Ngẫm lại việc tu luyện một cách toàn diện và nghiêm túc sau khi đột phá quan tình



Tác giả: Tịnh Liên

[ChanhKien.org]

Sau mấy năm bị vây hãm trong quan tình, gần đây tôi đã có được một số đột phá, vậy nên tôi muốn chia sẻ cùng đồng tu một số tâm đắc tu luyện của cá nhân. Do tầng thứ hữu hạn, chỉ hy vọng có thể cung cấp một tấm gương phản chiếu cho những đồng tu vẫn còn đang vướng trong quan tình, nếu có điểm chưa phù hợp, xin từ bi chỉ rõ.

Quan tình này của tôi biểu hiện là có tình cảm với một đồng tu nam đã kết hôn tên là A, việc này không hề động chạm đến bất kỳ lời nói hoặc hành động không đúng đắn nào, nhưng tôi thường mơ mộng viển vông và cảm thấy khó thoát khỏi nó. Tôi đã tìm thấy rất nhiều chấp trước, và tôi cũng đã tham khảo nhiều giao lưu của các đồng tu, tôi nhận ra rằng một khi quan tình xuất hiện (ở đây là chỉ tình cảm nam nữ, hoặc nó cũng có thể gọi là quan tình sắc dục), thông thường minh chứng rằng phương diện thực tu của tôi rất yếu kém, nhân tâm nặng nề. Vì vậy, tôi nghĩ thay vì chỉ nhắm thẳng vào một vấn đề này mà tìm kiếm chấp trước, tốt nhất nên xem xét kỹ những sơ hở trong tu luyện của bản thân một cách toàn diện.

Khao khát của kiếp nhân sinh

Tôi thích đọc tiểu thuyết ngôn tình từ khi còn nhỏ, bị ảnh hưởng bởi những quan niệm biến dị, tôi cảm thấy ái tình mới là bến đỗ của đời người và là điều mỹ hảo nhất trên thế gian. Từ nhỏ, tôi đã được gia đình, họ hàng, bạn bè và hàng xóm cưng chiều, khen ngợi, tôi hưởng thụ cảm giác vượt trội hơn người khác mà danh lợi tình mang đến. Ở trường học, do không có được sự nuông chiều như trong hoàn cảnh gia đình nên bản thân tôi không thấy thoải mái lắm, tôi vẫn cảm thấy mình nên là người được yêu thương và khen ngợi nhiều nhất, tất cả mọi người đều nên đối xử ấm áp và quan tâm đến mình. Mang theo quan niệm này nên khi tôi đọc những tình tiết trong tiểu thuyết, thấy nhân vật nữ chính vốn có cuộc sống không như ý nhưng sau khi gặp nhân vật nam chính thì cuộc đời đã xảy ra những thay đổi to lớn, như thể cô ấy có được cả thế giới, tôi đã không thể không khao khát điều đó.

Trong đời thực, tôi không hề có cơ hội gặp được cái gọi là “ái tình” mà tôi khao khát, nhưng tình yêu giữa nam và nữ đã trở thành mộng tưởng cả đời của tôi. Ngay cả sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi vẫn mãi không buông cái tâm này.

Tôi gặp A vài năm trước, A sở hữu những phẩm chất đặc biệt như trong lý tưởng của tôi, vì vậy tôi sinh ra một cảm tình mạnh mẽ. Mặc dù không có gì vượt ngoài phép tắc trong những lần giao tiếp, nhưng tôi mơ hồ cảm thấy rằng A cũng có tình cảm mãnh liệt như vậy đối với tôi. Khi loại cảm tình này mới xuất hiện, tôi đã hoàn toàn bị anh ấy cuốn hút, từ lời nói đến tính cách, tôi đều nghĩ anh ấy hoàn hảo. Sau này, trong lúc hướng nội, tôi nhận ra rằng thực ra bản thân thích anh ấy không phải vì những điều này. Điều quan trọng nhất là anh ấy đã mang đến cho tôi những gì tôi hằng mơ ước: Được yêu thương, quý trọng, được thừa nhận và tán thưởng, được quan tâm và thấu hiểu, hơn nữa tình cảm này còn đến từ quyền lực (vì A rất có uy tín trong các đồng tu). Nói cách khác, về cơ bản, tôi thích anh ấy không phải vì anh ấy tốt như thế nào, mà vì anh ấy thỏa mãn được nhu cầu tạo ra bởi nhân tâm của tôi.

Danh vọng và hư vinh

A rất thừa nhận khả năng của tôi, tâm cầu danh và hư vinh (hy vọng được người khác công nhận và khen ngợi) của tôi đã được thỏa mãn cực độ, một dạo tôi đã từng cảm thấy rằng mình thông minh và có bản sự hơn rất nhiều đồng tu xung quanh. Một loại quan niệm rất tự ngã mà tôi dưỡng thành từ lúc nhỏ đã khiến tôi luôn luôn cảm thấy rằng người công nhận tôi là người thấu hiểu tôi, giống như Bá Lạc nhận ra được Thiên Lý Mã (người thời Xuân thu, nước Tần, giỏi xem tướng ngựa, dùng để chỉ những người giỏi phát hiện và bồi dưỡng nhân tài), còn những người không công nhận tôi mới là không biết phân biệt tốt xấu, vì vậy trong thâm tâm tôi cũng không tiếp nhận những người không công nhận tôi. Tôi thấy một số bài giao lưu của đồng tu đề cập đến việc không nên tán dương đồng tu quá mức, nếu không, ngược lại có thể sẽ hại đồng tu (tán tụng hại chết người). Mà những tán dương từ người khác phái lại càng dễ dẫn đến việc phát triển tình cảm nam nữ. Mặt khác, tôi cũng công nhận A và thậm chí là ngưỡng mộ anh ấy, anh ấy hiển nhiên cũng rất thoải mái trước sự ngưỡng mộ của tôi.

