Mỹ Hầu Vương thật và giả



Mỹ Hầu Vương thật và giả. (Nguồn hình: Sohu)


Tác giả: Canh Tâm

[ChanhKien.org]

Cách đây vài ngày, tôi xem “Tây Du Ký” cùng với cậu con trai 11 tuổi và trò chuyện với cháu. Cháu nói về một số nhân vật, tình tiết và nhận thức của cháu trong “Tây Du Ký”. Trong đó cháu tỏ vẻ không bằng lòng với [kết cục của] Lục Nhĩ Mỹ Hầu. Đều là hầu tinh được thai nghén trong âm dương của trời đất, tại sao Tôn Ngộ Không lại có thể hữu duyên theo Đường Tăng lấy kinh và tu luyện, nhưng Lục Nhĩ Mỹ Hầu lại không đủ tư cách? Đế Thính nghe ra được sinh thế và lai lịch của Lục Nhĩ Mỹ Hầu mà cũng không dám nói, chẳng nhẽ là vì sợ bị hầu tinh đánh?

Tại sao Quan Âm Bồ Tát và chúng Thần cũng phân chia và tranh luận nhưng lại không phân biệt đâu là Mỹ Hầu Vương thật và giả? Đường Tăng là người trần mắt thịt, không có bản sự; dựa vào điều gì mà lại trở thành sư phụ của Ngộ Không và các đồ đệ khác, thỉnh thoảng còn niệm chú vòng kim cô để kìm nén, ước thúc Ngộ Không? Những nghi hoặc như vậy mang tính đại biểu và có vẻ xuất hiện sau khi cháu đọc các bình luận có liên quan trên Internet.

Ngoài ra, cháu cũng đột nhiên xuất ra một niệm: chúng ta cả ngày vội vàng học tập công tác đến vậy là vì sao? Cháu như bừng tỉnh khỏi thế gian, đột nhiên nhìn thấu hồng trần.

Những suy nghĩ lạ lẫm tưởng chừng như viển vông này, trong cõi u minh thực ra mỗi chúng ta đều có. Đây hẳn là sự thức tỉnh đột nhiên của bản năng và bản tính của mỗi người, như một vầng sáng lóe lên! Thật vậy, chúng ta mỗi ngày giống như con lừa bị bịt mắt kéo cối xay, từng vòng từng vòng bước đi như những cỗ máy vô tri, bận rộn và bề bộn, rốt cuộc là vì điều gì? Chẳng lẽ chỉ vì miếng ăn thôi sao? Con người sống trên đời, ngoại trừ ăn uống ngủ nghỉ, ngoại trừ mặc sức hưởng lạc ra, chẳng lẽ không còn mục đích, ý nghĩa hay mưu cầu nào khác? Tôi không thể đồng ý. Tôi nghĩ rằng đời người ngắn ngủi trong mấy thập niên, chẳng qua là một trạm dừng chân tạm bợ trong dòng sông sinh mệnh lâu dài từ vạn cổ, cũng giống như quán trọ, ở mấy ngày rồi vội rời đi. Cũng không phải là nơi trở về cuối cùng của cuộc đời chúng ta, lại càng không phải mục đích sống trong mấy thập niên.

Giống như thầy trò Đường Tăng vậy, luân hồi an bài trong đời đời kiếp kiếp từ vạn cổ, mục đích cũng là vì lợi dụng nhân gian mê huyễn để đi lấy kinh và tu luyện trong mấy chục năm. Mục đích là ở nhân gian mê này mà tu khứ những nhân tố không tốt trong sinh mệnh như danh, lợi, tình, thù, tức giận, dục, sắc, tham… của con người, từ đó phản bổn quy chân, trở về với bản tính tiên thiên thuần chân, về với gia viên tiên thiên mỹ hảo trước đây. Vài thập niên trong nhân thế, chẳng qua chỉ là một giai đoạn luyện ngục trong một đoạn đường đi của sinh mệnh mà thôi.

