Vàng chẳng thể thuần khiết, con người không ai hoàn hảo



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Một ngày nọ, chị gái tôi đã kể một câu chuyện về cha chúng tôi. Ông biết sự thật về Pháp Luân Công, thích xem Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) và đi tới đâu cũng giảng chân tướng. Một ngày ông đi ra phố và nghe thấy một số người đang bàn luận về Pháp Luân Công. Một người nói: “Pháp Luân Công là tốt. Đừng tùy tiện nói những điều không tốt về môn đó.” Khi nghe thấy câu này, cha tôi bước tới chỗ họ và nói: “Các con tôi cả trai lẫn gái đều tu luyện Pháp Luân Công.” Người này lập tức nắm lấy tay cha tôi và niềm nở mời ông tới nhà mình chơi. Khi đến nhà, người này mời cha tôi dùng trà nóng, đối đãi rất cung kính với ông, và nhờ ông chia sẻ chi tiết hơn sự thật về Pháp Luân Công. Cha tôi bắt đầu giảng chân tướng về vụ tự thiêu ở Thiên An Môn và về Đảng Cộng sản Trung Quốc tà ác, cũng như kể lại những tin tức và những bài bình luận gần đây của NTDTV.

Khi nghe những điều này, tôi chợt có thêm hiểu biết mới về câu tục ngữ Trung Quốc “Vàng chẳng thể thuần khiết, con người không ai hoàn hảo.” Tôi cũng thay đổi cách nhìn thành kiến của mình đối với cha.

Từ nhỏ đến lớn, tôi đã luôn có thành kiến với cha mình. Tôi luôn cho rằng tâm “thiện” của ông không phải là thực sự thiện. Cha tôi chưa bao giờ có ý xấu với ai, nhưng lòng trắc ẩn của ông chỉ dành cho những người ông yêu mến; ông thậm chí sẵn sàng hi sinh vì họ. Nhưng ông không quan tâm nhiều đến gia đình. Tôi chưa bao giờ hiểu được hành động của ông và thường không bao dung với ông. Tuy nhiên, cha tôi có một điểm rất đáng quý: sau khi ông hiểu sự thật về Pháp Luân Công, ông dường như trở thành một đài phát thanh trực tiếp và giảng chân tướng ở mọi nơi ông đến. Ông không hề có tâm sợ hãi và đưa chân tướng tới bất cứ ai mà ông gặp. Những chúng sinh hiểu được chân tướng là những người đáng trân quý nhất. Sao tôi lại có thể tiếp tục bị ám ảnh bởi định kiến của riêng mình?

Con người trải qua bao kiếp luân hồi chứ không chỉ có một kiếp này, trong mê mờ vô minh đã làm nhiều việc xấu. Con người tồn tại thế gian hôm nay; làm sao họ có thể sống hạnh phúc mà không phải trả nợ nghiệp? Nghiệp hiện hữu qua những cách thức khác nhau, đó là lý do tại sao những người khác nhau có tính cách, khí chất, nghị lực và đặc điểm khác nhau. Với những quan niệm được hình thành hậu thiên, đặc biệt dưới sự đầu độc của văn hóa Trung Cộng, người ta thường nhìn vào những khuyết điểm của người khác thay vì nhìn nhận bản thân. Khi mâu thuẫn xảy ra, người ta thường dùng tâm lý lừa dối, xấu ác và tranh đấu để hạ thấp người khác, xem người khác là vô dụng, đồng thời tìm cách để chứng minh bản thân mình là sự đúng đắn và khôn ngoan. Câu tục ngữ “Vàng chẳng thể thuần khiết, con người không ai hoàn hảo” lúc này trở thành cách nói dát vàng lên bản thân, để chứng tỏ bản thân mình rất cao thượng và thấu hiểu bản chất con người.

Nếu một người không có tư tưởng đúng đắn ước chế bản thân, thì tinh thần và cảnh giới tư tưởng của người đó không thể được nâng cao, sẽ không đột nhiên có được cái nhìn sâu sắc khi gặp mâu thuẫn. Cổ nhân có văn hóa truyền thống để ước thúc bản thân và hướng nội khi đối diện với vấn đề; ví dụ, có một câu nói rằng: “Thấy người tốt hơn mình thì cố gắng đuổi kịp họ” và “Khi gặp người không tốt thì cũng tự phát hiện ra cái sai của mình”. Câu tục ngữ “Vàng chẳng thể thuần khiết, con người không ai hoàn hảo” chứa đựng những hiểu biết về bản chất con người, về lòng vị tha và bao dung đối với mọi người.

Điều bạn nhìn nhận là sai có thể không nhất định là sai. Khi hoàn trả nghiệp, bạn hoàn trả trong đời này những gì bạn nợ từ những đời trước. Điều đó có gì là không đúng? Nếu không phải như vậy, một cá nhân sẽ không thể hoàn trả nghiệp lực. Khi suy nghĩ kỹ về câu tục ngữ này, tôi thấy rằng nó khơi gợi cho người đọc những ý nghĩa về cuộc sống, cũng như mối quan hệ giữa sinh mệnh và vũ trụ.

Nếu một cá nhân muốn có được những hiểu biết trong không gian mê mờ này và trở về với bản tính thiện lương, người đó phải từ bỏ văn hóa tà ác của Trung Cộng từ bản chất và minh bạch sự thật về Pháp Luân Công. Những người có hoàn cảnh thích hợp nên đọc Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công). Dưới sự chỉ dẫn của những đặc tính vũ trụ Chân, Thiện, Nhẫn, một cá nhân có thể xóa bỏ định kiến và đồng hóa với những đặc tính đó. Quan niệm của cá nhân đó sẽ dần thay đổi triệt để. Người đó sẽ có những hiểu biết mới về vũ trụ và sinh mệnh.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/15034



Ngày đăng: 19-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.