Từ việc sửa đổi luật hôn nhân ở Đại Lục thấy được sự xuống cấp của đạo đức nhân loại
Tác giả: Ngụy Thanh
[ChanhKien.org]
Ngày 28 tháng 4 năm 2001, tại kỳ họp lần thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ IX của Đại Lục đã thông qua “Quyết định sửa đổi Luật Hôn nhân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Việc sửa đổi Luật Hôn nhân lần này đã phản ánh một thực tế là đạo đức hôn nhân của người dân Trung Quốc đại lục đang xuống dốc trầm trọng và gây ra nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Một, nguyên tắc một vợ một chồng chịu sự xung kích rất lớn
Những năm gần đây, trong đời sống xã hội ở Đại Lục, những hiện tượng vô cùng trái đạo đức như ngoại tình, người thứ ba xen vào, kết hôn với người khác trong khi đã có gia đình, “nuôi vợ bé”,… xuất hiện trong đời sống xã hội Đại Lục, thách thức nghiêm trọng chế độ một vợ một chồng là nguyên tắc cơ bản của đời sống hôn nhân của nhân loại. Trong số tội phạm kinh tế bị điều tra, xử lý ở một tỉnh nào đó ở Trung Quốc đại lục, tỷ lệ quan chức có “nhân tình” lên tới 95%. Theo một cuộc khảo sát của Liên đoàn Phụ nữ Đại lục, 65% các vụ ly hôn ở một thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên là do có sự tham gia của bên thứ ba. Trong Luật Hôn nhân sửa đổi lần này, vấn đề kết hôn với người khác trong khi đã có gia đình và vi phạm chế độ một vợ một chồng đã trở thành tâm điểm được xã hội chú ý.
Xét thấy một số chuẩn tắc đạo đức cơ bản nhất của hôn nhân trong đời sống xã hội đang bị phá hoại, một số điều khoản có hình thức tuyên ngôn đạo đức đã được bổ sung vào luật hôn nhân mới. Ví dụ: “Cấm người có hôn phối sống chung với người khác” và “Vợ chồng phải chung thủy, tôn trọng lẫn nhau”. Ở Trung Quốc đại lục, nơi đầy rẫy tràn lan ham muốn và dục vọng, những ràng buộc đạo đức cơ bản nhất và những tiêu chuẩn ứng xử hiển nhiên cần phải được đặc biệt nhắc nhở và nhấn mạnh trong luật pháp.
Điều đáng chú ý là Luật Hôn nhân năm 1950 từng quy định cấm lấy thêm vợ lẽ, năm 1980, điều khoản “cấm lấy vợ lẽ” đã bị bãi bỏ, vì lúc đó hành vi lấy vợ lẽ về cơ bản không còn tồn tại vào thời điểm đó. Hiện nay, luật hôn nhân đã bổ sung thêm những quy định pháp lý đề cao và nhấn mạnh nguyên tắc một vợ một chồng. Những thay đổi pháp lý này phản ánh sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức hôn nhân trong hai thập kỷ qua.
Hai, bạo lực gia đình không ngừng gia tăng
Một cuộc khảo sát của Liên đoàn Phụ nữ Đại Lục cho thấy tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ở 30% trên tổng số gia đình trên cả nước và phần lớn các trường hợp là do người chồng bạo hành vợ. Hơn nữa, các thủ đoạn bạo lực gia đình ngày càng tàn nhẫn như đốt tàn thuốc châm vào người, dùng dầu diesel thiêu, tạt axit sunfuric… Hệ quả là những vụ án tàn ác như giết người vì tình, gây thương tích nghiêm trọng,.. ngày càng gia tăng.
Luật Hôn nhân sửa đổi quy định “Cấm hành vi bạo lực gia đình. Cấm hành vi ngược đãi và bỏ rơi giữa các thành viên trong gia đình”. Nếu một bên vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc ngược đãi thành viên trong gia đình, nếu hòa giải không thành, được coi là mối quan hệ tình cảm tan vỡ, cho phép ly hôn và bên không có lỗi có quyền yêu cầu bồi thường.
