam, Thiện Tác Ngu người Cao Mật kể rằng, ở vùng Sơn Đông có một nhà địa chủ giàu có, nhà kho ở trong nhà đột nhiên bốc cháy, chủ nhân cho rằng đó là ngẫu nhiên, do không cẩn thận gây ra. Tuy nhiên, không lâu sau đó, liên tiếp xảy ra nhiều sự việc kì lạ, khiến cho cả gia đình luôn bất an. Một ngày, phòng khách có tiếng “choang” va đập lớn, đồ ngọc, đồ cổ bày biện trong phòng đều bị vỡ.

Người chủ tính tình kiên cường khí khái, giọng nghiêm nghị hỏi: “Dưới thanh thiên bạch nhật, yêu quái phương nào dám đến đây làm loạn! Ta sẽ lập tức tố cáo ngươi với thần linh”.

Liền nghe thấy có tiếng trả lời lanh lảnh trên xà nhà: “Nhà ngươi giỏi săn bắn, đã giết không ít con cháu của ta, ta hận nhà ngươi đến tận xương tủy, ta đợi thời cơ này ở nhà của ngươi đã tám năm rồi. Tổ tiên của nhà ngươi ơn trạch sâu nặng, phúc vận vô kể, Thổ thần, Táo thần, Môn thần đều không cho phép ta trả thù ngươi, ta cũng không có cách nào cả.

Đến nay, huynh đệ nhà ngươi tranh đấu bên ngoài, thê thiếp lục đục trong nhà, người trong một nhà chia năm xẻ bảy, kéo bè kết đảng, coi nhau như kẻ thù.

Trong gia tộc xuất hiện hiện tượng bại hoại, tà khí sẽ đến. Chư Thần không còn hưởng lễ vật cúng bái của nhà ngươi nữa, yêu ma cũng nhìn chằm chằm vào nhà các ngươi. Do đó, ta mới có thể vui vẻ đắc ý mà báo thù. Ngươi vẫn đầu óc mê muội không biết chuyện gì đang xảy ra hay sao?” Giọng con hồ ly phẫn nộ mà nghiêm khắc, những người trong nhà đều nghe thấy.

Chủ nhân kinh hoàng, trầm tư suy nghĩ rồi vỗ ngực thở dài nói: “Yêu ma không thể thắng được đức, đây là lời dạy của người xưa. Đức hạnh của bản thân không đủ, làm sao có thể oán trách yêu quái?”

Vì thế ông cho gọi các anh em và thê thiếp đến và nói: “Đại họa cách không còn xa, nhưng may là nó vẫn chưa ập đến. Nếu mọi người có thể vứt bỏ những hiềm khích trước đây, tránh xa tiểu nhân, mau thoát khỏi những vây cánh xung quanh mình, triệt để cải chính những điều đã làm trước đây thì mới có thể được cứu. Chuyện ngày hôm nay đều là do ta mà ra. Nếu mọi người nghe lời ta, thì sẽ được tổ tông bảo hộ, con cháu sẽ có phúc khí, nếu không nghe lời ta, ta sẽ xuống tóc vào núi xuất gia”.

Ông nhiều lần tự trách bản thân mình, nước mắt ướt đầm vạt áo. Mọi người ai nấy cũng đều xúc động, nằm bò trên mấy chiếc bàn dài mà khóc lóc thảm thiết. Họ lập tức đuổi hơn chục nô tỳ đang xúi giục bất hòa, phàm là chuyện đấu đá lẫn nhau đều thẳng thắn bảo nhau, nhất loạt sửa chữa sai lầm.

Sau đó, ông lại mổ lợn để tế tổ trong từ đường, uống máu ăn thề trước mặt thần linh mà nói: “Kể từ nay trở đi, nếu con lại ăn ở hai lòng thì sẽ có kết cục giống như con lợn này”.

Khi họ đang xin lỗi lẫn nhau, thì nghe thấy tiếng dậm chân trên xà nhà, nói: “Ta muốn báo thù nhưng bản thân lại tiết lộ ra, đó là lỗi của ta. Cũng là mệnh của các ngươi chưa hết”. Con hồ ly thở dài rồi rời đi. Đây là câu chuyện vào những năm Càn Long thứ 89.