Sư phụ có giảng:

“Đệ tử: [Sư phụ] có thể cho chúng con biết căn nguyên của tâm hư vinh là gì không?

Sư phụ: Tình. Chư vị thích người khác nói chư vị là tốt, chư vị thích người khác khen và tâng bốc chư vị, chư vị thích người khác tôn trọng chư vị; bất cứ sự tình gì làm tổn hại hình tượng của chư vị thì chư vị đều sợ, [tất cả thứ đó] đã sản sinh ra một trạng thái tâm lý, chính là tâm hư vinh, nó là một chấp trước. Tâm giữ thể diện, cũng rất là mạnh. Kỳ thực khi chư vị phóng hạ tâm, không mang theo gánh nặng đến vậy, [chư vị] tu sẽ nhanh hơn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])

Sư phụ giảng:

“Tâm danh lợi của con người là khó bỏ nhất. Ai mà nói mình tốt thì hãnh diện lắm, ai ai cũng có loại ý thức tiềm tại rất ngoan cố này. Ai mà khen mình thì thấy quả là lâng lâng lắm; ai mà gọi chư vị một tiếng khí công sư, ái chà, bạn chữa khỏi bệnh cho tôi rồi, bản sự của bạn lớn thật, bạn quả là không biết là tốt đẹp đến nhường nào.” (Giảng Pháp trong buổi ra mắt cuốn «Chuyển Pháp Luân» tại Bắc Kinh)

Ngoài việc ngưỡng mộ lẫn nhau và tăng trưởng chấp trước vào danh, chúng tôi còn trao đổi quan điểm về những người khác. Quan điểm của chúng tôi cũng tương tự nhau, chúng tôi dường như có thể nhìn thấy chính xác những khiếm khuyết của người khác, phân tích một cách rất có lý lẽ rất có cơ sở, còn cảm thấy rằng chúng tôi rất khách quan, không hề bóp méo hay phóng đại. Trên thực tế, nếu toàn bộ những ưu khuyết điểm của một người đều bộc lộ hết ra ngoài, không lẽ những người khác lại không nhìn thấy vấn đề mà chúng tôi nhìn thấy hay sao? Hay là mọi người nhìn thấy mà không nói ra? Lẽ nào chúng tôi cao minh hơn những người khác? Không phải vậy mà ngược lại, đây chính là khác biệt về cảnh giới tâm tính.

Chúng tôi dùng tiêu chuẩn của bản thân để đánh giá người khác. Theo tiêu chuẩn này, chúng tôi luôn rất chính xác và đứng từ trên cao nhìn xuống. Nói đến điểm này, tôi phát hiện rằng bản thân mình cũng như vậy khi giao lưu với các đồng tu khác. Một khi cả hai bên đều đồng thời có ý kiến ​​về người nào đó hoặc cùng phàn nàn về một chuyện gì đó, thì dường như cả hai đã có một ngôn ngữ chung và sẽ dễ dàng xích lại gần nhau hơn. Ví dụ, một lần tôi gặp một học viên nữ cũng có ý kiến giống tôi ​​về một điều phối viên địa phương, cả hai chúng tôi đều thấy một số vấn đề nghiêm trọng. Sau khi trao đổi quan điểm, chúng tôi cảm thấy chúng tôi có cùng nhận thức ở rất nhiều điểm. Sau đó, tôi thường liên lạc với đồng tu này và nói chuyện say sưa. Tôi nhận thấy các đồng tu xung quanh mình cũng có vấn đề này, một số người thân nhau đều có cùng nhận thức về một phương diện nào đó, nhưng nếu như những nhận thức chung này không phải dựa trên Pháp, mà là một quan niệm chung hay thậm chí là oán hận sinh ra từ nhân tâm chung hay lợi ích chung, thì thực tế là rất nguy hiểm, bởi vì nó sẽ gia tăng quan niệm tự cho rằng bản thân mình là đúng. Sư phụ giảng:

“Nếu mỗi cá nhân ai trong họ cũng cảm thấy bản thân có bản sự, họ đều cảm thấy năng lực của mình mạnh, họ đều cảm thấy điều mình nói là đúng, cứ cứng nhắc không thôi, kỳ thực vào lúc ấy, những ai cứng nhắc không thôi kia là có vấn đề. Tư tưởng họ nghĩ rằng ‘biện pháp của tôi có thể làm tốt hơn cho Pháp’, chứ họ tuyệt [đối] không nghĩ rằng ‘tôi đang hiển thị bản thân tôi’, mà cựu thế lực liền tóm chắc điểm mà họ nắm cứng đó, không ngừng tăng cường nó lên —bạn là đúng, bạn là đúng, bạn làm rất là đúng!— do đó lúc ấy là không thanh tỉnh.”(Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Bản thân việc đi nhìn vấn đề của người khác đã là không đúng, Sư phụ đã từng giảng về Pháp lý rằng nhìn thấy vấn đề của người khác thì cần xoay lại xem bản thân mình. Hơn nữa chúng tôi đều là dùng nhãn quan của con người để xét người xét việc, vậy chẳng phải chính là người thường sao? Sư phụ giảng:

