Hàn Vạn Thương đánh cược với Long Vương



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc

[ChanhKien.org]

Kể từ khi nắm quyền, Trung Cộng vẫn luôn rao giảng “nhân định thắng Thiên”. Nó tuyên truyền vô thần luận, phá hoại luân thường đạo đức. Vì để phá trừ những phá hoại của Trung Cộng đối với văn hóa truyền thống và phủ định thuyết vô thần, Thần đã để lại cho con người rất nhiều truyền thuyết cũng như các bài học giáo huấn và di tích trong lịch sử.

Xưa kia ở thôn Tích Thiện, trấn Đồng Dã, thành An Dương, tỉnh Hà Nam, có một phú hộ tên là Lý Đức Nguyên, gia thế thịnh vượng, có tài có thế, toàn bộ ruộng đất trong nhà đều là đất được tưới tiêu, ngay cả trong năm hạn hán lớn vẫn có thể thu hoạch được vụ mùa bội thu.

Năm nay lại là một năm gia hộ nhà Lý Đức Nguyên có vụ mùa bội thu. Vào sáng mùng một đầu năm, Lý Đức Nguyên giao cho người hầu bày một bàn đồ ăn và rượu tại nơi thờ cúng trời đất trong khuôn viên nhà mình, rồi ông lại bảo người nhà mang tới cho ông hai đôi đũa, bày ra hai chén rượu rồi rót đầy rượu vào chén, Lý Đức Nguyên lại đem một cái ghế tới đặt ngay trước tượng Ngọc Hoàng Đại Đế. Người nhà thấy vậy bèn hỏi ông đang muốn làm gì? Lý Đức Nguyên bảo rằng: “Năm nay mùa màng bội thu, ta muốn cùng “người anh em” Ngọc Hoàng Đại Đế cùng uống ly rượu chúc mừng”. Vừa nói, Lý Đức Nguyên vừa giơ nắm tay hô năm gọi sáu, chơi oẳn tù tì với tượng Ngọc Hoàng Đại Đế, miệng lẩm bẩm: “Huynh đệ tốt lành này, ngũ khôi thủ này, lục lục thuận này”. Người hầu đứng một bên thấy vậy bèn vội vã khuyên ngăn Lý Đức Nguyên: “Lão gia à, không thể bất kính với Thần được! Ông không thể xưng hô với Ngọc Hoàng Đại Đế như vậy được!” Lý Đức Nguyên nghe vậy đáp lại: “360 mẫu ruộng đất tưới tiêu của Lý Đức Nguyên ta chẳng phải nhờ vào Trời đâu, nếu muốn ta nghèo, trừ phi trời sụp rồng rống (rồng kêu)!”

Vào lúc sẩm tối, Lý Đức Nguyên từ bên ngoài quay trở về nhà. Sau khi trong nhà đã lên đèn, người vợ của Lý Đức Nguyên bỗng nhiên nghe thấy phía trên cửa lớn của căn nhà dường như có cái gì đó đang phát ra tiếng kêu, Lý Đức Nguyên bèn cầm một cây nến lên rồi ngẩng đầu quan sát phía trên cánh cửa, chỉ nhìn thấy một con rắn nhỏ đang kêu bò ra từ trong khe hở của viên gạch trên trần nhà, sau đó đột nhiên một viên gạch lớn trượt ra ngoài rơi xuống và đập trúng đầu Lý Đức Nguyên, Lý Đức Nguyên vật xuống đất chết tại chỗ. Quả nhiên lời ông ta nói đã ứng nghiệm: “Trời sụp rồng rống” (trong văn hoá Trung Quốc, con rắn được coi là tiểu long).

Sau khi Lý Đức Nguyên chết không được mấy năm, nhà họ Lý cũng dần suy bại.

Quả đúng là: Trời cuồng [phong] ắt đổ mưa, người cuồng [ngạo] ắt có họa. Có nhân thì có quả, Phúc họa tự mình gieo.

