Thiển ngộ về Pháp lý “hướng nội tìm”



Đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[ChanhKien.org]

Nhìn lại chặng đường tu luyện mấy năm nay, tôi phát hiện tôi đều đang làm “cả ba việc”, nhưng đều không làm được tốt; trạng thái tu luyện lúc tốt lúc dở, cảm giác tầng thứ tu luyện cũng không có đột phá gì lớn, có lúc còn bị lùi một đoạn. Gần đây khi bắt đầu tĩnh tâm lại, tôi muốn ngộ một chút trên Pháp lý “hướng nội tìm”, coi xem vấn đề xuất hiện ở đâu? Cái ngộ này còn thật sự giúp tôi phát hiện ra vấn đề.

Thứ nhất, không muốn “hướng nội tìm”

Trên chặng đường tu luyện mấy năm nay, tôi rất ít khi nghiêm túc hướng nội tìm, có tìm cũng chỉ trên bề mặt, hoặc tìm được rồi cũng chỉ dừng ở đó, không tu bỏ đi những chấp trước này.

Vậy vì sao tôi lại rất ít “hướng nội tìm”? Là vì không biết được sự quan trọng của Pháp lý này sao? Cũng không hoàn toàn là vậy, then chốt là tôi có một quan niệm sai lầm: tôi không muốn nhìn thấy điều không tốt của bản thân (tâm hư vinh), cảm thấy rất mất mặt, rất thất bại (tâm chấp vào thể diện), vậy nên tôi không muốn tìm; ngược lại, tôi chỉ muốn nhìn vào mặt mà bản thân làm được tốt, tự bản thân cảm thấy tốt đẹp (tâm hiển thị). Tôi lại thật sự không ngờ rằng: đây là một cách nghĩ cực kỳ ngu dốt.

Trong Pháp, Sư phụ từng nói với chúng ta rằng: đối với người tu luyện mà nói, “hướng nội tìm” là Pháp bảo. Đối với tu luyện của đệ tử Đại Pháp mà nói, chỉ có hướng nội tìm, phát hiện được những vấn đề và thiếu sót của bản thân, thì mới có thể dùng Pháp mà tu chính lại từng ý từng niệm, từng hành vi của bản thân, mới có thể từ trong Pháp mà nhìn sự việc, dựa theo Pháp mà hành, đây chính là đang đề cao tâm tính, đang đồng hóa với Đại Pháp! Nếu chỉ dừng lại ở chỗ “tự bản thân cảm thấy tốt đẹp” thì làm sao tu? Vậy cũng không cần tu nữa rồi.

Vậy nên việc không muốn “hướng nội tìm” này kỳ thật vẫn là thuộc về vấn đề không tín Sư không tín Pháp, nếu như thật sự tín Sư tín Pháp rồi, thì sẽ xem việc “hướng nội tìm” như bảo vật, vậy còn có thể không muốn “hướng nội tìm” sao? Việc “hướng nội tìm” là căn bản trong tu luyện của đệ tử Đại Pháp chúng ta. Đây là Pháp lý quan trọng nhất.

Thứ hai, chỉ “hướng nội tìm” trên bề mặt, tìm rồi cũng không phát hiện ra vấn đề

Cá nhân tôi cảm ngộ rằng, nguyên nhân là vì: một mặt là do học Pháp không học tốt, học Pháp trên hình thức, về yêu cầu của Pháp lý thì còn chưa nghiêm túc khắc ghi trong tâm; một mặt khác là do sau khi học Pháp rồi thì còn chưa nghiêm túc dùng Pháp để đối chiếu bản thân (cứ luôn dùng Pháp để đối chiếu người khác).

Từ Pháp lý mà lý giải, việc “hướng nội tìm” vốn không khó, chỉ cần chúng ta nghiêm túc, kỹ lưỡng đối chiếu thân, khẩu, ý của chúng ta với yêu cầu của Đại Pháp, coi xem làm sai ở những chỗ nào? (làm sao để tu chính lại); những quan niệm nào không phù hợp với Pháp (tu chính lại); những phương diện nào còn xa rời thật xa khỏi yêu cầu của Pháp (làm sao để cố gắng đạt được yêu cầu của Pháp).

