[Bài viết về võ thuật truyền thống] Nói về hai chữ “Võ”, “Đức”
Đệ tử Đại Pháp Đại Lục
[ChanhKien.org]
Truyền thống văn hóa 5000 năm Trung Hoa vốn rất đề cao giá trị đạo đức. Cổ nhân nói: “Sĩ hữu bách hành, dĩ Đức vi thủ”. Khổng Tử mở trường học đặt ra bốn khoa: Đức Hạnh, Ngôn Ngữ, Chính Sự, Văn Học, cũng lấy “Đức Hạnh” làm đầu. Võ thuật với tư cách một bộ phận của văn hóa Trung Hoa thì cũng đồng dạng như vậy. Do đó, giới võ thuật vẫn luôn lấy hết thảy những phẩm đức ưu tú làm mục tiêu chủ yếu để theo đuổi, khiến cho Võ Đức trở thành linh hồn của võ thuật, đem tất cả võ đức ưu tú trở thành tiêu chuẩn trọng yếu nhất để đánh giá nhân vật trong giới võ lâm. Hôm nay tôi sẽ nói về hai chữ “Võ”, “Đức”, giới thiệu một chút về Võ Đức tới mọi người.
Chữ “Võ” (武) do 2 chữ “Chỉ” (止) và “Qua” (戈) cấu thành. Chữ Võ dùng phương pháp “hội ý” để tạo chữ, ý nghĩa của nó là “Dùng võ để ngăn cấm bạo lực, điều chỉnh biến loạn, ngăn chặn can qua (chiến tranh), không phóng túng và tàn sát bừa bãi” (xem “Hán Thư · Võ ngũ tử tán”). Có thể thấy được Võ có ý rằng chế ngự bạo lực phòng thân, dừng can qua dẹp loạn, hóa giải tranh đấu, giành lấy hòa bình.
Nghe nói rằng chữ “Đức” (德) thời thượng cổ được viết là “惪”, “悳”, chính là “Trực” (直) ở trên, “Tâm” (心) ở dưới. “Thuyết văn giải tự” nói: “Đức (惪), bên ngoài sắp đặt cho người, bên trong sắp đặt cho bản thân mình ngay chính” ; “Đức (悳), cũng là chánh kiến.” Có thể thấy được ý tứ rằng chữ “Đức” đã có chánh kiến, tư tưởng công chính vô tư, bên ngoài gây lợi ích cho quần sinh; bên trong tâm cảnh bình hòa, khu trừ tư tâm tạp niệm của bản thân.
Hai chữ “Võ”, “Đức” ghép lại làm một từ, xuất hiện sớm nhất từ hơn 2000 năm trước. Trong “Quốc ngữ” – điển tịch chuyên môn ghi chép sự việc của các nước chư hầu từ thời Tây Chu đến Xuân Thu – đã có ghi rằng “Hữu võ đức dĩ tu chính khanh” (Người có võ đức có thể được tuyển chọn đảm nhiệm chức quan).
Về giải thích cụ thể sớm nhất của từ “Võ Đức”, có thể thấy trong “Tả truyện · Tuyên Công nhị thập niên” ghi chép “Nói về võ, ngăn cấm bạo lực, thu dừng việc binh, bảo vệ ngôi cao, công lao an định, an dân, hòa chúng, tài vật phong phú vậy” – đây là ghi chép sớm nhất trong lịch sử có chứa nội dung cụ thể Võ Đức. Cổ nhân nói “Võ có bảy đức”, chính là từ đấy mà ra.
Còn có các sách cổ mặc dù không sử dụng từ “Võ Đức” này, nhưng cũng có ý nghĩa “Võ Đức”, như: trong “Kinh Thi · Tiểu Nhã · Xảo Ngôn” nói “Vô quyền vô dũng, chức vi loạn giai.” Đây là lần xuất hiện sớm nhất của chữ “Quyền” trong điển tịch, chỉ các sự việc về Võ như tấn công phòng thủ, giao đấu, chiến tranh quân sự v.v..; “Dũng” chỉ phẩm chất tinh thần như dũng lực, dũng cảm v.v…, có bao hàm một phần nhất định nội dung Võ Đức;
Trong “Hán Thư” có ghi: “Cung bỉnh võ tiết.” “Võ tiết” ở đây chính là có nghĩa “Võ Đức”.
