Một vài thể ngộ của tôi về “không thuận theo tà ác”



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[ChanhKien.org]

Sư phụ giảng: “Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác.” (Chính niệm của đệ tử Đại Pháp có uy lực – Tinh tấn yếu chỉ II), về đoạn Pháp này của Sư phụ, các đồng tu ở các tầng thứ khác nhau có những nhận thức và cách làm khác nhau. Gần đây tôi có chia sẻ giao lưu cùng một số đồng tu bị bức hại nghiêm trọng vừa mới ra khỏi trại giam về một số nhận thức đối với đoạn Pháp này và cách thực hiện khác nhau của mỗi người.

Trong hang ổ của tà ác có nhiều đệ tử Đại Pháp do không chịu bị chuyển hóa, cố gắng luyện công, không chấp nhận bị lao động cưỡng bức, không phục tùng các yêu cầu vô lý của cai ngục mà bị bức hại bằng các hình thức như: mặc “đồ bó”, đeo “gông cùm”, chịu cực hình trong phòng tối, ngồi “ghế nhỏ” v.v. Có người do đi vào văn phòng cai ngục mà không báo cáo nên bị tra tấn bằng dùi cui điện công suất lớn; có người do không hô “chào cán bộ” mà bị cùm tay treo lên… Kỳ thực mức độ bị bức hại của mỗi người có liên quan chặt chẽ với trạng thái tu luyện của bản thân người đó. Nhận thức của tôi đối với đoạn Pháp “Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác” của Sư phụ là phải lý giải một cách toàn diện, không nên đi sang cực đoan, không nên để cho tà ác dùi vào sơ hở mà bức hại nghiêm trọng hơn.

Bản thân tôi trước giờ cũng nhiều lần bị bắt cóc phi pháp, bị tống giam, bị cưỡng bức lao động, bị xử án, đã từng trải qua hơn 10 năm trời trong hang ổ tà ác, tôi đã nhiều lần tuyệt thực, kháng lại lệnh lao động cưỡng bức, cũng luyện công, không thuận theo yêu cầu mệnh lệnh và chỉ thị của tà ác. Sư phụ giảng: “Hôm vừa rồi tôi có giảng ‘Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh’, nghĩa là năng lượng tản xạ từ thân thể chúng ta có thể [điều] chỉnh lại hết thảy những trạng thái không đúng đắn.” (Chuyển Pháp Luân) Thể hội của tôi là các đệ tử Đại Pháp có mang theo trường năng lượng mạnh mẽ, chúng ta trong bất cứ thời khắc nào cũng coi bản thân là một người luyện công chân chính, khi gặp phải vấn đề thì đầu tiên hướng nội tìm bản thân, kiên định tín sư tín Pháp, luôn luôn giữ vững tâm từ bi và tâm thái tường hòa, ghi nhớ rằng đệ tử Đại Pháp không có kẻ thù, chỉ có sứ mệnh cứu độ chúng sinh, như vậy nhất định sẽ được Sư phụ che chở, hoàn cảnh xung quanh cũng sẽ thay đổi theo.

1. Tôi chỉ yêu cầu được luyện công bình thường

Không lâu sau khi Pháp Luân Công bị bức hại, một hôm, hơn 20 viên cảnh sát đột ngột xông vào nhà tôi và đòi lục soát nhà vô cớ, tôi chỉ vào viên cảnh sát đang muốn lấy pháp tượng của Sư phụ nói: “Dừng tay!” Anh ta liền dừng lại. Tôi nói: “Các anh vừa vào đã đòi lục soát nhà, cũng phải có căn cứ hợp lý chứ! Tôi đã làm gì phạm pháp?” Bọn họ nói: “Có người nói anh đã đưa kinh văn cho bà ấy”. Tôi nói: “Các anh dựa vào đâu mà nói là do tôi đưa? Dù có đúng là tôi đưa thì tôi cũng chẳng vi phạm pháp luật gì! Kinh văn của Sư phụ là để chỉ đạo việc tu luyện, người tu luyện có kinh văn cũng rất bình thường thôi!” Bọn họ không nói được gì, cuối cùng bèn lấy đi một số quyển kinh văn mới sao chụp trong tủ sách, còn những thứ khác không hề động đến.

