Đức huệ của Phật gia: Câu nói “Người không biết không có tội” có đúng không?



Tề Chỉnh Thăng chỉnh lý

 

[ChanhKien.org]

1. Phần thưởng của quốc vương

Xưa kia có một vị vua của vương quốc Ba Tư, một ngày nhà vua đang đi dạo, khi đến cổng sau của hoa viên, ông nghe thấy hai người thị vệ đang tranh luận với nhau. Một người nói: “Tôi dựa vào vua, tất cả mọi thứ của tôi đều là do vua ban cho”. Người kia lại nói: “Tôi không dựa vào cái gì, mọi thứ của tôi đều phụ thuộc vào số phận của chính tôi”.

Nhà vua nghe xong thấy rất thích người thị vệ đã nói “dựa vào ơn vua”, liền có ý định ban thưởng cho anh ta. Thế là nhà vua ra lệnh: “Người đâu!” Người thị vệ đang làm nhiệm vụ ngay lập tức đến trước mặt nhà vua. Nhà vua nói với anh ta: “Ta sẽ phái một thị vệ đến gặp hoàng hậu, ngươi đến bẩm báo với hoàng hậu rằng hãy trọng thưởng tiền, quần áo và châu báu cho anh ta”.

Sau đó, nhà vua cho gọi người thị vệ đã nói “dựa vào ơn vua” đến, bảo anh ta mang nửa bình rượu quý và hoa quả mà các sứ giả nước ngoài đã tiến cống đến tặng cho hoàng hậu.

Không ngờ, người thị vệ này mắc căn bệnh kinh niên chảy máu cam. Anh ta vừa mang rượu và hoa quả ra khỏi cửa, thì đột nhiên máu mũi chảy không ngừng, vừa đúng lúc đó anh ta gặp người thị vệ nói “phụ thuộc vào số phận của chính tôi”, thế là anh ta đành phải nhờ người kia thay mình mang rượu và hoa quả đến cho hoàng hậu. Hoàng hậu nhìn thấy người thị vệ mang rượu đến, bà theo lời chỉ thị của nhà vua trọng thưởng cho anh ta rất nhiều tiền, quần áo và châu báu.

Người thị vệ được ban thưởng đó trở về bẩm báo với nhà vua. Nhà vua nhận thấy người này không phải là người đã nói câu “dựa vào ơn vua”, thì cảm thấy vô cùng kinh ngạc, lập tức cho gọi người thị vệ kia đến hỏi: “Ta bảo ngươi mang rượu và trái cây đến cho hoàng hậu, tại sao ngươi lại không đi?”

Người thị vệ đó trả lời: “Con vừa bước ra khỏi cửa thì bất ngờ bị chảy máu cam liên tục, không thể đi đến chỗ hoàng hậu được, con đành nhờ anh ta mang rượu của đức vua ban tặng cho hoàng hậu”.

Nhà vua thở dài nói: “Giờ ta mới minh bạch rằng, Đức Phật dạy “Tự tạo nghiệp thì tự nhận quả báo” đúng là chân lý. Mỗi người đều có số mệnh riêng, không thể thay đổi”.

Tất cả mọi thứ bên ngoài đều không thể dựa vào được, số phận của bản thân mình phải dựa vào bản thân hàng ngày tích đức hành thiện, kính trời trọng mệnh, thuận theo tự nhiên mới là tốt.

2. Câu nói “Người không biết không có tội” có đúng không?

Khi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng pháp, Ngài thường thể hiện sự hòa nhã dễ gần, Ngài hay nói về những sự việc mà các đệ tử quen thuộc và thích nghe. Mặc dù Ngài giảng giáo lý, nhưng không hề khô khan nhàm chán, cũng không phải nghiêm mặt dạy bảo mọi người. Để mọi người có thể hiểu được, lời giảng giáo lý của Ngài luôn rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dùng rất nhiều ví dụ, các môn đệ đều cảm thấy vô cùng gần gũi.

Một ngày nọ, sau khi Thích Ca Mâu Ni giảng pháp, Ngài dành ra một chút thời gian để các đệ tử nêu câu hỏi. Có một đệ tử xin Ngài thỉnh giáo: “Con không biết câu nói ‘người không biết không có tội’ có đúng không?”

