Tài liệu giáo khoa văn hóa (Cao cấp): “Lấy Thiện đãi người”



Tác giả : Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

[Chanhkien.org] Lời ban biên tập: Để hoằng dương văn hóa Thần truyền Trung Quốc và thanh trừ văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã biên soạn một bộ tài liệu giáo khoa văn hóa chính thống. Chúng tôi hoan nghênh các đồng tu gia nhập và cộng tác trong việc biên soạn bộ tài liệu giáo khoa này.

Nguyên văn:

Khổng Tử viết: “Yến Bình Trọng thiện dữ nhân giao, cửu nhi kính chi”.

(Luận ngữ – Công dã tràng, quyển 5)

Chú thích:

Yến Bình Trọng là một hiền giả thời Xuân Thu chiến quốc, làm quan đại phu nước Tề, tên là Anh (Yến Anh) (Sử ký) Quyển thứ sáu mươi hai.

Dịch nghĩa:

Khổng tử nói: “Yến Bình Trọng có thể dùng thiện tâm mà giao kết với mọi người, vì vậy ai nấy đều kính trọng”.

Nghiên cứu tích xưa:

Yến Anh lấy Thiện tâm đối nhân xử thế, mọi người qua thời gian lâu dài cảm thụ được lực lượng từ bi ấy, dần dần được cảm hóa mà sinh lòng kính trọng Yến Anh. Khổng Tử dùng tích này như một ví dụ để chứng minh cho các học trò thấy được sức mạnh thực tiễn của chữ “Nhân” (Chữ nhân ‘仁’ – nhân ái, đức hạnh, đức thiện lương… khác với chữ nhân ‘人’, chữ nhân ‘仁’ thuộc bộ ‘人’) , đồng thời lấy đó làm gương.

Luận bàn thêm:

Nhân (‘人’) chi sơ, tính bản thiện“. Hiện nay xã hội nhân tâm không còn được như thời xưa, người ta giao thiệp với nhau, phần đông là lạnh lùng, tự tư tự lợi, không có chân thành. Thử ngẫm lại xem: hiện nay người nào trong xã hội mà không chịu ô nhiễm theo xã hội, lại giao thiệp chân thành, có lòng thiện tâm thật rất khó tìm, đúng chăng? Nếu chúng ta muốn hướng thiện, muốn phản bổn quy chân, thì tìm đâu ra người như thế mà học tập và giao vãng đây? Nếu một người mà không có ai chân thành, có thiện tâm bên cạnh để có thể kết giao, thì người đó có phải là đáng thương lắm hay không?Như vậy những sinh mệnh đã ô nhiễm xuống dốc có hy vọng gì không?

Lực lượng của cái Thiện vì sao mà vĩ đại thế? Khi một cá nhân phát huy bản tính chân Thiện của mình, tại thế gian mà giao vãng tiếp xúc với nhiều người một cách toàn diện, mà có nguyện ý hướng thiện, thì tựa hồ như mọi người đều cảm thụ được lực lượng chân chính của cái Thiện ấy, từ đó mà chuyển hóa hướng Thiện theo, bản tính Thiện vốn có lúc ấy có khả năng thâm nhập, câu thông giao vãng, cùng nhau cộng hưởng, có khả năng liên kết các sinh mệnh hướng Thiện thành một khối, cùng hướng thượng thăng hoa, có khả năng vươn đến vũ trụ vô cùng vô tận, hoàn thiện hoàn mỹ, diễn hóa tạo thành những thế giới phồn vinh tốt đẹp. “Nhân giả vô địch” (“Người nhân đức là kẻ mạnh nhất”). Những sinh mệnh có lương tri, có bao giờ nguyện ý mà kháng cự lại bản tính chân Thiện đó không? Người nhân đức có khả năng khiến những sinh mệnh có lương tri từ nội tâm sinh lòng kính trọng và yêu mến họ.

Điển cố lịch sử :  người Đức lớn có thể Tế thế an dân

Bắc Tống có Trình Hạo là một nhà nho có chí lớn Tế thế an dân, bất kể làm quan tại đâu, đều lấy “Thị dân như thương” (“Xem dân như người bị thương”) làm tôn chỉ của bản thân mình. Khi ông làm quan tại huyện Phù Câu, ông đã giúp dân giải quyết không ít khó khăn.

Mới nhậm chức vài hôm, nghe được tại đây nước uống của dân bị nhiễm mặn, ông hỏi người cố vấn: “Chẳng lẽ xưa nay dân chúng đều dùng thứ nước này hay sao?”, người cố vấn trả lời, “Chỉ có nước ở giếng gần chùa là tốt hơn một chút, nhưng phụ nữ bị cấm không được lấy nước ở đó”.

