Thích ứng và phối hợp sẽ mang lại kết quả tốt



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tiêu đề bài thể hội của tôi là Thích ứng và phối hợp sẽ mang lại kết quả tốt.

Từ một kẻ say xỉn vô dụng trở thành một nhân viên trong danh sách Fortune 500

Trong suốt thời niên thiếu và những năm đầu đại học, hầu như ngày nào tôi cũng say xỉn và sử dụng ma túy. Tôi sống trong một khu vực đẹp đẽ, có một gia đình êm ấm và đi học ở một trường tốt. Tuy nhiên, tất cả bạn bè của tôi đều lạm dụng rượu và ma túy vì vậy hành vi này dường như không có gì là nghiêm trọng. Sau khi vào đại học, vấn đề này trở nên tồi tệ hơn, tôi đã trượt tất cả các môn học chỉ vì ham nhậu nhẹt và tiệc tùng.

Do nghiện rượu nên tôi thường xuyên gặp rắc rối với trường học hoặc ở đồn cảnh sát. Nhà trường nói rằng nếu tôi không chấn chỉnh hành vi của mình thì tôi sẽ bị đuổi học. Nhưng tôi đã không thể thoát khỏi việc ngừng uống rượu hoặc sử dụng ma túy; nó tựa như một phần của tôi và tôi không thể thay đổi cuộc sống của mình. Tôi đã trở thành một kẻ thất bại, nghiện ngập và ích kỷ — một người luôn khiến cha mẹ lo lắng và tôi cảm thấy tủi nhục.

Vào năm 2008, vài tháng sau khi tôi bị bắt lần thứ hai vì lái xe trong tình trạng say rượu, một người anh họ đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho tôi. Tôi bắt đầu luyện công và đọc Chuyển Pháp Luân. Cuộc sống của tôi đã thay đổi toàn bộ khi tôi cố gắng sống theo các nguyên tắc Chân, Thiện và Nhẫn. Tôi không sử dụng ma túy hoặc uống rượu nữa. Điểm trung bình của tôi tăng gấp đôi, tôi tốt nghiệp loại xuất sắc nằm trong nhóm đứng đầu lớp tại một trường cao đẳng nghệ thuật danh tiếng của Mỹ. Ngay khi tốt nghiệp tôi đã được tuyển dụng, làm một công việc mà mọi người đều khao khát tại một công ty nằm trong danh sách Fortune 500.

Đại Pháp đã ban cho tôi một cuộc đời mới và biến tôi từ một thiếu niên say xỉn, trượt ngã trở thành một người trưởng thành chăm chỉ và hữu ích, người mà cha mẹ tôi, xã hội và bản thân tôi có thể tự hào.

Hướng nội vô điều kiện trong mọi tình huống

Vào năm 2015, tôi có cơ hội chuyển đến New York để làm việc cho một hạng mục truyền thông giảng chân tướng cho giới thượng lưu. Trước khi đến New York, tôi cảm thấy mình thậm chí không biết hướng nội một cách đúng đắn.

Ngay sau đó, tôi đã gặp nhiều mâu thuẫn với quản lý và các đồng nghiệp khác, nhiều mâu thuẫn mà tôi gặp phải là do tôi coi thường các học viên khác, cho rằng mình giỏi hơn và có tâm hiển thị quá lớn. Vào thời điểm đó, tôi thấy mình có nhiều chấp trước — chấp trước lớn nhất là hướng ngoại mạnh mẽ và hướng nội một cách có điều kiện, điều đó thể hiện qua câu nói “vâng, nhưng mà” của tôi. Khi sếp hoặc ai đó tại nơi làm việc cư xử phi lý hoặc có hành vi thô lỗ thì tâm tính tôi nảy sinh xung đột, tuy nhiên nhìn bề ngoài thì tôi vẫn tỏ ra rất phải phép và bình tĩnh. Tất nhiên, là một người tu luyện, việc của tôi là đề cao tâm tính bản thân và hướng nội, nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được điều đó. Tôi sẽ nói những điều như: “Đúng vậy, tất nhiên tôi nên hướng nội, NHƯNG giá như người học viên này sẽ làm điều x, y và z, thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách rõ ràng.” Bất cứ khi nào tôi nói “NHƯNG”, tôi biết rằng đó không phải là tu luyện chân chính. Thay vì hướng nội vô điều kiện, tôi đang hướng nội có điều kiện và đó không phải là điều mà Sư phụ đã huấn thị.