Bọn họ đưa tôi đến đồn cảnh sát, hơn 20 viên cảnh sát thay phiên nhau thẩm vấn tôi, hỏi đi hỏi lại: “Kinh văn ở đâu ra? Anh đã đưa cho ai?” Tôi nói: “Người khác đưa kinh văn cho tôi, tôi đem đi sao chụp, các anh nói có người bảo tôi đã đưa kinh văn cho bà ấy, các anh nói là tôi đưa thì cứ coi như tôi đã đưa đi!” Bọn họ lại hỏi: “Còn đưa cho ai nữa? Tên là gì?” Tôi nói: “Đệ tử Đại Pháp chúng tôi đều gọi nhau là anh chị, ai biết người nào tên gì, hơn nữa dù tôi có biết được cũng không thể nói ra, tôi nói ra rồi các anh lại bắt người ta, tôi chẳng phải lại đang xúi giục các anh làm chuyện xấu sao?! Vậy tôi tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn chẳng phải là vô ích sao?” Cứ như vậy bọn họ thẩm vấn tôi suốt hai ngày bằng đủ các biện pháp vừa đấm vừa xoa, tôi liên tục giảng cho họ chân tướng Pháp Luân Công bị bức hại. Cuối cùng, trưởng ban bảo vệ chính trị nói: “Anh không chịu hợp tác, vậy chúng tôi chỉ có thể làm theo quy định”. Bọn họ bảo tôi lên xe, tôi tưởng rằng họ muốn tống tôi vào trại giam, nhưng họ lại đưa tôi trở về công ty. Lúc đi, trưởng ban bảo vệ chính trị nói với tôi: “Kỳ thực chúng tôi rất cần ‘kẻ phản bội’, nhưng chúng tôi lại cũng rất ghét kẻ phản bội, chúng tôi rất khâm phục sự kiên định vào tín ngưỡng của anh”.

Không lâu sau, tôi và vợ cùng đi thỉnh nguyện, chúng tôi bị bắt và bị tống giam, ngày thứ hai sau khi vào trại giam, cảnh sát đến thẩm vấn tôi. Tôi nói với anh ta vì sao chúng tôi lại đi thỉnh nguyện, vốn dĩ thỉnh nguyện là quyền lợi của công dân, tuy nhiên do chúng tôi khiếu nại việc Pháp Luân Công bị đàn áp bắt bớ nên mới bị tống giam vào đây, vậy chẳng phải là cảnh sát đã biết quy định pháp luật mà còn phạm pháp sao? Đồng thời tôi cũng kể cho anh ta nghe gia đình chúng tôi đã thay đổi tốt đẹp ra sao sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Cuối cùng anh ta nói: “Nếu đã vào đây rồi thì phải tuân theo quy định trong trại giam: một là không được luyện công, hai là không được tuyên truyền Pháp Luân Công; ba là không được dạy các phạm nhân trong phòng giam luyện công.” Anh ta nói xong tôi liền mỉm cười, anh ta hỏi: “Anh cười cái gì?” Tôi nói: “Vốn dĩ tôi vì luyện công mà vào đây, các anh không để tôi luyện công thì không được! Vậy tôi chẳng phải đã vào đây vô ích rồi sao! Những người trong phòng giam kia thật sự đều đã làm điều xấu, tôi bảo bọn họ làm người tốt theo Chân-Thiện-Nhẫn vậy có gì không tốt? Hơn nữa cũng giúp ích cho cai ngục các anh mà!” Anh ta nghĩ một chút rồi nói: “Vậy được! Vậy thì anh có thể luyện công, có thể chỉ cho bọn họ làm người tốt như thế nào, nhưng không được dạy cho bọn họ luyện Pháp Luân Công.” Tôi thầm nghĩ: “Chỉ cần bọn họ dám học thì tôi dám dạy.” Tôi nói: “Được! Vậy nhờ anh nói một tiếng với người trong trại giam”. Anh ta nói “Được!”, rồi đi vào phòng giam nghiêm túc tuyên bố: “Các anh chị nghe rõ rồi đấy! Lúc người theo Pháp Luân Công này (chỉ tôi) luyện công thì không ai được phép làm phiền anh ta, mà các anh chị cũng nên nghiêm túc học hỏi Pháp Luân Công làm người tốt như thế nào”. Ngày đầu tiên tôi liền giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho trưởng phòng giam, anh ta còn sắp xếp riêng cho tôi chỗ để luyện công, sau đó còn dẫn dắt toàn bộ người trong phòng giam bắt đầu luyện Pháp Luân Công với tôi.