“Chư vị nếu không thể dùng chính niệm chỉ đạo chư vị, chư vị không thể giống như một đệ tử Đại Pháp dùng tiêu chuẩn người tu luyện để đo lường chính mình, đo lường thế giới, đo lường người khác, vậy chư vị chính là như người thường.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp)

Từ danh kéo sang tình

Khi giao lưu với A trong tâm luôn có cảm giác tâm ý tương thông, thông thường chúng tôi đều không bàn mà có cùng cách nghĩ, hai bên đều cảm thấy rất hòa hợp. Sau đó, tôi sẽ mơ tưởng hão huyền, có lúc còn cảm thấy như chúng tôi chính là tri kỷ của nhau. Tuy rằng ngôn hành đều không vượt khỏi khuôn phép, nhưng trong tâm, tôi đã đi lệch đường rồi, trong tư tưởng có rất nhiều cảm tình nhập nhằng, chỉ vì đều biết bản thân là người tu luyện nên mới có thể hộ trì lễ tiết giữa hai bên.

Do chấp trước vào A, tôi trở nên thờ ơ lãnh đạm với những chuyện khác, như thể điều gì cũng không quan trọng nữa. Tôi nhớ có một lần sau khi nói chuyện với A xong (nội dung bình thường), tôi cảm thấy cả người nhẹ bẫng, một hai ngày liền đều có loại cảm giác này, hơn nữa còn suy nghĩ miên man vô định. Sau đó, tôi đọc được một số bài viết nói rằng loại cảm giác này tương tự như cảm giác nhẹ bẫng xuất hiện sau khi người ta dùng thuốc phiện.

Bây giờ thanh tỉnh quay đầu nhìn lại, tôi mới thấy thật ra loại cảm giác như gặp được người tri kỷ này là hư ảo, nguyên nhân sâu xa là tâm cầu danh của mỗi người và những chấp trước chung của cả hai đều được thỏa mãn, vậy nên mới sản sinh ra tình với người kia. Trong Pháp, Sư phụ đã giảng Pháp lý về việc một người tu luyện nên đối đãi như thế nào khi được người khác tán dương, đó đều là khảo nghiệm. Sau khi thành kính đọc lại Pháp của Sư phụ, tôi cảm thấy bản thân mình lúc ấy sao lại quên hết mọi thứ được?

“Làm người tu luyện, thì hết thảy những khổ não gặp ở người thường đều là vượt quan; hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm.” (Người tu tự ở trong ấy)

“Đột nhiên một hôm, chư vị thấy một vị Đại Thần Tiên vừa cao vừa lớn đến. Đại Thần Tiên này khen chư vị hai câu, rồi dạy chư vị vài thứ; nếu chư vị cũng nhận, thì công của chư vị đã bị loạn mất rồi.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ sáu)

Truy cầu kích thích tinh thần

Tôi ngẫm lại và phát hiện ra rằng, chấp trước vào tình của mình là kết quả của thất tình lục dục quá mạnh, dẫn đến truy cầu những thứ kích thích mạnh, mà tình cảm nam nữ lại là thứ có kích thích mạnh nhất, giống như hút thuốc phiện rồi thì mọi thứ khác so ra đều nhạt nhẽo vô vị. Chính vì vậy mà tôi mới ngày càng trở nên thờ ơ với mọi thứ, đôi khi còn xuất hiện tâm lý tiêu cực chán chường giống như người nghiện ma túy, đây chính là tâm thái xuất hiện khi dục vọng mạnh mẽ không thể được thỏa mãn. Người có thất tình lục dục tương đối nhẹ có thể tận hưởng sự bình dị đạm bạc mà cuộc sống ban tặng, họ tự hài lòng với những điều thường nhật. Họ sẽ không truy cầu kích thích tinh thần, cũng sẽ không chấp trước vào tình cảm nam nữ đến như vậy.

Sự truy cầu kích thích tinh thần từ tình xuất phát từ các khái niệm biến dị hiện đại trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, nó biểu hiện ở việc theo đuổi cái gọi là “tình yêu đích thực”, “đam mê”, “tri kỷ”, “bạn tâm giao”, v.v…, coi những thứ này là mục tiêu theo đuổi cao nhất trong cuộc đời. Nhưng các giá trị quan truyền thống đều không có những thứ này, lý niệm truyền thống xưa nay chưa bao giờ nhấn mạnh “tình yêu”, bởi vì bản thân hôn nhân là do nhân duyên quyết định, và ý nghĩa của hôn nhân cũng không phải là để tận hưởng niềm vui của tình yêu. Trên thực tế, bản thân loại trạng thái say mê giữa nam và nữ không phải là trạng thái chính thường của sinh mệnh, không cần truy cầu, cũng không có cách nào duy trì trạng thái này quá lâu, kể cả trong việc yêu đương và hôn nhân thông thường. Thử tưởng tượng, nếu một người bị rơi vào trạng thái lâng lâng như dùng ma túy, rối loạn lộn xộn trong một thời gian dài, liệu anh ta có còn là người bình thường không?

Tôi thường hay thích gì làm nấy, rất tùy hứng, mặc dù sau khi tu luyện đều làm những việc chính đáng, nhưng cái tâm này vẫn chưa tu bỏ. Ví dụ, khi tôi muốn sự việc nào đó hoặc lên kế hoạch làm gì đó, nhưng bị người khác làm gián đoạn, tôi liền cảm thấy không vui, sinh ra cảm giác sốt ruột và tâm trạng phiền phức chán ngán; hơn nữa bản thân tôi khi làm việc cũng không làm theo kế hoạch một cách lý trí, mà toàn làm theo hứng thú, cũng không tự kiềm chế bản thân, đôi khi càng làm càng hăng, sản sinh loại tâm làm việc mà không tiết chế. Tôi ngộ ra rằng sự tùy hứng cũng là một biểu hiện của dục vọng mạnh mẽ, những thứ này đều cần nhắm thẳng đến trong quá trình tu tâm đoạn dục, chứ không phải chỉ đơn thuần nhắm vào tình sắc dục. Khi những dục vọng này trở nên nhẹ đi rồi thì tình sắc dục cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều.