Tôi thấy thói quen này đã khiến tôi bực bội với đồng nghiệp và sếp của mình, họ cũng là đồng tu của tôi. Thực tế là tôi rất khắc nghiệt và có những suy nghĩ tiêu cực về sếp, đồng nghiệp và đồng tu của mình. Khi tôi dần dần hiểu rằng dù tình hình có hỗn loạn như thế nào tôi cũng phải hướng nội trong tất cả các hoàn cảnh đó và tôi thấy mọi thứ xung quanh mình đã thay đổi, quan trọng hơn là tôi đã cải biến và nâng cao khả năng cứu độ chúng sinh. Có rất nhiều vấn đề mà tôi đã trượt ngã do chấp trước vào danh, có tâm hiển thị, tâm hư vinh. Khi hướng nội một cách vô điều kiện, những nút thắt trong lòng tôi đã được tháo gỡ, và tôi cảm thấy mình có sự từ bi trong khi nhìn nhận sự việc.

Sư phụ đã giảng:

“Tu luyện là tu nhân tâm, tu chính mình; khi có vấn đề, khi có mâu thuẫn, khi có khó khăn và bị đối xử bất công bằng, thì vẫn có thể hướng nội tìm trong bản thân mình, thế mới là tu luyện thật sự”. (Lời chúc gửi Pháp hội Đài Loan [2016])

Loại bỏ logic người thường và mở rộng tầm mắt

Trong khoảng thời gian làm việc cho tạp chí, tôi cũng tham gia việc quảng bá Shen Yun. Sau một năm, tôi có cơ hội làm việc toàn thời gian trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến Shen Yun. Cùng lúc đó, tôi gặp một số can nhiễu, việc này để kiểm nghiệm chấp trước về tài chính và việc theo đuổi cuộc sống thoải mái của người thường của tôi. Vào thời điểm đó, tôi cũng có cơ hội làm việc với người thường khác, công việc đó sẽ mang lại cho tôi thu nhập cao hơn và địa vị xã hội nổi bật hơn. Sau khi cân nhắc giữa các công việc này, tôi đã rất kiên định với việc muốn dành tất cả thời gian có thể để cứu độ chúng sinh. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ công việc làm tạp chí để dành toàn thời gian cho Shen Yun.

Khi bắt đầu công việc mới, tôi đã gặp nhiều thử nghiệm, chúng giúp tôi nhìn thấu những chấp trước cá nhân, những suy nghĩ người thường hạn hẹp vốn đã cản trở tôi trong nhiều năm. Ví dụ, tôi đã từng làm việc cho một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và điều hành bộ phận tiếp thị cho nhiều công ty lớn khác nhau. Do vậy khi làm hạng mục, tôi tỏ ra kiêu ngạo và tự tin với kiến ​​thức phong phú của mình trong lĩnh vực tiếp thị và kinh doanh.

