Tu luyện từ những điều nhỏ nhặt



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org] Tại Pháp hội New York 2015, Sư phụ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta tu luyện tốt bản thân từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nếu không, chúng ta không thể nhận ra vấn đề ở đâu ngay cả khi bị cựu thế lực bức hại đến chết. Nhìn lại sự tu luyện của bản thân tôi, vì các thành viên trong gia đình tôi đều là người thường, tôi đã không thể chiểu theo Đại Pháp và nghiêm khắc tự giác yêu cầu bản thân. Sư phụ thực sự đã thức tỉnh tôi khi Ngài đặc biệt nhấn mạnh việc tu luyện những điều dường như nhỏ nhặt nhưng kỳ thực lại là vấn đề lớn trong tu luyện. Có lẽ chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của sự tu luyện, chúng ta cần phải đáp ứng hoàn toàn tất cả các tiêu chuẩn để đạt viên mãn.

Trong Giảng Pháp tại Pháp Hội New York 2015, Sư phụ giảng:

Nhưng có những học viên họ không chiểu theo Đại Pháp mà làm, họ chiểu theo phương thức người thường mà làm, thậm chí khi ý thức được một số thiếu sót của mình, bèn cảm thấy việc đó là việc không quan trọng, nên làm chiếu lệ cho qua. Nhưng cựu thế lực không buông cho qua, chúng dùng tiêu chuẩn người tu luyện để đo lường chư vị, chúng dùng tiêu chuẩn sinh mệnh tương lai để đo lường chư vị. Chư vị dùng tiêu chuẩn người thường để đo lường bản thân mình, để yêu cầu bản thân mình như thế, thì chúng có chịu không? Chúng không chịu, do đó có người sẽ đụng phải ma nạn nhiều đến vậy, phiền toái nhiều đến thế, thậm chí có những người vì thế mà rời khỏi thế gian rồi mà vẫn không biết là [vì] sao rời đi.”

Trong phần trả lời câu hỏi của học viên về việc có đồng tu xuất hiện nghiệp bệnh teo nhược tiểu não, Sư phụ đã giảng:

Nếu là ở quốc ngoại, các đệ tử Đại Pháp có kinh nghiệm đều biết, không có bất kỳ việc gì là ngẫu nhiên phát sinh ở trên thân đệ tử Đại Pháp. Tôi nói quả thực nên phải tự xét chính mình một cách hết sức thiết thực về [phương diện] tu luyện. Không được coi thường coi nhẹ những việc mà chư vị cảm thấy không phải việc gì lớn. [Hãy] từ tiêu chuẩn tu luyện mà xét vấn đề, chư vị xem là vấn đề nhỏ, [nhưng] cựu thế lực theo thái độ của đệ tử Đại Pháp mà xét, chúng lại không hề nhỏ. Những việc mà chư vị cảm thấy không trọng yếu, thông thường đều là [vì] dùng tiêu chuẩn người thường mà đo lường bản thân, chứ không dùng Pháp!

Vậy thì “vấn đề nhỏ” ở đây là gì?

Ba bữa ăn mỗi ngày nghe qua tưởng chừng như là chuyện lặt vặt. Tuy nhiên nếu chúng ta có nhu cầu tương đối cao về chất lượng thực phẩm và hương vị; để tâm nhiều vào các món ăn hàng ngày, vậy thì chúng ta đã cách xa tiêu chuẩn của người tu luyện trong bài “Đạo Trung”:

Thực nhi bất vị – Khẩu đoạn chấp trước.” (Hồng Ngâm)

Tại bước cuối cùng này, chúng ta cần phải tu luyện đến không còn bất kỳ thiếu sót nào (vô lậu) để có thể đạt tiêu chuẩn viên mãn. Cựu thế lực có thể ngăn chặn một số lượng lớn các học viên: ngươi không thể đạt viên mãn vì ít nhất là người đã không loại bỏ chấp trước vào ăn uống.

Với các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng tương tự, truy cầu một cuộc sống chất lượng cao có thể dẫn đến chấp trước an nhàn và các học viên có thể trở nên ít tinh tấn hơn khi thời gian trôi đi. Tuy nhiên, chỉ có những đệ tử dũng mãnh tinh tấn mới có thể thành công.

Hàng ngày đi ra ngoài, liệu chúng ta có sẵn sàng tuân thủ luật giao thông, chỉ qua đường khi đèn xanh bật? Hay chúng ta vẫn băng qua đường dù đèn đỏ với lời bào chữa là bận quá không thể chờ được. Chỉ cần không có xe cộ, chúng ta sẽ băng qua đường dù đang là đèn đỏ. Rất nhiều người thường cũng làm như vậy. Sau khi học kinh văn gần đây nhất của Sư phụ, tôi nhận ra rằng mình đã sai. Ở xã hội phương tây, hành vi thô lỗ coi thường luật giao thông như vậy là hoàn toàn sai. Như Sư phụ đã giảng trước đây, ở xã hội tây phương, bạn cần phải giữ cửa mở cho người đi sau bạn ở những nơi công cộng. Đây là thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với xã hội.