Vào năm 2012, tôi lại bị bắt giam vào trại tạm giam lần nữa, lúc cảnh sát đến nói chuyện với tôi, tôi nói với anh ta rằng Pháp Luân Công giúp chữa bệnh khỏe người, chỉ dạy con người tu luyện hướng thiện, còn kể rằng do tôi kiên trì tu luyện, đi thỉnh nguyện mà bị bắt giam, vừa rời khỏi nhà đã bị bắt cóc giam vào trại lao động, tôi viết thư gửi cho công ty chỉ ra rằng họ đã phạm pháp khi tước đoạt quyền tự do sống và quyền lợi nghỉ hưu của tôi, nhưng lại bị vu oan rồi bị xử án. Cuối cùng anh ta nói: “Trại tạm giam chủ yếu chịu trách nhiệm không để bị can xảy ra vấn đề trong quá trình tố tụng, nếu anh đã vào đây rồi thì không được làm trái với quy định ở đây, tôi sẽ không gây khó dễ cho anh.” Anh ta biết kết quả xét nghiệm sức khỏe của tôi trước khi vào trại tạm giam là huyết áp rất cao (trại tạm giam vốn đã từ chối tiếp nhận tôi, nhưng vẫn bị cấp trên ép buộc phải tiếp nhận), anh ta bèn hỏi tôi có yêu cầu gì. Tôi nói: “Tôi chỉ yêu cầu được luyện công bình thường.” Anh ta hỏi: “Anh luyện công vào thời gian nào?” Tôi nói: “Ngoại trừ mỗi ngày vào hai lần 12:00 và hai lần 6:00 phát chính niệm ra (anh ta tưởng lúc đó tôi luyện công), mỗi ngày lúc phải ngồi trên giường (từ sau năm 2005, trại tạm giam có quy định mỗi ngày phạm nhân sẽ phải ngồi trên giường hai tiếng đồng hồ, quay mặt vào tường tự kiểm điểm), thì tôi sẽ đả tọa”. Anh ta đáp: “Được!” Sau đó anh ta bàn bạc với trưởng phòng giam, vậy nên cứ đến mỗi 6 giờ sáng và 12 giờ đêm, những người trực ban đều sẽ gọi tôi dậy để phát chính niệm (tù nhân trong trại tạm giam phải thay phiên nhau trực ban hàng tối, cảnh sát dặn dò trưởng phòng giam không cần bắt tôi trực ban).

2. Tôi ở đây không phải để lao động

Vào năm 2001, tôi bị bắt giam vào trại cưỡng bức lao động, khi mới vào trại cưỡng bức được mấy ngày, tôi bị phân đến một đại đội làm nông để làm việc đồng áng. Lúc đầu tôi nghĩ: Đệ tử Đại Pháp ở bất cứ đâu cũng phải làm người tốt, vậy nên tôi đã nỗ lực làm việc, mỗi ngày tôi đều có thể hoàn thành xong nhiệm vụ từ sớm. Ba tháng sau, một hôm toàn đội tổ chức đại hội, nhân viên quản giáo của đại đội đã biểu dương tôi làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và không gian lận, người khác đào đất đào lên một cuốc lại lấp xuống một cuốc (gọi là mèo giấu phân), bảo mọi người học tập tôi v.v. Sau khi đại hội kết thúc, tôi đột nhiên ngộ ra rằng: Tôi vào đây để làm gì chứ? Tôi ở đây không phải để làm việc, tôi đến để chứng thực Pháp. Thế là tối hôm đó tôi chuẩn bị ngày hôm sau bắt đầu đình công. Ban đầu, tôi viết một Bản thanh minh đình công, đồng thời nói rõ với những người giám sát lý do vì sao tôi đình công, cả nhà tôi chỉ vì kiên định với tín ngưỡng của mình mà bị bắt giam phi pháp trong trại cưỡng bức lao động, còn bị tước đi những quyền lợi thân nhân thăm viếng, gọi điện thoại về nhà… Đồng thời, tôi cũng nói rõ với họ rằng không nên nghe theo chỉ thị của cảnh sát mà cưỡng ép tôi phải ra làm việc, làm như vậy sẽ không tốt cho tương lai của họ. Do bình thường tôi đã giảng rất nhiều chân tướng Pháp Luân Công cho họ, bọn họ cũng tỏ ra thông cảm và ủng hộ việc làm của tôi. Ngày hôm sau khi đại đội tập hợp lại để ăn sáng, tôi đã đọc “Bản thanh minh đình công” giữa đám đông, lúc 7 giờ sáng bắt đầu làm việc (trung đội làm nông phải làm việc hàng ngày vào buổi sáng, làm xong mới được tính công), tôi liền đến chỗ đường ranh giới ở cổng lớn nói với viên cảnh sát chỉ huy trực ban là tôi đã đình công, người giám sát lúc đó đã khá xa, anh ta cũng đành khuyên tôi không nên làm như vậy, như vậy sẽ phải chịu thiệt, cuối cùng anh ta cũng không ép buộc tôi phải ra lao động.