Tự đại (kiêu ngạo)

Rất nhiều đồng tu đã nói về mối quan hệ giữa sắc tình và tâm tự đại, cá nhân tôi cảm thấy rằng hai thứ này nuôi dưỡng và gia cường cho nhau.

Sau khi tình sản sinh, cộng với sự thành công của hạng mục, tự ngã của tôi trở nên vô cùng bành trướng. Biểu hiện là tôi coi thường rất nhiều người, cảm thấy ai đó vụng về, ai đó văn hóa đảng, ai đó đạo đức giả, ai đó ra sao ra sao,… Tự ngã này còn làm rất nhiều nhân tâm trở nên mạnh hơn, ví như: không để người khác nói, tranh luận đúng sai, tâm hiển thị, tật đố, oán hận, cầu an dật, hay nổi nóng,… Dường như một chút không vừa ý cũng không chịu được.

Sau khi sinh ra tâm tự đại, lại liên quan đến ái kỷ (tự yêu bản thân mình), tự phụ, rồi trộn lẫn cùng tự ti, hư vinh, tự cho mình đúng, thích làm thầy người khác, thiếu hụt tự nhận thức về bản thân. Tôi cũng gia tăng thêm kỳ vọng bản thân được người khác công nhận và trở nên nhạy cảm, dục vọng về tình và danh cũng bành trướng lên, đặt bản thân ở một điểm cực cao, không cách nào chấp nhận được việc bị người khác cự tuyệt, không cách nào chấp nhận việc thất bại hoặc bị chê cười. Lúc này, trong những người xung quanh, cũng chỉ A là có thể thỏa mãn được cái giả ngã đang bành trướng lên này, ngược lại, tôi cũng làm thỏa mãn tự ngã cường đại của A.

Loại tự đại này không phải là vấn đề nhỏ, tự tâm sinh ma chính là bắt nguồn từ tâm tự đại. Cá nhân tôi nhận thức rằng, một khi sản sinh ra tâm tự đại, thì tâm tính đã bắt đầu rớt xuống rồi. Tự đại cũng chính là kiêu ngạo, Ki-tô giáo cho rằng kiêu ngạo là bản tính của ma quỷ, rất nhiều thiên thần sa ngã chính là do kiêu ngạo dẫn đến. Thần thích những sinh mệnh khiêm nhường.

Trong tu luyện, tôi phát hiện rằng, bản thân mình trước đây tìm ra rất nhiều tâm chấp trước, nhưng luôn khá thờ ơ bỏ qua tâm tự đại, tự đại, hiển thị và coi thường người khác (tật đố) liên quan mật thiết với nhau. Về điểm này, tôi luôn không hiểu tại sao bản thân mình rất không coi trọng những tâm này, trong những đồng tu xung quanh tôi cũng có hiện tượng như thế, có người hoàn toàn không ý thức được tâm tự đại của bản thân, hoặc không cho rằng đây là vấn đề gì lớn. Đặc biệt là sau khi một hạng mục thành công, rất nhiều đồng tu đều sinh ra những nhân tâm như tự đại, thổi phồng,…Sau đó gặp phải đủ loại ma nạn. Đây là một vấn đề chúng ta nên đặc biệt cảnh giác.

Cá nhân tôi cho rằng, khiêm nhường là một loại trạng thái thông với Thần, thái độ càng khiêm nhường, tâm tính phương diện này càng cao, mới có thể nhìn thấy ưu điểm của người khác, mới có thể đắc được điểm hóa của Thần mà đề cao bất kỳ lúc nào. Mà tâm tự đại lại khóa cứng con đường thăng hoa của bản thân chúng ta. Đường Tăng trong “Tây Du Ký” tôn xưng nữ thí chủ là “Nữ Bồ Tát”, việc này đã triển hiện sự kính ngưỡng trước Phật Pháp và tâm thái khiêm nhường trước chúng sinh của một người tu luyện.

Sau khi nhận thức rõ tâm tự đại và bước ra khỏi nó, tôi quay đầu lại nhìn mới thấy bản thân mình trước đây thật quá mù quáng và không tự biết mình. Sau này, tự ngã đã dần dần thu nhỏ từng chút một, nhưng qua mỗi một giai đoạn, tôi lại phát hiện bản thân vẫn xem thường người khác, mặc dù những người tôi cảm thấy xem thường càng ngày càng ít, nhưng chứng tỏ rằng tự ngã vẫn chưa đủ nhỏ. Sau khi thu nhỏ tự ngã một chút nữa, tôi lại phát hiện bản thân vẫn còn phàn nàn về người khác trong tâm. Nhìn từ bề mặt thì là người khác làm sai, nhưng thực chất vẫn là tôi đang cho rằng bản thân mình đúng, lại chứng tỏ rằng tự ngã vẫn chưa đủ nhỏ, cần thêm một bước nữa không ngừng thu nhỏ lại. Cuối cùng cần đạt được so với bất kỳ ai cũng thấy bản thân thấp hơn (lòng dạ thấp hơn, năng lực thấp hơn) thì mới được, vậy thì cũng sẽ không phàn nàn người khác, sẽ không tranh với người khác, cũng sẽ không nhìn chỗ không đúng của người khác nữa. Đây là một chút nhận thức hiện tại của tôi.

