Luôn luôn bảo trì chính niệm để tránh can nhiễu



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[Chanhkien.org] Không có việc gì mà một đệ tử Đại Pháp gặp phải là ngẫu nhiên. Khi có việc gì đó đột nhiên xảy ra, đó là để khảo nghiệm xem người đó tu luyện tâm tính có vững vàng hay không. Một buổi sáng trên đường đi làm cùng với một thành viên trong gia đình, người cũng là một đồng tu, tôi thấy anh ấy liếc nhìn một người khác giới đang đi ngang qua. Nhìn thấy cảnh đó rõ ràng rành rành, tôi cảm thấy hơi khó chịu. Tôi đã nhắc nhở người đó rằng một người tu luyện không nên chấp trước vào dục vọng với người khác giới. Nghe vậy, anh ấy liền nổi giận, tuy nhiên, cả hai chúng tôi đều đã nhanh chóng trầm tĩnh lại. Sau đó, tôi hướng nội và nhìn thấy chấp trước vào ham muốn dục vọng và tâm tranh đấu của chính mình. Tôi nhận ra rằng mình vẫn còn thiếu sót trong khía cạnh này, nếu không, tại sao tôi lại khó chịu? Tôi thấy buồn vì mình đã không giữ vững tâm tính khi gặp khổ nạn. Tôi đã phát chính niệm để thanh lý những nhân tâm và chấp trước này.

Sư phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009]”: “Giờ đây mọi người cần làm ba việc cho tốt; tu luyện bản thân về lý là đương nhiên rồi. Chính niệm đầy đủ, tu luyện bản thân thật tốt đương nhiên chính niệm sẽ đầy đủ.” “Con người ta tựa như một đồ chứa đựng, Pháp được mang vào nhiều, nhất là Đại Pháp của vũ trụ này, thì Ông sẽ khiến người ta có chính niệm, khiến người ta khởi tác dụng chính diện; khẳng định là như thế.”

Sau đó, tôi đã trải qua những khổ nạn cả về thể xác lẫn tinh thần. Sau khi cơn đau ở vai của tôi qua đi, tôi đã bị đau tim trong ba ngày. Tôi đau đến mức không thể ngủ được. Người nhà của tôi thậm chí đã hỏi xem liệu tôi có cần đến bệnh viện không, nhưng tôi vẫn kiên trì học Pháp và luyện công. Tôi nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ vào buổi đêm, bởi tôi không thể ngủ được. Khi cơn đau tim biến mất, bụng và thắt lưng của tôi lại bắt đầu đau. Cơn đau dữ dội đến mức tôi tưởng chừng như bụng và thắt lưng của mình đang vỡ ra từng mảnh. Lúc đó, tôi có suy nghĩ rằng tôi là một đệ tử Đại Pháp tuân theo lời dạy của Sư phụ và tôi có thể vượt qua những gì cần vượt qua. Tôi sẽ không thừa nhận bất kỳ bức hại và can nhiễu nào, và tôi sẽ thanh trừ chúng. Tôi phải cố hết sức để làm tốt ba việc.

Một tuần sau, bụng và thắt lưng của tôi đã hết đau. Tôi nhận ra những khảo nghiệm mà mình phải chịu đựng không có gì đáng kể, bởi vì Sư phụ vĩ đại đã giúp tôi vượt qua chúng. Từ đáy lòng mình, tôi vô cùng biết ơn Sư phụ. Tôi hiểu rằng chỉ cần mình đề cao tâm tính và toàn tâm toàn ý tín Sư tín Pháp, tôi có thể vượt qua các khổ nạn. Sư phụ giảng trong bài “Khổ kỳ tâm chí” – Hồng Ngâm: “Lao thân bất toán khổ. Tu tâm tối nan quá.” Chỉ khi hạ các chấp trước và nhân tâm xuống, chúng ta mới có thể vượt qua khổ nạn.