Ngoài ra, việc “hướng nội tìm” mà tôi hiểu còn có một vấn đề thâm sâu, nếu như chỉ hướng nội tìm trên bề mặt, có thể sẽ rất khó nhìn thấu chân tướng của chấp trước này, nếu muốn tu bỏ nó đi có thể sẽ không dễ dàng, bởi vì còn chưa tiến vào được tầng thâm sâu đó của chấp trước, nên không động đến nó được. Chẳng hạn như nói: tâm sắc dục, trong cái chấp trước này hàm chứa nghiệp tư tưởng sắc dục rất nhiều và rất sâu, mà quá trình hình thành nghiệp tư tưởng này không chỉ là trong một lúc, do một việc mà thành, mà vốn là trải qua một thời kỳ rất lâu dài, do vô số niệm đầu sắc dục vun đắp và tích lũy nghiệp tư tưởng thành núi, khi đối diện với những thứ như vậy, nếu như không tiến vào tầng thâm sâu sản sinh nghiệp lực tư tưởng, không dốc hết sức lực, không khổ công thì sẽ rất khó thanh trừ toàn bộ.

Mà nếu muốn triệt để thanh trừ nó, không tiếp tục sản sinh ra nó nữa, vậy cần phải triệt để thay đổi cách nhìn, quan niệm của chúng ta đối với sắc dục; khi chúng ta có thể dùng tiêu chuẩn của Pháp, cũng chính là tiêu chuẩn của Thần Phật để nhìn nhận chủng chấp trước sắc dục này, chúng ta mới có thể siêu việt nó, thoát ra khỏi nhận thức của con người.

Vậy nên, khi chúng ta “hướng nội tìm”, thì điều rất cần thiết là phải quay trở lại trong những cảnh tượng thời không đã tạo nghiệp vô số kia trong cuộc đời của chúng ta, quay trở lại vào trong cảnh tượng thời không khi đó, tìm ra những niệm đầu tư tưởng tà ác tạo nghiệp vô số, cũng là những niệm đầu không phù hợp với Đại Pháp, phân rõ chính tà, kiên định chính niệm, phủ định tà niệm, nỗ lực thay đổi sai lầm trước đó, quyết tâm về sau sẽ không tái phạm sai lầm tương tự. Làm như vậy, tuy rằng không thể thay đổi lịch sử, nhưng có thể quy chính lại tâm niệm của chúng ta, sẽ là rất tốt trong việc đi thật tốt con đường tu luyện của chúng ta sau này.

Thứ ba, khi mâu thuẫn xuất hiện thì “hướng ngoại tìm, hướng ngoại tu”

Đôi mắt của con người khi mở ra thì sẽ nhìn ra ngoài. Nhưng người tu luyện chúng ta không thể bị giới hạn bởi chủng phương thức nhận thức sự vật này của người thường, chúng ta phải dùng tiêu chuẩn của Pháp làm “mắt” để nhận thức vấn đề.

Từ trong Pháp chúng ta đều có thể biết rằng, thời điểm mâu thuẫn phát sinh chính là thời cơ để thúc giục chúng ta hướng nội tìm, là cơ hội tốt để tu bản thân mình; nếu lúc này chúng ta “hướng ngoại tìm, hướng ngoại tu”, vậy chính là đã hoàn toàn xa rời khỏi yêu cầu của Pháp.

Thông qua học Pháp chúng ta sớm đã hiểu rõ, một đời của đệ tử Đại Pháp đã được Sư phụ an bài cho chúng ta, là một đời tu luyện. Khi mâu thuẫn đến, khi xuất hiện vấn đề chính là thời cơ tốt để chúng ta sử dụng Pháp bảo “hướng nội tìm”, chỉ cần chúng ta biết vận dụng Pháp bảo này, hình thành nên thói quen “hướng nội tìm”, vậy nhất định việc đề cao trong tu luyện sẽ rất nhanh.

Nhận thức còn có hạn, kính mong đồng tu từ bi chỉ rõ.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/26721



Ngày đăng: 17-05-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.