Chỉ một chút tham luyến đối với con người hay cỏ cây trong cõi nhân gian cũng đều dẫn đến thất bại trong tu luyện, dẫn đến thất bại trong an bài lộ trình của sinh mệnh, dẫn đến việc lộ trình của sinh mệnh hữu khứ vô hồi (có đến mà không thể trở về), vĩnh viễn mất phương hướng ở giữa đường, vĩnh viễn không thể trở về với gia viên!

Nhìn tổng thể tác phẩm “Tây Du Ký”, tổng thể quá trình của năm thầy trò Đường Tăng (kể cả Bạch Long Mã) từ khi đầu thai xuống phàm trần đến khi tu luyện và quy vị, nhìn tổng quan về xã hội và nhân thế biến đổi xoay quanh thầy trò Đường Tăng và chín chín tám mươi mốt nạn, chúng ta có thể hoàn toàn nhìn ra vũ trụ, thời không, hình thức tồn tại của sinh mệnh, mục đích, giá trị… của tất cả, có thể thấy được một cách hoàn chỉnh tất cả các tín tức, thông tin như hình thức, mục đích, ý nghĩa v.v. của vũ trụ, thời không, sự tồn tại của sinh mệnh, có thể thấy được sự vận hành và diễn biến phát triển của vũ trụ và vạn sự vạn vật đều có quan hệ nhân duyên, đều có trật tự, là được tầng tầng an bài [1], chứ hoàn toàn không phải là mù quáng, tùy tiện, vô trật tự, hỗn loạn.

Vũ trụ có các thời không khác nhau, các thiên quốc, thế giới hay địa ngục khác nhau, cũng có các tầng thứ khác nhau, thiên quốc, địa ngục, thế giới khác nhau có các hình thức tồn tại sinh mệnh khác nhau, có pháp tắc và quy phạm vận hành xã hội khác nhau. Tầng thứ càng cao, trạng thái tồn tại của sinh mệnh càng mỹ hảo. Bạn thấy trong thế giới Thiên quốc, chúng sinh lớn lên đều rất anh tuấn uy vũ và xinh đẹp tuyệt trần (các thần tiên và tiên nữ). Có thể cưỡi mây đạp gió, có thể ăn trái tiên và thức ăn mỹ hảo, uống rượu quý (quỳnh tương ngọc dịch), nhìn ngắm cảnh đẹp hữu tình, chim quý thú lạ và hào quang của trăm loại cỏ cây (hào quang bách thảo). Giữa các sinh mệnh đều tôn kính lẫn nhau, tự do tự tại, là nơi thiêng liêng và thần thánh đến cỡ nào!

Ngược lại, trong địa ngục, chúng sinh xấu xí vô cùng. Từng sinh mệnh đều như hung thần ác sát. Nơi đó không có chân lý, hoang vắng và âm u lạnh lẽo, không có chim muông hoa cỏ, không có cơm áo ấm no. Chế độ cai trị thì nghiêm ngặt và hà khắc, sinh mệnh phải chịu các hình phạt tàn khốc để tiêu khứ tội nghiệp đã tạo tại nhân gian.

Trạng thái của xã hội nhân loại nằm giữa thiên đàng và địa ngục, một mặt mỹ hảo và một mặt xấu xí. Ngoài ra, sự khác biệt lớn nhất ở nơi này là mỗi từng sinh mệnh đều mang xác phàm và cặp mắt trần tục, nhìn không tới các không gian khác (trừ tình huống đặc thù của Ngộ Không do trời ban tặng nên có hỏa nhãn kim tinh; thần tiên đều có công năng này, dùng để hàng yêu và trừ ác trên con đường tu luyện), lạnh chịu không được, đói chịu không được, mệt chịu không được, còn thường xuyên sinh bệnh, vậy nên thật khổ.