Thuận theo sự phát triển tự thân của võ thuật và văn hóa truyền thống dân tộc, Võ Đức không ngừng được người tập võ nhấn mạnh, cụ thể hoá thêm một bước, như trong “Quyền kinh” nhấn mạnh con nhà võ cần trang bị các điểm tốt như “Đức, Thức, Đảm, Lực, Công, Nghệ, Truyền” v.v… Ở đây “Đức” được xếp ở đầu, chính là chỉ Võ Đức, hàm chứa sự tham chiếu lên đại thể, như các nội dung: tài nghệ cao mà không kiêu ngạo, chế nhân mà không làm thương hại v.v…, chỉ ra học tập võ thuật là vì tự vệ phòng thân, cứu người nguy giúp kẻ yếu, phò trợ chính nghĩa, trừ bạo an dân, bảo vệ quốc gia, chứ không phải để làm xằng làm bậy.
Quá khứ có rất nhiều võ thuật gia cho rằng: Võ Đức hàm chứa cả 2 phương diện “Thượng Võ” và “Sùng Đức”, Thượng Võ tức trân trọng võ thuật, dùng võ để rèn luyện thân thể; Sùng Đức tức lấy Đức mà dưỡng tâm tính, đức dày nâng đỡ vạn vật, tôn sùng công đạo, gánh vác trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ v.v… Bản chất đặc trưng của Võ Đức chính là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng.
Có người nói: Người tập võ, cần lấy Võ Đức làm trọng, giữ mình trang nghiêm, đối với người thì kính, nắm quyền thì vị công, luyện tập thì chuyên cần, hành động thì theo Nghĩa, sống thì theo Nhân, lựa chọn thì theo Trung, ngoài ra kỵ nhất là cậy mạnh háo thắng, làm các việc vô ý nghĩa.
Còn có nhân sĩ võ lâm đề xuất Võ có Tứ Đức: Tâm đức, Nhãn đức, Khẩu đức, Thủ đức, yêu cầu người tập võ làm được “Chính tâm, thành ý”, “không nhìn điều xấu, không làm điều xấu, không nghe điều xấu”, giao đấu cần làm được “chưa nguy khốn thì chưa xuất chiêu”, “điểm trúng là dừng”.
Các phương diện của văn hóa truyền thống Trung Hoa kỳ thực là có ảnh hưởng lẫn nhau, các quan niệm “làm mà không tranh”, “nhu thắng cương”, “uốn lượn thì bảo toàn” của Đạo gia, “nhẫn nhục tinh tấn”, “cứu một mạng người hơn xây tháp bảy tầng” của Phật gia v.v… đã thấm nhuần rất sâu vào người luyện võ và nội hàm của Võ Đức.
Mặt khác, từ “Võ Đức” còn được Đại Đường Cao Tổ Lý Uyên đặt làm niên hiệu cho mình (618 – 626) – chữ và từ nào có thể được dùng làm niên hiệu, thì đều là người xưa cho rằng hết sức cát tường, tốt đẹp, bởi vậy có thể thấy người xưa tôn trọng như thế nào đối với Võ Đức.
Võ Đức này có nội hàm cụ thể phong phú, có ảnh hưởng sâu đậm đến tâm thái, tình cảm và hình thức tư duy của người tập võ. Có thể nói Võ Đức chính là cô đọng súc tích tinh thần truyền thống dân tộc Trung Hoa vào trong giới võ thuật.
Năm tháng đằng đẵng, theo quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”, lịch sử đi tới thời đại triều đại đỏ khi cộng sản thống trị Trung Hoa đại địa, văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa hầu như đều bị tà đảng cộng sản tận diệt, Võ Đức trong truyền thừa qua các thế hệ của giới võ thuật cũng theo đó xuống dốc. Ví như, hiện tại rất nhiều giáo đường dạy võ đều chỉ lo kiếm tiền, làm bại hoại nghiêm trọng Võ Đức truyền thống Trung Hoa. Thế nhưng tôi tin tưởng, văn hóa truyền thống Trung Hoa chắc chắn có ngày phục hưng, khi đó người tập võ nhất định sẽ lại coi trọng Võ Đức, vì vậy mới viết bài văn này.
Phụ lục tư liệu Võ Đức:
Đời Minh, nội gia quyền có “Năm không truyền”: Tâm nham hiểm, hiếu chiến, cuồng rượu, khinh xuất, khung yếu tính nhụt thì không truyền.
Đời Thanh, “Võ kỹ thư – Sơ học điều mục” quy định đối với phẩm hạnh người tập võ: Học quyền lấy đức làm đầu, cung kính khiêm tốn, không tranh với người, mới là chính nhân quân tử. Học quyền cần phải làm việc ngay chính, không thể dùng tài nghệ vào việc sai trái để rồi tổn hành bại đức, mang nhục vào thân và mất mạng.