Hàn Vạn Thương đánh cược với Long Vương

Ở ngoài cổng Bắc thành Vũ An, Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc có một nơi mà ai ai cũng đều biết đến gọi là “Thương Môn Khẩu”. Hầu như người Vũ An nào cũng từng đi qua nơi này vô số lần. Mỗi lần đi qua nơi này, trong đầu tôi luôn bất giác nhớ đến truyền thuyết về địa danh này.

“Thương Môn Khẩu” là nơi phú hộ Hàn Vạn Thương thời nhà Minh cất giữ lương thực. Hàn Vạn Thương là một phú hộ lớn ở Vũ An. Ở nhiều nơi như Hà Nam, Sơn Tây, Bắc Kinh, Đông Bắc, v.v. đều có các cơ sở kinh doanh như tiệm cầm đồ, cửa hiệu tơ lụa, hiệu thuốc bắc của nhà họ Hàn. Tích xưa truyền rằng chìa khóa trong nhà ông nhiều đến mức phải dùng lừa để chở. Vì thế mới có câu “lừa chở chìa khóa”.

Hàn Vạn Thương có tiền có thế, song lại là người kiêu căng, hống hách, chẳng coi ai ra gì bao giờ. Vào một năm nọ, Hàn Vạn Thương đi xem hội ở làng Ôn ở thành Tây. Khi ông vừa đến nơi cũng là lúc người dân nơi đây đang cử hành nghi lễ cầu mưa trước miếu Hắc Long.

Dân làng vào mỗi dịp cầu mưa đều chọn lấy một người dân trong làng làm “mã phỉ” để Thần Hắc Long nhập thân. “Mã phỉ” (người được nhập thân) sau khi được thần linh nhập vào sẽ dùng một cái dùi sắt cài vào quai hàm, đại diện cho Thần Long truyền đạt lại ý chỉ của Thần.

Hàn Vạn Thương nhìn thấy nghi lễ cầu mưa được cử hành long trọng đến vậy, trong tâm liền cảm thấy ghen tị. Ông ta chạy lên trước mọi người, đứng trước mặt “mã phỉ” cao giọng nói rằng: “Ông là Hắc Long Vương trên trời, không bằng Hàn Vạn Thương ta dưới đất, dù ông ba năm không làm mưa, nhà ta vẫn vạn gánh lương thực”.

Trước sự khiêu khích của Hàn Vạn Thương, “mã phỉ” của Long Thần bèn đáp lại rằng: “Ta là Hắc Long Vương trên trời, ngươi là Hàn Vạn Thương dưới đất, ngươi bất kính với thần linh, nói lời bất thiện quá ngang ngược, ta khiến ngươi mỗi tháng đều phải chịu lửa trời, mỗi năm đều phải chịu lũ lụt, ba năm gia bại vong”.

Thế là từ đó trở đi, trong nhà Hàn Vạn Thương tháng nào cũng xảy ra mấy lần hỏa hoạn, hơn nữa còn liên tục dính phải kiện tụng. Vào mùa hè năm nọ, mấy kho lương thực của Hàn Vạn Thương gặp phải trận mưa lớn, lương thực trong kho đều bị nước lũ cuốn trôi, bị cuốn thẳng đến con kênh Thành Nam cách đó ba dặm. Sau khi mưa tạnh, số lương thực bị lũ cuốn đi thuận theo dòng nước bắt đầu lắng xuống lòng sông. Từ đó về sau, nơi này được gọi là “Trừng Tao Câu” (lắng xuống lòng sông). Về phần Hàn Vạn Thương, do phải dùng ngân lượng đi khắp nơi nhờ vả người khác giúp đỡ việc kiện tụng, hàng tháng còn bị giáng hỏa hoạn, gia sản bị tổn thất vô số, số lương thực tích góp trong nhiều năm còn bị lũ cuốn trôi, thế là chưa đến ba năm, Hàn Vạn Thương đã tán gia bại sản, chỉ để lại cho người đời sự tích về hai địa danh “Thương Môn Khẩu” và “Trừng Tao Câu”.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/270512



Ngày đăng: 18-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.