Truyện cổ tích: Người giấy nhỏ



Tác giả: Mai Đóa Đóa

[ChanhKien.org]

Từ khi còn chưa biết nói, mới chập chững tập đi, tôi và Sa Sa đã là bạn thân của nhau. Giờ đây, gia đình Sa Sa chuyển đến một thành phố xa xôi, lòng tôi buồn biết bao.

Sa Sa nói khi đến đó rồi, bạn ấy sẽ viết thư cho tôi.

Ngày nào tôi cũng mong chờ thư của Sa Sa.

Hôm nay, vừa bước xuống lầu, chú bưu tá đã gọi: “Đóa Đóa, cháu có một bức thư này!”

Oa, thư của Sa Sa đây rồi! Tôi cầm lá thư, chạy tới khu vườn nhỏ ở trong sân, tìm một chỗ ngồi xuống, xé phong bì và háo hức đọc thư.

Nào ngờ, vừa xé phong bì ra, lá thư liền tự mình nhảy bật ra. Nó đứng trên đầu gối tôi và nói: “Ôi trời, sao bây giờ cậu mới cho tôi ra ngoài, tôi ngộp thở đến không chịu nổi rồi!”

Sa Sa đã gấp lá thư thành một người giấy, thảo nào nó lại nhảy ra được.

Tôi đưa tay ra định nhặt nó, nhưng nó lộn nhào một cái, nhảy xuống đất và nói: “Không cho cậu bắt tôi đâu!”

Ồ, tôi ngớ người, không ngờ nó lại có thái độ như vậy. Tôi nói: “Cậu là thư của tôi, đương nhiên tôi phải mở ra để đọc rồi”.

Nó nói: “Kể từ khi tôi được gấp thành người giấy, tôi đã trở thành công dân thứ 6.666 của vương quốc Người Giấy. Xin lỗi, tôi phải mau chóng đến vương quốc Người Giấy đây!”

Tôi cúi xuống định bắt nó. Nó nhảy phóc một cái lên bồn hoa, tôi đuổi theo lên bồn hoa để bắt nó, nhưng nó lại lộn một vòng rồi nhảy vào thảm cỏ. Tôi tức điên lên, nghĩ bụng: Không thể để mi chạy thoát được, hừ, ta lớn thế này chẳng lẽ không đuổi kịp mi sao!

Nó bước lên những ngọn cỏ rồi chạy vút đi, tôi đuổi theo phía sau, nhìn như sắp bắt được thì nó bỗng nhảy lên và biến mất không thấy đâu nữa.

Lần này thì tôi lo đến phát cuống, rốt cuộc Sa Sa đã viết gì cho tôi chứ? Tôi chợt nhận ra chẳng có thứ gì quan trọng bằng bức thư, nhất là một bức thư chưa đọc. Thật đáng giận là bức thư này lại chẳng hề biết tầm quan trọng của mình. Nó cứ tưởng rằng có thể tùy tiện muốn làm gì thì làm. Nghĩ mà xem, nếu như quần áo trên người cũng chạy trốn không cho người ta mặc như nó, thì còn ra thể thống gì nữa!

Tôi dừng lại, cẩn thận tìm kiếm, phát hiện ra nó đang trốn trong chiếc lá lớn của một cây dong riềng đỏ, nhìn có vẻ như nó đã mệt lử và muốn trốn vào đó để nghỉ ngơi. Tôi giả vờ như không thấy nó, chầm chậm bước lại gần, rồi bất ngờ vươn tay ra bắt. Không ngờ, nó tinh ranh lắm, lộn nhào một cái nhảy xuống đất khiến tôi bắt hụt.

Ngay lúc nó còn chưa chạm đất, một cơn gió đã cuốn nó lên không trung. Nó vùng vẫy, vung vẩy hai tay trong không trung và hét lên:

“Thả tôi ra! Thả tôi ra! Đồ cơn gió đáng ghét, tôi sẽ đánh cậu đấy!”

Thế nhưng, gió chẳng thèm để ý đến người giấy.

