Tết ông Táo



Tác giả: Tường Long

[ChanhKien.org]

Tết ông Táo chính là ngày lễ cúng tế Táo quân được tổ chức vào ngày 23 (hoặc 24) tháng 12 âm lịch, ở Trung Quốc thường được gọi là Tết “Tiểu Niên”. (Ở Việt Nam còn được gọi là Tết ông Công ông Táo.)

Táo quân tiếng Hán viết là “灶君”, trong đó “Táo” (灶) có nghĩa là bếp. Ngày xưa, người ta thường dùng bếp lò làm bằng đất để nấu ăn. Từ thời rất xa xưa tại Trung Quốc đã có phong tục cúng ông Táo, người ta đã tôn Viêm Đế và Chúc Dung làm Táo quân, sau này còn có cách nói Táo ông, Táo bà cũng như vợ chồng Táo quân. Trong dân gian, Táo quân là vị Thần quan trọng nhất được người dân gian tôn sùng. Thời tiền Tần có cúng tế Ngũ Thần, gồm cúng Táo (Thần bếp lò), Môn (Thần cửa lớn), Hành (Thần đường lộ), Hộ (Thần cửa sổ), và Trung Lôi (Thần đất). Khi cúng tế ông Táo cần xếp đặt bài vị của Thần, dùng nhiều loại đồ ăn thức uống làm đồ cúng tế.

Trong “Kinh Thuyết” nói rằng: Táo quân “quản lý nơi ở của con người. Trong mười hai canh giờ, hiểu rõ mọi việc thế gian. Ngày mồng Một hàng tháng, ghi chép các việc thiện ác, công đức mà con người đã làm, từ đó đánh giá mức độ nặng nhẹ, rồi đến nửa đêm dâng sớ báo lên Thiên Tào, lưu vào sổ sách”. Vậy nên ngày cúng tế ông Táo của người xưa không thống nhất, có tháng giêng, tháng 4, tháng 5, tháng 8, tháng 12, v.v.. Sau này để đơn giản đã thống nhất đem cách nói “Táo quân mỗi tháng lên Trời một lần” chuyển thành “mỗi năm lên Trời một lần”, đồng thời ấn định thời gian là ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), ngày này được coi là ngày Tết ông Táo truyền thống.

Khi cúng ông Táo, đầu tiên phải dán tranh thờ vợ chồng Thần Táo ở giữa bức tường cạnh bệ bếp, đối diện với ống bễ. Bên cạnh tranh thờ thường được vẽ một đôi ngựa làm thú cưỡi, kèm theo hai bên bức tranh có hai câu đối, “Thượng thiên ngôn hảo sự, Hạ giới bảo bình an” (ý tứ là, Lên Trời tâu lại những việc tốt lành, dưới hạ giới bảo hộ gia đình bình an) hay “Thượng thiên ngôn hảo sự, Hồi cung giáng cát tường” (ý tứ là, Lên Trời tâu những việc tốt; Quay về ban cho điều lành), khi cúng tế cần dâng lễ vật.

Không biết từ khi nào mà kẹo mạch nha viên (một loại kẹo viên hình quả dưa làm bằng đường mạch nha rất dính) được thêm vào lễ vật. Vì kẹo mạch nha viên này vừa ngọt vừa dính nên sau khi Táo quân ăn vào thì miệng bị đường dính chặt không thể tâu lên những điều không hay, tránh sinh thị phi phiền phức. Thực chất đây là trò gian mà người ta nghĩ ra để che giấu những lời nói bất hảo, những việc xấu mà mình đã gây ra trong năm, sợ bị báo ứng. Vì vậy trong dân gian mới có câu ca, tạm dịch là “Hai ba tháng Chạp, ngài Táo quân lên Trời, kẹo mạch nha ngậm trong miệng, trước Ngọc hoàng không nói gì, quay lại nhà ta mừng năm mới, có gạo có mì có quần áo”.

Ngoài ra, khi cúng ông Táo cũng cần rắc thức ăn cho ngựa mà Táo quân cưỡi, rắc từ trước bệ bếp ra đến ngoài cửa nhà bếp. Sau khi làm xong các nghi lễ này thì tranh Thần của Táo Quân sẽ được gỡ xuống và đốt đi, đến đêm giao thừa sẽ rước tranh mới về. Thời xưa việc cúng ông Táo thường là việc của nam nhân, đến thời hiện đại, rất nhiều nơi việc cúng tế là do các bà nội trợ thực hiện.

Trong Tết ông Táo, người ta rất coi trọng việc ăn sủi cảo, nên trong dân gian có câu nói “sủi cảo tiễn đưa, mì nghênh đón khách”. Sau ngày cúng ông Táo này, người ta cho rằng chư Thần đều đã lên Trời, không còn điều kiêng kỵ gì, cưới xin hỏi vợ cũng không cần chọn ngày, nên trong dân gian có tục cưới chạy tết (từ ngày 24 đến 30 tết, cưới xin không cần chọn ngày). Vì vậy, kết hôn nhanh vào dịp cuối năm rất nhiều. Đây chính là điều được nói đến trong câu ca dao: “Tuế yến hương thôn giá thú mang, nghi xuân thiếp tử đậu xuân quang. Đăng tiền tỷ muội tư tương ngữ, Thủ Tuế kim niên thị động phòng”, (tạm dịch: Cuối năm xóm làng cưới gả nhanh, vừa xuân cánh thiệp rước xuân phong. Trước đèn, tỷ muội lời tâm sự, Năm mới năm nay sẽ động phòng.)

