Chữ thập ngoặc của Quốc Xã hay là biểu tượng cổ đại?
—Đây là lúc để thấy sự khác biệt
Tác giả: Chirag Badlani
[Chanhkien.org] Trong một ngày lễ tôn giáo, mẹ tôi và tôi đi ra cửa hàng, Staples, mua một số bức tranh vẽ Thần để đưa vào ngôi đền. Một trong số những bức tranh, có một biểu tượng tôn giáo của người Hindu, tương tự chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã, nhưng xoay theo hướng ngược lại.
Khi chúng tôi đứng xếp hàng trả tiền, những người đằng sau chúng tôi, không chú ý sự khác biệt giữa hai biểu tượng, bắt đầu nói với nhau, rằng mẹ tôi và tôi là những kẻ phát-xít. Lặng người, mẹ tôi quay lại và từ tốn giải thích với họ rằng đó không phải là biểu tượng của Quốc Xã, rằng biểu tượng này thuộc về nhiều nền văn hóa khác nhau, trước khi những người Quốc Xã sử dụng nó. Bà giải thích về hàm nghĩa tôn giáo của nó. Rồi những người đứng sau chúng tôi nói rằng họ xin lỗi và tuyên bố: “Ồ, tôi chưa từng biết điều này.”
Tôi đã nhận ra rằng nhiều người, không chỉ ở đất nước này, mà trên cả thế giới, không hiểu ý nghĩa của chữ Vạn (swastika), và không biết rằng nó không phải là biểu tượng của Đức Quốc Xã.
Biểu tượng chữ Vạn là một hình chữ thập đều, với những cánh bị bẻ vuông về cùng một hướng, thường là bên phải, hay theo chiều kim đồng hồ. Hình chữ Vạn là một biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, và được tìm thấy ở nhiều nơi, ở cả thế giới cổ đại và hiện đại. Ban đầu, nó đại diện cho mặt trời đang xoay chuyển, lửa hay sự sống. Chữ swastika bắt nguồn từ tiếng Phạn của Ấn Độ cổ, có nghĩa là ‘có được hạnh phúc’. Chữ Vạn được sử dụng rộng rãi trong những đồng tiền xu cổ của người Lưỡng Hà, cũng như xuất hiện trong nghệ thuật của người Cơ Đốc giáo và Byzantine thời kỳ đầu, được biết đến với cái tên ‘thánh giá gammadion’. Chữ Vạn cũng xuất hiện ở Trung và Nam Mỹ, và được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật của người Maya thời cổ đại.
Ở Bắc Mỹ, chữ Vạn là một biểu tượng được sử dụng bởi những người Navajos. Ngày nay, chữ Vạn vẫn là một biểu tượng được sử dụng rộng rãi trong Phật giáo, đạo Giai-na, và Ấn Độ giáo (đạo Hindu). Trong Phật giáo, chữ Vạn đại biểu cho Phật. Trong đạo Giai-na, nó mô tả vị thánh thứ 7, và 4 cánh được sử dụng để nhắc nhở những tín đồ về bốn nơi có thể tái sinh: thế giới thú vật và cây cối, Địa ngục, Trái đất và thế giới linh hồn. Với người Hindu, chữ Vạn với các cánh bẻ về bên trái được gọi là sathio hay sauvastika, đại biểu cho ban đêm, phép thuật, sự tinh khiết, và nữ thần tàn phá Kali. Cả ở Ấn Độ giáo và đạo Giai-na, chữ Vạn, hay sathio được sử dụng để đánh dấu những trang mở của cuốn sách ghi chép, ngưỡng cửa, cửa và đồ cung tiến.