Trong bài kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009]”, có đoạn sau:

Đệ tử: Đệ tử khi giảng chân tướng gặp người thường nói có quen đệ tử Đại Pháp XYZ, mà không như một người thường bình thường, nói rất hay, làm lại thật sự dở.

Sư phụ: Những lời này tôi cũng từng nghe. Làm mà không được như đệ tử Đại Pháp thì khởi tác dụng mà cựu thế lực muốn; nguy hiểm đó. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng chư vị nghe người đó rồi thì cũng hãy nghĩ một chút về bản thân mình. Chư vị nghe hiểu rõ tôi nói chứ?

Lúc đầu khi học đoạn kinh văn trên, tôi nghĩ rằng nó nói về các học viên khác chứ không phải mình. Thực sự là tôi biết một số học viên mà Sư phụ nhắc đến trong đoạn giảng đó.

Trước kia, tôi đã nói quá nhiều và không làm đủ tốt. Tôi đã sa lầy vào những chấp trước và quan niệm người thường của mình. Hành xử của tôi cũng không đạt tiêu chuẩn của một đệ tử Đại Pháp. Tôi còn luôn băn khoăn không rõ người nhà của mình đã nhận ra chấp trước của anh ấy hay chưa. Một hôm khi học Pháp, tôi đột nhiên nhận ra rằng Sư phụ đang nói về mình. Khi ở bên các đồng tu, tôi đã nói rất nhiều. Kể từ đó, tôi nhận ra rằng tôi đã bị can nhiễu bởi chính các chấp trước người thường của mình và bị mắc kẹt trong cái khung tư tưởng người thường của mình. Tôi nghĩ rằng mình đã bỏ ra nhiều nỗ lực và làm được nhiều việc trong giảng chân tướng, nhưng trên thực tế, tôi lại bị hiểu sai và không được tín nhiệm. Tôi cảm thấy mình đang phải chịu đựng sự bất công, và chấp trước đố kỵ của tôi đã nổi lên cùng với cảm giác này. Nó làm tôi mất ăn mất ngủ. Tâm tôi chứa đầy những lời phàn nàn và tôi đã không hành xử như một người tu luyện cũng như không dùng chính niệm để suy xét về những sự việc mà mình gặp phải.

Sư phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009]”: “Nhất là giờ đây trong xã hội này, như mọi người đều thấy, những thứ tiêu cực quá nhiều rồi, dẫn động chấp trước [của] con người, động chạm đến tâm hồn của người ta, khiến con người thế gian không ngừng [bị] kéo xuống; điều ấy rất đáng sợ. Đệ tử Đại Pháp là người tu luyện, chứ không phải Thần tu luyện; là người trong tu luyện, do đó sẽ bị can nhiễu hoặc nhiều hoặc ít. Nếu không giữ mình được vững, vậy thì giống như người thường, biểu hiện trong can nhiễu không có khác biệt gì so với người thường.”

Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta cần phải tự câu thúc bản thân và phá vỡ các quan niệm và chấp trước người thường hết mức có thể. Việc tu luyện tâm tính của tôi đã được cải thiện nhờ học Pháp liên tục, phát chính niệm và với sự giúp đỡ của các đồng tu. Trong quá khứ, tôi đã bị can nhiễu bởi tôi không tu luyện vững vàng. Ở đây, tôi muốn cảm ơn những lời giáo huấn từ bi của Sư phụ đã cứu giúp tôi. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu không tu luyện Đại Pháp. Vì vậy, tôi hiểu rằng chúng ta cần tập trung tu luyện bản thân, tăng cường chủ ý thức, và liên tục hướng nội cũng như làm tốt ba việc. Chúng ta cần phải bước đi trên con đường mà Sư phụ đã an bài cho chúng ta.

Trên đây chỉ là thể ngộ cá nhân của tôi. Nếu có điều gì không phù hợp, mong quý đồng tu chỉ giúp.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/112413
http://pureinsight.org/node/6367



Ngày đăng: 09-03-2013

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.