Vườn rau nhỏ ở quê nhà
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
[ChanhKien.org] Mẹ tôi, cũng là đồng tu, sống một mình ở quê nhà ở vùng nông thôn, mẹ có một vườn rau nhỏ cần tôi về chăm sóc. Tôi sống ở thành phố, quá trình về quê chăm sóc vườn rau này cũng thể hiện ra tâm tính của người tu luyện.
Đậu đũa siêu thường
Tôi vốn không thạo việc cấy hái, trồng trọt, lại phải từ thành phố về nhà để trồng rau, có lúc lần này về nhà gieo hạt, lần sau về thì cỏ dại và cây rau mầm đã cao ngang nhau rồi. Lúc đầu, tôi thường dành thời gian diệt cỏ và tưới cây. Không lâu sau, tôi phát hiện càng diệt thì cỏ lại mọc càng nhiều, vườn rau của người khác không có cỏ, còn vườn rau của nhà chúng tôi thì cỏ mọc um tùm. Tôi nghi hoặc, lẽ nào cỏ của nhà người khác đều chạy sang nhà mình sao? Điều này không đúng, thời gian của đệ tử Đại Pháp không phải để lãng phí vào làm những việc này. Tôi về nhà trồng rau là một phần của việc chứng thực Pháp, giảng chân tướng cứu người mới là việc chính mà tôi cần làm. Vậy nên, tôi nói với đám cỏ dại: “Các ngươi đều vì Pháp mà đến, hãy nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ để có một tương lai tốt đẹp, đừng đến vườn rau của ta làm lỡ mất thời gian cứu người của ta nữa”. Một thời gian sau, tôi phát hiện cỏ dại đã ít hơn một chút nhưng vẫn còn rất nhiều, tôi nghĩ: “Vũ trụ mới trong tương lai là phồn vinh, mình cũng không thể chấp trước vào sự tồn tại của nó được, cứ tùy kỳ tự nhiên thôi”. Cứ thế, khi tôi coi nhẹ các tâm chấp trước thì rau trong vườn cũng luôn thể hiện ra sự siêu thường của chúng.
Tết thanh minh năm nay, các chị em tôi (đều là đồng tu) cũng về quê để tranh thủ thời gian trồng đậu đũa. Thời gian này nhiệt độ ngoài trời vẫn rất thấp, đôi khi còn có tuyết rơi, nên những nhà khác đều chưa bắt đầu trồng. Tôi tự hỏi, gieo hạt lúc này chẳng phải sẽ hỏng hết vì lạnh sao? Nhưng nghĩ lại liền nhận thấy rằng suy nghĩ này mang theo quan niệm người thường, vậy nên khi gieo hạt tôi đã niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”, tôi nói với những hạt giống đậu đũa rằng chúng hãy mau lớn để chứng thực Pháp và có một tương lai tốt đẹp. Em gái tôi phủ một lớp màng mỏng trên đất để bảo vệ hạt giống, bảo rằng làm vậy hạt sẽ mau lớn. Khi mầm đậu đũa nhú ra khỏi lớp màng, thím hàng xóm cười nói: “Đậu đũa gieo dày quá, phải nhổ bớt mầm đi nếu không cây lớn lên chen chúc quá dễ bị chết”. Tôi ra vườn xem thấy đậu đũa phát triển rất tốt, từng mầm cây như đang vươn đầu ra nhìn tôi, thấy mầm cây nào cũng không nỡ nhổ, liền nói với các mầm cây “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”. Vậy là tôi đã không động đến mầm cây nào. Trong thời gian đó, bà thím cứ liên tục nói với mẹ tôi rằng đậu đũa quá dày, không nhổ bớt đi thì sẽ không lớn được. Tôi không hề động tâm. Đậu đũa nhà người khác mới leo lên giàn, vậy mà những cây đậu đũa nhà chúng tôi đã ra hoa trước rồi, từng chùm hoa nối nhau chi chít. Đương nhiên, đậu đũa cũng kết quả rất nhiều, tôi hái vài sọt gửi tặng các chị em ở thành phố, để họ chứng kiến sự siêu thường của Đại Pháp. Vì vườn rau nằm ngay bên đường nên những người qua đường đều kinh ngạc hỏi: “Hạt giống đậu đũa nhà chị kiếm ở đâu thế? Năm nào cũng kết quả sai chĩu chịt”. Ban đầu tôi không đủ tự tin để nói sự thật với mọi người, bởi vì tôi vẫn bỏ công sức để tưới rau, nhưng nhiều người hỏi quá nên tôi nghĩ cũng không thể che giấu như thế mãi được, tôi nói với họ: “Giống rau tôi cũng mua ở chợ, không có gì khác biệt, chỉ có điều tôi thường niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ cho chúng nghe”, tôi bảo họ cũng thử niệm xem sao.