Một ngày nọ, tôi đến siêu thị để gửi một lá thư. Một người đàn ông da đen mặc một chiếc áo thun bẩn thỉu, trông rất xấu xí và dữ tợn, đang sắp xếp các xe mua hàng. Ông ấy nói với tôi rằng không có thùng thư ở đó. Tôi đã rất thất vọng và rời đi mà không nói lời cảm ơn. Sau đó tôi đã nhận ra rằng làm sao tôi có thể đạt tiêu chuẩn của một người tu luyện? Tôi còn chưa lịch sự bằng một người bình thường. Nhìn sâu hơn, phán xét bề ngoài là truyền thống độc hại từ văn hóa đảng. Có nghĩa là tôi đã vô thức phân loại mọi người theo địa vị xã hội khác nhau chứ không phải là bình đẳng tôn trọng mọi sự sống. Hơn nữa tôi đã quá đặt mình làm trung tâm. Nếu câu trả lời là có một hòm thư ở đó, tôi có thể sẽ nói cảm ơn một cách vô thức. Tuy nhiên tôi đã hoàn toàn quên mất và chỉ để tâm vào sự mất mát của bản thân mình, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Người tu luyện cần phải loại bỏ tâm sắc dục. Tuy nhiên rất nhiều học viên đã sinh nhiều con trong khi thời gian, điều kiện kinh tế và sức lực đều rất thiếu thốn. Liệu các bạn đã loại bỏ được tâm sắc dục chưa? Có thể một vài đứa trẻ là tái sinh của các học viên bị tra tấn đến chết ở Đại Lục. Nếu cha mẹ không thể tu luyện tinh tấn, họ không chỉ trì hoãn sự tu luyện của bản thân họ mà còn ảnh hưởng tới những đứa trẻ.

Nhớ lại lời giảng của Sư phụ trước đó, một số đệ tử Đại Pháp ở Đại Lục đã bị cựu thế lực bắt giam vì họ không thể loại bỏ tâm sắc dục. Một số học viên bị bắt giam để loại bỏ tâm hiển thị. Chúng ta hoàn toàn phủ nhận an bài của cựu thế lực. Mặt khác, dù là chấp trước sắc dục hay hiển thị, chẳng phải chúng ta nên loại bỏ chúng sao? Chúng ta có thể mang tư tưởng người thường lên thiên thượng được không?

Xã hội người thường là nơi thấm đẫm bởi tình. Một số đệ tử không thể thoát khỏi chấp trước vào gia đình. Một số thì không thể thoát khỏi chấp trước vào học viên khác, ví như gần gũi với những học viên này nhưng lại ghét bỏ những người khác. Sự phân biệt này thể hiện những chấp trước người thường nghiêm trọng. Hình thành các nhóm nhỏ và bè phái, không thể tập hợp các học viên lại với nhau vì các chấp trước con người. Đây cũng là thiếu sót của chúng ta khi không thể hình thành nên một chỉnh thể. Chúng ta không thể đạt viên mãn nếu vẫn còn dù chỉ là một thiếu sót.

Cuối cùng, hãy cùng nhau đọc lại yêu cầu của Sư phụ đối với các đệ tử từ 19 năm trước:

Đạo Trung

Tâm bất tại yên – Dữ thế vô tranh.

Thị nhi bất kiến – Bất mê bất hoặc.

Thính nhi bất văn – Nan loạn kỳ tâm.

Thực nhi bất vị – Khẩu đoạn chấp trước.

Tố nhi bất cầu – Thường cư đạo trung.

Tĩnh nhi bất tư – Huyền diệu khả kiến.

1996 niên 1 nguyệt 4 nhật

 

Diễn nghĩa:

Ở trong đạo

Tâm chẳng để nơi này — chẳng tranh đấu với đời.

Thị (nhìn) mà chẳng kiến (thấy) — chẳng mê chẳng hoặc (nghi).

Thính (nghe) mà chẳng văn (nghe thấy) — tâm này khó mà rối loạn được.

Thực (ăn) mà chẳng [theo] vị — miệng dứt hết chấp trước.

Làm [công chuyện] mà chẳng mong cầu — mãi luôn ở trong Đạo.

Tĩnh mà chẳng tư (nghĩ ngợi) — có thể thấy/chứng được những điều huyền diệu.

Ngày 04 tháng 01 năm 1996

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7008

 



Ngày đăng: 16-08-2015

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.