Trời ạ, vốn dĩ tôi đã đủ phiền phức rồi, giờ gió lại còn nhúng tay vào. Nhìn thấy người giấy vùng vẫy giữa không trung, càng bay càng cao, tôi vừa lo lắng, vừa tức giận, lại vừa buồn cười.

Người giấy hét lên với tôi: “Cứu tôi! Cứu tôi với! Đóa Đóa, cứu tôi!”

Tôi rất muốn cứu nó, nhưng khổ nỗi tôi đâu biết bay, phải làm sao đây? Bất chợt, tôi nhìn thấy dưới đất có một cành cây khô dài. Tôi vội nhặt lên, giơ lên không trung và nói: “Mau ôm lấy cành cây này, đừng buông tay nhé!”

Quả nhiên, nó kẹp chặt mình vào nhánh cây. Cảm ơn trời đất, cuối cùng tôi cũng bắt được bức thư của mình. Tôi nói: “Cậu nhìn xem, điều quan trọng nhất của cậu là làm một bức thư. Sao cậu có thể chạy lung tung như vậy chứ?”

Nó nói: “Nhưng tôi muốn làm người giấy mà. Trên người tôi viết đầy những lời Sa Sa nhớ nhung cậu, chính bởi vì Sa Sa nhớ cậu đến vậy, tôi mới thấy có một người bạn tốt thật là tuyệt biết bao. Vì thế tôi mới nóng lòng muốn đến vương quốc Người Giấy để tìm một người giấy làm bạn thân. Nếu cậu mở tôi ra, tôi sẽ không thể đi được nữa”.

Tôi nói: “À, thì ra là vậy. Đợi sau khi tôi mở ra đọc xong, tôi sẽ gấp cậu lại. Có một người bạn thân quả thực là điều vô cùng quan trọng”.

Nó vui vẻ nói: “A, thật tuyệt vời, cảm ơn Đóa Đóa! Bạn mau đọc thư đi, đọc xong thì gấp lại thành người giấy nhé. Hứa là phải giữ lời đó!”

Tôi nói: “Được, hứa là phải giữ lời”.

Tôi mở lá thư ra, quả nhiên trên giấy viết đầy những lời Sa Sa nhớ nhung tôi. Ở mặt kia của giấy, Sa Sa còn vẽ mấy bức tranh. Ôi chao, những bức tranh này vẽ đẹp quá! Mỗi bức tranh đều chỉ có tôi và bạn ấy xem mới hiểu, toàn là những bí mật nhỏ của chúng tôi. Có những niềm vui, có những giọt nước mắt, có những chuyện tôi đã quên, nhưng khi nhìn thấy tranh, mọi ký ức xảy ra khi ấy lại ùa về, tôi yêu thích những bức tranh quý giá này vô cùng!

Tôi ôm bức thư chạy về nhà, ngồi trước bàn học, đọc đi đọc lại mãi mà vẫn chưa thấy đủ.

Bỗng nhiên, giọng của người giấy nhỏ vang lên bên tai: “A, thật tuyệt vời, cảm ơn Đóa Đóa! Bạn mau đọc thư đi, đọc xong thì gấp lại thành người giấy nhé. Hứa là phải giữ lời đó!”

Bức thư quý giá như thế này, làm sao tôi có thể gấp nó lại thành người giấy để nó rời xa tôi được? Tuyệt đối không thể!

Tôi tìm một quyển sách dày, kẹp bức thư vào trong đó để nó không thể chạy trốn.

Mỗi ngày, tôi đều lấy bức thư ra đọc thật cẩn thận một lần. Đọc thư của Sa Sa là một việc rất vui, nhưng cứ nghĩ đến việc tờ giấy thư đang chờ tôi gấp nó lại thành người giấy, lòng tôi lại rối bời.

Mẹ hỏi: “Đóa Đóa, mấy ngày nay con làm sao vậy?”

Tôi kể với mẹ về việc tôi đã đáp ứng lời thỉnh cầu của người giấy nhỏ, nhưng lại nói thêm hàng nghìn lý do tại sao tôi nhất định phải giữ lại bức thư.