Sau khi suy nghĩ thấu đáo vấn đề và thảo luận với những cố vấn, Trình Hạo lệnh cho khoan một cái giếng ở trên cùng mạch nước với cái giếng chùa, từ đó giải quyết được vấn nạn cho dân chúng. Tất cả mọi người đều nói: “Chuyện này kéo dài nhiều năm như vậy, thế mà Trình huyện lệnh vừa mới đến đã giải quyết ngay cho chúng ta rồi”.

Quan tuần duyệt bảo giáp Vương Trung Chánh rất thân cận với Hoàng Đế, tuần tra từng địa phương. Mỗi nơi Vương đến, quan chức địa phương tiêu dùng rất nhiều tiền bạc để mở tiệc chào đón ông ta. Một lần khi ông ta đến huyện Phù Câu. Một trong số những thuộc hạ của Trình Hạo hỏi xem nên đón tiếp Vương như thế nào. Trình Hạo trả lời, “Huyện ta chẳng giàu có gì, chúng ta không thể hoang phí tiền bạc quá nhiều chỉ để lấy lòng Vương như các huyện khác đã làm. Hơn nữa, tiền này là từ dân mà có, chúng ta không được hoang phí vào những việc như thế này”. Chính tâm của Trình Hạo đã làm Vương bị sốc, nên không bao giờ đặt chân đến huyện Phù Câu khi Trình Hạo làm quan tại đây.

Trình Hạo một lần viết thư cho bạn, “Đối với bách tính, tôi chủ trương dùng nhân đức để giáo hóa”. Có một lần, một người bị bắt vì tội ăn cắp, Trình Hạo bảo hắn, “Nếu anh thành tâm hối cải, ta nguyện sẽ nhân từ mà giảm nhẹ hình phạt cho anh”. Tuy nhiên, người này về sau lại tái phạm tội. Khi quan binh đến bắt, anh ta quá hổ thẹn không còn mặt mũi nào gặp lại huyện lệnh nữa, bèn tự sát.

Khi Trình Hạo rời huyện Phù Câu đi nơi khác nhậm chức, dân chúng đều khóc muốn giữ ông lại,  đi theo đến tận cuối đường xin ông đừng rời họ.

Trình Hạo làm quan ở đâu cũng vậy, nguyên tắc của ông luôn là lấy đức hạnh mà cảm hóa dân chúng. Khi ông làm huyện lệnh huyện Thượng Nguyên, một con đập lớn bị vỡ cần phải sửa ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng rộng lớn, nhưng cần rất nhiều nhân lực. Nếu chờ đợi thượng cấp phê chuẩn thì không còn kịp nữa, nên Trình Hạo quyết định lập tức tổ chức cho dân vá đập. Một trong số thuộc hạ của ông bèn hỏi, “Ngài chẳng lẽ không biết làm như vậy là muốn bị thượng cấp trách tội hay sao?”. Trình Hạo trả lời: “Ta không có lựa chọn nào khác. Nếu không như vậy, mà trình thượng cấp chờ phái người đến sửa đập, thì ruộng lúa sẽ sớm khô kiệt, sang năm nông dân ăn gì? Lại nữa, ta vì dân làm việc, cho dù có vì thế mà mang tội, ta cũng không từ”.
Dưới sự cai trị của Trình Hạo, con đập đã nhanh chóng được sửa lại, năm sau ruộng lúa bội thu. Nông dân tất cả đều nói: “Chúng ta thật may mắn có được huyện lệnh đức hạnh và nhân từ, luôn thấu hiểu và quan tâm lo lắng cho chúng ta!”.

Trung Quốc ngày xưa có câu: “Lạc dĩ thiên hạ, ưu dĩ thiên hạ”, (“vui cùng thiên hạ, buồn cùng thiên hạ”). Những vị quan được giáo dục như thế sẽ có một lương tâm mạnh mẽ luôn muốn cứu giúp mọi con người trên thế giới, và tích cực quan tâm đến sướng khổ của chúng dân. Ngoài ra, họ còn cố gắng “Dĩ đức phục nhân” (“lấy đức hạnh thu phục lòng người”). Dùng đạo đức bản thân mà cảm hóa trăm họ chính là lý tưởng của bậc nho sỹ ngày xưa.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/12/29/41559.html
http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4407



Ngày đăng: 03-11-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.