Trong câu chuyện trên, ông chủ giàu có vì giỏi săn bắn mà sát sinh thất đức, nhưng bởi vì tổ tông của ông ơn trạch sâu dày, phúc vận chưa hết, nên Thổ thần, Táo thần và Môn thần đều không cho phép con hồ ly báo thù. Nhưng sau đó, huynh đệ của ông tranh đấu bên ngoài, thê thiếp lục đục trong nhà, gia đình không hòa thuận, thậm chí đến mức coi nhau như kẻ thù, gia tộc xuất hiện hiện tượng bại hoại, gây ra tà khí, chiêu mời hồ ly yêu quái đến nhà.

Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”. Trong gia đình, cha nhân từ con hiếu thuận, anh em trợ giúp nhau, chị em dâu hòa thuận, mẹ chồng nàng dâu nhường nhịn nhau, phu thê tôn kính nhau, thì gia đình mới có thể hòa thuận, mỹ mãn, ngày càng đi lên, được mọi người tôn kính và ngưỡng mộ. Những ý định đen tối, gây xích mích chia rẽ lẫn nhau, những kẻ tiểu nhân tâm địa bất chính, đặt điều gây hiềm khích, chỉ muốn thiên hạ đều loạn, khi gặp gia đình hòa thuận như thế, thì sẽ phải gác kiếm, đoạn tuyệt ý đồ làm chuyện xấu.

Người già vẫn nói: “Tổ tiên tích đức, làm người phải trọng đức, phải thủ đức”. Câu nói này quả thực rất đúng! Tổ tiên trọng đức hành thiện thì sẽ tích đức cho thế hệ mai sau, con cháu đời sau sẽ có hạnh phúc, đức nhiều thì sẽ thăng quan phát tài, phúc thọ an khang. Nếu trưởng bối cao tuổi không làm việc tốt, con cháu đời sau sẽ phải gặt tai ương, chịu quả báo, như chịu cảnh chán nản vì khốn khó, có bệnh hoặc đoản thọ.

Trong câu chuyện, ông chủ giàu có bị con hồ ly báo thù cho một gậy thức tỉnh, ý thức được rằng đức hạnh của bản thân không đủ nên đã chiêu mời hồ ly yêu quái làm hại, hạ quyết tâm tự nhận lỗi và trách nhiệm, cố sức sửa chữa những sai lầm trước đây. Thành tâm của ông đã làm cảm động các thành viên trong gia tộc, mọi người đều đối xử thẳng thắn và thành khẩn, mỗi người tìm những lỗi lầm của mình trong quá khứ, gia đình lại khôi phục lại sự hòa thuận, êm ấm, con hồ ly đành phải bỏ đi và không thể gây rối loạn cho họ được nữa.

Người xưa dạy rằng: “Tu nội mà an ngoại”. Nếu thủ lĩnh và thần dân của một quốc gia đều rất thiện lương, thì sẽ không có giặc ngoại xâm, bởi vì quy luật vũ trụ không cho phép, quy luật vũ trụ đang chế ước hết thảy.

Một quốc gia hoặc một khu vực xảy ra chiến tranh, đều là bởi vì nghiệp của họ gây ra, và chiến tranh xảy ra là để tiêu trừ nghiệp lực của họ. Sự hưng vong của một gia đình cũng là đạo lý đó. Nếu các thành viên trong gia đình đều rất lương thiện, biết phân biệt được đúng sai, đều chủ động tìm nguyên nhân ở chính mình, hướng nội tìm ra những thiếu sót và khuyết điểm của bản thân, thì gia đình đó nhất định sẽ hòa thuận và hưng thịnh, sẽ ít bị ức hiếp và quấy rối bên ngoài.