Vào 8 giờ khi cảnh sát bắt đầu làm việc, đội trưởng nghe nói tôi đình công liền nổi giận đùng đùng gọi tôi đến, nói: “Anh có biết đây là nơi nào không? Hành động của anh thể hiện thái độ gì?!” Lúc đầu tôi cũng lớn tiếng đáp lại rằng: “Nơi đây là trại cải tạo lao động, không phải là nơi tôi nên ở, là nơi dành cho những người vi phạm pháp luật, tôi tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt, các anh còn muốn giáo dục tôi thành người thế nào nữa?” Anh ta nói: “Có phải tôi mời anh đến đây đâu!” Tôi liền đáp lại: “Vậy bây giờ tôi nói với anh tôi không phạm pháp không phạm tội, là do Giang Trạch Dân bắt giam tôi vào đây.” Lúc này tôi đột nhiên ý thức được rằng: những cảnh sát này cũng bị che mắt lừa gạt bởi những lời vu khống dối trá của Trung Cộng, họ cũng là người bị hại. Thế là tôi bắt đầu nói với anh ta bằng ngữ khí tường hòa: “Hai ta cũng không có thâm thù đại hận gì, việc tôi làm anh cũng không quyết định được, tôi đình công không phải là nhắm vào anh, cũng không phải là nhắm vào trại cải tạo lao động, mà tôi nhắm vào việc đàn áp bức hại Pháp Luân Công, tôi nhắm vào Giang Trạch Dân, anh chỉ cần báo cáo chuyện của tôi lên cấp trên thì không còn việc gì liên quan đến anh nữa.” Anh ta đại khái cũng thấy có đạo lý, bèn vào trong trại báo cáo lên cấp trên, khoảng một tiếng sau, anh ta quay lại nói với tôi: “Nếu anh không muốn ra làm việc thì vào trong tứ hợp viện nghỉ ngơi cho tốt đi!” Tiếp đó chúng tôi lại nói chuyện với nhau hơn một tiếng đồng hồ nữa. Sau khi đình công, trên bề mặt thì tôi bị giam riêng một mình một phòng, người giám sát tăng từ ba người lên thành năm người (tôi chỉ xem họ như người báo tin), trên thực tế hoàn cảnh tu luyện của tôi lại trở nên nới lỏng hơn, không có ai đến làm phiền, tôi có nhiều thời gian hơn để nhẩm Pháp, luyện công và giảng chân tướng.

Vào năm 2005, tôi bị xét xử phi pháp và bị đưa vào tù, đại khái thì tôi chỉ xem việc ngồi tù như việc thay đổi hoàn cảnh tu luyện và giảng chân tướng, tôi còn xuất một niệm muốn cứu độ chúng sinh ở đây, tôi bị phân đến một nhà kho. Học viên Pháp Luân Công từng bị bắt giam trước đây đã mở ra một hoàn cảnh tu luyện tốt, vậy nên các học viên Pháp Luân Công cơ bản đều không lao động (những “người bị chuyển hóa” sẽ tham gia lao động để kiếm thành tích nhằm giảm án), vậy nên cũng không bảo tôi lao động, nhưng tôi sẽ chủ động giúp đỡ người giám sát làm một chút việc. Phần lớn thời gian tôi đều lấy cớ là luyện tập thư pháp mà chép Pháp, chép Hồng Ngâm, chép kinh văn, giảng chân tướng cho những cai ngục, những người phải ra ngoài làm giúp ở công xưởng, và những người đến nhà kho chịu án. Tổ coi ngục vì muốn kiếm tiền nên đã thúc bách nhân viên hậu cần, bao gồm cả trưởng phòng giam ép tù nhân đóng gói lá trà vượt định mức. Một hôm, cai ngục phụ trách quản lý các học viên Pháp Luân Công đến nói chuyện với tôi và muốn phân công tôi lao động, tôi hỏi anh ta: “Căn cứ đâu mà anh bảo tôi phải lao động?” Anh ta nói: “Những người khác đều lao động vậy tại sao anh không làm?” Tôi đáp: “Sao tôi có thể giống với họ được, bọn họ vào đây là do phạm tội, các anh phải bắt họ lao động cải tạo, hơn nữa họ còn được giảm án tù, làm gì cũng không bị hạn chế, cũng không bị ai liên tục giám sát cả. Còn tôi tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt mà bị bắt vào đây, giờ đã ngồi tù rồi còn bị người giám sát canh chừng nghiêm ngặt, ngay cả đi vệ sinh cũng bị giám sát, còn không được nói chuyện với người khác, lại không được giảm án tù, không được gọi điện thoại, không được gặp mặt người thăm viếng, dựa vào đâu mà anh còn bắt tôi phải làm việc? Hơn nữa, các anh còn muốn cải tạo tôi thành người thế nào nữa?” Anh ta đột nhiên thẹn quá hóa giận mà hỏi lại: “Rốt cuộc anh có làm hay không?” Tôi mỉm cười nói với anh ta: “Tôi vừa mới nói rồi, anh phải nói cho tôi biết dựa vào đâu mà bảo tôi phải làm việc?” Anh ta nghe tôi trả lời như vậy đành nói lại: “Không làm thì thôi”. Tôi thấy thái độ của anh ta cũng hòa hoãn rồi bèn nói với anh: “Kỳ thực lúc anh không bảo tôi lao động tôi cũng giúp đỡ người giám sát lao động, nếu anh bảo tôi làm thì tôi sẽ không làm, tôi có nguyên tắc của tôi”.