Chính vì nơi này rất khổ, là một không gian rất mê huyễn, cho nên tại hoàn cảnh như vậy nếu ai còn có thể không mất bản tính và phương hướng, còn có thể cầu chân hướng thiện, còn có thể không vì sắc tình danh lợi mà nhất tâm hướng Phật, thì đó chính là cực kỳ đáng quý! Chúng Thần nhìn thấy đều khâm phục, cho nên tất cả đều nguyện ý giúp thầy trò Đường Tăng vượt qua các ma nạn.

Sinh mệnh này rốt cuộc là từ đâu tới? Rất nhiều người đều nói là cha mẹ sinh ra. Điều này không sai, nhưng cha mẹ cấp cho cũng chỉ là một thân xác thịt mà thôi. Sinh mệnh chân chính (nguyên thần) cũng là từ trong thiên địa vũ trụ, thai nghén từ hai khí âm dương mà sinh ra, là từ thế giới thiên quốc trong không gian vũ trụ mà sinh thành. Tựa như Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa hòa thượng, cùng Bạch Long Mã, vốn đều là thần tiên, vốn rất có bản lĩnh, nhưng trải qua những năm tháng dài đằng đẵng mà bất tri bất giác biến dị và hư bại, không phù hợp với tiêu chuẩn, tư tưởng và hành vi của sự thánh khiết mỹ hảo trong thế giới thiên quốc. Để tránh việc họ làm ô nhiễm thiên đình, cho nên họ mới bị giáng xuống phàm trần, bị đầu thai làm người, vốn chỉ có thể ở nhân thế mê huyễn trong trầm luân mà bị tiêu hủy. Nhưng Thần Phật từ bi, lại cấp cho họ một lần cơ hội phản bổn quy chân nữa, cho nên thúc đẩy cơ duyên cho thầy trò kết giao, đi lấy kinh và tu luyện. Như vậy, mục đích chân chính của nhân sinh là phải phản bổn quy chân, không phải ở trên đời này mê muội vì danh, lợi, sắc mà bạt mạng tranh đấu.

Người vì vi phạm thiên quy khi còn ở trên trời nên mới bị rớt xuống. Đường Tăng là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Như Lai chuyển thế. Bởi vì khinh mạn Phật Pháp mà bị đầu thai xuống nhân thế, trải qua mười đời tu hành gian khổ mới có cơ hội đi Tây Thiên thỉnh kinh và diện kiến Như Lai. Hơn nữa lúc còn ở nhân thế, ông liên tục gặp bất hạnh và thống khổ bi ai. Vừa mới sinh ra đã bị mẫu thân thả trôi trên mặt sông mặc cho số phận. Nước chảy bèo trôi, cho nên được gọi là “đứa trẻ Giang Lưu”.

Bản tính Ngộ Không không phải là người (hầu là động vật), chứa yêu khí. Tuy rằng công phu cao cường, nhưng không có cùng nhân lễ như người, khinh cuồng ngạo mạn, tự phong “Tề Thiên Đại Thánh”. Vì đố kỵ, bất bình với những tôn vị cao quý của Ngọc Đế và chúng Thần khiến ma tính chiếm thượng phong, đại náo thiên cung.

Bát Giới vì sinh tình sắc, lòng thầm mến Hằng Nga mà thất lễ. Đây là vật chất bẩn thỉu nơi tiên giới, có thể nào để cái đó làm dơ bẩn Thiên quốc thánh khiết được. Bởi vậy nếu muốn thành tiên, nhất định phải tại nhân thế tu khứ tâm sắc dục, nếu không chẳng phải là đồng dạng như Bát Giới, thấy nhiều tiên nữ xinh đẹp mà động tâm? Đây là điều tuyệt đối không cho phép.

