Sự khác biệt trong tinh tấn
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc
[Chanhkien.org] Một phương trình toán học thú vị đang được lưu truyền trên mạng xã hội Weibo (được ví như Twitter của Trung Quốc). Phương trình triển khai như sau: “1,01 mũ 365 bằng 37,8; 0,99 mũ 365 bằng 0,03.”
Như vậy, nếu chúng ta áp dụng trong nỗ lực hàng ngày, 1,01 nghĩa là chỉ thêm 1% nỗ lực mỗi ngày, trong khi 0,99 nghĩa là giảm 1% mỗi ngày. Sự khác biệt sau 1 năm (365 ngày) quả là quá to lớn. Với những ai thêm 1% nỗ lực mỗi ngày, cuối cùng anh ta sẽ được 37,8, trong khi ai bớt đi 1% mỗi ngày, cuối cùng anh ta sẽ chỉ còn 0,03. Nếu chúng ta làm tỷ lệ so sánh hai kết quả này, thì kết quả tỷ lệ là 1.219 (37,8/0,03).
Tôi rất kinh ngạc khi biết phép tính này. Sự khác biệt của nỗ lực chỉ trong một ngày sẽ mang lại thay đổi to lớn chỉ sau một năm.
Nguyên lý này chẳng phải cũng giống với người tu luyện chúng ta sao? Chúng ta đều cùng tu luyện dưới một mái trường, học cùng một Pháp và có cùng một Sư phụ. Trong cùng giai đoạn, do có sự khác biệt trong tinh thần tự giác, nỗ lực vào ba việc, mức độ tinh tấn, v.v. chúng ta sẽ có những thay đổi lớn trong thành quả của mình.
Một số đồng tu bây giờ có thể giữ được bình tĩnh vào mọi lúc. Mỗi khi gặp vấn đề, các học viên này thường sẽ tìm chỉ dẫn từ Pháp. Những học viên này nhận ra rằng học Pháp là việc quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Tu luyện chính là mục tiêu chính của họ. Khi các học viên này có thời gian rảnh, họ sẽ cầm quyển sách Đại Pháp lên để học. Khi đi xe buýt, làm việc trong văn phòng, các học viên này sẽ không quên nhẩm Pháp trong tâm. Ngày qua ngày, những học viên này vẫn học Pháp và tâm trí họ tràn đầy các nguyên lý của Pháp.
Vậy mà cùng lúc đó, có những học viên vẫn tận hưởng những thú vui hàng ngày trong xã hội. Khi có thời gian rảnh, họ sẽ xem TV, lướt web hay đi mua sắm. Khi cảm thấy thích thú, họ mới cầm sách Đại Pháp lên đọc. Nếu không có hứng, họ sẽ cất sách Đại Pháp sau lưng. Với những học viên này, tu luyện và học Pháp không phải là mục tiêu chính của họ, giống như việc phụ vậy. Điều đó chỉ như sở thích cá nhân mà thôi. Hãy nghĩ về điều này, nếu chúng ta đọc một bài giảng mỗi ngày, thì sau 10 năm, chúng ta sẽ đọc được Chuyển Pháp Luân hơn 3.500 lần. Mặt khác, nếu chúng ta chỉ đọc một bài giảng mỗi tháng thì sau 10 năm, chúng ta chỉ đọc được Chuyển Pháp Luân khoảng 120 lần. Sự khác biệt của hai nhóm học viên chỉ đơn giản là một bên đưa học Pháp vào những việc phải làm hàng ngày.