3. Làm việc gì cũng suy xét cho người khác trước

Sư phụ từng giảng: “Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân.” (Chuyển Pháp Luân). Trong thực tiễn tôi thể hội được rằng: khi đối diện với tất cả mọi người xung quanh, dù là người bức hại bạn đi nữa, làm việc gì cũng nên nghĩ xem hành vi của bản thân có gây tổn hại gì cho người khác không, nếu như chúng ta thật sự chiểu theo yêu cầu của Pháp, dùng thiện niệm mà đối đãi với hết thảy người xung quanh bạn, thì hoàn cảnh sẽ thay đổi tuỳ theo sự từ bi và thiện niệm của bạn.

Khi tôi mới bị ép phải vào tù, bị (phạm nhân) “giám sát” liền cảm thấy rất mất tự do, có loại cảm giác như bị khinh nhục, tôi cố ý không thuận theo, còn nảy sinh mâu thuẫn với “người giám sát”. Sau đó tôi hướng nội tìm bản thân, trừ bỏ đi tâm tranh đấu, tôi nghĩ họ cũng là những sinh mệnh bị tà đảng bức hại, vậy nên từ nội tâm tôi sản sinh ra một loại cảm xúc thương xót đối với họ, và còn khởi suy nghĩ muốn cứu độ họ. Khi có cơ hội tôi liền giảng chân tướng cho họ, đồng thời nói với họ rằng tôi có thể hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của họ, nhưng tôi cũng nói với họ rằng: “Nếu bất cứ chuyện gì của tôi các anh cũng đều báo cáo lên trên thì sẽ có thể dẫn đến hậu quả là cai ngục sẽ chỉ trách các anh làm việc thất trách, chứ sẽ không đến gây phiền phức cho tôi đâu. Hy vọng chúng ta đều có thể chung sống hoà ái với nhau.” Lúc mới đầu, bất cứ hành động nào mỗi ngày của tôi người giám sát đều ghi chép lại, về sau mỗi ngày họ cũng chỉ ghi chép lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Kỳ thực không có ai báo cáo lên trên, cảnh sát cũng sẽ không truy cứu đến cùng, vì vậy nên luyện công thì tôi vẫn luyện công, nên chép Pháp thì tôi vẫn chép Pháp.

Để tránh gây phiền toái cho “người giám sát”, khi làm bất cứ việc gì tôi cũng đều sẽ nghĩ cho họ, nếu là lúc luyện công tôi sẽ gắng hết sức tránh bọn họ, tuy họ sẽ không gây trở ngại cho tôi, nhưng nếu để người khác nhìn thấy cũng sẽ tạo thành gánh nặng tâm lý cho họ. Lúc đi ra ngoài một mình, tôi cũng sẽ gắng hết mức tránh chạm mặt với cai ngục, không gây phiền toái cho họ. Có lần khi tôi đến phòng tắm tắm rửa, người giám sát đã về trước rồi, tôi bèn đứng chờ bên ngoài phòng tắm, khi có người chịu án đi chung đường tôi liền đi cùng với anh ta. Người chịu án kia hỏi tôi: “Sao anh không tự đi một mình?” Tôi đáp: “Nếu chỉ có một mình tôi quay về, để cai ngục nhìn thấy, anh ta sẽ không nói gì tôi, nhưng nhất định sẽ gây phiền phức cho người giám sát.” Anh ta cảm thán rằng: “Người tu luyện Pháp Luân Công các vị ai cũng đều rất lương thiện, làm việc gì cũng đều nghĩ cho người khác.