Một trong những quan tôi gặp phải về vấn đề này là làm việc với những người không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Tôi thấy sự thiếu kinh nghiệm của các đồng tu khác sẽ cản trở hoặc trì hoãn hạng mục. Khi xây dựng một kế hoạch chiến lược cụ thể, tôi nhớ mình đã vô cùng khó chịu và cảm thấy như không thể nào làm được những việc cần làm với tốc độ chậm chạp và sự thiếu kinh nghiệm như vậy. Tôi không đủ sự từ bi với người khác, tôi đã chỉ trích khá gay gắt và phàn nàn bởi sự thiếu kinh nghiệm chuyên môn khiến chúng tôi có tiến độ chậm. Tuy nhiên, khi chia sẻ với các thành viên trong hạng mục, tôi đã nhận ra rằng xuất phát điểm của tôi trong trường hợp này là hoàn toàn sai. Đây không phải là một “công việc” bình thường. Đây là việc tu luyện và cứu người. Vì vậy, làm sao tôi có thể đánh giá tình hình với quan niệm người thường hạn hẹp như vậy? Sư phụ đã an bài tất cả chúng ta là một chỉnh thể để cân bằng mọi việc. Tôi đã quá chú trọng vào các kỹ năng của con người và không chú trọng đủ đến việc tu luyện bản thân. Trên thực tế, khi thực sự hướng nội, tôi có thể thấy logic người thường của tôi đã ngăn cản bản thân sử dụng bất kỳ trí huệ nào mà Sư phụ đã ban cho tôi. Khi thực sự nhìn thấy điểm tốt ở người khác, tôi thấy toàn bộ nhận thức của mình về các kỹ năng chuyên môn là sai lệch. Những đồng tu mà tôi chỉ trích đều tràn đầy nhiệt huyết đối với công việc, và cố gắng hết sức để làm mọi việc. Cuối cùng, kế hoạch của chúng tôi đã được thực hiện với những kết quả thực sự tuyệt vời. Sự việc này đã cho tôi một bài học – rằng kết quả, về cơ bản, được quyết định bởi tâm của chúng ta, không phải bởi kỹ năng. Tất nhiên, việc cải thiện kỹ năng chắc chắn sẽ giúp ích cho hạng mục, nhưng quan niệm rằng đó là điều cơ bản để thúc đẩy một hạng mục hoặc giúp chúng tôi thành công là sai lầm và do logic người thường hạn hẹp của riêng tôi.

Sư phụ đã giảng:

“Có nhiều khí công sư cũng bàn về một số tình huống [liên quan] đến ‘thiên mục’; nhưng Pháp tại các tầng khác nhau có các hình thức hiển hiện khác nhau. Người tu luyện đến tầng nào, họ chỉ thấy được cảnh tượng trong tầng đó; chân tướng vượt trên tầng đó [thì] họ không nhìn thấy, cũng không tin; do vậy, họ cho rằng chỉ những gì tự mình nhìn thấy tại tầng này mới là đúng. Khi họ chưa tu luyện đến một tầng cao nào đó, [thì] họ cho rằng những thứ ấy [tại đó] không tồn tại, cũng không thể tin; đây là do tầng [của họ] quyết định; tư tưởng của họ cũng không thể thăng hoa lên trên được.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi chính là người không tin vào chân lý vượt quá tầng của mình. Tư tưởng của tôi không thể thăng hoa bởi logic người thường hạn hẹp, nó đã ngăn trở và tạo ra những xung đột tâm tính, chúng khiến tôi nghĩ rằng người điều phối hoặc những người khác không chuyên nghiệp hoặc không làm đúng hoặc không đi đúng hướng, nhưng suy nghĩ hướng ngoại đó thực chất đã che đậy những chấp trước của tôi vào bản thân và nó khiến tôi khó nhận biết. Điều nan giải nhất là tôi không thể nhận thấy những điều này kịp thời bởi vì tôi không thể thoát khỏi quan điểm người thường ích kỷ. Vấn đề gốc rễ chính là xuất phát điểm của bản thân tôi.

Sau đó, tôi nhận ra rằng bất cứ điều gì tôi đóng góp đều là hữu hạn và tôi nên luôn sẵn sàng với xuất phát điểm thuần khiết — một tầng Pháp cao hơn mà tôi không thể thấy hoặc ngộ ngay lập tức từ tầng thứ của mình. Khi ai đó đưa ra ý kiến ​​khác hoặc có chuyện xảy ra, tôi không nên dùng logic người thường để giải thích hoặc chỉ trích bằng suy nghĩ hạn hẹp. Thay vào đó, tôi nên lùi lại một bước và đánh giá bản thân, đồng thời cố gắng mở rộng suy nghĩ. Thực ra, bằng việc thay đổi xuất phát điểm của mình, tôi không còn bị giới hạn bởi hiện thực thông thường của “logic”, và tôi có thể nhìn thấy một thực tại rộng lớn hơn hướng tới lòng từ bi thay vì sự ích kỷ.

Trong việc tu luyện và cứu độ chúng sinh, tôi biết mình cần phải có tấm lòng rộng mở, nhưng rộng mở như thế nào? Đối với tôi, đó là sự quên mình — khả năng nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác, sự khiêm tốn để nhìn ra bức tranh rộng toàn cảnh và sự cởi mở để hòa hợp tốt hơn với những ý tưởng và khái niệm khác ngoài tầm hiểu biết. Nó có xuất phát điểm từ Chân-Thiện-Nhẫn hơn là từ logic con người. Đó là cách mà một vị Giác Giả nhìn mọi thứ. Đó là biểu hiện của một tấm lòng từ bi rộng mở.