Khi mang theo tâm tự đại thì đứng trước rất nhiều sự việc, bản thân tôi đều là từ trên nhìn xuống, ví dụ, trước đây khi đọc những bài giao lưu trên Minh Huệ Net, tôi cảm thấy bài viết này hay, bài viết kia bình thường, bài viết này có gợi mở cho tôi còn bài viết kia không cùng tình huống với tôi, thực chất là bình luận khi mang theo tâm thái từ trên nhìn xuống. Ở nhóm nhỏ học Pháp cũng như vậy, tôi thường cảm thấy giao lưu của rất nhiều đồng tu không có chất lượng, dài dòng, không biểu đạt được ý, nhận thức nông cạn. Đối với hạng mục cũng vậy, vì thời gian tham gia lâu rồi nên bản thân cảm thấy mình có thể nhìn ra rất nhiều vấn đề từ trên xuống dưới, từ vấn đề của người điều phối cho đến vấn đề của đồng tu phổ thông, tôi tự cảm thấy như mọi chuyện tôi chỉ cần nhìn qua là biết vậy. Thực tế đây không phải là bản thân tôi cao minh, mà ngược lại đây là vấn đề nghiêm trọng trong tâm thái cá nhân: Coi thường hết thảy.

Sau khi thu nhỏ tự ngã, tôi nhìn người nhìn sự việc dần dần biến thành nhìn từ dưới lên, hiện tại tôi cảm thấy mỗi bài giao lưu trên mạng đều khiến tôi thu được rất nhiều lợi ích, có bài tôi còn lưu lại để về sau đọc lại. Ở nhóm học Pháp cũng vậy, tôi cảm thấy có thể học được rất nhiều từ các đồng tu, nếu nhìn thấy điểm thiếu sót của đồng tu thì bèn xoay ngược lại soi xét bản thân mình.

Tức giận phát hỏa

Đồng tu đã từng đề cập đến trong các bài giao lưu rằng, rất nhiều đồng tu không qua được quan sắc dục đồng thời cũng khá dễ nổi nóng, thuộc dạng tính tình nóng nảy. Tôi cũng cảm thấy có một số quan hệ giữa hai thứ này. Người có sắc dục mạnh thường truy cầu kích thích tinh thần, chấp trước vào cảm thụ của bản thân, ham thích hưởng lạc, hơn nữa còn truy cầu một loại cảm thụ cực lạc. Còn đối với những sự việc khiến bản thân thống khổ, khó chịu thì càng đối kháng và bài xích nhiều hơn so với người bình thường, vậy nên sẽ biểu hiện ra một cách cường liệt, ví như cáu kỉnh, tức giận, nổi nóng, oán hận,… Đối đãi với người khác cũng tương đối cực đoan, hoặc là thích vô cùng hoặc là ghét thậm tệ, khi đối đãi với người khác thiếu đi một loại tâm thái bình thường. Bởi vì chấp trước vào tình, nên khi cảm thụ hai phương diện chính phản do tình mang lại đều phản ứng quá khích, hoặc đặc biệt truy cầu hoặc vô cùng bài xích. Sư phụ giảng:

“Vì con người có ‘tình’, nóng giận là ‘tình’, ưng ý là ‘tình’, yêu là ‘tình’, hận cũng là ‘tình’; vui thích làm điều [nào đó] là ‘tình’, không thích làm điều [nào đó] cũng là cái ‘tình’ ấy; thấy người này hay người kia dở, yêu thích làm gì đó hoặc chẳng yêu thích làm gì đó, hết thảy đều là ‘tình’; người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống. ” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ sáu)

Địa phương chúng tôi có vài vị đồng tu bị nghiệp bệnh hành hạ cũng đã từng xuất hiện vấn đề ở phương diện sắc dục, đồng thời họ cũng thường cãi cọ với người khác, thậm chí chỉ một chút không như ý cũng có thể nổi trận lôi đình. Trước đây tôi cũng cực kỳ nóng tính, một chút không thuận tâm là phát hỏa, rất dễ gây hấn.

Giảo hoạt và tự lừa dối mình

Nhân tâm và nghiệp tư tưởng đều là sinh mệnh sống ở không gian khác, chúng đều sẽ tự bảo hộ để bản thân không bị phát hiện hoặc không bị xem trọng, giảo hoạt và tự lừa mình chính là cái ô bảo hộ cho chúng. Trong khi tôi tự cao tự đại và bị tình vây hãm, tôi vẫn cảm thấy về tổng thể mọi việc rất tốt, bởi vì hạng mục mà tôi tham gia vẫn tiến triển tốt, nhận được nhiều khen ngợi trong các đồng tu. Đây chính là loại nhận thức sai lầm thuộc dạng không tự biết mình gây ra từ việc tự lừa dối bản thân.

Mà tự đại (kiêu ngạo) cùng với tự lừa mình lại là một cặp cấu kết với nhau làm càn. Tôi nhớ có đồng tu từng giao lưu rằng, kiêu ngạo là một loại lừa dối bản thân, là một cái bọt bong bóng mà vì để cầu đắc một chút an tâm tạm thời nên càng thổi càng to, nhìn sâu vào trong tâm mình, tôi phát hiện điều này quả là quá xác đáng.