Khi tôi luyện bài công pháp thứ năm “Thần thông gia trì Pháp”, tôi đều chọn thời điểm lúc sớm tinh mơ khi mọi người còn đang say giấc, cố gắng không để ảnh hưởng đến người khác. Đại đa số cai ngục trực ca đêm trên trạm canh gác đều đã hiểu rõ chân tướng, bọn họ thấy tôi luyện công cũng sẽ không gây trở ngại cho tôi. Một hôm, người giám sát (những người được phái đến giám sát tôi cơ bản đều là mấy trưởng phòng giam) đột nhiên nói với tôi: “Có cai ngục trực ca đêm nào đó ở trạm canh gác cáo trạng với tôi rằng thấy anh luyện công, nhưng tôi đã nói với hắn rằng, anh ấy luyện công thì liên quan gì đến anh, đúng là lo lắm chuyện bao đồng.” Ngoài ra anh ta còn nói với tôi người này thích nhất là gửi “báo cáo riêng”. Tuy rằng sau đó cai ngục kia không nói gì với tôi cả, nhưng từ lần đó trở đi, lúc luyện công nếu gặp phải ca trực ban của những người thích gửi báo cáo riêng đó thì tôi sẽ luyện công vào khoảng thời gian một tiếng đồng hồ giữa hai lần bọn họ đi tuần tra, tránh để bọn họ nhìn thấy, gây chuyện bất lợi đối với người giám sát, cũng tránh cho họ phạm tội đối với Đại Pháp.

4. Từ bi của đệ tử Đại Pháp song hành cùng sự uy nghiêm

Chúng ta là chiểu theo đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ để chỉ đạo chúng ta tu luyện, đối với chúng sinh cần mang tâm thái chân thành, thiện lương, nhẫn nại và bao dung. Đồng thời cũng cần có một tấm lòng rộng lớn như “Hải nạp bách xuyên” (biển dung chứa trăm sông), có thể nhẫn nỗi nhục chui háng (điển cố Hàn Tín), nhưng đối với tà ác (không phải với người bị tà ác khống chế) cũng cần phải có khí thế “nhất niệm khả phách sơn” (một niệm có thể xẻ núi), thể hiện được uy nghiêm của đệ tử Đại Pháp.

Vào năm 2002, khi tôi bị bắt giam phi pháp vào trại cưỡng bức lao động, có một lần trại cưỡng bức lao động đột nhiên tiến hành tra xét toàn bộ (vào ngày nhạy cảm hoặc vào thời điểm không định kỳ đều sẽ tiến hành tra xét toàn bộ). Khi toàn bộ các nhân viên trong trại lao động đều tập trung lại trong sân bóng để chuẩn bị khám xét toàn diện, tôi nhìn thấy tổ trưởng giám sát đi theo đội trưởng tiến vào phòng ở của tôi (từ sau khi tôi đình công thì bị giam một mình), qua một chốc lát sau tôi lại thấy đội trưởng cầm một chồng giấy bước ra, tôi vừa nhìn thấy là đồ vật của tôi liền chạy qua nói với anh ta: “Đây là đồ của tôi, anh lấy nó để làm gì?” Anh ta nói: “Đây là hàng phạm pháp, phải tịch thu.” Tôi nói: “Đây là bản thảo tập thư khiếu nại mà tôi viết gửi cho các lãnh đạo và ban ngành các cấp, đây là quyền lợi chính đáng dựa trên hiến pháp, hơn nữa đây cũng là quyền lợi hợp pháp mà trại cải tạo lao động quy định tôi được hưởng, sao lại trở thành hàng phạm pháp được chứ? Chưa có sự đồng ý của tôi, anh mà lấy thì là phạm pháp.” Anh ta vừa đi ra ngoài vừa nói: “Tôi nói đây là hàng phạm pháp thì là hàng phạm pháp.” Tôi liền lớn tiếng nói vọng theo: “Tôi muốn cáo trạng anh, anh phải bảo quản tốt đồ vật của tôi, thiếu mất một tờ cũng không được.” Anh ta vừa đi được không lâu lại quay về, ngoại trừ trong tay cầm theo chồng thư mà tôi viết, còn cầm theo một túi đựng tài liệu, anh ta nói với tôi bằng giọng tường hòa: “Theo như anh nói, trước mặt anh tôi bao lại cẩn thận đồ cho anh, giúp anh bảo quản thật tốt, lúc anh ra khỏi trại lao động rồi tôi sẽ trả lại.” Nói rồi anh ta bỏ tập thư vào trong túi đựng tài liệu, ngoài ra còn dùng một tấm giấy vải hay mang theo người cùng keo dán cao su để dán kín miệng túi đựng tài liệu lại, lúc tôi ra khỏi trại cưỡng bức lao động, anh ta đã đem trả lại những thứ này cho tôi như đã hứa.