Chữ Vạn là một biểu tượng của người Aryan, trong tiếng Phạn có nghĩa là ‘quý tộc’. Người Aryan là một nhóm người từng định cư ở Iran và Bắc Ấn Độ. Họ tin rằng bản thân họ là một chủng tộc thuần khiết, siêu việt hơn tất cả các nền văn hóa xung quanh. Khi người Đức đi tìm một biểu tượng, họ đã tìm một thứ đại diện cho sự thuần khiết mà họ tin là thuộc về họ. Những người Quốc Xã coi họ là ‘người Aryan’ và cố gắng lấy trộm thành tựu của những người tiền sử này.
Ở Đức Quốc Xã, chữ thập ngoặc với cánh xoay theo chiều kim đồng hồ đã trở thành quốc hiệu. Năm 1910, nhà thơ và người quốc gia Guido von List đã đề xuất lấy chữ Vạn làm biểu tượng cho các tổ chức bài Do Thái. Khi Đảng Quốc Xã được thành lập năm 1919, họ đã chọn biểu tượng cổ, chữ Vạn, gán cho nó hàm nghĩa xấu nhất, và hủy diệt ý nghĩa tốt đẹp mà chữ Vạn đã mang trong hàng ngàn năm.
Năm 1935, chữ thập ngoặc màu đen nằm trong hình tròn màu trắng ở trên nền đỏ thẫm đã trở thành biểu tượng quốc gia của nước Đức. Sự khác biệt lớn giữa chữ thập ngoặc của Quốc Xã và biểu tượng cổ của nhiều nền văn hóa khác nhau, đó là chữ thập ngoặc của Quốc Xã nằm nghiêng, trong khi chữ Vạn cổ thì dựng đứng.
Ngày nay, bất cứ khi nào chữ Vạn cổ được sử dụng, nó đã tự nhiên bị đa số người ta coi là biểu tượng của Quốc Xã, và người sử dụng nó là phát-xít. Khi những người Quốc Xã chọn biểu tượng cổ này, họ đã xóa đi ý nghĩa tốt đẹp của chữ Vạn, biểu tượng của sự thuần khiết và của sự sống. Những người phân biệt chủng tộc ngày nay còn tiến xa hơn nữa trong việc hủy hoại ý nghĩa của biểu tượng cổ này, bằng cách sơn nó lên nhà cửa, xe hơi, và ngay cả trường học.
Khi tôi học lớp 8, chúng tôi được xem một đoạn video về một học sinh trung học trường nghệ thuật, người đã vẽ chữ Vạn và trưng bày nó trong phòng tranh của trường. Rồi chúng tôi tranh luận xem liệu bức tranh có nên bị gỡ xuống hay không. Vì hầu hết người ta không biết rằng chữ Vạn không phải là một biểu tượng của Quốc Xã, thứ đại diện cho sự chết chóc và hủy diệt, lớp tôi đã quyết định dỡ bức tranh xuống, và trên thực tế, cậu bé đã bị bắt buộc phải gỡ nó xuống. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy người ta đã nhầm chữ Vạn là một biểu tượng xấu như thế nào.
Chữ Vạn mang nhiều ý nghĩa hơn là những gì mà người Quốc Xã từng lên kế hoạch. Chữ Vạn đã tồn tại như là một biểu tượng của sự may mắn trong hàng ngàn năm trước khi những người Quốc Xã xuất hiện. Nó là một điều rất quan trọng trong nhiều nền văn hóa, đại diện cho lịch sử và tín ngưỡng của họ. Khi sử dụng chữ Vạn, những người Quốc Xã đã phá hoại ý nghĩa của biểu tượng cổ này. Ngày nay, người ta vẫn coi chữ Vạn là một biểu tượng của quỷ dữ, của sự chết chóc, và tàn phá. Thật đáng buồn khi biết rằng mặc dù chữ Vạn là một biểu tượng của sự sống, của niềm vui, nó đã bị làm cho biến thành biểu tượng của tà ác, điều mà người cổ đại không bao giờ nghĩ tới.
Dịch từ:
http://pureinsight.org/node/24
Ngày đăng: 02-06-2010
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.