Có một người mẹ chồng của đệ tử Đại Pháp, trước đây là một người cực đoan, ích kỉ và hẹp hòi, nhìn ai cũng mang thái độ thù địch, luôn hoài nghi người khác đang bàn luận gì đó về bà, ngày nào bà cũng trong trạng thái lo lắng, phiền toái bất an, nói chuyện luôn cáu kỉnh, đối với người nhà thì lòng dạ độc ác, lạnh nhạt vô tình. Bà dùng cái cán bột để đánh đứa cháu ngoại năm, sáu tuổi; con gái mà không làm theo ý bà thì bà ném cho sợi dây thừng, bảo con gái treo cổ tự tử; bà thường cầm dao phay để đuổi bố chồng; đối với mẹ chồng của mình thì bà lại càng muốn đánh thì đánh, muốn mắng thì mắng…

Những thứ gọi là bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu, bà đều có cả. Trước khi tu luyện, đệ tử Đại Pháp này nghe chồng nói những chuyện này, cảm thấy thật khó có thể tin nổi. Con trai của bà đã phải thốt lên: “Thật là vô lý! Kì dị”. Sau khi tu luyện, cô ấy biết rằng, chính văn hóa Đảng đã biến người mẹ chồng thông minh tháo vát trở nên méo mó như vậy.

Bà mẹ chồng lấy hết tiền mừng cưới của cô, dùng tiền đó để mua hoa tai vàng cho chính mình, đẩy một món nợ khổng lồ cho vợ chồng cô, còn yêu cầu chồng cô mỗi tháng để ra 40 tệ phí phụng dưỡng. Khi đó, tiền lương của chồng cô chỉ vài chục tệ. Trong thời gian mang thai cô về nhà chồng, vì thai nghén nên nôn mửa liên tục, còn chảy máu mũi.

Mẹ chồng không chút động lòng, chỉ quan tâm cô mang thai con trai hay con gái, hơn nữa còn cảnh cáo cô, nếu là con gái thì mau mau đem cho người khác.

Mẹ chồng cô cũng thường gây xích mích, gây gổ tranh cãi với chồng. Sau khi sinh con, mẹ chồng cô còn nhân cơ hội này để vơ vét một khoản lớn: Lấy tiền mừng nhét vào túi của mình, đồ người thân bạn bè đem đến tặng, cái bán được thì bán, cái ăn được thì ăn, cái dùng được thì dùng, chỉ còn để lại mấy bộ quần áo trẻ sơ sinh cho cô.

Từ đó về sau, cô không muốn nhìn thấy khuôn mặt u ám của mẹ chồng, không muốn ăn cùng bàn với bà, không chịu nói với bà lời nào, chán ghét mẹ chồng vô cùng. Sau này, cô tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi đọc hết những sách của Đại sư Lý Hồng Chí, cô ngẫm lại những hành vi mà bản thân đối với mẹ chồng mười tám năm nay, cảm thấy thật vô cùng xấu hổ.

Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu người tu luyện phải thiện đãi người khác, ở đâu cũng nghĩ cho người khác, gặp mâu thuẫn phải hướng nội mà tìm, phải lấy đức báo oán. Nhưng cô cảm thấy bản thân chịu sự xúi bẩy của văn hóa Đảng, đối đầu gay gắt, không chịu khoan nhượng mẹ chồng. Bản thân ngay cả so với một người phụ nữ bình thường thời xưa cũng không bằng.

Cô trịnh trọng tuyên bố với chồng rằng: “Từ nay về sau, em sẽ thật tâm thành ý hiếu kính mẹ chồng”. Sau đó, cô đã đích thân đón bố mẹ chồng về nhà riêng, thết đãi họ chu đáo. Cô chuẩn bị một bữa ăn ngon thịnh soạn và quan sát họ ăn, giúp họ mua quần áo, mũ, giày và tất, lấy vàng bạc trang sức để tặng cho mẹ chồng, mua cho họ những đồ dùng hàng ngày.