Sư phụ đã giảng:

“Hết thảy mọi thứ trong trường không gian của chư vị đều nghe theo sự chi phối từ ý thức của đại não chư vị; nghĩa là, [khi] chư vị dùng thiên mục để nhìn, tĩnh tĩnh không động niệm mà nhìn thì là chân thực; chỉ cần hơi động niệm, thì những gì nhìn thấy đều là giả; đó chính là ‘tự tâm sinh ma’, cũng gọi là ‘tuỳ tâm nhi hoá’. Chính là vì có những người luyện công tự họ không thể tự đặt mình làm người luyện công, không thể tự mình giữ lấy mình; họ hữu cầu vào công năng, chấp trước vào tiểu năng tiểu thuật, thậm chí chấp trước vào những gì nghe được từ không gian khác, chấp trước vào truy cầu những thứ ấy; loại người này dễ tự tâm sinh ma nhất, dễ bị rớt xuống nhất.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Trên thực tế, việc tu luyện và công việc hạng mục của tôi đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm theo logic người thường hạn hẹp này. Tôi cũng đã thấy nhiều đồng tu trong các hạng mục khác bị mắc kẹt vào vấn đề này, thậm chí đến mức nhiều người rời hạng mục, phàn nàn về việc quản lý hoặc đồng tu không chuyên nghiệp hoặc đi không đúng hướng theo quan điểm của họ, dựa trên logic kinh doanh thông thường mà họ hiểu. Tuy nhiên, tôi có thể thấy vấn đề thực sự nằm ở họ, giống hệt với những gì tôi đã từng trải qua. Họ chỉ nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ mà không thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Tôi nghĩ rằng nếu suy nghĩ này là cố định và không được loại bỏ thì sẽ rất dễ bị can nhiễu. Nhiều tiêu cực sẽ xuất hiện và khiến tôi tin rằng mình đúng còn người khác sai, nhưng đó là một việc sai lầm, cuối cùng, tôi đã bỏ qua bức tranh toàn cảnh và giải thích mọi thứ từ xuất phát điểm hạn hẹp người thường. Chúng ta sẽ nhìn nhận hạng mục như những công việc kinh doanh bình thường ở tầng thứ con người, chúng ta cần tránh rơi vào cái bẫy đó, bởi tiến triển thực sự đến từ sự đề cao trong tu luyện của chúng ta.

Thích ứng và phối hợp mang lại kết quả tốt

Sư phụ giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016:

“Chư vị tại Pháp, Thần bèn giúp chư vị phối hợp.”

Tôi có một chiếc bảng hiệu lớn trên bàn của mình ghi “Thích ứng và Phối hợp”, tôi nghĩ rằng sự thích ứng và phối hợp là điều quan trọng nhất trong công việc hạng mục. Tôi đặt ở đó để thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân. Khi tôi chuẩn bị gửi một email phản hồi đầy cảm xúc tới một đồng tu khác, tôi có thể tạm dừng và nhìn lên bảng hiệu. Nó khiến tôi trấn tĩnh lại để hiểu vai trò thực sự của mình trong hạng mục. Nhiệm vụ của tôi là thích ứng và phối hợp, và bất kỳ điều gì không tuân theo những nguyên tắc đó sẽ không giúp hạng mục tiến triển.