Trong “Côn Ngô Kiếm châm ngôn” có tiêu chuẩn cụ thể cẩn thận tuyển chọn môn đồ: Nhân phẩm không đoan chính thì không truyền, bất trung bất hiếu thì không truyền, người không bền lòng thì không truyền, không biết trân trọng thì không truyền, văn võ không luyện thì không truyền, lợi dụng để cầu tài thì không truyền, tục khí đã vào tận xương thì không truyền, ưa náo nhiệt thì không truyền, sử dụng quyền cước thì không truyền. Ấy là cho rằng: Người có thể truyền mà không truyền thì lỡ mất người; người không thể truyền mà lại truyền thì lỡ mất kiếm. Nếu như nhận thức về con người không chính xác, thì thà lỡ mất người chứ không lỡ mất kiếm.
“Sơ học điều mục” của Trường gia quyền nói: Học quyền cần phải lấy đức hạnh làm đầu, mới là chính nhân quân tử. Học quyền cần phải lấy hàm dưỡng làm gốc, các cử động cần tâm bình khí hòa, thiện ý đối đãi với người.
Tương Tây Miêu quyền thu nhận đồ đệ có giới “Ba dạy ba không dạy”: điềm đạm hòa nhã thì dạy, hiếu sự thì không dạy; biết lễ tiết trọng nghĩa thì dạy, kẻ lưu vong thì không dạy; làm việc thành thực thì dạy, háo sắc mê rượu thì không dạy.
Hồ Nam Vu gia quyền “Ba không dạy”: kẻ cuồng vọng thì không dạy, kẻ bừa bãi thì không dạy, kẻ vong ân phụ nghĩa thì không dạy.
Lục Hợp quyền có “Bốn không truyền”: một là ngỗ nghịch bất hiếu thì không truyền, hai là tham tài háo sắc thì không truyền, ba là khoe tài ức hiếp người thì không truyền, bốn là kẻ tửu sắc thì không truyền; ngoài ra còn có quy định “Tam thận ngũ giới”: Rèn võ nghệ phải thận trọng, nói năng phải thận trọng, tỷ thí võ nghệ phải thận trọng; giới cấm thứ nhất gian đạo tà dâm, giới thứ hai lời không xác thực, giới thứ ba bất nhân bất nghĩa, giới thứ tư dùng tài nghệ ức hiếp người, giới thứ năm võ nghệ không thể tùy tiện truyền.
Bạch hạc quyền có “Lẫm thập giới”: giới cấm hiếu chiến, giới cấm hiếu thắng, giới cấm háo danh, giới cấm háo lợi, giới cấm kiêu căng, giới cấm gian trá, giới cấm khoe khoang thể hiện, giới cấm lừa gạt bịp bợm, giới cấm gây xích mích ly gián, giới cấm làm xằng làm bậy.
“Vĩnh Xuân Bạch hạc quyền – Quyền phổ” cho rằng luyện quyền cần làm được bốn thiện: Thiện tu kỳ thân, Thiện chính kỳ tâm, Thiện ý đãi nhân, Thiện thủ kỳ đức.
“Thanh bại loại sao” nói: Nói về truyền đạo, quý ở chỗ tuyển người. Trong “Võ thuật tu tri” thời cận đại có yêu cầu đệ tử: Yêu quốc gia, bảo vệ quyền lợi đất nước; nên thành thật đáng tin, chớ gian trá dối gạt, nên câu thúc, chớ phóng túng; nên tín nghĩa, coi trọng chất phác v.v…
Nhạc gia quyền có giáo huấn “Tứ thường lục giới”: Thường nghe lời sư phụ, thường giữ phép tắc, thường tinh tấn luyện tập, thường cẩn trọng; giới bàn luận người cao kẻ thấp, giới vọng động tay chân, giới tham dâm mỹ sắc, giới chơi đêm gây rối, giới giúp người gây hại, giới giao du gian tà.
Thiếu Lâm có “Luyện công thập kỵ” : Một kỵ biếng nhác, hai kỵ kiêu căng, ba kỵ nóng vội, bốn kỵ thái quá, năm kỵ tửu sắc, sáu kỵ cuồng vọng, bảy kỵ xúi bẩy, tám kỵ giả bộ, chín kỵ coi thường sư môn, mười kỵ bắt nạt người dưới cơ.
“Tám không đánh” của giới võ thuật: chỉ tám chỗ hiểm cấm đánh vào khi tỷ võ.”Tám không đánh” là: huyệt Thái Dương, yết hầu, tim, nách, hạ bộ, thắt lưng, xương cụt, đánh ập vào hai lỗ tai.