Trong các mối quan hệ hôn nhân, nơi mà mọi người vốn dĩ có thể tin tưởng và dựa vào nhau giống như những tình cảm dịu dàng thắm thiết, giờ đây đã bị thẩm thấu bởi những yếu tố bạo lực và lạm dụng thú tính.
Ba, sự coi trọng tài sản
Quan hệ hôn nhân vốn dựa trên tình cảm và sự tin tưởng giữa vợ chồng mà kết thành. Thuận theo sự suy thoái của đạo đức hôn nhân kéo theo chất lượng hôn nhân suy giảm, tranh chấp tài sản trong quan hệ hôn nhân ngày càng gia tăng, việc cân bằng, giải quyết mối quan hệ giữa các bên thông qua việc phân chia tài sản và bồi thường tài sản đã trở thành một nhu cầu khách quan. Vì vậy, trong Luật Hôn nhân sửa đổi lần này, một mặt đã phân biệt rõ ràng tài sản riêng và tài sản chung của vợ, chồng, mặt khác, bên có lỗi trong vấn đề hôn nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường nhất định về tài sản.
Luật Hôn nhân trước khi sửa đổi quy định tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu chung của vợ, chồng, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Luật Hôn nhân mới quy định cụ thể về tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng, thu hẹp phạm vi tài sản chung và mở rộng phạm vi tài sản riêng. Theo đó, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ… mà vợ chồng có được trong thời gian hôn nhân đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng, còn tài sản trước hôn nhân thuộc sở hữu của một bên, các chi phí như chi phí y tế và trợ cấp sinh hoạt cho người khuyết tật do thương tích của một bên, tài sản ghi trong di chúc hoặc hợp đồng tặng, cho thuộc sở hữu của một bên, nhu cầu thiết yếu hàng ngày do một bên sử dụng riêng,… được xác định là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng.
Việc luật hôn nhân coi trọng tài sản cá nhân đã phản ánh sự xói mòn cuộc sống hôn nhân do tâm lý lợi ích và chủ nghĩa cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường, và loại quan hệ hôn nhân truyền thống hài hòa, không phân biệt anh và tôi (hoặc cô và tôi) ngày càng trở nên hiếm hoi.
Luật hôn nhân mới quy định nếu một bên vợ, chồng ngoại tình, chung sống với người khác, bạo lực gia đình, ngược đãi, bỏ rơi thành viên gia đình dẫn đến ly hôn thì người vợ, chồng vô tội có quyền yêu cầu bồi thường. Pháp luật cho phép bên vô tội được quyền yêu cầu bồi thường tài chính là điều hợp lý, nhưng khi đạo đức hôn nhân đã suy thoái thì liệu việc bồi thường tài sản có khôi phục được cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc không?
Bốn, vấn đề ly hôn
Trong đời sống xã hội hiện thực, việc tranh chấp ly hôn kéo dài gây phiền toái, đau khổ rất lớn cho các bên liên quan. Tiêu chuẩn pháp lý cho việc ly hôn “có rạn nứt tình cảm hay không” cũng khó nắm bắt trong thực tiễn tư pháp. Để đạt được mục tiêu này, Luật Hôn nhân mới quy định rõ ràng một số trường hợp cụ thể có thể xảy ra ly hôn.
Nếu xảy ra một trong những trường hợp này, và hòa giải không thành, mối quan hệ sẽ được coi là đã tan vỡ và được phép ly hôn: (1) Lấy thêm vợ/chồng hoặc vợ/chồng sống chung với người khác; (2) Có hành vi bạo lực hoặc ngược đãi trong gia đình, bỏ rơi thành viên trong gia đình; (3) Những người có thói quen xấu như cờ bạc, lạm dụng ma túy và không chịu thay đổi dù đã nhiều lần khiển trách; (4) Những người đã ly thân hơn hai năm do bất hòa tình cảm; (5) Những việc khác khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.
