Trùng tu hay phá hoại, tượng Phật tại hang động An Nhạc, Tứ Xuyên bị sơn lại thô thiển
[ChanhKien.org]
Nhiều ngày qua, hình ảnh về việc trùng tu một phần tượng Phật tạc trên vách núi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc liên tục được công bố trên mạng. Những pho tượng Phật trong các hang động vốn cổ kính trang nghiêm, tinh xảo tuyệt diệu đã bị tô sơn lòe loẹt xanh đỏ, trông như tượng “bột nặn tò he”.
Sự việc này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Cư dân mạng đua nhau bình luận: “Tính thâm trầm của lịch sử đã hoàn toàn biến mất”, “Di tích cổ quý giá lại bị làm thành như hội chùa”, “Thật hết cách, bây giờ tượng Phật cũng bị thương mại hóa rồi”.
Theo lời giới thiệu, hang đá An Nhạc là nơi tập trung nhiều bức tượng Phật điêu khắc cổ đại nhất được biết đến ở Trung Quốc hiện nay. Tính đến tháng 05 năm 2000, người ta đã phát hiện được 218 công trình điêu khắc trong hang đá qua các triều đại, với hơn 100.000 pho tượng. Sự hùng vĩ của những bức tượng thời nhà Đường và sự tinh xảo đẹp mắt của các tác phẩm thời Lưỡng Tống đã khiến nơi đây trở thành địa điểm nổi tiếng thế giới. Nơi đây kế thừa nghệ thuật điêu khắc tượng Phật trong các hang đá Vân Cương, Long Môn, đồng thời là tiền đề cho công trình điêu khắc trên đá Đại Túc sau này.
Ngày 05 tháng 08 năm 2018, Cục Quản lý Di tích Văn hóa huyện An Nhạc đã công bố thông tin về việc trùng tu và sơn lại các pho tượng Phật tạc trên vách đá tại chùa Phong Môn. Theo thông báo, tháng 06 năm 1995, người dân địa phương đã tự nguyện quyên góp tiền để tu sửa chùa Phong Môn trong khu vực, đồng thời xây dựng một ngôi nhà bảo vệ rộng hơn 30m2. Do thiếu ý thức về bảo vệ di tích văn hóa, người dân đã thuê thợ sơn lại các bức tượng trong hang đá.
Giám đốc Sở Quản lý Di tích Văn hóa huyện lúc bấy giờ sau khi biết chuyện đã lập tức đến hiện trường để ngăn chặn, phát hiện bức tượng chính đã bị sơn lại, còn các bức tượng khác vẫn chưa bị sơn và vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu cho tới nay.
Theo tài liệu giải thích, chùa Phong Môn đã bị dỡ bỏ vào năm 1951 trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Tuy nhiên, người dân không đồng tình với cách giải thích của chính quyền. “Việc trùng tu và bảo vệ di tích văn hóa đều phải được sự phê duyệt của Cục Di tích! Sao họ lại không biết việc trùng tu này?”
Một cư dân mạng ở khu Trường Thọ, thành phố Trùng Khánh nói: “Dưới triều đại Đỏ, họ có thể gắn lại tay cho tượng thần Vệ Nữ, thậm chí nắn thẳng tháp nghiêng Pisa”.
Theo những hình ảnh được cư dân mạng liên tục đăng tải, nhiều tượng Phật điêu khắc tại vách đá An Nhạc đã bị sơn màu lòe loẹt và bị sửa chữa bằng xi măng.
Quần thể tượng đá tại Tịnh Huệ, An Nhạc gồm có 18 hang đá, 82 pho tượng và 11 bia khắc chữ. Một pho tượng Quan Âm cầm chuỗi tràng hạt cao 1,2m đặc biệt tinh xảo từ thời Nam Tống, vào khoảng năm 1999 đã bị sơn lại hoàn toàn, nhiều phần chữ khắc trong các hang thờ cũng bị mài nhẵn hết.
“Giai đoạn đầu việc sơn lại tượng đã gây ra tổn thất rất lớn, mấy năm gần đây Cục Di tích cũng đang phá hoại di tích. Họ muốn được xếp hạng đơn vị bảo vệ cấp tỉnh nên đã trát xi măng lên mặt của nhiều pho tượng bị phong hóa, khiến chúng trông chẳng ra thể thống gì…”
Tượng Lão Quân trong hang số 11 tại Huyền Diệu Quán, An Nhạc đã bị tô vẽ màu mè; tay phải của tượng Quan Âm Tử Trúc thời Nam Tống ở hang Tỳ Lô tại An Nhạc bị hủy hoại trong các phong trào thập niên 70, sau đó được đắp lại bằng xi măng.
Cư dân mạng còn tiết lộ rằng tại chùa Phật Mã La Khốn ở huyện Lạc Chí, tỉnh Tứ Xuyên, bức tượng điêu khắc trên vách đá từ cuối thời Đường đầu thời Tống mang tên “Thích Ca Niết Bàn Thánh Tích Đồ”, dân gian thường gọi là “Phật nằm” hay “Phật ngủ”, cũng bị sơn lại theo kiểu “tái tạo kim thân”.
Một pho tượng Quan Âm Thủy Nguyệt thời Tống tạc trên vách đá cũng bị sơn lại mới, thậm chí còn được xây thêm một ngôi miếu bằng xi măng. Ngoài ra, tại Tứ Xuyên còn rất nhiều tượng điêu khắc trên vách đá ít người biết đến, gần như không được bảo vệ chút nào.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/246119
Ngày đăng: 01-05-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.