Dưới đây là một số ngạn ngữ, cách ngôn liên quan đến Võ Đức:
Người không có đức còn tệ hơn không có quyền cước, người dư dả đức thì võ nghệ tất tinh, đức mỏng thì võ nghệ khó cao, người đôn hậu thì công phu dễ thâm sâu;
Truyền dạy quyền đầu tiên truyền dạy đức, học quyền đầu tiên học đức, người đức ít không thể học, người vô nguyên tắc thì không thể dạy;
Đồ đệ tài nghệ cao, không quên sư phụ lao tâm vất vả, nghiêm sư xuất cao đồ, trọng đạo đắc chân lý;
Tuyển đồ đệ hiền tài, mới bắt đầu yên tâm truyền công phu, thà rằng thất truyền, không thể truyền lầm;
Người tập võ võ đức làm đầu, võ dùng đức mà gây dựng, võ có đức là đầu tiên;
Đức là đầu tiên của võ nghệ, học quyền phải lấy đức hạnh làm đầu, chưa từng tập võ trước tiên tập đức;
Võ thuật duy có chính lại mình mới có thể cải biến người, duy có bản thân cố gắng mới khả dĩ làm người nể phục;
Núi có tiên sẽ nổi danh, dòng nước có rồng sẽ linh thiêng, hành hiệp có nghĩa sẽ chính, võ có đức sẽ thành;
Người võ nghệ cao xuống tay lưu tình thì được ba phần, trên miệng lưu đức thì được bẩy phần, oan gia nên giải không nên kết, tha được thì tha;
Anh hùng hành động không vì lợi, người thiện không lấy ác ngữ tổn thương người, muốn ở nhân thế lưu thiên cổ, thì hành vi bản thân cần chân chính;
Mình mạnh còn có người mạnh hơn, trước người khác đừng khoe khoang; công phu vốn dùng phòng thân, phải tránh cậy mạnh kẻo xấu mặt;
Tế khốn trừ tà phù chính, không tranh ưu khuyết điểm cao thấp; tích thiện tất sẽ dư điều đáng mừng, tích đức muôn đời lưu danh;
Có võ có đức, ẩn tàng không lộ, tấm lòng cốt cách hiệp nghĩa, tế thế phù nguy, trừ đi tham, đoạt, quên nghĩa, giới dâm tránh hận, không cậy mạnh sính tài, thấy lợi quên nghĩa;
Lùi một bước gió êm sóng lặng, nhường ba phần trời cao biển rộng, chịu thua thiệt nguyên không ngại, thoái nhượng ba phần cũng không sao;
Thà rằng bị người đánh, quyết không đánh trước;
Văn chọn theo tâm, võ lấy theo đức;
Võ lấy đức hiển hiện ra, đức làm cho võ được phát huy;
Ngoài trời còn có trời, một khi tự mãn liền đem tới tổn hại;
Dùng võ kiện thân, lấy đức dưỡng tính;
Tâm chính tất quyền chính, tâm lệch tất quyền sai;
Võ để cường thân, đức để dạy người;
Phàm mọi sự cung kính khiêm tốn, không tranh với người, mới là chính nhân quân tử;
Văn quý ở văn phong, võ trọng ở võ đức;
Sau khi công thành chớ coi thường sứ mệnh, cậy kỹ thuật ức hiếp người đánh mất đức hạnh;
Thượng võ sùng đức, cường thân dưỡng tính;
Kỹ đạo đều xem trọng, đức nghệ song tu;
Hiền lương thì bí mật truyền dạy để cứu nguy khốn, tà vọng thì chớ truyền dạy kẻo hại chúng sinh;
Không giảng võ đức, thì là võ tặc;
Võ đức kiêm tu, pháp lễ đều xem trọng;
Thiếu Lâm chân võ kỹ, không truyền kẻ xấu ác;
Danh tiếng anh hùng lưu tiếng thơm thiên thu, kẻ xấu ác bốc mùi hôi thối vạn năm;
Lễ lấy người có tiết chế, võ không cho phạm điều cấm;
Tuyệt kỹ chỉ thi hành đối với cường đạo, nếu gặp lương thiện chớ xuất ra;
Công phu hữu hạn, người Nhân Đức thì vô địch;
Luyện võ cần tu đức, luyện công cần tuân thủ nguyên tắc;
Dũng không làm loạn, võ không phạm điều cấm;
Có kỹ nghệ mà vô đức, không phải đồ đệ Thiếu Lâm;
Văn võ song toàn, đức nghệ cùng lưu tiếng thơm;
Luyện công không tu đức, nhất định mê muội;
Đại võ không phải ở chỗ binh, chân võ không phải ở chỗ đấu;
Lực mạnh yếu là nhất thời, đạo lý mới là chỗ thắng bại vạn cổ;
Quyền cước là tiểu công phu, dung được người là đại công phu;
Nội tu văn đức, ngoại trị võ bị;
Lấy lực phục người là Bá, lấy đức phục người là Vương;
Tập võ trọng đức, tôn sùng đức không tôn sùng lực;
Cậy tài chung cuộc đánh mất tài, cậy lực chung cuộc đánh mất lực, cậy thế chung cuộc chuốc đánh mất thế.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/51928
Ngày đăng: 07-04-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.