Khi chuyển mùa, cô đến giúp họ giặt giũ và phơi quần áo; thấy giường mẹ chồng ngủ không thoải mái lắm, liền đi mua nệm Simmons gửi đến, biết bố chồng khó uống nước, liền bỏ tiền nhờ người đến gánh nước cho ông, bố chồng đến nhà người thân, cô chuẩn bị quà để bố chồng mang theo. Cô chăm sóc bố mẹ chồng từng li từng tí, ngay cả chồng cũng cảm động nói: “Anh thật là có phúc đức, có thể lấy được một người vợ hiếu kính với bố mẹ chồng như thế này, thật là cảm ơn em”. Cô nói: “Nếu anh muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn Sư phụ của em, trước khi tu luyện em không phải là người đơn giản dễ dàng như vậy”.

Một lần mẹ chồng bệnh cũ tái phát, nằm liệt giường, cô bất chấp trời đất lạnh lẽo, bất chấp xe trơn đường tắc, bắt xe ô tô đón mẹ chồng đến bệnh viện. Trên đường, cô luôn phải xuống xe xúc tuyết phá các tảng băng. Lộ trình một tiếng đồng hồ mà lại đi mất ba tiếng đồng hồ, cô gần như rã rời vì mệt mỏi. Mẹ chồng cuối cùng cũng cảm động và nói một cách chân thành: “Hôm nay mẹ làm con vất vả quá rồi”.

Do vậy, cô đã nhân cơ hội này đưa cho mẹ chồng một tấm bùa hộ mệnh của chân tướng Đại Pháp, giảng cho bà về hiệu quả trị bệnh khỏe thân thần kì của Pháp Luân Công, nói với mẹ chồng rằng đừng tin những lời dối trá của Trung Cộng. Mẹ chồng nhận tấm bùa hộ mệnh và nói: “Đảng Cộng sản xấu, mẹ cảm nhận được sâu sắc điều đó, Pháp Luân Công tốt hay không mẹ không biết, nhưng mẹ thấy con sau khi tu luyện Pháp Luân Công, con đối xử với bố mẹ tốt như thế, thì mẹ biết rằng Pháp môn này tốt”. Được truyền cảm hứng từ Pháp Luân Công, những nghi ngờ giữa mẹ chồng và con dâu cuối cùng cũng được hóa giải, ngồi bên nhau tâm sự, trở thành hai mẹ con chuyện gì cũng có thể bày tỏ được với nhau.

Sau này, các thế hệ sau của nhà chồng nhìn thấy cô đối đãi kính trọng với cha mẹ chồng như thế, ai ai cũng không chịu kém, đều hiếu kính bố mẹ. Con trai cả cũng học theo cô, rửa mặt cho mẹ, giúp bà cắt móng tay, con dâu lớn cũng có thể ngồi nói chuyện thân mật với mẹ chồng, giúp mẹ chồng đóng giày, các cháu thì lại càng không muốn bị tụt hậu, cũng thường xuyên đưa ông bà đi du lịch.

Mẹ chồng thường cười rạng rỡ hạnh phúc và thường nói với mấy cô con gái: “Người ở thôn làng này không ai hạnh phúc hơn mẹ, hãy xem các con dâu và cháu dâu đối xử với mẹ tốt như vậy. Không ngờ mẹ đã khổ hơn nửa cuộc đời, về già lại được hưởng hạnh phúc như vậy”. Các con của bà nói: “Gia đình chúng ta bây giờ hòa thuận và hưng thịnh như thế, may mắn có chị dâu tu luyện Pháp Luân Công, chị ấy bao dung rất nhiều những điều không tốt của chúng ta. Nếu như chị ấy không bảo mẹ thành tâm niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’, cơ thể mẹ cũng sẽ không khỏe mạnh như thế”. Bà mẹ chồng nói: “Đúng vậy, các con cũng học chị dâu đi”.

Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của đệ tử Đại Pháp này, cô luôn chiếu theo “Chân-Thiện-Nhẫn” để nghiêm khắc yêu cầu bản thân mình, trọng đức hành thiện, tu tâm thủ đức, trở thành một người tốt được người người tôn trọng, yêu mến, gia đình hòa thuận vui vẻ, hạnh phúc mỹ mãn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/265931



Ngày đăng: 15-01-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.