Biểu hiện của giảo hoạt là ngăn chặn bất kỳ lời lẽ chất vấn bản thân nào từ bên ngoài, cho rằng người khác có vấn đề chứ không phải bản thân có vấn đề, vậy nên không cần hướng nội tìm, hơn nữa luôn luôn có thể tìm ra lý do để bao biện cho bản thân. Sư phụ giảng:

“Bao biện chính mình; không ngừng bao biện cho mình thì sẽ [sang] tà ngộ; cuối cùng thì thậm chí đối với [Pháp] Lý của Đại Pháp cũng không nhìn nhận nữa, cuối cùng sẽ sang phản diện.” (Giảng Pháp tại Manhattan [2006])

Biểu hiện của tự lừa mình là, khi bản thân có được chút tiến bộ ở một phương diện nào đó trong tu luyện, dưới tác dụng của tâm hoan hỷ, bèn cho rằng bản thân mình đã tiến bộ rất nhiều, cứ như đã phát sinh biến hóa về bản chất, từ đó đều dựa vào một điểm này để đi nhìn đồng tu khác, so sánh đồng tu khác với bản thân mình, rồi rút ra kết luận là bản thân tốt hơn người khác. Trong khi đó lại bỏ qua rất nhiều phương diện khác không xem xét, giống như người bịt tai trộm chuông, tự lừa dối mình. Sư phụ giảng:

“Đương nhiên giảng ngược lại, bản thân [chư vị] có các nhân tố tư tưởng khác đang ẩn tàng trong trạng thái rất bí mật, đến mức bản thân chư vị không dám nghĩ rằng nó là một chấp trước, và vừa nghĩ tới thì chư vị lại che đậy nó đi và để nó lướt qua, thế cũng không đúng.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999])

Tình sắc dục của tôi trước giờ luôn rất nặng, nhưng rất nhiều lần tôi lại cảm thấy rằng bản thân dường như đã tu rớt chúng đi rồi; ngoài ra tôi cũng không tự biết về văn hóa đảng nghiêm trọng ở bản thân. Hiện giờ xem ra những thứ này đều là biểu hiện điển hình của việc không nhận thức rõ bản thân, là những chấp trước và nghiệp tư tưởng kia đã mượn được cái ô bảo hộ là tâm giảo hoạt và tự lừa mình rồi cố ý phản ánh vào trong tư tưởng để lừa dối bản thân tôi.

Lười biếng

Trước giờ tôi khá lười biếng, tâm cầu an dật rất mạnh, kém ý chí, không chịu được khổ, nhưng lại có lúc tự lừa mình dối người mà cho rằng bản thân vẫn rất nỗ lực, cũng là một loại không nhìn rõ bản thân do tâm tự lừa mình mang đến.

Bởi vì tôi làm việc đều là làm theo ý mình thích, vậy nên sẽ có một giai đoạn tâm huyết dâng trào mà phó xuất rất nhiều nỗ lực đi làm một việc nào đó, làm việc mà bản thân mình thích làm, thế nhưng những phương diện khác lại vô cùng lường biếng. Hơn nữa những việc này thông thường cũng không kiên trì được quá lâu, bản thân rồi sẽ cảm thấy hết hứng thú và trở nên giải đãi, sau đó có thể lại đi làm việc khác.

Cá nhân tôi cho rằng, tình sắc dục với tâm cầu an dật (lười biếng) liên hệ với nhau vô cùng mật thiết, bởi vì bản thân tình sắc dục chính là do tâm truy cầu hưởng lạc thúc đẩy, người có những chấp trước này tất cũng sẽ có biểu hiện lười biếng, ví dụ có những đặc điểm như ham ăn biếng làm, có mới nới cũ, không chịu được khổ,…Trư Bát Giới trong Tây Du Ký chính là một ví dụ điển hình: Tâm sắc dục mạnh, ham ăn biếng làm, ham ngủ, ham tài.

“Tình” là giả, “tình” có căn nguyên từ “tư”

Nếu như đi sâu phân tích thì cái tình của tôi đối với người khác giống một loại giao dịch hơn, bởi vì hai người đã cho đi những gì mà người kia cần: Nào là danh, nào là tình,… Nên có vẻ như chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng, thậm chí có cả cái gọi là ngôn ngữ chung, nhưng thực ra về bản chất đều là vị tư. Nói cách khác, cái tình của chúng tôi về bản chất đều là nhắm thẳng đến bản thân mình, người kia chỉ là để làm nền mà thôi, chúng tôi không thật tâm tốt với người kia, chỉ là tìm cách làm người kia hài lòng để đổi lấy hồi báo là tình cảm mà bản thân mình cần.

Tôi phát hiện trong tâm mình có thể thấu hiểu A, tán đồng với hầu hết ý kiến ​​của A, tất nhiên anh ấy cũng đối xử với tôi như vậy, chúng tôi cố gắng ủng hộ nhau về mọi mặt. Vậy nên dưới sự mê hoặc của giả tượng, chúng tôi cảm thấy rất hợp ý nhau. Thực ra trong giao tiếp với những người khác, tôi không hề có loại tính cách mềm mỏng thấu hiểu lòng người này, A cũng không có nhiều đặc điểm tính cách tốt mà anh ấy đã thể hiện khi đối xử với tôi. Những biểu hiện tốt đẹp này của chúng tôi thực ra chỉ là giả tượng mà chúng tôi trao qua đáp lại để làm hài lòng nhau.

