Điều ngộ ra từ truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”
Tác giả: Thích Minh
[Chanhkien.org] “Rùa và Thỏ” là một câu chuyện ngụ ngôn rất nổi tiếng qua các thời đại. Bởi vì nó minh họa một triết lý rõ ràng và giản dị, nó sống mãi với thời gian và vẫn còn được sử dụng để giáo dục trẻ em ngày nay. Nhiều người lớn nhớ lại câu chuyện mà họ đã đọc thời thơ ấu và kể lại cho con cái của họ nghe để giáo dục chúng.
Cá nhân tôi cảm thấy câu chuyện này có liên hệ khá nhiều với người tu luyện. Không sợ hãi, chấp trước, hay kỳ vọng vào kết quả khi thi đấu với người khác, Rùa không hề tự ti, không tự giới hạn chính mình, và không chấp trước vào được và mất. Rùa cố gắng hết mức có thể và hành xử theo lương tâm. Cuối cùng, Rùa đã đến đích.
Chúng ta là những sinh mệnh nhỏ bé đang sống trong thời kỳ Chính Pháp hy hữu này. Chúng ta may mắn làm sao! Tiến trình Chính Pháp đang tiến về phía trước nhanh chóng. Chúng ta đang trong cuộc đua với Thần Thời Gian. Chúng ta nên cố gắng làm hết sức mình.
Sư phụ từ bi với tất cả chúng sinh và luôn cho chúng ta cơ hội. Trước khi Chính Pháp kết thúc, hết thảy chúng sinh vẫn còn cơ hội. Chìa khóa là chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Chúng ta nên sử dụng thời gian một cách tốt nhất, cố gắng bắt kịp tiến trình Chính Pháp và khai sáng những khả năng vô hạn của tương lai.
Quá trình và kết quả
Kết quả, tất nhiên, là quan trọng. Tuy nhiên, về mặt so sánh, một quá trình vững chắc là trọng yếu hơn. Đại Đạo vô hình, đệ tử chân tu không chấp trước vào hết thảy biểu tượng ở bề mặt hay ảo tưởng. “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới” (Chuyển Pháp Luân). Sư phụ chỉ xét nhân tâm. Ngài xem liệu mỗi niệm mỗi hành của chúng ta có ngay chính hay không, và liệu chúng ta có thể thực sự từ bỏ chấp trước hay không.
Không cầu mà tự được
Chúng ta nên nghiêm khắc với bản thân mình và tiến bước một cách nghiêm túc. Chúng ta phải cố gắng hết sức mình để chủ động làm tốt ba việc – học Pháp, giảng chân tướng và phát chính niệm. Trong khi duy trì một nền tảng vững chắc, chúng ta nên học hỏi từ các đồng tu khác, tinh tấn không ngừng, vô tư vô ngã đi trên con đường chân chính, từ bỏ cái “tôi”. Theo tôi, đây chính là nghĩa lý chân chính đằng sau “không cầu mà tự được”.
Chân chính từ bỏ cái tình của con người
Các quan niệm biến dị của con người được nuôi dưỡng bởi ma tính khi chúng ta bị ngập trong thùng thuốc nhuộm lớn của xã hội người thường. Ngay cả những người có thiện tâm trong xã hội Trung Quốc xưa cũng giảng “phải tự nhìn lại mình ba lần một ngày”. Chúng ta là người tu luyện, nên chúng ta phải nghiêm khắc với bản thân và nhìn vào trong. Chúng ta cần từ bỏ ma tính và đề cao tâm tính để trở về bản tính tiên thiên – Phật tính.
Khi bước đi trên con đường phản bổn quy chân, chúng ta cần kiên định chính tín vào Đại Pháp, dũng mãnh tinh tấn. Cũng như trong câu chuyện ngụ ngôn trên, sự kiên trì và bền bỉ đã chiến thắng.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2003/11/25/24658.html
http://pureinsight.org/node/2018
Ngày đăng: 13-02-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.