Thích Ca Mâu Ni không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà nêu một ví dụ: “Bây giờ có một chiếc kẹp gắp than đang bị nung trong lò lửa, nhưng mắt thường lại không thấy được chiếc kẹp gắp than này rất nóng. Nếu bảo con cầm chiếc kẹp gắp này, con thử nghĩ xem nếu biết nó nóng thì con sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn, hay khi không biết nó nóng thì con sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn?”

Đệ tử nghĩ một lúc rồi trả lời rằng: “Thưa Đức Phật, là khi không biết nó nóng thì sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn. Bởi vì không biết nên mới không chuẩn bị tâm lý trước, khi bị bỏng sẽ không kịp trở tay đề phòng”.

Thích Ca Mâu Ni hòa nhã nói: “Đúng thế! Nếu con biết chiếc kẹp rất nóng thì khi cầm nó lên con sẽ tập trung chú ý cảnh giác, không dám mảy may khinh xuất, lúc cầm sẽ không nắm chặt nó. Nếu con không biết chiếc kẹp gắp rất nóng thì khi cầm nó lên con sẽ nắm chặt lấy nó. Vậy có thể thấy rằng không phải là “người không biết là không có tội”, mà là người không biết sẽ chịu tổn hại nặng nề nhất, gánh chịu tội nghiệp và khổ nạn càng nghiêm trọng hơn. Con người chính là vì không hiểu rõ chân lý nên mới trầm luân trong bể khổ”.

Vô tri mới là ngu muội, bị lừa mới là nghiêm trọng. Hiểu biết mới có thể giúp người ta sáng suốt. Những người nghe theo kẻ tà ác miệt thị Thần Phật, không hiểu rõ sự thực, phản Thần loạn Pháp, bị đầu độc nghiêm trọng, cần mau chóng tỉnh ngộ mới có thể thoát khỏi tai hoạ.

3. Các thương nhân hỏi: “Đâu là pháp môn thuận tiện?”

Ngày xưa, ở vương quốc La Đà có một vị Bồ Tát, thương nhân của nước này mỗi lần ra biển để tìm kiếm báu vật đều mời vị Bồ Tát này lên thuyền, hy vọng với sự trợ giúp của ông có thể biến nguy thành an, mục đích để được bình yên. Về sau, vị Bồ Tát này vì tuổi già sức yếu, không muốn theo họ ra biển nữa, nhưng vì không nỡ từ chối lời khẩn cầu nài nỉ của thương nhân, ông lại đồng ý đi.

Con thuyền đang trên đường hướng về nơi có báu vật thì trên bầu trời nổi gió bắc, con thuyền lệch khỏi hướng đi và trôi thẳng về phía nam. Đến ngày thứ bảy, nước biển bỗng nhiên lại biến thành màu vàng, giống như trải lên một lớp vàng.

Các thương nhân hỏi Bồ Tát: “Vì sao nước biển xanh lại có thể biến thành màu vàng?”

Vị Bồ Tát nói: “Chúng ta đã đi vào biển vàng, nơi này chứa vô số vàng, khắp mọi nơi đều sáng lấp lánh, nên mới có tình huống này xuất hiện. Nhưng thuyền của chúng ta đã đi chệch hướng, việc này vô cùng nguy hiểm, chúng ta nhất thiết không được tham tiếc biển vàng này, phải quay về phía bắc”. Không ngờ, con thuyền thuận theo chiều gió tiếp tục trôi về phía nam. Vài ngày sau, nước biển lại xuất hiện màu trắng, giống như một thế giới băng tuyết.

Vị Bồ Tát lại nói với các thương nhân: “Bây giờ, chúng ta đang ở trong biển ngọc trai. Ở đây toàn là các viên ngọc trai, màu sắc các viên ngọc hòa vào nhau, nên xuất hiện loại ánh sáng này. Nhưng chúng ta đang càng ngày càng cách xa mục tiêu, mọi người phải nghĩ mọi biện pháp để trở về phương bắc”. Tuy nhiên, chiếc thuyền vẫn cứ theo chiều gió, tiếp tục trôi về phía nam.