Một số đồng tu rất chú ý việc phát chính niệm. Lúc bắt đầu phát chính niệm, những học viên này trải qua nhiều can nhiễu; tuy nhiên, họ vẫn duy trì phát chính niệm hàng ngày. Mỗi khi tới giờ phát chính niệm, nó giống như một mệnh lệnh quân đội. Những học viên này ngồi song bàn và lập chưởng để phát chính niệm tiêu diệt tà ác. Theo thời gian, năng lượng chân chính của những học viên này ngày càng mạnh hơn và các tâm người thường của họ trở nên yếu ớt và ít khởi tác dụng. Những đồng tu này có kinh nghiệm làm giảm đáng kể những can nhiễu bên ngoài, trong khi đó tâm trí họ trở nên thanh tĩnh hơn. Chính niệm của họ rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, vẫn có những học viên không chú ý vào việc phát chính niệm. Nhiều người thậm chí còn nói phát chính niệm là không cần thiết. Họ thậm chí còn nói bản thân họ đã có chính niệm. Kết quả, những học viên này đơn giản là bỏ qua việc phát chính niệm. Họ thường có vấn đề với những can nhiễu bên ngoài. Vì Pháp đòi hỏi chúng ta phải phát chính niệm, đó là việc cần thiết mà mỗi chúng ta phải làm mỗi khi thời điểm đến. Việc này cũng giống như một điều lệnh quân đội. Khi chúng ta đoàn kết và cùng phát chính niệm trong một thời điểm, sức mạnh là vô hạn. Nếu mỗi người làm theo cách của mình, nó sẽ giống như một nắm cát rải rắc khắp nơi. Sức mạnh của phát chính niệm được quyết định bởi tập hợp mỗi người tu luyện trong chúng ta. Nó sẽ quyết định chúng ta có thể chiến thắng hay không trong cuộc chiến chống lại cái ác và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình Chính Pháp. Liệu chúng ta đã đối đãi với việc phát chính niệm như một điều lệnh quân đội hay chỉ giống một việc gì đó có thể từ chối làm? Sự khác biệt chỉ trong một lựa chọn.
Một vài đồng tu luôn tươi cười như mặt trời tỏa sáng. Họ đối đãi với mọi mâu thuẫn như cơ hội để tu luyện và luôn giữ chính niệm. Họ sẽ dần đề cao và trở nên từ bi. Cùng lúc đó, có nhiều học viên luôn than thở trách móc mọi thứ. Mỗi khi gặp mâu thuẫn, họ chắc chắn sẽ gây sự với người khác và không bao giờ sẵn lòng khiêm tốn, mà chỉ tập trung vào việc tìm kiếm lỗi của người khác. Như vậy, chúng ta có những học viên phát triển tâm từ bi mỗi ngày. Chúng ta cũng có những học viên ôm giữ thù hận mà không cải thiện tâm từ bi chút nào. Sự khác biệt thể hiện qua thái độ của một người đối với mâu thuẫn hàng ngày.
Một số đồng tu luôn sẵn sàng xả bỏ các chấp trước của mình vào ham muốn và dục vọng trong cõi người thường. Thân thể họ chứa đầy năng lượng chân chính. Những học viên này có thể giữ mình vững vàng trước các vấn đề sắc dục. Họ đọc những câu chuyện đạo đức truyền thống về việc thủ tiết và tránh xa các chương trình giải phóng tính dục trên TV. Mỗi khi tâm chấp trước của họ nổi lên, những học viên này lập tức phát chính niệm để bài trừ can nhiễu. Cùng lúc đó, có những học viên vẫn chấp trước nặng nề vào ham muốn và sắc dục. Giống như Sư phụ giảng trong kinh văn “Người tu cần tránh”, Tinh Tấn Yếu Chỉ: “miệng niệm kinh văn mà tặc nhãn đảo quanh, quá xa rời Đạo, ấy là người thường tà ác.”
Những học viên như vậy nói rằng họ có thể giữ mình được chừng nào họ còn học Pháp. Họ không chú ý vào Pháp giảng về phương diện ham muốn và sắc dục. Mỗi khi các chương trình túng dục xuất hiện trên TV, những học viên này sẽ không tắt TV ngay, thay vào đó họ sẽ tiếp tục xem. Mỗi khi chấp trước vào sắc dục của họ nổi lên, những học viên như vậy sẽ không cố gắng kiềm chế chấp trước của mình. Thay vào đó, họ tự phóng túng bản thân. Mặt khác, chúng ta có những học viên đối đãi với vấn đề sắc dục như một vạch đỏ trên cát — dẫu bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được vượt qua lằn ranh này. Và bên kia lằn ranh này, chúng ta vẫn còn những học viên tự phóng túng bản thân mình. Sự khác biệt chỉ đơn giản ở việc tu luyện tâm tính mỗi cá nhân.