Dưa chuột bị đứt gốc
Khi trồng dưa chuột tôi không phải mất nhiều thời gian cuốc cỏ nhưng dưa chuột vẫn phát triển rất tốt, mặc dù phải lớn lên giữa lùm cỏ. Một lần, tôi tìm dưa chuột trong lùm cỏ, thấy cỏ mọc nhiều quá, che mất một nửa khóm dưa chuột, bèn nghĩ dùng cuốc để cuốc bớt cỏ xung quanh khóm dưa chuột. Cuốc xuống liền cảm thấy có gì không ổn, hất cỏ ra xem thì thấy dưa chuột đã bị tôi cuốc đứt gốc rồi. Tôi lập tức nhớ đến bài viết của một đồng tu trên Minh Huệ, đồng tu trong lúc làm việc bị đứt tay, hiểu rằng mình là đệ tử Đại Pháp, anh lập tức dùng tay bịt chặt vết thương, một lát sau xem lại thấy tay hoàn toàn không hề có dấu vết bị thương. Tôi cũng học theo, liền cầm nắm đất lên nói với cây dưa chuột: “Xin lỗi, ta vốn không muốn làm tổn thương ngươi, ngươi cũng là sinh mệnh được Đại Pháp tạo ra, ngươi rất siêu thường, hãy cố gắng sống nhé”. Lần sau trở về nhà, tôi thấy giàn dưa chuột vẫn phát triển tốt, còn ra cả quả nữa.
Bí đỏ trên rãnh nước
Người sống ở phương bắc đều biết một loại quả quen thuộc là bí đỏ, loại quả này trồng vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa thu, quả thường to đến vài ký thậm chí mười mấy ký. Mẹ tôi cũng trồng loại rau quả này trong vườn, khi bí đỏ leo lên tường ra hoa thì trong rãnh nước nhỏ trước cửa cũng mọc lên một cây bí đỏ, khi dây leo cao bằng thân người, tôi dùng dây thừng kéo nó vào nhà. Mẹ tôi nói: “Cây bí đỏ này đã nảy mầm muộn như thế, lại còn mọc trong rãnh nước, sao có thể phát triển thành cây được chứ?”. Tôi kiểm tra cẩn thận xem rễ cây bí đỏ mọc ra từ đâu. Trời ơi, cây bí đỏ mọc trên cái rọ sắt. Thì ra dưới rãnh nước có cái rọ sắt đậy trên khe hở nhằm ngăn rác rưởi chặn dòng nước chảy, tôi rửa sạch rác rưởi trong cái rọ sắt, chỉ còn sót lại một chút bùn đất. Mẹ tôi thấy vậy càng ko tin cây có thể phát triển được, mẹ nói: “Cái cây này sẽ không ra nổi một bông hoa, đừng nói đến ra quả”. Tôi nhắc nhở mẹ: “Những thứ đến nhà chúng ta đều không phải ngẫu nhiên, có thể là vì Pháp mà đến, chúng ta hãy thường xuyên niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ cho nó để nó phát triển tốt và chứng thực Pháp”. Không lâu sau, cây bí đỏ đã ra hoa, sau đó nó thực sự đã kết quả, tổng cộng đã mọc ra ba quả bí đỏ. Mẹ tôi cảm khích trước sự siêu thường của Đại Pháp, nói rằng ai mà ngờ được bí đỏ có thể mọc trên rãnh nước.
Thời gian thực tu của tôi không lâu, bởi tín phục trước Pháp lý bác đại tinh thâm của Đại Pháp, tôi đã viết ra câu chuyện này để khích lệ bản thân thêm tín Sư tín Pháp, từng ý từng niệm đều chiểu theo Pháp.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/241409
Ngày đăng: 01-07-2018
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.