Mẹ nói: “Con phải gấp tờ giấy thư lại thành người giấy nhỏ. Đã hứa với người khác thì nhất định phải làm”.

Nghe vậy, tôi bối rối đến nỗi nước mắt suýt chảy ra. Tôi nói: “Đây là bức thư Sa Sa viết cho con, là đồ của con. Con muốn giữ lại, đó là chuyện của con mà”.

Mẹ nói: “Đóa Đóa à, sau này nếu con hứa với mẹ chuyện gì, mẹ có thể tin con được không? Nếu con trở thành một người không giữ lời hứa, ai dám tin con nữa?”

Tôi rưng rưng nước mắt, nói: “Con nhất định phải gấp nó lại thành người giấy sao?”

Mẹ nghiêm nghị gật đầu, nói: “Nhất định phải gấp lại”.

Tay tôi cầm tờ giấy thư run rẩy. Tôi thử gấp một chút rồi nói: “Ôi, sao mà gấp lại được đây?” Mẹ nói: “Cứ men theo những nếp gấp ban đầu khi con mở ra”.

Tôi cắn răng gấp lại, trong lòng có cả ngàn nỗi niềm không nỡ buông, có cả vạn nỗi lòng không nỡ xả. Nước mắt tôi cứ tí tách rơi xuống.

Mẹ bật cười, nói: “Để thưởng cho con vì đã làm đúng, mẹ sẽ làm cho con một phép thuật, biến ra thêm một bức thư y hệt thế!”

Tôi dừng tay lại, có chút không dám tin vào tai mình. Tôi ngẩng đầu lên hỏi: “Mẹ, mẹ cũng biết làm phép thuật sao?”

Mẹ nói: “Cầm bức thư của con đi, chúng ta xuống dưới lầu nào”.

Dưới lầu là khu vườn nhỏ, lẽ nào mẹ định chôn bức thư xuống đất, sau đó lẩm nhẩm đọc một câu thần chú, để bức thư nảy mầm, rồi mọc ra những bức thư giống hệt?

Chúng tôi xuống lầu, nhưng mẹ không đi về phía khu vườn nhỏ. Mẹ dẫn tôi ra khỏi cổng khu nhà, đến một tiệm photocopy trên đường lớn. Ôi chao, người mẹ thông minh của tôi đã sao chép cho tôi một bức thư y hệt! Nhìn hai bức thư giống nhau trong tay, tôi vui mừng khôn xiết!

Tôi vội chạy vào khu vườn nhỏ, đến chỗ mà trước đây tôi đã hứa với người giấy, rồi gấp bức thư mà Sa Sa viết cho tôi lại thành một người giấy.

Người giấy nhảy bật lên và nói: “Ôi trời, tôi vừa mơ thấy một cơn ác mộng. Tôi mơ rằng cậu kẹp tôi vào một quyển sách dày và không gấp tôi lại thành người giấy nữa. Cậu không biết tôi đã lo lắng thế nào đâu! May mắn là giờ tôi đã tỉnh dậy và vẫn là một người giấy. Đóa Đóa, đợi tôi đến vương quốc Người Giấy tìm được một người bạn tốt, tôi sẽ lập tức viết thư báo tin vui này cho cậu hay. Hãy chờ thư của tôi nhé!”

Tôi vui vẻ nói: “Hứa là phải làm nhé! Tôi sẽ chờ thư của cậu!”

Người giấy vừa nhảy nhót vừa chạy đi, vừa chạy vừa hô lớn: “Hứa là phải làm! Hứa là phải làm!”

Hình bóng nhỏ bé của người giấy dần biến mất trong bụi cỏ, nhưng giọng nói của nó vẫn còn vang vọng. Nhận được bức thư từ chính một bức thư viết gửi đến, quả thật là một điều kỳ diệu.

Tôi biết chắc chắn mình sẽ nhận được thư của người giấy, bởi vì thanh âm “Hứa là phải làm!” sẽ không bao giờ biến mất.

Chúng tôi đã hứa với nhau rồi.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/280935



Ngày đăng: 22-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.