Một số học viên đọc Minh Huệ mỗi ngày. Họ học từ người khác và cố gắng hiểu các chia sẻ tu luyện từ các học viên khác. Họ đối đãi với các đồng tu như tấm gương của mình và so sánh để cải thiện hơn. Nếu chúng ta có thể học được một kinh nghiệm của đồng tu hàng tuần, trong 10 năm chúng ta sẽ biết ít nhất 520 kinh nghiệm tu luyện từ các đồng tu. Trong đó nhiều kinh nghiệm có được chỉ sau khi một đồng tu qua đời. Những kinh nghiệm như vậy rất quý giá và cần được trân trọng. Nhiều học viên dùng nguyên lý “lấy Pháp làm Thầy” như một lý do biện hộ và nói rằng họ không cần học từ Minh Huệ, họ cho rằng chỉ học Pháp là đủ. Như tất cả chúng ta đều biết, Minh Huệ là cửa sổ giao lưu của các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp khắp thế giới. Sư phụ đã và đang bảo hộ mạng lưới này để chúng ta trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau đề cao như một chỉnh thể. Khi chúng ta tu luyện với sự trợ giúp của cửa sổ giao lưu Minh Huệ, website này sẽ được cải thiện và chúng ta cũng được đề cao. Nếu chúng ta chỉ tu luyện cho bản thân, sẽ không có những tài liệu tham khảo, hướng dẫn trợ giúp, sẽ không tồn tại một môi trường nơi mọi người có thể tự so sánh mình với người khác trong việc tu luyện. Một người có thể đề cao trong cách đó nhưng phải mất một thời gian dài. Nếu chúng ta tu luyện cùng nhau mỗi ngày, tất nhiên chúng ta sẽ đề cao nhanh hơn. Nếu chúng ta tự tu luyện mỗi ngày, sẽ mất nhiều thời gian để đề cao.
Một vài đồng tu cảm thấy tràn trề năng lượng. Họ cảm giác thân thể mình nhẹ bẫng như không khí. Bất kể việc nhà cực nhọc thế nào, những học viên này luôn luyện năm bài công pháp mỗi ngày. Trong tâm trí họ, luyện công giống như một quy tắc nghiêm ngặt phải làm hàng ngày, một quy tắc không bao giờ được phá vỡ. Đây là việc mà một người tu luyện phải hoàn thành với bất cứ giá nào.
Có những học viên không được trải nghiệm các thay đổi tốt về sức khoẻ. Những học viên này luôn có các dấu hiệu bệnh tật. Một vài người phải uống thuốc trong hơn 8 năm. Họ cảm thấy đau đớn một phần cơ thể ngày hôm nay và ngày hôm sau thì đau nơi khác. Hầu hết những học viên này không luyện công một thời gian hay không luyện công hàng ngày. Một vài người chỉ luyện bài tĩnh công và vài người chỉ luyện một chút rồi thôi. Sư phụ từng giảng về điều này trong bài thơ “Đồng hoá” trong Hồng Ngâm: “Kinh tu kỳ tâm, Công luyện kỳ thân.” Nếu chúng ta không luyện công, làm sao chúng ta đắc công? Làm sao chúng ta có được sự tịnh hoá cơ thể tránh khỏi nghiệp bệnh? Làm sao chúng ta chuyển hoá được bản thể? Ai cũng có chấp trước vào an nhàn, mọi người dễ sinh lười nhác. Nếu chúng ta có thể kiên định luyện công thêm một chút mỗi ngày, thân thể của chúng ta chắc chắn sẽ khoẻ mạnh.
