Bàn về nhận thức của tôi đối với tiền
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[ChanhKien.org] Thỉnh thoảng có đồng tu hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền, tôi cho rằng tiền không nên trở thành mối quan tâm của chúng ta.
Người thường nói, xe đến trước núi tất sẽ có đường. Con tôi học vẽ, mấy năm trước mỗi tháng mất 10 tệ tiền mua đồ dùng học vẽ, sau đó vật giá tăng lên, tiền học cũng dần dần tăng, nhưng lương của tôi cũng tăng, có thể đủ chi trả tiền mua đồ dùng học vẽ cho con. Đầu năm tôi phải trả hơn 10.000 tệ để cho con đi học thêm, kết quả thi vào đại học bị thiếu một điểm phải vào trường đại học hạng ba, học phí của trường này mỗi năm 21.000 tệ. Năm tiếp theo cháu quyết định thi lại, hàng ngày sáng sớm ngủ dậy tôi cùng con học sách “Chuyển Pháp Luân”, buổi trưa tan học về nhà luyện hai bài công pháp, không tham gia bất cứ lớp học thêm nào, kết quả cháu thi đỗ trường đại học hạng nhất, học phí một năm 8.800 tệ. Như vậy bốn năm học tiết kiệm được rất nhiều tiền học phí. Cho nên người tu luyện lấy tu luyện làm căn bản, tùy kỳ tự nhiên là tốt nhất.
Nhưng người tu luyện nếu bị “tiền” can nhiễu thì có thể do đằng sau còn tồn tại những nhân tâm khác.
Một hôm, trưởng phòng bảo tôi cầm giấy thông báo trúng tuyển của con đến để nhận phần thưởng. Tôi nói không cần đâu. Anh ấy nói không được, và đưa cho tôi xem một quyển sổ, vào tiểu học được thưởng 200 tệ, lên đại học được thưởng 500 tệ, tôi đành phải đồng ý. Không ngờ trưởng phòng lại đưa cho tôi hóa đơn 200 tệ bảo tôi ký. Tôi kinh ngạc, nhưng lập tức nghĩ mình nên vứt bỏ tâm hám lợi, ký tên xong ra phòng tài vụ nhận 200 tệ. Nào ngờ một lúc sau, trưởng phòng lại cầm một hóa đơn vào bảo tôi ký. Tôi hỏi có chuyện gì vậy, trưởng phòng nói tài vụ tìm anh ấy nói đã tính nhầm theo mức thưởng cho học sinh tiểu học. Tôi nói: “Tôi biết, nhưng tôi sợ anh phải đi ký lại giám đốc, giám đốc sẽ nghĩ rằng anh làm việc có sai sót, sẽ có ấn tượng xấu về anh. Anh ấy nói: “Không sao đâu, tôi thường chi tiền sai mà, giám đốc cũng đã ký lại hóa đơn rồi”. Tôi đành phải lĩnh thêm 300 tệ. Việc này khiến tôi cảm thấy trong tu luyện cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, không phải bạn không muốn là xong, mà cứ nhất thiết phải đưa cho bạn, bạn không cần “tiền”, có phải là muốn cầu “đức” không? Mà sự thay đổi bất ngờ này lại làm khuấy đảo tâm của bạn. Bạn cần phải thực sự buông bỏ lợi ích người thường này mà đề cao lên.