Ví dụ, trong mười năm tu luyện của mình, tôi thường cảm thấy rất khó phối hợp với các đồng tu Trung Quốc. Khi làm việc với học viên Trung Quốc, tôi phải trút bỏ những lo lắng và điều chỉnh tâm lý, vì thông thường họ có văn hóa đảng mạnh nên rất khó để phối hợp. Trong một trường hợp cụ thể, tôi cảm thấy một điều phối viên thực sự không hiểu rõ vấn đề và đang suy nghĩ theo cách mà tôi gọi là kiểu của “người Trung Quốc”. Bất cứ khi nào một đồng tu làm gì đó mà không phù hợp với hiểu biết của tôi về xã hội phương Tây, tôi sẽ có khái niệm này. Tôi cảm thấy kế hoạch của họ hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì tôi nghĩ. Sau đó, tôi thực sự lo lắng và khi nói chuyện với một vài thành viên trong hạng mục, tôi cảm thấy tình hình có chút vô vọng. Ban đầu, tôi cảm thấy không có cách nào để tôi thể làm việc với họ bởi ý tưởng của họ sẽ làm hỏng cơ hội để chúng tôi làm tốt. Ngày hôm sau, khi ngẫm lại, tôi thấy chúng có nhiều điều không chính. Suy ngẫm lại tôi thấy rằng: trước hết, người điều phối đã không nói gì nhiều, và tôi đã diễn giải lời nói của họ theo cách của tôi. Tôi đã không thực sự lắng nghe tâm ý của họ và đã nhanh chóng có suy nghĩ tiêu cực. Sau đó, tôi ngồi lại với điều phối viên này và nghe giải thích những suy nghĩ của họ một cách cụ thể hơn, tôi nhận ra rằng tôi đồng tình với tất cả những gì họ nói. Hơn nữa, cách tiếp cận mà họ đang thực hiện còn lớn hơn và hiệu quả sẽ tốt hơn so với kế hoạch mà tôi đã nghĩ. Vấn đề là tôi đã không thực sự chú tâm lắng nghe ý kiến của họ. Tôi đã không nhìn mọi thứ từ góc độ của họ, và tôi bị cuốn vào những suy nghĩ và quan niệm của riêng mình. Tôi đã không tìm cách để thấu hiểu; tôi chỉ muốn họ chấp nhận những gì tôi muốn. Tôi đã sử dụng quan niệm mà tôi có về các đồng tu Trung Quốc và đánh đồng sai lệch suy nghĩ của họ với quan niệm của tôi. Điều đó có thể hiệu quả không? Đó có phải sự phối hợp thực sự không? Có phải việc phối hợp chỉ có hiệu quả khi ý kiến của tôi được thông qua? Trong sự việc này, tôi đã học được một bài học quý giá — phối hợp là thực sự hiểu nhau và mở rộng tấm lòng để có một cái nhìn rộng mở hơn.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã ngộ ra những lý do sâu sắc hơn về việc tại sao tôi là một học viên phương Tây trong giai đoạn lịch sử này. Là một người phương Tây, tôi có khả năng bổ sung và dung nạp trong một môi trường. Trên thực tế, người Trung Quốc và người phương Tây thực sự có thể phối hợp bổ sung hỗ trợ nhau trong một hạng mục. Bằng cách mở rộng lòng từ bi, học cách lắng nghe và phối hợp tốt hơn thay vì coi thường người khác, tôi thấy rằng việc các học viên phương Tây và Trung Quốc chân chính làm việc cùng nhau thực sự là lực lượng mạnh mẽ nhất để mở khóa xã hội này và cứu nhiều chúng sinh hơn.

Điều then chốt với tôi là chúng tôi thực sự bổ sung cho nhau — bởi vậy nếu tôi nhìn thấy điều gì đó ở đồng tu, thì trước khi bực mình, phàn nàn hoặc coi thường họ, tôi sẽ tự hỏi vậy trách nhiệm của tôi khi nhìn thấy điều đó là gì? Việc đó đang cứu ai? Điều đó giúp hạng mục tiến triển như thế nào? Đó có phải là sự phối hợp không? Đó có phải là thích ứng không? Phần lớn những phán xét là do cái tôi hạn hẹp hoặc vì không đủ tin tưởng vào đồng tu hoặc là nên cố gắng chú tâm lắng nghe ý nghĩa đằng sau lời nói của họ để thực sự hiểu quan điểm của họ.

Khi tôi có thể làm được điều đó, tôi cảm thấy nó rất giống với Đoàn nhạc Thần Vận — những giai điệu của cả phương Tây và phương Đông đều có thể hòa hợp và cùng nhau chúng ta có thể thực hiện những điều tốt đẹp hơn là những gì được thực hiện riêng lẻ. Khi tôi thực sự có thể làm được điều này, tôi có thể cảm nhận được một sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc trở thành một chỉnh thể.

Con xin cảm tạ Sư tôn!

Cảm ơn các bạn đồng tu!

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7483

http://www.zhengjian.org/node/245180



Ngày đăng: 28-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.