Một vài đồng tu đặc biệt chú ý việc tu khẩu. Họ không lan truyền các tin đồn. Đối với họ tu luyện là ưu tiên hàng đầu nên những học viên này luôn chú ý tới lời nói của mình mọi lúc; họ chọn cách khoan dung thay vì đáp trả lại. Kết quả là, tâm từ bi và sự nhẫn nại của họ được cải thiện, các mâu thuẫn được giải quyết một cách dễ dàng.
Tuy nhiên vẫn có những học viên hứng thú vào việc nghe và truyền bá các loại tin đồn. Họ trở nên giận dữ nếu tin đồn có họ trong đó. Với những học viên như vậy, càng mắc vào những tin đồn, họ càng cảm thấy sự bực tức của người thường và không thể thoát khỏi sự phức tạp của các mâu thuẫn chồng chéo. Những học viên như vậy chỉ có thể sa lầy vào các mâu thuẫn và rớt xuống tận đáy. Nếu chúng ta chú ý vào lời nói mỗi ngày và nói ít lại, cố gắng từ bi và quên đi những tin đồn, mọi việc chắc chắn sẽ tốt hơn. Nếu chúng ta không chú ý đến lời nói và nói ra bất kỳ điều gì mình thích, chắc chắn chúng ta sẽ vướng vào rắc rối. Càng cố giải thích, rắc rối càng chồng chất. Tâm tính chúng ta sẽ chỉ ở mức đó và kết quả chúng ta sẽ tạo thêm khẩu nghiệp và việc tu luyện của chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau.
Có một giai điệu viết rằng: “Một cái ốc bị mất, một con ngựa bị mất; một con ngựa bị mất, một chiến mã bị thiếu; một chiến mã bị thiếu, một chiến tướng bị mất; một chiến tướng bị mất, một trận chiến bị thua; một trận chiến bị thua, một đế chế biến mất.” Vậy nên sự suy tàn của một đế chế vĩ đại cơ bản là do một con ốc vít trên móng ngựa bị lỏng. Bài hát này nói với chúng ta nguyên lý rằng nếu chúng ta chấp trước vào những điều nhỏ nhặt, kết quả sẽ là một rắc rối lớn. Một sơ suất nhỏ lúc đầu, nếu không được sữa chữa cho đúng và kip thời, sẽ dẫn tới thảm hoạ không thể cứu vãn vào phút cuối.
Mỗi đồng tu đều đang bước đi trên con đường tu luyện của mình. Mỗi người đều có khó khăn, vất vả hay những buồn phiền khó nói với người khác. Sự khác biệt trong tu luyện thỉnh thoảng chỉ giống như sự khác biệt trong một niệm. Chỉ một khác biệt nhỏ khó có thể chỉ rõ ra. Người ta thậm chí còn không muốn nói về những việc nhỏ nhặt. Nhưng tu luyện giống như đi thuyền ngược gió — nếu bạn không chèo mạnh, bạn chắc chắn sẽ bị đẩy lùi về sau. Nếu chúng ta dành thêm một chút thời gian để học Pháp và luyện công mỗi ngày, thì chúng ta có thể chống lại tâm người thường và cuộc sống người thường một thời gian dài. Nếu chúng ta bớt một chút và lười một chút trong việc học Pháp và luyện công mỗi ngày, chúng ta chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau và kết quả là bị bỏ lại.
Tu luyện không phải là một cuộc đua nước rút, sự bứt tốc đột ngột bất ngờ không có tác dụng. Tu luyện giống một cuộc chạy đua ma-ra-tông hơn — một cuộc thi đường dài mà cả tốc độ và sự bền bỉ dẻo dai đều cần thiết. Tu luyện chỉ có thể được tích luỹ sau nhiều năm thực hành chăm chỉ. Chúng ta phải đề cao tiêu chuẩn ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chúng ta phải kiên định và giữ vững sự đề cao như chúng ta tu luyện thuở ban đầu. Chúng ta đề cao mình một chút, chúng ta muốn cải thiện hơn ngày hôm qua — chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể tu được “một vũ trụ hoàn chỉnh trong thân thể chúng ta” và đạt viên mãn.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/node/121974
http://pureinsight.org/node/6589
Ngày đăng: 06-03-2014
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.