Ngoài ra, sau ngày 23, trong dân gian còn có truyền thống quét nhà, chính là quét dọn sạch sẽ nhà cửa, quét bụi dưới gầm tủ, hòm xiểng, giường chiếu, sơn lại tường, lau kính, dán giấy hoa văn lên cửa sổ, dán tranh Tết, dán câu đối Tết, v.v.

Trước Năm mới, người dân Trung Quốc rất coi trọng việc cắt dán tranh giấy, tranh cắt giấy truyền thống với các hình ảnh như Hỷ thước đăng mai (Chim khách đậu trên cành mai), Yến xuyên đào liễu (Chim én bay qua rặng liễu, đào), Khổng tước hý mẫu đan (Chim công vui chơi bên hoa mẫu đơn), Sư tử cổn tú cầu (Sư tử lăn quả cầu thuê hoa), Tam dương khai thái (ba con dê mang đến bình an hoặc ba mặt trời mang đến bình an), Song long hý châu (Hai con rồng vờn đùa viên ngọc), Lộc hạc đồng xuân (Hươu và chim hạc bên cây Thung), Ngũ bức (phúc)phủng thọ (Năm con dơi nâng (chữ) Thọ), Tê ngưu vọng nguyệt (Tê giác ngắm trăng), Liên niên hữu ngư (dư) (Cá bơi dưới hoa sen), Uyên ương hý thuỷ (Chim uyên ương nghịch nước), Lưu Hải hý Kim thiền (Lưu Hải chơi đùa Cóc vàng), Hoà Hợp nhị tiên (Hai vị tiên Hòa và Hợp) v.v., Ngoài ra còn có tranh cắt dán đề tài các câu chuyện dân gian như “Đại đăng điện, Nhị độ mai, Tam nương giáo tử, Tứ tiến thổ, Ngũ nữ bái thọ, Lục nguyệt tuyết, Thất nguyệt Thất nhật thiên hà phối, Bát tiên khánh thọ, Cửu kiện y” v.v…, nội dung vô cùng phong phú.

Dán câu đối mừng năm mới cũng được coi trọng. Trong dân gian cho rằng hễ có Thần thì tất phải dán câu đối, mỗi cửa lớn đều phải dán, mỗi vật đều phải dán. Thông thường có câu đối cho thần Thiên Địa: “Thiên ân thâm tự hải, Địa đức trọng như sơn” (Ơn Trời sâu như biển, Đức đất nặng như núi). Câu đối cho thần Thổ Địa: “Thổ trung sinh bạch ngọc, Địa nội xuất hoàng kim” (Đất sinh ngọc trắng; Địa xuất vàng ròng); Câu đối cho Thần Tài: “Thiên thượng tài nguyên chủ, Nhân gian phúc lộc thần” (Trên trời làm Chủ tiền tài, Dưới đất làm Thần phúc lộc); Câu đối cho Tỉnh Thần (Thần Giếng): “Tỉnh năng thông tứ hải, Gia khả đạt tam giang” (Giếng có thể thông tới bốn biển, Nhà có thể rộng tới ba sông”. Câu đối trước những nơi như kho thóc lúa, chuồng gia súc có: “Ngũ cốc phong đăng, Lục súc hưng vượng” (Ngũ cốc dồi dào, Gia súc thịnh vượng) ; “Mễ miến như sơn hậu, Du diêm tự hải thâm” (Mì gạo cao như núi, Mỡ muối tựa biển sâu), “Ngưu tự nam sơn hổ, Mã như bắc hải long” (Trâu tựa hổ Nam Sơn, Ngựa như rồng Bắc hải); “Đại dương niên niên thịnh, Tiểu cao nguyệt nguyệt tăng” (Dê lớn mỗi năm một nhiều, Cừu nhỏ mỗi tháng mỗi tăng) v.v. Ngoài ra, còn có các câu đơn, như trong nhà có câu “Đài đầu kiến hỷ” (Ngẩng đầu thấy việc vui mừng), hai bên cửa lớn còn có câu “Xuất môn kiến hỷ” (Ra cửa thấy việc vui mừng), trên Vượng hỏa (tức tháp dựng bằng than để đốt vào dịp Năm mới) còn có câu “Vượng khí trùng thiên” (Khí thịnh vượng ngất trời), sân trong dán câu “Mãn viện sinh kim” (Khắp sân nảy vàng ròng), trên cây dán câu “Căn thâm diệp mậu” (Rễ sâu lá tốt), trên cối đá cũng dán câu đối ‘Bạch hổ đại cát” , v.v., nội dung cũng rất phong phú, biểu đạt những lời hay ý đẹp, kiệt tác tả cảnh.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/79716



Ngày đăng: 22-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.