Trong cuộc sống hiện thực, người ta không còn coi việc ly hôn nghiêm trọng như trước nữa. Vợ chồng ly hôn mang lại nhiều khó khăn, vấn đề cho sự trưởng thành và giáo dục của con cái, tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng làm tổn hại đến tính nghiêm túc của hôn nhân. Tuy nhiên, do chất lượng hôn nhân ngày càng suy giảm nên ly hôn được coi là giải pháp hữu hiệu duy nhất cho một cuộc hôn nhân thất bại. Từ những tình huống được chấp nhận ly hôn nêu trên, chúng ta có thể thấy sự thiệt hại nghiêm trọng đối với đời sống hôn nhân do sự sa đọa về đạo đức gây ra.
Năm, kết luận
Sư phụ đã cảnh báo nghiêm túc con người trong bài “Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999]”:
“Nếu như chư vị không phải vợ chồng, chư vị có quan hệ tình dục, như vậy chính là đang làm việc dơ bẩn nhất, là việc Thần tuyệt đối không cho phép, bất luận Thần nào cũng đều không thể cho phép”.
““Giải phóng nhân tính” tại xã hội Tây phương đã tạo thành nghiệp lực vô cùng to lớn, tôi thấy người Đông phương còn tệ hại hơn”.
“Trong xã hội phương Tây lại càng thoải mái, ngay khi kết hôn với nhau thì liền đem tài sản ra phân chia: “Tương lai khi hai ta ly hôn thì cái này là của tôi, cái kia của anh”, thế càng thoải mái hơn. Hoàn toàn không còn [chuyện] phụ nữ gả cho đàn ông rồi thì phải nương tựa vào đàn ông; mà đàn ông không còn nghĩ rằng người phụ nữ ấy một khi đã gả cho mình, người phụ nữ đã phó thác cả đời cho mình rồi, thì mình cần phải có trách nhiệm với cô ấy, hoàn toàn chẳng còn cái tâm này nữa. Lợi ích cá nhân, tự do cá nhân là trên hết, thế thì chư vị còn tìm đâu được sự ấm áp của gia đình nữa. Tranh đấu hơn thua với nhau, chẳng ai chịu ai, tôi nói với chư vị rằng đó chẳng phải là trạng thái của con người! (vỗ tay) Giữa vợ chồng đều không dám tin tưởng nhau, chẳng có nơi nào có thể khiến chư vị có được cảm giác an toàn, ấm áp, êm ấm, chư vị sống thế chẳng khổ ư?”
Tình trạng hôn nhân ở Trung Quốc đại lục là một mô hình thu nhỏ của tình trạng hôn nhân hiện tại của nhân loại. Tôi cho rằng pháp luật không thể giải quyết những vấn đề căn bản do đạo đức suy đồi gây ra, vấn đề hôn nhân chỉ có thể giải quyết được thông qua trách nhiệm, tính tự giác, lòng yêu thương và lòng tự trọng giữa người với người. Hôn nhân là nền tảng của đời sống xã hội, từ xa xưa có những yêu cầu đạo đức vô cùng khắt khe đối với vấn đề hôn nhân. Nếu mọi người buông thả bản thân và không coi trọng đạo đức trong hôn nhân, thì việc giáo dục con cái của họ và bầu không khí xã hội sẽ bị tổn hại rất nhiều. Hậu quả của mọi hành động của con người chỉ có thể là tự chính mình gánh chịu, và các tiêu chuẩn đo lường của Thần đối với con người trước giờ sẽ không bởi do ý nguyện của con người hay những biến đổi của xã hội mà thay đổi. Quay trở về với chuẩn mực đạo đức của con người là sự lựa chọn lý tính duy nhất của nhân loại.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/10074
Ngày đăng: 24-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.