Vài ngày sau, nước biển lại đổi màu, lần này biến thành màu xanh lam, không khác gì được trải lên một lớp ngọc lưu ly. Vị Bồ Tát nói với các thương nhân: “Bây giờ chúng ta đến biển ngọc lưu ly màu xanh, trong biển này có vô số ngọc lưu ly xanh, màu xanh của ngọc lưu ly phản chiếu lên nên mới biến thành màu này”.

Vài ngày sau, màu nước biển lại thay đổi lần thứ tư, lần này lại biến thành màu đỏ giống như một biển máu. Vị Bồ Tát nói với các thương nhân: “Bây giờ, chúng ta đã đi vào biển lưu ly màu đỏ, trong biển có vô số ngọc lưu ly đỏ, do màu đỏ của ngọc lưu ly phản chiếu lên nên mới xuất hiện quang cảnh này”.

Vài ngày sau, màu nước biển lại thay đổi lần thứ năm, giống như một mảng mực đen, khắp nơi đều một màu đen kịt. Tiếp đó, một tiếng nổ lớn từ xa vọng lại, âm thanh dữ dội, như thể ngọn lửa dữ dội đốt cháy cả khu rừng tre khô. Sau đó, khi con thuyền trôi dạt về phía nam, đột nhiên có một cột lửa khổng lồ bốc lên từ đáy biển, phóng thẳng lên trời.

Các thương nhân nhìn thấy tình huống khủng khiếp như vậy, họ đột nhiên nhận ra rằng tính mệnh của họ khó có thể bảo toàn.

Họ than vắn thở dài, không biết bấu víu vào đâu, cuối cùng phải cầu cứu sự giúp đỡ của vị Bồ Tát. Lúc đó, Bồ Tát nói: “Ngay cả bậc đại trượng phu trên thế gian cũng đều tham sống sợ chết. Bi thương tuyệt vọng chỉ khiến con người mất đi lý trí, mọi người vẫn muốn nghĩ cách giải quyết, hãy dùng pháp môn thuận tiện để thoát khỏi bể khổ”. Các thương nhân đều hỏi: “Thế nào là pháp môn thuận tiện?”

Bồ Tát nói với các thương nhân: “Vứt bỏ ích kỷ và lợi ích cá nhân! Kính tín Thần Phật! Cầu Thần linh bảo hộ thì có thể chuyển họa thành phúc. Đó chính là pháp môn thuận tiện. Chỉ có thành tâm hối cải, nếu có thể bỏ ác theo thiện thì sẽ an toàn đến miền cực lạc. Mọi người không nên ủ rũ, phải thật thành tâm niệm Phật!”

Mọi người lập tức thắp hương rồi lễ bái Thần Phật, cầu nguyện cho gió yên sóng lặng. Một lúc sau, gió dữ cuối cùng cũng dừng lại, mọi người mới thoát khỏi nguy hiểm, đến nơi cất giữ kho báu, toại nguyện ước muốn có được nhiều vàng bạc châu báu.

Lúc đó, vị Bồ Tát nói với các thương nhân: “Những vàng bạc châu báu này ở thế gian khó gặp. Bởi vì đời trước chư vị đã từng bố thí nên đời này mới có được những châu báu quý giá này. Tuy rằng trong kiếp trước các vị đã bố thí khắp nơi, nhưng lại có tâm keo kiệt, nên bây giờ mới gặp phải gió dữ, tinh thần và sức lực kiệt quệ, hoảng loạn và khổ não. Chư vị cần phải biết dùng số vàng bạc châu báu này. Nếu tham lam vô độ, chắc chắn sẽ lại gặp tai nạn. Trong quá trình tìm kiếm kho báu, sinh mệnh là thứ có giá trị nhất, đó mới là kho báu vô giá thực sự! Tiết chế dục vọng và không tham lam, chỉ lấy phần mà mình nên được, vậy mới có thể bình an, hạnh phúc. Sống trong an lạc nhưng không quên những người nghèo đói, nhiệt tình cứu khổ, giúp đỡ người khác mới có thể may mắn lâu dài”.

(Theo “Truyện cổ kinh điển Phật gia”)



Ngày đăng: 03-08-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.