Tác giả: Thiên Tinh
[ChanhKien.org]
Gần đây tôi đọc được một bản tin thời sự nói các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu và phát hiện thai nhi cũng có sở thích âm nhạc riêng. Mặc dù vẫn còn đang ở trong bụng mẹ và còn 12 tuần nữa mới đến ngày dự sinh, nhưng thai nhi đặc biệt yêu thích những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương và cao độ hài hòa như của Mozart, Giuseppe Verdi, nhưng lại rất ghét nhạc heavy metal (một thể loại nhạc rock nặng). Điều này dường như là một bằng chứng gián tiếp cho "hiệu ứng Mozart", tức là quan niệm cho rằng việc cho thai nhi nghe nhạc của Mozart sẽ giúp trí não phát triển tốt.
Thật trùng hợp, thí nghiệm kết tinh nước do ông Emoto Masaru (người Nhật Bản) dẫn dắt cũng cho thấy sau khi nghe bài hát Giáng sinh "Đêm bình an - Silent Night" với giai điệu du dương và ca từ an lành, nước đã kết tinh thành những tinh thể hình lục giác rất đẹp mắt. Ngược lại, khi nghe nhạc heavy metal, các tinh thể nước kết lại xấu xí và không có quy tắc.
Âm nhạc – Sự kết tinh của nước sau khi nghe bài hát "Đêm bình an" (trên) và nhạc heavy metal (dưới).
Xem ra, việc giáo dục cái đẹp từ khi còn là thai nhi thật sự rất có ích cho sự trưởng thành của trẻ về sau. Cổ nhân Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường mà thai nhi được nuôi dưỡng, đồng thời đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với phẩm hạnh của người mẹ trong thời kỳ mang thai.
Tư Mã Thiên trong Sử ký từng ghi chép về hành vi của Thái Nhậm – mẹ của Chu Văn Vương – trong thời gian mang thai: “Thái Nhậm có thai, mắt không nhìn cảnh xấu, tai không nghe âm thanh dâm loạn, miệng không nói lời tục tĩu, không ăn các vị lạ (như cay, đắng, chát, nồng)”. Vì vậy, vào cuối thời Minh đầu Thanh, nhà khai sáng giáo dục Vương Tương khi chú giải Tam Tự Kinh (do Vương Ứng Lân đời Tống biên soạn) đã viết: “Phụ nữ mang thai, khi ngồi không được nghiêng lệch, khi đi không được bước loạng choạng, mắt không nhìn cảnh xấu, tai không nghe âm thanh dâm loạn, miệng không nói lời bậy bạ, không ăn đồ vị tà (vị lạ, không chính), thường làm việc trung hiếu, thân ái, nhân từ và thiện lương thường sinh ra con thông minh, tài trí, đức hạnh hơn người. Đây chính là ‘thai giáo’ – sự giáo dục từ trong bào thai”.
Về sau, vào thời Thanh, học giả Hạ Hưng Tư (người Hành Dương) lại tiếp tục phát triển chú giải của Vương Tương trong Tam Tự Kinh Chú Giải Bị Yếu, và đúc kết thành một chữ “Chính” (正). Ông cho rằng: Nếu người mẹ đoan chính, thì con sinh ra tự nhiên cũng không thể sai lệch.
Danh y đời Tùy là Sào Nguyên Phương trong tác phẩm Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận cũng nhấn mạnh: “Vào tháng thứ ba của thai kỳ... hình dạng thai nhi bắt đầu thành hình, nhưng chưa ổn định, nên dễ bị ảnh hưởng mà thay đổi... Muốn sinh con đẹp thì nên mang ngọc trắng; muốn sinh con hiền tài thì nên đọc thi thư. Đây chính là ‘ngoại tượng nhi nội cảm’ – tức là cảnh vật bên ngoài ảnh hưởng đến cảm xúc bên trong”.
Danh y đời Tống là Tiền Ất trong Tiền Thị Nhi Khoa Học cho rằng: “Muốn con cái sinh ra thanh tú, nên sống ở nơi núi cao nước biếc; muốn con cái thông minh lanh lợi, nên thường tiếp xúc với văn chương, nghệ thuật và sách vở”.
Do đó, không khó để nhận ra rằng, trình độ đạo đức của cả xã hội cũng góp phần quyết định đến tương lai của thai nhi sẽ là tốt hay xấu.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/32680