Những kiến trúc cổ đại có cùng bước sóng âm
Tác giả: Kat Piper
Những người cổ đại ở đảo Malta thuộc biển Địa Trung Hải có thể đã chủ định sử dụng âm thanh để tạo ra một sự thay đổi trạng thái ý thức, theo Quỹ Nghiên cứu Đền thờ cổ (QTSF), một tổ chức phi lợi nhuận tại Florida nhằm hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục về các di tích cổ ở Malta.
Hal Saflieni Hypogeum ở phía Nam Malta là một tổ hợp đền thờ ba tầng nằm dưới lòng đất với diện tích 500 mét vuông, được chạm khắc tinh xảo bằng đá vôi rắn cách đây 6.000 năm. Đây là một trong nhiều di tích cổ làm bằng cự thạch của Malta và được tạo ra bởi một dân tộc khéo léo và có tay nghề cao từ hơn một ngàn năm, trước khi Stonehenge hay các kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng.
Các nhà khảo cổ xác định Hypogeum được xây dựng vào khoảng năm 3.600 trước Công nguyên, và nó đã hoạt động cho đến năm 2.400 trước Công nguyên, thời điểm mà tất cả các đền thờ bằng cự thạch của Malta đột ngột bị ngừng sử dụng, theo lời giải thích của bà Linda Eneix, chủ tịch QTSF.
Hypogeum bao gồm rất nhiều đại sảnh và phòng ốc với đủ loại hình dạng và kích thước khác nhau, một số thì mô phỏng kiến trúc của những ngôi đền trên mặt đất, và còn có một phòng “tiếng vang” huyền bí. Từ khi hài cốt của gần 7.000 người, theo ghi nhận thì đều nằm lẫn lộn với nhau, được tìm thấy bên trong Hypogeum sau khi nó tình cờ được khám phá vào năm 1902, đa số các học giả gợi ý rằng nó đã được sử dụng như một nơi an táng, nhưng cũng có một số công dụng liên quan đến nghi lễ hay tôn giáo. Bà Eneix tin rằng những nghi lễ này có thể liên quan đến sự tôn kính Mẹ Trái đất.
“Chúng ta sẽ không bao giờ sẽ biết được họ đã làm những gì, nhưng việc hiểu được cách người dân bản xứ sử dụng đá để tạo ra ánh sáng và âm thanh xác nhận rằng đã có một sự tính toán khéo léo và có chủ ý”, bà Eneix nói. “Âm học là một ví dụ đầy thú vị”.
Bà Eneix cho biết trong phòng thờ ở tầng hai của Hypogeum có một hốc nhỏ hình trái xoan nằm ngang tầm mặt. Nếu một người đàn ông có giọng trầm nói vào trong đó, nó sẽ tạo ra một tiếng vang mạnh mẽ, hoặc cộng hưởng, và lan truyền khắp tổ hợp đền thờ.
“Những dấu vết đậm nét còn nhìn thấy được trên mép của hốc tường đã được in lại do rất nhiều, rất nhiều bàn tay tỳ vào đó. Có những dấu son màu đỏ bên trong cái hộp này. Có một đường ống phóng thanh được tạc trên trần của căn phòng, và những vết tích bằng son đỏ của những mẫu hình phức tạp—giống như những dòng nhạc thời tiền sử,” bà nói thêm.
Bà Eneix đã có ý tưởng điều tra thêm về hiện tượng âm học sau khi xem một bộ phim có tên “Âm thanh Thời kỳ Đồ đá” trên một chuyến bay từ Luân Đôn.
QTSF đã kiểm tra mẫu tiếng vang trong nhiều ngôi đền cổ Malta và nhận thấy nó phát ra ở tần số 110 hoặc 111 Hz—trong vùng âm của một giọng nam trầm. Điều này phù hợp với một nghiên cứu được xuất bản vào năm 1996 bởi Nhóm Nghiên cứu Hiện tượng Cơ khí Dị thường thuộc đại học Princeton, trong đó phát hiện ra rằng một số phòng cổ bằng đá cự thạch tại Anh và Ireland chịu đựng được sự cộng hưởng ở tần số giữa 95 và 120 Hz.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Ian A. Cook và các đồng nghiệp từ trường Đại học UCLA, đăng trên tạp chí Time and Mind trong năm 2008, đã dùng phương pháp chụp điện não để theo dõi hoạt động não bộ của những người tình nguyện trong khi cho họ nghe những tần số âm thanh khác nhau. Họ đã phát hiện ra rằng tại tần số 110 Hz, hoạt động của não đột ngột thay đổi. Phần não phụ trách xử lý ngôn ngữ trở nên tương đối thụ động, và những vùng liên quan đến tâm trạng, sự đồng cảm, và hành vi xã hội “được bật lên”.
“Rõ ràng, [những người cổ đại] thích thú với những gì họ nhận được từ điều đó, và họ đã xây dựng dựa trên những gì họ nhận được để cải tiến nó,” bà Eneix nói.
Các nhà khảo cổ vẫn chưa thể giải thích làm thế nào mà một hệ thống cơ khí tinh vi như thế này lại tồn tại cách đây gần 6.000 năm, nhưng những người xây dựng đền thờ Malta cổ đại có thể là những người đầu tiên sử dụng âm học trong các nghi lễ tôn giáo xuyên suốt truyền thống của Hy Lạp và La Mã cổ đại.
(Theo The Epoch Times)
Ngày đăng: 01-11-2010
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.