Đến thời điểm then chốt, loại trạng thái xem ra là vì người kia nhưng thực chất lại là vị tư này sẽ lộ nguyên hình, có thể thấy được những điều này vốn đều là lợi dụng người kia, còn đối tượng thực sự yêu chính là bản thân mình. Nó cũng rất giống với loạn tượng xuất hiện ở xã hội thời mạt Pháp khi mà đạo đức đã trở nên bại hoại, đâu đâu cũng gặp những cặp tình nhân bất hòa xích mích, đơn giản bởi vì họ yêu không phải người kia mà là chính mình, một khi người kia không hợp ý mình thì lập tức trở mặt. Loại tình cảm rỗng tuếch này thì có giá trị gì?

Không thực tu

Tôi đã không thực tu trong một thời gian dài, biểu hiện là mặc dù tìm ra rất nhiều tâm chấp trước, nhưng không tu khứ đi được, hơn nữa những loại tâm này bao nhiêu năm nay đều không mấy thay đổi, trong lúc vượt quan, bản thân luôn không thể giữ được tâm tính, không cách nào đem Pháp lý vào thực tế. Thực ra là do việc học Pháp không đắc Pháp tạo thành, lúc học Pháp không thấy được nội hàm, không thực sự lý giải thấu triệt. Lại đào sâu tiếp nữa, có thể còn có liên quan đến việc không thực sự tín Sư tín Pháp gây ra bởi vô thần luận. Các đồng tu cũng từng đề cập đến việc tâm tự đại cũng sẽ dẫn đến việc không đủ tín tâm vào Sư phụ và Đại Pháp, tôi cảm thấy bản thân mình thua kém rất xa ở phương diện này, vẫn cần phải đào sâu hướng nội.

Bản thân tôi thuộc dạng có nghiệp tư tưởng tương đối nặng, tâm thường không thể an tĩnh xuống được, thường hay nghĩ chuyện này chuyện kia, đả tọa luyện công không thể tĩnh lại, việc này cũng có liên quan đến việc tôi đã không thực tu. Những gì Sư phụ yêu cầu đệ tử thực hiện trong lúc giảng Pháp, thì hầu hết tôi đều học xong rồi là thôi, cảm thấy quá khó, không cách nào làm được. Tôi cứ như vậy qua thời gian dài, dần biến thành biểu hiện tê liệt chẳng buồn quan tâm nữa.

Trên Pháp lý, tôi nhận tức được rằng không thực tu thì rất khó kháng cự lại mê hoặc. Sư phụ giảng:

“bởi vì những người thuộc loại phản tu này chưa hề trải qua [quá trình] thật sự tu luyện tâm tính; giữ vững tâm tính của bản thân rất là khó.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ ba)

Tôi phát hiện rằng, thực ra chấp trước vào tình của bản thân là cô đặc các chấp trước vào hết thảy những thứ mỹ hảo ở thế gian con người, nó giống như một hình ảnh thu nhỏ bao gồm hết thảy các loại tâm. Và A cũng như vậy, mặc dù anh ấy có một số năng lực trong người thường, nhưng phương diện tu luyện cũng rất không vững chắc.

Nhìn từ không gian khác, đại quan này thực ra là một nạn lớn mà cựu thế lực bày ra để hủy diệt chúng tôi. Khi tôi ở trong trạng thái hỗn loạn ấy, thì cảm giác không thể thoát ra được đều là do ma sắc và rắn cùng những con động vật từ không gian khác mang đến. Trong mười năm qua, bản thân đã trải qua quan tình trong tư tưởng như vậy rất nhiều lần. Nhưng quan lần này thời gian tiếp diễn tương đối dài, hơn nữa can nhiễu cũng lớn, những thứ này trông thì như là quan ngẫu nhiên nhưng thực chất đều là điều tất yếu do không thực tu dẫn đến.

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến không thực tu là xem việc tu luyện cũng giống như việc của người thường rồi dùng lý của con người để đối đãi, chứ không chiểu theo yêu cầu của Pháp mà làm. Lấy hạng mục Đại Pháp làm ví dụ, tôi vì hạng mục mà phó xuất, vậy nên có được tiến triển, đây là phần của con người; Nhưng trong quá trình ấy, việc tu tâm của tôi lại không hề đồng bộ, ngược lại còn tụt lùi. Bởi vì làm được tốt sẽ khiến bản thân được người khác thừa nhận, tán dương,… Khiến bản thân có được thể diện và hư vinh, thế nhưng đây vừa đúng là những chấp trước mà người tu luyện cần tống khứ. Thời kỳ đầu tham gia hạng mục, bản thân tôi không hề có những thứ hư vinh này, nhưng bởi vì không thực tu nên ẩn giấu trong quá trình nỗ lực của bản thân, tôi cũng đang truy cầu những thứ này, tôi lại không hề phóng hạ chúng đi. Bởi vì không thực tu, nên thuận theo việc bản thân ngày càng có được những thứ được gọi là hư vinh kia, tôi lại càng phát triển chấp trước vào chúng, từ đó sản sinh ra cái gọi là “tự đại” như đã đề cập ở trên. Sư phụ giảng:

“Tu luyện chính là vứt bỏ nhân tâm, vứt bỏ chấp trước của con người. Một số học viên trong quá trình chứng thực Pháp là dùng nhân tâm mà làm các việc, từ đó thoả mãn cái tâm [làm những gì] tự mình ưa thích; khi không được chấp thuận hoặc bị chỉ ra những chỗ thiếu sót thì lại sinh tâm oán hận, thậm chí còn không tiếc làm việc sai trái, cứ như là không làm việc nháo loạn thì không giải được tâm thái oán hận; trái ngược hẳn với yêu cầu của tôi rằng đệ tử Đại Pháp cùng nhau phối hợp cho tốt, chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh.” (Tinh tấn yếu chỉ III – Cảnh tỉnh)