Trong trại giam, cảnh sát hầu như đã coi bản thân mình là đại diện cho chính phủ, đụng chạm đến họ chính là đụng chạm đến chính phủ, nghe lời của bọn họ chính là nghe lời của chính phủ. Lúc cai ngục muốn gặp người chịu án nói chuyện cũng bắt buộc phải đứng nghiêm tư thế quân nhân, khi đi qua trạm gác của cảnh sát vũ trang hoặc đi vào văn phòng của cai ngục thì phải báo cáo: “Phạm nhân tên gì đó đi qua”; “Phạm nhân tên gì đó báo cáo”. Có tổ coi ngục còn đặt ra quy định: khi gặp cai ngục, không chỉ phải buông đồ vật trong tay xuống, đứng thẳng nghiêm trang, đầu cúi thấp, còn phải hô “Chào cán bộ!” Không chào thì sẽ bị phạt đeo xích chân (trưởng phòng giam cũng không ngoại lệ). Khi tôi từ một tổ coi ngục khác chuyển đến tổ coi ngục ở đây, có người nói với tôi: có học viên Pháp Luân Công nào đó chỉ vì không hô chào sĩ quan mà bị cùm tay treo lên cả nửa năm trời. Tôi thầm nghĩ: “Mình là đệ tử Đại Pháp, là hy vọng để chúng sinh có thể được cứu độ, mình không thể để những cảnh sát này bất kính đối với đệ tử Đại Pháp.” Khi tôi nhìn thấy cai ngục, tôi không hô “chào cán bộ”, nhưng lại chú ý tới họ, “Tâm sinh từ bi, mang theo ý an hòa” (Đại Viên Mãn Pháp), tôi gật đầu với họ một cái, những lúc như vậy cai ngục cũng sẽ mỉm cười gật đầu với tôi, tôi cũng không vì không hô “chào cán bộ” mà bị phạt tội.

Các học viên Pháp Luân Công không bị chuyển hóa trong trại giam sẽ phải đeo phù hiệu “nghiêm quản” màu đỏ. Tôi không đeo, một hôm trưởng phòng giam đến nói với tôi: “Nhân viên quản giáo bảo tôi đến hỏi anh tại sao không đeo thẻ ngực.” Tôi nói với anh ta: “Lúc tôi mới vào đây, khi anh đeo phù hiệu cho tôi, vì tôn trọng anh nên tôi đã không từ chối ở ngay trước mặt anh. Anh nói lại với nhân viên quản giáo, vì tôi tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn làm người tốt nên bị bắt giam vào đây, tôi không vi phạm quy định trong trại giam, vậy nên tôi không đeo phù hiệu.” Sau đó, cảnh sát trưởng đến gặp tôi nói chuyện, chúng tôi không hề nhắc đến chuyện đeo phù hiệu, tôi nói với anh ta về chuyện Giả Bảo Ngọc buông bỏ công danh để xuất gia trong tác phẩm “Hồng lâu mộng”, lại nhắc đến cuộc bức hại những học viên Pháp Luân Công vô tội này, chúng tôi đã nói chuyện rất hợp ý, về sau này anh ấy còn thường nhắc lại với người khác về một số nhìn nhận về vấn đề đạo đức truyền thống mà tôi đã nói đến.

Khi đến phòng của cai ngục, tôi không làm theo như yêu cầu của cai ngục rằng khi đi qua đường ranh giới thì phải báo cáo thế nào, mà lúc mới tiến vào phòng tôi đã hô: “Đệ tử Đại Pháp đi qua!” Lúc tôi vào trong văn phòng cũng không hô báo cáo, lúc cai ngục tìm tôi nói chuyện đều sẽ để tôi ngồi trên ghế nhỏ, không bảo tôi phải đứng. Vào một lần nọ trước đêm giao thừa, người giám sát thông báo với tôi rằng đội trưởng tổ giám ngục tìm tôi, thế là tôi liền trực tiếp đi vào văn phòng, hỏi câu như thường lệ: “Đội trưởng tìm tôi có chuyện gì vậy?” Đôi trưởng đang cùng mấy viên cảnh sát trực ban uống rượu, chủ nhiệm văn phòng nói với tôi: “Sao gặp đội trưởng mà cũng không báo cáo.” Chưa đợi anh ta nói xong, đội trưởng đã nói: “Không cần!”, đồng thời bảo tôi ngồi xuống, sau đó nói: “Trong tổ giám ngục anh có thể ngồi.” Sau đó anh ta nói: “Sắp đón giao thừa, tổ giám ngục có mua một ít trái cây khen thưởng khích lệ cho người chịu án hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng cho anh một phần.” Anh ta bảo chủ nhiệm văn phòng đưa cho tôi một túi trái cây, tôi hỏi anh ta “Còn chuyện gì nữa không?” Anh ta đáp “Xong rồi.” Tôi đáp lại một tiếng cảm ơn rồi đi ra ngoài.

