Tam Sinh Thạch – Kiếp trước và kiếp này



Tác giả: Thạch Văn

[ChanhKien.org]

[Lời tựa: Con người gặp gỡ và thân quen với nhau bắt nguồn từ chữ “duyên”. Nói đến duyên thì không thể không nói đến “luân hồi”. Những câu chuyện về “luân hồi” trong bộ truyện này được lấy từ các tác phẩm kinh điển cổ xưa của Trung Hoa. Hy vọng rằng những câu chuyện này sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta để thiện đãi với tất cả những người chúng ta có duyên gặp gỡ.]

Vào những năm cuối triều đại nhà Đường, tại chùa Huệ Lâm thuộc Lạc Dương có một hòa thượng hiệu Viên Quan. Ông giỏi thuật làm vườn, của cải cũng phong phú. Ngoài ra, ông còn tinh thông âm luật. Người thời đó gọi ông là “phú hòa thượng”, nhưng không ai rõ lai lịch của ông.

Còn Lý Nguyên vốn xuất thân dòng dõi quan lại quyền quý. Trong những năm Thiên Bảo, ông mặc sức vui chơi, đắm mình trong tiệc rượu. Cha ông, Lý Thành, là một vị tướng trấn giữ biên ải, sau bị địch bắt, không rõ tung tích. Tuyệt vọng chán nản, Lý Nguyên từ bỏ cuộc sống xa hoa của mình. Ông ẩn cư tại chùa Huệ Lâm và hiến tặng toàn bộ gia sản của mình cho tự viện. Nhà chùa chỉ cho ông một phần thức ăn, thức uống mỗi ngày, không kẻ hầu người hạ, đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài. Ông và hòa thượng Viên Quan từ đó kết hảo bằng hữu, chia sẻ mọi điều. Hai người có thể đàm luận từ sáng tới tối cùng nhau. Người ngoài đàm tiếu bởi hai người họ, một tu một phàm, Viên Quan là một hòa thượng còn Lý Nguyên lại là người thường. Họ sống như vậy thấm thoắt đã ba mươi năm.

Một ngày nọ, họ quyết định đi Thục Châu, cùng ghé Thanh Thành và Nga Mi để tìm Đạo cầu thuốc. Viên Quan muốn du ngoạn kinh thành Trường An, rồi đến Thục Châu qua đường Tà Cốc, còn Lý Nguyên lại muốn đến Kinh Châu rồi qua Tam Hiệp để về Thục Châu. Hai người tranh luận nửa năm vẫn không thống nhất. Lý Nguyên nói: “Ta đã đoạn tuyệt thế gian tục sự, sao còn có thể vân du kinh thành?” Viên Quan đáp: “Đi đường nào không phải là chuyện chúng ta có thể quản được. Vậy hãy qua Tam Hiệp.”

Vậy nên, họ xuôi Kinh Giang đến Tam Hiệp. Thuyền của họ dừng lại ở chân núi Nam Kỵ, họ nhìn thấy một số phụ nữ y phục lộng lẫy đang lấy nước bên sông. Viên Quan bật khóc nói: “Nguyên do tôi không muốn đi con đường này là vì tôi sợ nhìn thấy những người phụ nữ này.” Lý Nguyên ngạc nhiên hỏi: “Từ Tam Hiệp tới đây, chẳng phải chúng ta đã thấy không ít những phụ nữ như vậy. Cớ sao ngài lại khóc vì những người phụ nữ này?” Viên Quan đáp: “Trong số họ có một phụ nữ mang thai họ Vương. Tôi sẽ đầu thai làm con của cô ấy ở kiếp sau. Cô ấy mang thai đã ba năm mà chưa sinh là bởi tôi vẫn còn sống. Hôm nay nhìn thấy cô ấy; đó là định mệnh của tôi. Tôi sẽ tiếp tục chuyển thế luân hồi, như lời Phật dạy.”

Rồi ông nói với Lý Nguyên: “Xin ngài hãy niệm kinh để tôi chóng được đầu thai. Ngài có thể nán lại vài ngày và chôn cất tôi dưới chân núi. Ba ngày sau khi đứa trẻ chào đời, ngài hãy ghé thăm gia đình họ Vương. Nếu đứa trẻ mỉm cười với ngài, tức là nó đã nhận ra ngài. Mười hai năm sau, vào đêm Trung Thu, chúng ta sẽ gặp lại nhau tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu.”

Lúc này, Lý Nguyên vô cùng hối tiếc về chuyến đi này. Ông rất thất vọng. Rồi ông gọi người phụ nữ mang thai đến và nói cô ấy hãy chuẩn bị sinh con. Người phụ nữ vui vẻ trở về nhà. Không lâu sau người nhà của cô đến, dâng cá khô và rượu cúng bên sông. Viên Quan tắm rửa và thay y phục mới. Đêm đó, ông tọa hóa, còn người phụ nữ mang thai kia hạ sinh một đứa trẻ.