Bản thân tôi trước giờ vẫn mãi chưa minh bạch một điểm, chính là thành công của hạng mục không đại biểu cho việc đề cao trong tu luyện hay uy đức của bản thân, mà phóng hạ nhân tâm mới là đề cao. Vậy nên mặc dù tôi đã làm được rất nhiều việc nhưng phương diện tâm tính lại đi sang con đường ngược lại, bởi vì cứ bám cứng lấy những thứ vẻ vang không buông, bám lấy nhân tâm càng ngày càng chặt, càng ngày càng khoe khoang, vậy nên ngược lại, tâm tính đã giáng hạ xuống. Sư phụ giảng:

“Nói rằng ‘tôi đã có công lao nhiều ngần này thì tôi phải thế này thế kia’, ấy là đối với người thường thì là như vậy, đối với Pháp Lý của vũ trụ thì tại một số đặc điểm nhất định, tại một số hoàn cảnh đặc thù nhất định thì có thể xét đến phương diện này, nhưng đề cao chân chính ấy là ‘xả bỏ’, chứ không phải là ‘đắc được’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)

Bước đầu học cách thực tu

Bản thân tôi đã từng rất nỗ lực, hy vọng buông bỏ được cái tình này, nhưng tôi lại không nắm được yếu lĩnh, mãi gần đây do tôi toàn diện kiểm tra xem xét lại một cách nghiêm túc toàn bộ việc tu luyện của bản thân nên mới có được đột phá. Đầu tiên là bắt đầu từ việc thực sự nhận thức được tâm tự đại, trong quá trình bản thân dần dần từng chút một thu nhỏ cái tôi, tu luyện cũng từng chút một thăng hoa lên. Tôi cảm giác như cái tâm tự đại này hậu thuẫn cho rất nhiều chấp trước, loại bỏ nó đi rồi thì rất nhiều các chấp trước khác đã không còn lực nữa. Không ngờ cái tâm “tự đại” mà trước đây tôi không để ý đến này lại liên quan đến nhiều tâm chấp trước như vậy.

Sau khi thu nhỏ bản thân lại thì tu luyện đề cao biểu hiện ra ở việc ngộ tính được đề cao lên, tu bỏ rất nhiều quan niệm con người. Sau khi có biến hóa về quan niệm, cách tôi nhìn sự vật đều đã khác trước, tâm tính trở nên bình hòa hơn trước đây, cũng nhận thức được rất nhiều chấp trước mà trước kia bản thân không nhận thức tới.

Cứ như vậy sau vài tháng, tôi phát hiện tốc độ đề cao vẫn rất chậm, có vẻ thiếu đi thứ gì đó. Sau đó tôi phát hiện ra rất nhiều tâm chấp trước mới chỉ là nhận thức được chúng, bởi vì đã chuyển biến quan niệm nên đã khiến chúng yếu đi, thế nhưng vào khoảnh khắc những chấp trước này xuất hiện, tôi vẫn chưa biết nắm lấy chúng và tiêu hủy đi. Đây chính là tu từng tư từng niệm mà đồng tu thường đề cập đến trong giao lưu, đây cũng là điều khó nhất, bởi vì tâm chấp trước và nghiệp tư tưởng sẽ cản trở chúng ta làm như vậy. Dễ nhất và thoải mái nhất là không quản chúng nữa, còn hễ bài xích chúng thì sẽ cảm thấy thống khổ và khó chịu, thế nhưng đây chính là con đường thực tu tất yếu phải đi qua. Sau khi bắt đầu làm như vậy, tôi phát hiện cơ hội tu luyện không đâu không có, mỗi thời mỗi khắc đều có thể ý thức được những niệm đầu bất hảo và chấp trước, sau đó lập tức bắt lấy chúng đem hủy đi, không để chúng vuột mất, không ngừng kiên trì, tôi cảm giác mức độ đề cao được gia tốc rất nhiều. Sư phụ giảng:

“Từng ý từng niệm của chư vị, chư vị đều không phóng túng [mà] coi bản thân là người tu luyện, thì chư vị là đang trong tu luyện rồi, chẳng phải công tác của chư vị đã kết hợp lại với Pháp sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

Mấy năm trôi qua giống như một giấc mộng, tỉnh lại rồi tôi cảm thấy bản thân mình thật quá hồ đồ, chấp trước vào tình quả thực là quá ngốc, quá không đáng. Tôi thật có lỗi với sự cứu độ từ bi của Sư tôn, cũng có lỗi với đồng tu A, do bản thân tâm tính sơ hở nên đã can nhiễu nghiêm trọng đến tu luyện của đồng tu. Tôi đã từng nằm mơ thấy đồng tu A đang trong nguy hiểm, bị vây hãm trong một nơi tuyết phong kín, tôi hy vọng anh ấy cũng có thể quy chính bản thân. Tại đây con xin nghiêm túc hối lỗi trước Sư phụ, cũng gửi lời xin lỗi tới đồng tu.

Cảm ân Sư tôn từ bi cứu độ và gia trì, dẫn dắt để đệ tử cuối cũng cũng có thể bước ra khỏi kiếp nạn và cạm bẫy mà cựu thế lực đã dày công sắp đặt.

Trên đây là một chút thể ngộ cá nhân, xin vui lòng chỉ ra những điểm chưa phù hợp. Hợp thập!

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/253592



Ngày đăng: 05-04-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.