Sa Tăng thì say rượu mà không tự chủ được, làm đổ chiếc chén lưu ly trên yến hội. Nhìn qua như là không có tội lớn, nhưng làm một Thần tiên là phải thời khắc bảo trì lý trí thanh tỉnh, sao có thể thần trí không thanh tỉnh mà mơ hồ, thất lễ được? Vả lại, loại trạng thái mơ màng này sao có thể duy hộ trật tự thiên đình, làm sao có thể bảo đảm không sai lầm?

Bạch Long Mã dường như bị oan, người vợ mới cưới của mình lại thay lòng đổi dạ (di tình biệt luyến) và bị Cửu Đầu Xà chơi khăm. Bản thân vì tình mà tức giận, vì không cẩn thận thiêu hủy bảo vật Ngọc Đế ban cho mà bị giáng hạ. Rất nhiều người bất bình, cho rằng Ngọc Đế xử lý không hợp tình hợp lý…

Thật ra cũng vì cảnh giới của thế nhân không cao mà tạo thành hiểu lầm. Bạch Long không thuộc về thế gian, sao có thể đồng dạng như người mà chấp trước vào tình sắc khí dục? Sao có thể động tình, tức giận, nổi cáu đây? Sao có thể mất lý trí đây? Tất cả đều có quan hệ nhân duyên, không có sự tình ngẫu nhiên hay vô duyên vô cớ. Thê tử phản bội chính bởi mình làm không tốt, hoặc bị Cửu đầu xà mê hoặc bức bách, vậy bạn chỉ có thể hướng nội tu chỉnh hoàn thiện chính mình, thiện giải oan duyên, nổi giận tranh đấu có thể giải quyết vấn đề gì?

Dĩ nhiên, đối với những sinh mệnh tà ác đã hoàn toàn không còn nhân tính, không muốn được cứu và cũng không thể cứu kia, vì để tránh việc họ hành ác, phá hoại pháp tắc của vũ trụ và làm bại hoại chúng sinh một cách vô hạn độ, thì dưới tình huống không thể nhẫn nhịn nữa mà sử dụng thần thông thanh trừ tà ác là điều hiển nhiên hợp lý, cũng giống như năm đó chúng Thần liên thủ bắt Ngộ Không.

Như vậy, vì con người không minh bạch Thiên ý, không biết Pháp lý tại cao tầng, không biết trạng thái cảnh giới của sinh mệnh cao tầng, tự cho là đúng mà oán trời oán đất, thì thật vô tri và đáng buồn, đáng thương biết chừng nào?

Nói về chuyện Mỹ Hầu Vương giả và thật, thì đúng là không phải người bình thường có thể thấy được rõ ràng minh bạch. Lục Nhĩ Mỹ Hầu cùng Thạch Hầu quan hệ thế nào? Vì sao chúng Thần nhìn không ra nơi phát xuất của nó?

Đến cuối cùng, phải nhờ đức Như Lai điểm hóa mới minh bạch ra. Vốn dĩ, hai con khỉ này cùng căn gốc và cùng khởi nguyên, đều từ hai khí âm dương mà sinh ra. Tại sao Phật Như Lai lại không dùng cùng một lòng nhân từ mà đối đãi hai nhân vật này? Tại sao lại thiên vị Thạch Hầu, chỉ cấp cho hắn cơ hội tu luyện và phản bổn quy chân?

Mọi người đã biết, Lục Hầu xuất hiện khi nào? Là lúc hai thầy trò xuất hiện ngăn cách, là xuất hiện khi Ngộ Không giận dỗi bỏ về Hoa Quả Sơn. Nói cách khác, Lục Hầu giữa đường xuất đạo, với thầy trò Đường Tăng là không có uyên nguyên, cũng không có bất kỳ Thần nào an bài hắn đi theo và bảo vệ Đường Tăng đi lấy kinh và tu luyện. Cho nên sao hắn có thể có tư cách thay thế Ngộ Không đi Tây Thiên? Đây chẳng phải là đoạt lấy thành quả của người khác sao? Còn Ngộ Không từ khi xuất thế là đi theo học nghệ hàng yêu, đại náo Thiên cung và bị đè xuống núi Ngũ Hành Sơn, lên non xuống biển bảo vệ Đường Tăng lấy kinh, trải qua quá trình dài như thế, đã kết bao nhiêu duyên phận với Thần Phật và Đường Tăng, lại chịu bao nhiêu khổ, lập bao nhiêu công lao. Như vậy sao có thể dễ dàng tước bỏ quả vị của hắn, để cho người khác giành lấy được chứ? Cho nên giới tu luyện luôn rất nhấn mạnh về duyên phận. Không hữu duyên thật sự rất khó có cơ duyên tu luyện.