Một hôm, một đồng nghiệp đột nhiên nói với tôi rằng: “Tiền lương của hai chúng ta đã tăng lên, cả hai đều được gần 3000 tệ, vừa rồi khi thay bóng điện cho giám đốc, giám đốc đã nói với tôi, giám đốc đều vui mừng thay cho chúng ta”. Tôi dửng dưng không chút động tâm. Sau đó thấy tin nhắn của ngân hàng, lương của tôi không được như đồng nghiệp, tại sao anh ấy nhiều còn tôi ít? Hay vì anh ấy là nam giới nên làm việc nhiều hơn tôi, nên được tăng lương nhiều hơn? Vả lại anh ấy còn có con trai chưa lập gia đình nên cần tiền, anh ấy kiếm được nhiều hơn tôi, tôi phải vui mừng cho anh ấy mới phải. Buổi trưa anh ấy về cơ quan nghỉ trưa, thì thầm nói với tôi: “Cô xem này lương của tôi không được nhiều như vậy, có lẽ giám đốc nhìn nhầm tên trên bảng lương rồi”. Tôi vừa nhìn tin nhắn thấy lương của chúng tôi ngang bằng nhau. Đúng là trong tu luyện không có chuyện nhỏ, thử thách xem chúng ta có tâm tật đố và tâm chấp vào lợi ích không.
Tiêu chuẩn đạo đức khác nhau, nội hàm của chữ “tiền” đối với mỗi người cũng khác nhau.
Tiền ra đời chỉ để thuận tiện cho giao dịch. Khi người ta đổi vật lấy thứ mình cần, cảm thấy thật là bất tiện, triều Tống đã phát minh ra tiền giấy làm vật trao đổi. Hiện nay cầm tiền nhân dân tệ ra nước ngoài thì không thể tiêu được, phải đổi thành đô la Mỹ, tiền Euro… để mua sản phẩm mình cần.
Khi người xưa đổi vật lấy vật, trong tư tưởng không có khái niệm về tiền, chỉ đơn thuần để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Cùng với sự phát triển của xã hội mà xuất hiện tiền tệ. Khái niệm tiền đã xuất hiện, cùng với sự trượt dốc của đạo đức nhân loại, đến bây giờ nó đã trở thành tượng trưng cho sự tham lam và dục vọng của con người.
Kỳ thực cá nhân tôi hiểu rằng, khi chấp trước mạnh mẽ vào tiền thì tiền ấy sẽ giống như phụ thể, nó không phải là cáo-chồn-quỷ-rắn, nhưng quan niệm biến dị của con người khi truy cầu mạnh mẽ vào tiền sẽ bị tà ác thao túng. Khi giảng về phụ thể, Sư phụ nói:
Họ cho rằng kiếm tiền, truy cầu tiền, phát tài, đó là điều hết sức hợp lý, là điều đúng đắn; vì thế mà làm hại người khác, làm thương tổn người khác, vì kiếm tiền mà không việc ác nào không làm, điều gì họ cũng dám phạm. [Con động vật ấy] nó không mất, thì nó không được; nó giúp chư vị phải chăng là vô cớ? Nó muốn đoạt những thứ trên thân chư vị. Tất nhiên như tôi đã giảng, người ta đều vì quan niệm của mình chẳng ngay, tâm nơi mình chẳng chính mà [tự] rước lấy rắc rối. (Chuyển Pháp Luân)
Mà người tu luyện chấp trước vào tiền là bởi vì trong mê mà chấp trước vào cái gọi là cuộc sống tốt đẹp trong người thường. Cho nên đằng sau chấp trước vào tiền còn có chấp trước vào danh, lợi, tình. Khi bị “tiền” can nhiễu, chúng ta nên tìm xem còn có nhân tâm gì không, phải chính niệm thanh trừ, vứt bỏ nó.
Sư phụ giảng:
Những cái mà người thường vẫn truy cầu thì chúng tôi không truy cầu; thứ
mà người thường có thì chúng tôi cũng không quan tâm; nhưng thứ mà chúng tôi có thì người thường có muốn cũng không được. (Chuyển Pháp Luân)
Tiền là vật ngoại thân, chúng ta dùng tiền để đáp ứng nhu cầu ăn ở đi lại của bản thân là được rồi, mối quan tâm của chúng ta nên là làm thế nào giảng rõ chân tướng, cứu độ nhiều chúng sinh hơn.
Trên đây là nhận thức trong tầng thứ của tôi, xin từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/253197
Ngày đăng: 24-08-2019
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.