Ba ngày sau, Lý Nguyên tới thăm đứa bé mới sinh. Nó được quấn trong một chiếc chăn và dường như đã biết ông. Đứa trẻ mỉm cười với Lý Nguyên khi ông ôm nó vào lòng. Lý Nguyên không kìm được lệ. Ông kể tường tận câu chuyện về bạn của mình cho người phụ nữ họ Vương nghe. Cô đã hậu táng cho Viên Quan và chôn cất ông. Lý Nguyên cũng không còn tâm trí ở lại núi Thanh Thành nữa. Ngày hôm sau, ông lên thuyền trở về chùa Huệ Lâm.

Mười hai năm sau, đúng vào tháng tám, Lý Nguyên đến Hàng Châu để gặp Viên Quan như đã định. Vào đêm Trung Thu, gần chùa Thiên Trúc, mưa đã tạnh, ánh trăng sáng rọi khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy bóng Viên Quan. Đột nhiên, Lý Nguyên nghe thấy một cậu bé mục đồng hát khúc “Trúc chi từ” bên bờ sông Cát Hồng. Cậu bé ngồi trên lưng trâu và gõ vào sừng trâu làm nhịp. Cậu để tóc hai búi và mặc quần áo ngắn. Trong chốc lát, cậu đã đến trước chùa Thiên Trúc. Lý Nguyên cất lời chào: “Viên Quan, ngài vẫn khỏe chứ?” Cậu bé đáp: “Ngài quả thực là người thủ tín. Nhưng giờ đây, con đường của ta và ngài là khác nhau. Chúng ta cũng không thể ở gần nhau nữa. Tục duyên của ngài chưa hết. Mong ngài có thể tinh tấn tu hành. Nếu ngài tinh tấn không buông lơi, chúng ta sẽ còn gặp lại.” Nhìn Viên Quan, Lý Nguyên bật khóc vì không thể tiếp tục tình bạn với Viên Quan như những ngày tháng trước kia.

Viên Quan hát “Trúc chi từ” một lần nữa rồi rời đi. Núi non trùng điệp, sông nước mênh mông, Lý Nguyên vẫn thấy ca từ vang lên. Khi Viên Quan lần đầu tiên đến trước chùa, ông đã hát: “Tam Sinh Thạch thượng cựu tinh hồn / Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luận / Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng / Thử thân tuy dị tính trường tồn” [Tạm dịch: Tôi vốn là nguyên thần của Đá Ba Đời* / Chuyện thưởng trăng ca gió đã không còn tha thiết / Hổ thẹn khi bạn cũ từ phương xa tới / Thân này dù biến đổi nhưng tôi vẫn là tôi]. Ngoài ra còn có một đoạn hát như sau: “Thân tiền thân hậu sự mang mang / Dục thoại nhân duyên khủng đoạn tràng / Ngô Việt khê san tầm kỉ biến / Khước hồi yên trạo thượng Cù Đường” [Tạm dịch: Kiếp trước kiếp sau còn là câu chuyện dài / Muốn nói chuyện nhân duyên mà đau thắt ruột gan / Tôi đã tìm khắp sông núi đất Ngô đất Việt / Nhưng rồi cũng phải quay trở về hẻm Cù Đường (một hẻm núi thuộc Tam Hiệp)].

Ba năm sau, hoàng đế muốn phong cho Lý Nguyên làm Gián nghị đại phu. Lý Nguyên lúc này đây đã thấu tỏ nhân tình thế thái liền khước từ. Ông mất tại chùa ở tuổi tám mươi.

Chú thích:

  • Tam Sinh Thạch (Đá Ba Đời) nằm ở chân núi phía đông của đỉnh Liên Hoa, tiếp nối với đỉnh Phi Lai, là một trong “Mười sáu di tích của Tây Hồ”. Đây được coi là nơi hòa thượng Viên Quan và Lý Nguyên gặp nhau. Tảng đá cao khoảng 10 mét, rộng hơn 2 mét, khá dốc và là một điểm tuyệt vời để tham quan. Trên phiến đá được chạm khắc ba chữ Hán “Tam Sinh Thạch”, mỗi chữ có kích thước khá lớn. Trên đá cũng có bia văn “Tam Sinh Thạch tích, hòa thượng Viên Trạch nhà Đường” mô tả nguồn gốc của di tích. Hầu hết các đề từ trên đá khác từ triều đại nhà Đường và nhà Tống đã không thể nhận ra, ngoại trừ các bản khắc của Thái sử Dương Vũ và Hàn lâm Trương Chứ, được viết vào năm Chí Chính thứ nhất thời Nguyên Huệ Tông (tháng 9 năm 1341) là vẫn còn rõ ràng. Trong cuốn “Cam Trạch Dao”, hòa thượng tên là Viên Quan. Nhưng trong cuốn “Tăng Viên Trạch Truyện” do nhà văn Tô Đông Pha thời Tống viết, tên của ông lại là Viên Trạch.

Nguồn tham khảo: Cam Trạch Dao, Tăng Viên Trạch Truyện, Đường Trung Nghĩa Truyện.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2003/5/12/21575.html http://www.pureinsight.org/node/1647



Ngày đăng: 30-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.