Chúng Thần không phân biệt được Mỹ Hầu Vương thật và giả, nguyên nhân là vì quả vị, tầng thứ cùng pháp lực của các vị thần tiên không đủ. Chúng ta biết rằng hai con khỉ cùng căn và cùng khởi nguyên, là linh căn thai nghén mà ra.

Vũ trụ vốn là do vật chất tạo thành, và [duy trì cho] tồn tại, nhưng mà hết thảy vật chất đều có âm dương, hai mặt thiện ác tốt xấu, chính là tương sinh tương khắc đồng thời tồn tại. Nguồn sinh mệnh tầng thứ càng cao, hạt cấu thành vật chất sinh mệnh lại càng nhỏ.

Bất luận sinh mệnh nào khi nhìn những thứ trong phạm vi tầng thứ phía dưới nó thì liếc qua là thấy rõ, nhưng hình thức tồn tại của tầng thứ sinh mệnh vật chất cao hơn, thì họ nhìn không tới, cũng không tin. Giống như con người chúng ta, không hề tốn sức mà nhìn con kiến nhỏ trong thế giới này, tới [rồi] đi, tranh [tranh] đấu [đấu] cũng bất quá là vì nửa hạt gạo mà thôi. Nhưng đối với thế giới thiên quốc của Thần thì nhìn không thấy, thậm chí cũng không tin.

Mặc khác, chúng Thần nhìn không ra còn một nguyên nhân khác, chính là hai con khỉ nhưng thực ra là hai mặt của một sinh mệnh, tựa như bất kỳ một vật chất và sinh mệnh đồng thời có âm dương khác nhau, [dù] tính chất giống nhau. Sắt thép rất cứng, nhưng dễ dàng bị rỉ. Gốm sứ không bị rỉ, nhưng rất dễ bể, một cú đánh liền vỡ.

Con người một mặt có: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; ôn [hòa], [thiện] lương, cung [kính], khiêm [hòa], nhường [nhịn]”, đồng thời một mặt cũng có “Giả – ác – đấu, tham – sắc – dục, lười – cuồng – ngạo”. Nói cách khác Phật tính và ma tính là đồng tại.

Như vậy, biểu hiện của hai tính chất này tại các tầng thứ khác nhau của vũ trụ là thế nào?

Càng lên cao, tầng thứ càng cao, Phật tính biểu hiện càng mạnh, ma tính biểu hiện càng yếu, nên càng không dễ phân biệt ra ma tính. Càng xuống dưới, cấp độ càng thấp, ma tính biểu hiện càng mạnh, tính tương phản lại càng rõ ràng. Tại nhân gian, một sinh mệnh là thiện ác đồng tại. Nhưng đến những không gian khác, thiện và ác, tốt và xấu, Thần và ma thì tách ra rõ rệt.

Trong địa ngục đều là kẻ ác, trên thiên đường đều là người tốt, được phân chia rất rõ ràng. Trong cuộc sống, thiện ác đan xen vào nhau đồng thời [tồn tại], không dễ dàng phân rõ. Giống như chân thiện và ngụy thiện vậy. Bề ngoài, cách làm cùng biểu hiện gần như hoàn toàn như nhau, chỉ là mục đích và xuất phát điểm ở sâu trong nội tâm có đôi chút khác biệt.