Để giảng chân tướng, có lúc tôi cũng sẽ “phối hợp” với cảnh sát. Vào năm 2012, tôi lại bị bắt giam xét xử. Một hôm, người đội trưởng được phân công quản lý các học viên Pháp Luân Công lại gặp tôi nói chuyện (anh ta nói với tôi: cấp trên yêu cầu bọn họ mỗi tháng phải gặp tôi nói chuyện một đến hai lần”, sau đó anh ta yêu cầu tôi viết một bản tiểu sử sơ lược, từ trước đến nay tôi chẳng bao giờ ký bất cứ văn bản nào cho cảnh sát, lại càng không bao giờ viết bất cứ cái gì. Ban đầu tôi không đồng ý, anh ta lại yêu cầu hết lần này đến lần khác, hơn nữa còn yêu cầu tôi viết càng chi tiết càng tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội tốt để giảng chân tướng cho anh ta nên đã đáp ứng. Trong thời gian gần nửa tháng, tôi đã viết một bài “Con đường tu luyện của tôi” dài gần 20 nghìn chữ. Trong bài viết tôi đã kể lại chi tiết vì sao tôi tu luyện Pháp Luân Công, vì sao tôi kiên trì luyện Pháp Luân Công, sự bức hại đàn áp đối với Pháp Luân Công đã vi phạm hiến pháp và pháp luật, việc dùng điều thứ 300 trong Bộ luật hình sự để phán xử định tội đối với Pháp Luân Công là “bịa đặt tội bừa bãi”, dẫn đến việc tôi nhiều lần bị bức hại do kiên trì đối với tín ngưỡng. Một ngày nọ, anh ta lại đến gặp tôi nói chuyện, vẫn là cuộc nói chuyện như thường lệ. Tôi hỏi anh ta: “Anh đã đọc bài mà tôi viết chưa?” Anh ta đáp: “Chưa.” Tôi liền nói: “Đây là bài mà tôi đã viết theo yêu cầu của anh, mất nửa tháng mới viết xong, anh hãy đọc xong rồi chúng ta lại nói chuyện tiếp.” Gần một tháng nữa trôi qua, anh ta lại đến gặp tôi nói chuyện, vừa gặp mặt tôi liền hỏi anh ta: “Anh đã đọc bài viết của tôi chưa?” Anh ta đáp: “Đọc rồi, hơn nữa tôi còn đọc hai lần, anh viết rất tốt, tôi rất tán đồng quan điểm của anh.” Từ sau lần nói chuyện đó, anh ta không còn đến gặp tôi nữa.

Vào năm 2010, ngày thứ hai sau khi tôi từ trại giam về nhà, cảnh sát đồn công an, phòng 610, cùng bảy tám nhân viên an ninh phường mang quà đến nhà “thăm hỏi” tôi, trong khi nói chuyện, cảnh sát quản lý hộ khẩu bảo tôi đến đồn công an để làm thủ tục (lăn dấu vân tay, ký tên), làm đăng ký hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân mới. Tôi nói với anh ta tôi không phạm tội gì cả, ngồi tù vốn dĩ là do bị bức hại, tôi không đi. Anh ta nói: “Không làm thủ tục thì không thể làm đăng ký hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân.” Tôi đáp: “Không làm thì không làm, có đăng ký hộ khẩu hay không thì tôi vẫn là một công dân Trung Quốc, hơn nữa tôi còn là một đệ tử Đại Pháp.” Mấy tháng sau, một ngày cảnh sát quản lý hộ khẩu gọi điện thoại cho tôi bảo tôi đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu và chứng minh nhân dân, tôi hỏi: “Cần phải có điều kiện gì không?” Anh ta nhanh chóng đáp: “Không có, lãnh đạo cục công an đã nói rồi, do trường hợp của anh đặc biệt, họ đồng ý cho anh làm đăng ký hộ khẩu và chứng minh nhân dân.” Ngày hôm sau, tôi liền đến đồn công an thuận tiện xử lý ổn thỏa mấy sự vụ liên quan đến đăng ký hộ khẩu và chứng minh nhân dân.

Tôi chỉ chiểu theo yêu cầu của một người tu luyện mà làm những điều bản thân nên làm, nhưng do một thời gian dài không thể học Pháp và tu luyện bình thường, lệch rời khỏi yêu cầu của Sư phụ một khoảng thật lớn, để lại rất nhiều nuối tiếc. May thay Chính Pháp vẫn chưa kết thúc, tôi chỉ biết trong giai đoạn cuối cùng này, học Pháp thật tốt, hướng nội tu bản thân, làm tốt ba việc mà đệ tử Đại Pháp cần làm, giảng chân tướng thật tốt, cứu thêm nhiều chúng sinh, thực hiện lời thề nguyện của bản thân khi đến đây.

Trên đây chỉ là chút thể ngộ của tôi, nếu có điều gì chưa phù hợp, kính mong đồng tu từ bi chỉ rõ!

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/266188



Ngày đăng: 08-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.