Nhiều khi, ngay cả bản thân người đó cũng không biết rõ cái ý niệm đột nhiên xuất ra ấy rốt cuộc là vì cái gì, có thuần khiết không. Chúng ta có thể thấy, khi hai con khỉ cãi vã qua lại, rốt cuộc bên nào là Thạch hầu bên nào là Lục hầu, dường như chính chúng cũng có chút mơ hồ.

Về căn bản mà nói, Thạch hầu (Ngộ Không) là sinh mệnh bản nguyên, là sinh mệnh nguyên thủy nhất. Lục hầu là hậu thiên tạo thành, không phải là vật chất và sinh mệnh chất phác của tiên thiên. Tựa như con người chúng ta, thời điểm mới sinh ra, vô cùng ngây thơ và thuần khiết, không có bất kỳ tham dục và tạp niệm nào, cao hứng thì cười, thống khổ thì khóc, không che giấu chút nào. Nhưng thuận theo việc tuổi tác tăng lên, từ từ tạo thành rất nhiều quan niệm, thói quen…, bắt đầu học được cách suy nghĩ cùng cách nghĩ [để] che đậy nội tâm chân chính của mình, tạo thành một “giả ngã”, không phải là cái tôi chân thật.

Vì cách nghĩ của giả ngã là che đậy một cách đầy toan tính, làm bộ dạng cho người khác nhìn, chứ không phải là tâm nguyện thực sự của bản thân mình. Bề mặt thì nói không sao đâu, nhưng trong nội tâm rất vướng bận, rất so đo, rất khó chịu. Cũng giống như Lục Nhĩ Mỹ Hầu. ngoài miệng nói bảo hộ Đường Tăng lấy kinh, nhưng khi gặp ma nạn thật sự, lâm trận sẽ đào thoát, thậm chí còn đánh cả sư phụ. Ngộ Không thì khác, mặc dù nhất thời giận dỗi, nhưng biết sư phụ gặp ma nạn, lập tức liều mạng cứu giúp.

Người tu luyện, nếu không phân rõ chân ngã và giả ngã, sẽ rất khó tu thành chính quả. Mỗi người chúng ta, vào mỗi ngày, mỗi thời khắc đều xuất ra rất nhiều ý niệm. Một mặt phải cố gắng học hỏi, cần cù làm việc, giữ mình trong sạch, mặc khác lại muốn lười biếng, giảo hoạt, đi lối tắt, buông thả hưởng lạc. Hai loại ý niệm một chính một phản luôn tương sinh tương khắc mà đến, lúc này như là hai con khỉ đang ẩu đả và tranh biện, chính là chân ngã và giả ngã đang đọ sức, chính là xem Đường Tăng lựa chọn thế nào. Nếu không phân rõ thật giả, chọn sai, thì sẽ nhập ma đạo, sẽ đi nhầm đường, những công sức trước đây sẽ bị uổng phí hết. Có khi thật sự không phân được rõ, nhưng đầu não rất thanh tỉnh, biết không thể hồ đồ lẫn lộn [mà chọn sai], phải làm thế nào đây? Bởi vì bạn một lòng thành tâm kiên định như vậy, nên sư phụ sẽ đứng ra giúp bạn giải quyết. Cuối cùng là sư phụ của Đường Tăng, là Phật Như Lai, đã đứng ra giải quyết Lục Nhĩ Mỹ Hầu. Quan Âm và chúng Thần không có năng lực này. Cũng bởi tầng thứ của sư phụ càng cao, năng lực càng lớn, đồ đệ cũng có thể theo đó mà tu được cao hơn. Cho nên tu luyện nhất định phải vào cửa đại Đạo chính Pháp, không thể vào bàng môn thế gian tiểu đạo, càng không thể nhập ma đạo.

[1] Có thể hiểu là an bài qua từng tầng không gian, hoặc an bài tầng tầng lớp lớp

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/270482



Ngày đăng: 12-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.